Bản tin thị trường – ngày 5/8/2020

1031
Tiêu điểm: 
Lỗ 15.200 tỷ đồng, Vietnam Airlines bán 9 máy bay để bù đắp
Sau nhiều lần trì hoãn, dự kiến ngày 10/8 tới, đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines sẽ nhóm họp. Tại lần họp này, HĐQT Vietnam Airlines sẽ trình chủ trương bán 9 máy bay A321CEO sản xuất năm 2007-2008 – bao gồm phương án dự phòng Sale and Lease back (SLB) đối với 3 máy bay sản xuất năm 2008.
Ngoài 6 chiếc dự kiến bán theo kế hoạch thanh lý máy bay trên 12 tuổi đời, hãng hàng không này dự kiến đẩy sớm chương trình bán 3 tàu A321CEO sản xuất 2008 lên giai đoạn 2020-2021 (kế hoạch bán ban đầu là giai đoạn 2023-2024). Đồng thời dự phòng phương án SLB cho 3 máy bay này nếu có hiệu quả tài chính hơn so với phương án bán.
Do ảnh hưởng của dịch, đội bay của Vietnam Airlines và Vietnam Airlines Group (bao gồm cả Pacific Airlines) sẽ dư thừa nhiều máy bay thân rộng và thân hẹp. Theo kịch bản điều hành và các dự báo hiện tại, số lượng tàu bay sẽ dư thừa khoảng 25 chiếc trong 6 tháng cuối năm 2020 (đã bao gồm 6 tàu bán theo kế hoạch) và 6 chiếc vào năm 2021
“Để trả nợ và bù đắp dòng tiền thâm hụt, tổng công ty sẽ phải thực hiện cơ cấu lại tài sản để vừa giải phóng một phần nguồn lực dư thừa do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh Covid 19, vừa có thêm dòng tiền và thu nhập”, văn bản trình chủ trương của Vietnam Airlines nêu rõ.
Do khó khăn về tài chính nên hãng hàng không quốc gia dự kiến sẽ không chia cổ tức trong năm 2020. Vietnam Airlines dự kiến lỗ 15.200 tỷ đồng trong năm nay.
1/ Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 5/8, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại TP.HCM ở mức 57,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 58,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Mức giá này đã tăng 1 triệu đồng/lượng so với cùng thời điểm hôm qua. Tại Hà Nội, giá mua vào được niêm yết tương tự nhưng giá bán ra là 58,72 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce và tiếp tục tăng phi mã. Khép phiên này, giá vàng giao ngay tăng 2,12% lên 2.018,54 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn có lúc tăng lên mức cao kỷ lục 2.034,4 USD/ounce trước khi khép phiên ở mức 2.021 USD/ounce – tăng 1,7% so với phiên trước đó.
2/ Giá cà phê thị trường hôm nay ghi nhận mức tăng sốc kỷ lục. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm tới nay với nhiều vùng trọng điểm vượt mốc 33.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tăng 800 đồng/kg nhảy vọt lên 33.600 đồng/kg, tại Đắk Nông cũng tăng 800 đồng/kg lên mức 33.400 đồng/kg. Tương tự giá cà phê hôm nay tại Gia Lai hôm nay tăng 800 đồng/kg nhảy vọt lên 33.300 -33.400 đồng/kg. Đà tăng của giá cà phê trong nước sáng nay do tác động từ đà đi lên từ hai sàn cà phê lớn nhất tại London và New York. Cụ thể, đầu giờ sáng nay(giờ Việt Nam) giá cà phê Robusta tại London tăng 53 USD/tấn (mức tăng 3,92%) và tại sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica cũng tăng 3,15 cent/lb (mức tăng 2,67%).
3/ Nguồn nhập khẩu dồi dào khiến giá heo 3 miền giảm mạnh. Tại miền Bắc giá heo hơi giảm 1.000 – 3.000 đồng/kg so với hôm đầu tuần, cụ thể, tại Thái Nguyên giá heo hơi giảm mạnh 3.000 đồng/kg xuống mức 88.000 đồng/kg. Tại Ninh Bình giảm 2.000 đồng/kg xuống 88.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bắc Giang giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống mức 90.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại các tỉnh miền Trung đến 4/8 ghi nhận cao nhất ở mức 87.000 đồng/kg và thấp nhất là 81.000 đồng/kg. Tại miền Nam giá heo hơi đang đứng, chờ thêm các thông tin mới từ thị trường, giao dịch trong khoảng 85.000 – 89.000 đồng/kg.
