Bản tin thị trường – ngày 28/8/2020

458
Tiêu điểm
Huawei hoảng loạn
Huawei dang loay hoay và căng thẳng trong việc chống đỡ các lệnh trừng phạt từ chính phủ Mỹ. Và nếu không thể đối phó được với các hạn chế này, thì họ sẽ chỉ còn là một “cái bóng của chính mình”.
Vào đầu tháng này thì Mỹ đã thêm 38 chi nhánh của Huawei, tại Bắc Kinh, Hong Kong, Paris, Berlin và Mexico vào “danh sách đen”,  khiến họ không được phép mua sản phẩm hay bất cứ loại chip nào được sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ của Mỹ nếu không có giấy phép đặc biệt. Con số này đã nâng tổng số chi nhánh của Huawei trong “danh sách đen” lên tới 152, tính từ tháng 5/2019. Điều này đã khiến hãng điện tử của Trung Quốc gặp nhiều chốt chặn trong việc tiếp cận với công nghệ sản xuất chip điện tử.
Theo Nikkei Asian Review, thì mới đây, Huawei đã bắt đầu cố gắng tích trữ càng nhiều chip càng tốt khi Mỹ siết chặt lại lệnh cấm. Họ đã đặt mua các phụ tùng quan trọng trong việc sản xuất smartphone, như chip 5G, Wi-Fi và module màn hình từ các đối tác như Realtek, RichWave, Novatek và MediaTek. Hơn thế nữa, hãng công nghệ này còn gom chip bộ nhớ từ SK Hynix và Samsung, mua ống kính chụp hình cho smartphone từ Largan Precision và Sunny Optical Technology.
Theo giới phân tích trong ngành, thì số lượng sản xuất smartphone của hãng có thể giảm tới 75%,  xuống dưới 50 triệu máy trong năm tới nếu Huawei hết linh kiện và phụ tùng. Một nguồn tin tiết lộ, nguồn dự trữ chip 5G của Huawei đang cạn dần và dự kiến sẽ hết vào quý I/2021.
Hiện tại thì Huawei vẫn được thị trường tiêu dùng nội địa Trung Quốc ủng hộ. Tuy nhiên, việc suy giảm số lượng sản xuất của smartphone có thể khiến doanh số của hãng mất tới 30% vào năm sau, chủ yếu vào tay các đối thủ nội địa như Xiaomi và Oppo. Trong khi đó trên thị trường thế giới thì Samsung và Apple có thể sẽ là những công ty được hưởng lợi lớn nhất khi doanh số của Huawei sụt giảm.
Vì những điều trên mà bây giờ Huawei đã gấp rút đẩy nhanh các tiến độ đặt mua linh kiện sản xuất trước 0h ngày 14/9 (thời điểm lệnh cấm của Mỹ bắt đầu có hiệu lực), nhằm đảm bảo cho nguồn dự trữ trong quá trình sản xuất smartphone của họ.
Bên trong một khách sạn dát vàng. Ảnh minh họa
1/ Hôm nay, tại TP.HCM, giá vàng SJC hiện giao dịch ở mức 55,25 – 56,2 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 50.000 đồng/lượng và 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Đây là lần đâu tiên kể khi giá vàng thế giới lên đỉnh vào ngày 6/8, mà giá mua vào – bán ra chỉ chênh nhau dưới 1 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi đó, lúc hơn 8h sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco.com có biên độ tăng 2,7 USD, giao dịch ở mức 1.931,3 USD/ounce. Trước đó, lúc 6h sáng, giá vàng giao ngay sụt giảm xuống còn 1.926 USD/ounce, trong phiên giá cao nhất lên tới 1.980 USD/ounce.
2/ Xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang thị trường lớn nhất là Mỹ trong tháng 7 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng tốt trong những tháng tiếp theo. Theo đó, XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 7/2020 tăng trưởng tốt 45,3% so với tháng 7/2019. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 435,2 triệu USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dịch Covid-19, XK tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dương trong cả tất cả các tháng của 7 tháng đầu năm nay, nhờ ổn định lại nguồn sản xuất nhanh hơn sau Covid-19, trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề.
3/ Sau một thời gian dài xuống giá và giữ ở dưới giá thành sản xuất, thì gần một tháng nay giá trứng gia cầm đã quay đầu tăng trở lại. Qua khảo sát một số chợ dân sinh và siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá trứng gia cầm đã tăng lên trung bình 500 – 600 đồng/quả. Cụ thể, giá trứng vịt dao động 2.500 – 2.800 đồng/quả, trứng vịt lộn 3.300 đồng/quả, trứng gà ta 3.500 – 4.000 đồng/quả, trứng gà đỏ 2.200 – 2.500 đồng/quả…
4/ Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại khu vực phía Nam cho biết đã bước đầu “hưởng lợi” về giá sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. Dù EVFTA chỉ mới thực thi chưa đầy 1 tháng nhưng những tác động tích cực của Hiệp định này đến ngành gạo xuất khẩu trong những ngày qua được doanh nghiệp đánh giá rất khả quan. Theo đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn (tùy loại) so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Nhờ xuất khẩu tích cực, việc thu mua lúa tại nội địa cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày qua cũng được ghi nhận luôn giữ ở mức cao.

