Bản tin thị trường – ngày 31/8/2020

459
Từ cuối năm 2018, Trung Quốc đã nâng số loại rác thải rắn bị cấm nhập khẩu từ 24 lên 32 loại, góp phần giảm 50% lượng rác ô nhiễm môi trường - Ảnh: Reuters
Tiêu điểm:
Trung Quốc đặt mục tiêu cấm nhập khẩu rác thải rắn từ cuối năm 2020
Luật sửa đổi của Trung Quốc về ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm môi trường liên quan đến rác thải rắn sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày mai 1/9/2020. Luật này từng bước cấm nhập khẩu các rác thải loại này.
Luật đề ra các nguyên tắc chung và chính quyền địa phương sẽ điều chỉnh những nguyên tắc này căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương. Luật cũng đặt ra cơ chế quản lý nghiêm ngặt hơn với rác thải xây dựng, nông nghiệp, cũng như các loại chất thải độc hại. Các biện pháp chế tài sẽ nghiêm khắc hơn.
Rác thải, đặc biệt là rác thải rắn, là một thách thức môi trường nghiêm trọng ở Trung Quốc. Từ đầu những năm 1980, Trung Quốc đã nhập một lượng rác thải khổng lồ hàng trăm triệu tấn nhựa, rác thải điện tử và kim loại phế liệu của nước ngoài để tái chế. Tuy vậy, lượng rác thải rắn được nhập khẩu trong năm 2018 chỉ còn 22,6 triệu tấn, giảm 47% so với năm 2017.
Từ tháng 7/2019, Trung Quốc bắt đầu cấm nhập khẩu nhiều loại thép phế liệu, bắt giữ hàng trăm vụ buôn lậu phế liệu. Nước này cũng đặt mục tiêu “xóa sổ” việc nhập khẩu rác thải vào cuối năm 2020.
Trong khi đó, các nhà môi trường lo ngại lượng rác thải rắn bị Trung Quốc từ chối nhập khẩu có thể đổ bộ vào các nước Đông Nam Á. Các nước Malaysia, Thái Lan và Philippines đã từng gửi trả hàng chục container rác thải về nơi nguyên quán là các nước phương Tây phát triển.
1/ Nhà cung cấp giải pháp thanh toán điện tử NextPay Holdings, của Việt Nam, đang xem xét phát hành riêng lẻ, để huy động khoảng 60 – 100 triệu USD trong quý đầu tiên của năm tới, trước khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2022. Nguyễn Hữu Tuất, đồng sáng lập và kiêm Giám đốc điều hành của công ty, đã nói với DealStreetAsia rằng NextPay đang tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho đợt phát hành riêng lẻ và sẽ cung cấp cho họ 20% cổ phần. Ông cũng cho biết thêm rằng công ty hiện đang hội đàm với năm nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Có hơn 30 loại ví điện tử trên thị trường tài chính vi mô tại Việt Nam – Ảnh: Reuters
2/ Hôm nay, giá vàng miếng SJC được niêm yết mức 56 triệu đồng/lượng (mua vào) – 56,95 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng (chiều mua) và 50.000 đồng/lượng (chiều bán). Chênh lệch giá mua vào và bán ra dao động khoảng 700.000 – 950.000 đồng. Sáng nay, giá vàng thế giới tăng 3,8 USD/ounce, lên mức 1.968,1 USD/ounce trên sàn Kitco.com. Trước đó, lúc đầu giờ, giá tăng gần 10 USD/ounce.
3/ Khoảng một tháng qua, giá thanh long xuống thấp tận đáy, khiến nông dân thêm khổ sở. Tuy nhiên, trong một tuần nay, giá loại trái cây này đã khởi sắc trở lại, dao động 17.000 – 18.000 đồng/kg với thanh long ruột đỏ loại 1 xuất khẩu. Riêng loại 2 và 3 bán nội địa cũng được 7.000-9.000 đồng/kg. Với khung giá này, giá thanh long dường như trở lại ở mức bình thường. Nhưng hiện hầu hết các nhà vườn lại không còn nhiều hàng để bán vì thanh long đang dần về cuối vụ.
4/ Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, đến cuối tháng 7/2020, tổng đàn heo của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn heo trước khi có bệnh dịch tả heo châu Phi, tức khoảng 31 triệu con vào cuối năm 2018. Do đàn heo sụt giảm, giá thịt heo nhiều địa phương vượt mốc 100.000 đồng/kg, cao nhất trong lịch sử. Hiện giá heo đã hạ nhiệt so với đỉnh điểm tháng 5, song với mức giá xuất chuồng khoảng trên dưới 80.000 đồng/kg thì doanh nghiệp chăn nuôi đang lãi khủng.
5/ Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2020 này, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trên cả nước tăng 70,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34.300 doanh nghiệp, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 24.200; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 10.400; trong đó có 9.200 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, 168 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng.
6/ Thời kỳ đen tối nhất của du lịch Việt Nam sẽ còn kéo dài trong rất nhiều tháng tới và sẽ là một cuộc sàng lọc cực kỳ khốc liệt với doanh nghiệp du lịch – Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn nhận định. Số lượng khách quốc tế trong tám tháng đầu năm 2020 tụt “vô cực” chỉ còn 1% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đón hơn 1,99 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 1/2020, nhưng đến tháng 8 này con số trên chỉ còn 16.300 lượt, giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng, lượng khách quốc tế chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ.
