Bản tin thị trường – ngày 4/9/2020

Cá cơm và muối Bà Rịa - Ninh Thuận được ướp trong thùng gỗ tốt và 'chăm bẵm' trong 18 tháng để ra nước mắm - Ảnh: Nước mắm Lê Gia

Tiêu điểm:

Nước mắm truyền thống đã có hiệp hội riêng

Sau ba năm xin phép thì cuối cùng Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam đã được cấp phép. Hội sẽ có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động của chính mình.

Ông Lê Ngọc Anh, chủ thương hiệu nước mắm Lê Gia và là ủy viên Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam, cho biết rằng hiện tại để chính thức bắt đầu hoạt động thì Hiệp hội hiện chỉ còn đang chờ đợi tổ chức đại hội, bầu ban chấp hành, chủ tịch và các cơ quan chức năng phê duyệt điều lệ hoạt động. Hiệp hội sẽ quy tụ các doanh nghiệp nước mắm được chế biến ướp chượp tại nhà thùng truyền thống, đủ tháng đủ ngày để cho ra nước mắm truyền thống nguyên chất. Có thể kể tên Khải Hoàn, Thanh Quốc (nước mắm Phú Quốc), nước mắm Nha Trang, Cát Hải, Phan Thiết, Bình Thuận…

Trước đó, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã được thành lập, bao gồm các thương hiệu nước mắm công nghiệp như Chinsu, Nam Ngư…

Việc thành lập của Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam bị trì hoãn trong ba năm qua do cùng lúc có hồ sơ thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam được gửi lên Bộ Nội vụ với lĩnh vực hoạt động tương tự. Sau thời gian thương thảo bất thành về việc gộp hai làm một, Bộ Nội vụ cuối cùng cho phép hai tổ chức thành lập riêng. Hôm qua 3/9, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam đã được Bộ Nội vụ ký quyết định số 609/QĐ-BNV cho phép thành lập.

Con đường xin phép ba năm mở ra một chương mới cho sự phát triển của nước mắm truyền thống Việt Nam: tăng cường sự hiện diện trong các bữa ăn của các gia đình Việt Nam và bước ra thế giới với đúng tên “nước mắm truyền thống Việt Nam”.

Ngư dân Phú Yên đánh bắt được cá ngừ vây xanh 367kg – Ảnh: Trần Trung

1/ Sau nhiều tháng giảm mạnh, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU bật tăng từ tháng 7. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2020, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng bước sang tháng 7 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này lại tăng 65% so với so với cùng kỳ. Việc Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tác động mạnh tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU, nhờ vào việc các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ được xóa bỏ thuế quan.

2/ Hôm nay 4/9, giá vàng miếng SJC xoay quanh mức 55,85 – 56,80 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn đang ở mức 0,95 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới thì giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1.939,4 USD/ounce, giảm 3,7 USD, tương đương 0,19% giá trị so với chốt phiên trước.

3/ Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên số lượng doanh nghiệp lĩnh vực kinh doanh bất động sản giải thể nằm trong top đầu với 620 doanh nghiệp. Lĩnh vực này nằm trong nhóm có số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể cao nhất. Trong 8 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34.300 doanh nghiệp, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2019.

3/ TP.HCM đề nghị sử dụng nguồn quỹ vận động để xem xét hỗ trợ gần 27.500 người lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với mức hỗ trợ dự kiến là 1 triệu đồng/người. Để nhận được gói hỗ trợ, người lao động tự do phải đảm bảo không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn chuẩn nghèo TP.HCM (dưới 3 triệu đồng/người/tháng); và có ngành nghề thuộc lĩnh vực đã phải tạm ngừng hoạt động trong tháng 4/2020. Đó là những lao động làm việc ở rạp hát, rạp chiếu phim, quán bar và nhà hàng…

4/ Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, kết thúc tháng 8/2020, Kho cảng PV GAS Vũng Tàu (KCTV) đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh với kỷ lục xuất hàng khí đốt hóa lỏng (LPG). Trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thì Kho cảng PV GAS Vũng Tàu đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt đối vớ tất cả các khâu hoạt động. Sản lượng LPG qua kho đạt đỉnh 139.580 tấn, tương đương 2 vòng quay kho; trong đó, có 90 lượt tàu cập/rời cảng; 1.956 lượt xe bồn vào nhận hàng.

5/ Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh đã thông qua việc thôi giữ chức vụ và miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc của ông Wood Rahn kể từ ngày 1/9/2020. Ông Rahn mới được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Mai Linh từ tháng 2/2020 và đến tháng 3/2020 tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Tập đoàn phụ trách kinh doanh. Như vậy, ông đã bị miễn nhiễm chức vụ chỉ sau mới 7 tháng làm việc. Thay vào đó, Mai Linh bổ nhiệm ông Phạm Minh Sương sinh năm 1971 giữ chức vụ quyền Tổng giám đốc.

6/ Grab đang chuẩn bị có một bước tiến mới khi sát nhập với đối thủ cạnh tranh là Gojek. Theo thông tin từ DealStreetAsia, các cuộc đàm phán về việc sát nhập 2 nền tảng gọi xe là Grab và Gojek đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, Softbank và các nhà đầu tư khác của Grab và Gojek đang tích cực thúc đẩy hoàn tất thương vụ này. Việc đàm phán sát nhập giữa Grab và Gojek là chủ đề đã được nhắc tới từ lâu. Tuy nhiên, cái khó của thương vụ này nằm ở các quy định pháp luật liên quan đến cạnh tranh, cùng với đó là sự phản đối từ các nhà chức trách.

7/ Tài sản của 10 tỷ phú công nghệ “bốc hơi” 44 tỷ USD chỉ sau một đêm sau khi đà tăng trưởng tài sản của họ đã đột ngột chấm dứt vào hôm qua 3/9. Tổng tài sản của 10 tỷ phú giàu nhất trong ngành này đã sụt giảm bởi 44 tỷ USD sau khi chứng khoán Mỹ có phiên lao dốc mạnh nhất trong gần 3 tháng nay do các nhà đầu tư lo ngại về mức định giá quá cao. Cú đảo chiều nhấn mạnh bản chất “sớm nở tối tàn” của “tài sản trên giấy”, đặc biệt là trong một thị trường liên tục lập kỷ lục trong khi nền kinh tế thực đang ở trong trạng thái khủng hoảng.

8/ Trung Quốc đã phê duyệt thêm hai nhà máy điện hạt nhân ở các tỉnh ven biển Hải Nam và Triết Giang với chi phí dự kiến ​70 tỉ nhân dân tệ (10,24 tỉ USD). Theo báo South China Morning Post (SCMP) cho biết, thì công trình ở đảo Hải Nam dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2026 và ở Chiết Giang dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2025. Trong đó, nhà máy điện hạt nhân ở đảo Hải Nam nằm cách đảo Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng của Việt Nam khoảng hơn 100 km. Các nhà phân tích tại hãng chứng khoán Huajin Securities (Trung Quốc) cho rằng quyết định này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ bật đèn xanh cho việc xây dựng các nhà máy hạt nhân, với 4-6 dự án ​​sẽ được phê duyệt mỗi năm trong vài năm tới.

Bản tin thế giới – Ngày 4/9/2020

Lê Hiếu – Ricky Hồ / BSA