5/ Với nhiều nỗ lực ứng phó tình hình dịch bệnh, áp dụng các biện pháp phòng dịch nhằm đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh cũng như điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp tình hình mới, doanh thu của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã có sự tăng trưởng. Theo đó, doanh thu thuần của PNJ trong tháng này vẫn vượt 10% so với cùng kỳ, đạt 1.307 tỷ đồng, đưa lợi nhuận sau thuế tăng 1,2 tỷ đồng so với tháng 7/2019, đạt 55,4 tỷ đồng. Trong đó, mảng bán lẻ tiếp tục đóng vai trò chính, chiếm 55,26% tỷ trọng doanh thu, tiếp tục tăng so với tỷ trọng 52,44% năm trước.
6/ Bộ Tài chính vừa có báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019 của 53 doanh nghiệp Nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tổng doanh thu năm 2019 của 53 doanh nghiệp tăng hơn 15% so với năm trước, lên gần 720.000 tỷ đồng. Tuy tổng doanh thu tăng nhưng lãi sau thuế của 53 doanh nghiệp này vẫn giảm 11% xuống 52.200 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận kém đi chủ yếu là do kết quả kinh doanh sụt giảm của các doanh nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn như, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

7/ Ủy ban Xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia của Indonesia đang tiếp tục ưu tiên phát triển một loại vaccine riêng mang tên “Đỏ và Trắng” (màu quốc kỳ Indonesia). Phát biểu tại phiên điều trần trước Hạ viện ở Jakarta hôm 27/8, ông Erick Thohir, chủ tịch của Ủy ban, cho biết chính phủ sẽ cung cấp vaccine miễn phí cho người dân bằng cách sử dụng ngân sách nhà nước và sử dụng dữ liệu của hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia (BPJS) làm cơ sở cho việc quản lý vaccine. Ông Thohir cũng cho hay, các công ty dược phẩm Indonesia đã hợp tác với hai công ty của Trung Quốc và UAE để mua vaccine. Cụ thể, công ty dược phẩm quốc gia Bio Farma và Sinovac đã cam kết sẽ sản xuất 20 triệu liều vaccine vào cuối năm nay và 250 triệu liều vào năm 2021.
8/ Viện An sinh Xã hội quốc gia Italy (INPS) ngày 27/8 cho biết trong 5 tháng đầu năm 2020, nước này mất hơn 700.000 việc làm trong khu vực tư nhân so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo INPS, số lao động được tuyển dụng mới trong khu vực tư nhân ở Italy trong giai đoạn từ tháng 1 – 5 vừa qua, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến việc số người mất việc làm cao hơn số người được được tuyển dụng mới, tới ít nhất 742.000.
9/ Công cụ xét nghiệm có tên BinaxNOW của Abbott Labs mới được cấp phép sử dụng được các chuyên gia đánh giá là có khả năng tạo ra đột phá khi có thể cho kết quả chỉ trong 15 phút. Theo phóng viên TTXVN tại Washington, thì một quan chức Nhà Trắng xác nhận rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch mua toàn bộ 150 bộ triệu xét nghiệm nhanh Covid-19 mới mà Abbott Labs sẽ sản xuất trong năm nay, một phần trong thỏa thuận trị giá 750 triệu USD mà Tổng thống Trump công bố vào cuối ngày 27/8 (giờ Mỹ).
10/ Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã ngừng mua dầu thô từ Trung Quốc. Theo đó, động thái này được cho là do luật mới mà các nhà lập pháp Ấn Độ thông qua nhằm hạn chế nhập khẩu từ các nước láng giềng, trong bối cảnh quan hệ song phương với Trung Quốc xấu đi sau cuộc đụng độ ở khu vực biên giới Trung – Ấn. Hồi đầu tháng 8, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã ngừng thuê tàu chở dầu và nhiên liệu do Trung Quốc sở hữu hoặc mang cờ Trung Quốc. Thêm vào đó, nguồn tin của Bloomberg cũng nói rằng, các tàu do Trung Quốc sở hữu hoặc đăng ký, sẽ bị cấm tham gia đấu thầu tàu chở dầu, dùng để nhập khẩu dầu thô vào Ấn Độ hoặc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ ra khỏi Ấn Độ.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA (Tổng hợp)

Bản tin thế giới – ngày 28/8/2020