Mảng du lịch quốc tế, nơi đóng góp đến hơn 55% tổng thu từ du lịch của Việt Nam tăng trưởng rất cao trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn 2015-2019, lượng khách đến tăng khoảng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, đạt mức tăng trưởng bình quân lên đến 22% mỗi năm.
Sự tăng trưởng cao liên tục nhiều năm liên đã kéo theo dòng đầu tư lớn cho du lịch. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính đến cuối năm ngoái, cả nước có 2.667 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 phòng. Số lượng phòng khách sạn tăng bình quân 15,1%/năm trong giai đoạn 2015-2019.
7/ Từ ngày mai 1/9, Việt Nam sẽ thu phí với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả các nơi cách ly. Thủ tướng Chính phủ cũng giao các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế đến các nơi có hệ số an toàn cao.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn gấp để thực hiện việc thu phí đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả các nơi cách ly từ ngày mai (1-9).
Để mở rộng việc thực hiện cách ly tại cơ sở lưu trú, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã yêu cầu các địa phương rà soát và cập nhật danh sách các khách sạn, khu nghỉ… thực hiện việc này. Tính đến ngày 6/8/2020, có 173 cơ sở lưu trú với 11.733 phòng (17.406 giường) của 25 tỉnh, thành trên cả nước được huy động phục vụ cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
8/ Dịch Covid-19 đã tác động khá lớn đến tiền lương, thu nhập của người lao động. Thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý 2 vừa rồi là 5,2 triệu đồng, giảm 525.000 đồng so với quý trước, tức giảm 9,17%. So với cùng kỳ năm trước, mức thu nhập này giảm 279.000 đồng, tức 5,09%.
Trong khi đó, số liệu công bố hồi tháng 6 của Tổng cục Thống kê cho thấy có 31 triệu người bị mất việc làm và giảm thu nhập trong đợt dịch Covid đầu tiên. Nếu tình hình không cải thiện cho đến cuối năm, lực lượng bị ảnh hưởng này sẽ tăng thêm 5 triệu người.
9/ Tình trạng thiếu nhân viên chăm sóc người cao tuổi được đào tạo bài bản ngày càng trở nên cấp thiết ở cả thị trường lao động trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, nhu cầu trong ngành chăm sóc được dự báo sẽ gia tăng sau đại dịch Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, chăm sóc viên, bởi vì nhiều khả năng đến năm 2030 nguồn nhân lực điều dưỡng trong nước sẽ thiếu khoảng hơn 50.000 người.
Trong khi đó, theo Tạp chí Common Wealth của Đài Loan, cuộc tranh giành hộ lý và điều dưỡng viên Việt Nam diễn ra khá gay gắt giữa Nhật Bản và Đài Loan trong năm 2019. Đài Loan có hơn 18.000 người Việt đang làm việc tại gia đình và trong các nhà dưỡng lão. Nhật Bản đặt kế hoạch thu hút ít nhất 10.000 lao động Việt Nam làm trong ngành điều dưỡng. Hệ thống an sinh xã hội của hai nơi này đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Cả hai đang hướng đến Việt Nam và Đông Nam Á để bổ sung nguồn lực trong ngành này…
Các điều dưỡng viên Việt Nam đang tập huấn tại một trung tâm y tế ở Tokyo – Ảnh: Nikkei Asian Review
10/ Hãng thời trang lâu đời nhất tại Mỹ chính thức đóng cửa sau gần 200 năm hoạt động. Lord & Taylor cho biết rằng trang web và 38 cửa hàng bán lẻ còn lại của hãng này đã bắt đầu bán thanh lý sản phẩm. Như vậy thì Lord & Taylor đã gia nhập danh sách doanh nghiệp đệ đơn xin phá sản kể từ tháng 3/2020 tới nay kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Trước đó, danh sách này đã bao gồm các tên tuổi như Neiman Marcus Group Inc., Brooks Brothers, J.Crew Group Inc. và J.C. Penney Co. JCP… nộp đơn xin phá sản sau một thời gian dài phải vật lộn với khó khăn do đại dịch Covid-19.
11/ Kinh tế Canada đã suy giảm 38,7% trong quý 2/2020 do các tác động của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Canada phải đối mặt với thách thức thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng nhanh khi tung ra các biện pháp cứu trợ kinh tế khẩn cấp. Trước đó, GDP quý 1/2020 của Canada đã giảm 8,2%. Suy giảm kinh tế tại Canada ở mức cao nhất khi dịch Covid-19 đạt đỉnh tại nước này trong tháng 4 và tháng 5/2020. Dữ liệu thống kê cho thấy chi tiêu hộ gia đình Canada trong quý 2/2020 giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019, do nhiều người bị mất việc làm. Tháng 6 vừa qua, Fitch Ratings cũng đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm AAA của Canada xuống “AA+”, với lý do tình hình tài chính công của Canada đang xấu đi do đại dịch Covid-19.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA (Tổng hợp)
Bản tin thế giới – ngày 31/8/2020