4/ Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn tại thị trường này do ổn định sản xuất nhanh sau Covid-19. Trong khi đó, các nhà nuôi tôm ở Ấn Độ và Ecuador vẫn đang chịu tác động mạnh của dịch.
5/ Giá xăng dầu thế giới phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam) bất ngờ đảo chiều sau khi đạt mức tăng cao nhất trong 6 tuần qua nhờ lượng dữ trữ dầu thô của Mỹ giảm kéo dài. Cụ thể, dầu thô WTI giảm 0,14 USD/thùng tương ứng 0,34% xuống mức 41,56 USD/thùng; dầu Brent giảm 0,13 USD/thùng tương ứng 0,29 xuống mức 44,30 USD/thùng. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô WTI ngưỡng 41,70 (phiên trước đó 41,01 USD/thùng); Dầu Brent ngưỡng 44,43 (phiên trước đó 43,15 USD/thùng).
6/ Việt Nam tiếp tục xuất siêu 6,5 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm 2020, cao hơn nhiều so với con số 1,98 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%.
7/ Công ty năng lượng Banpu và chi nhánh kinh doanh điện lực là Banpu Power (BPP) của Thái Lan vừa liên kết mua nhà máy Điện gió Mũi Dinh (El Wind Mui Dinh) có công suất 37,6 MW ở tỉnh Ninh Thuận. Thương vụ này trị giá 66 triệu USD. Điện gió Mũi Dinh vận hành từ tháng 4/2019 và được hưởng giá bán điện 8,5 cent Mỹ/kWh trong thời gian lên tới 20 năm.
8/ Theo South China Morning Post, việc chính phủ Nhật Bản chi 653 triệu USD cho 87 công ty Nhật di dời cơ xưởng ra khỏi Trung Quốc sẽ làm chính quyền địa phương lo lắng vì “mất thể diện”.  Ông Hideo Kawabuchi, Phó tổng giám đốc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Bắc Kinh, cho biết chính phủ Nhật Bản muốn doanh nghiệp nước này đa dạng hóa chuỗi cung ứng thay vì từ bỏ hoàn toàn Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 4 do JETRO thức hiện với sự tham gia của 424 công ty Nhật Bản có trụ sở tại miền đông Trung Quốc, 86% cho biết họ vẫn chưa có kế hoạch để thay đổi chuỗi cung ứng hoặc chuyển sản xuất sang nước khác.
9/ Tomorrow Group – một cổ đông lớn của Ngân hàng Baoshang, Trung Quốc – đã vay trái phép 156 tỷ NDT (22,3 tỷ USD) từ ngân hàng này với 349 khoản vay từ 209 công ty vỏ bọc trong hơn 15 năm qua (2005-2019). Đặc biệt hơn, Ngân hàng Baoshang và Tomorrow Group đều thuộc quyền sở hữu của ông trùm tài chính Trung Quốc Xiao Jianhua – người đang chờ xét xử vì tội nhận hối lộ và thao túng giá cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa Baoshang gặp nợ xấu và có khả năng sụp đổ.
10/ Cơ quan thống kê Indonesia hôm công bố báo cáo cho biết nền kinh tế Indonesia đã sụt giảm 5,3% trong quý 2/2020. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á này “teo lại” kể từ khủng khoảng tài chính châu Á năm 1997. Cơ quan này nói nguyên nhân chính là do thiếu biện pháp khống chế hiệu quả dịch COVID-19 và không có chính sách hỗ trợ . Theo Capital Economics, điều này sẽ dẫn tới việc Indonesia có khả năng sẽ trở thành một trong những nước phục hồi kinh tế chậm nhất trong khu vực.
11/ Virgin Atlantic, hãng hàng không của tỷ phú người Anh Richard Branson, đã nộp đơn xin bảo vệ phá sản (Chapter 15) tại tòa án Mỹ sau những tổn thất nặng nề do dịch Covid-19. Một luật sư của Virgin Atlantic cho biết trong đơn rằng hãng cần một lệnh từ tòa án Mỹ, để các điều khoản tái cấu trúc có thể được áp dụng. Branson đã kêu gọi sự giúp đỡ tài chính từ chính phủ Anh vào đầu năm nay nhưng bị từ chối, dù ông cam kết dùng khu nghỉ dưỡng ở đảo Caribe của mình để làm tài sản thế chấp. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính ngành hàng không sẽ mất 84 tỷ USD trong năm nay và doanh thu sẽ giảm một nửa so năm trước.
Lê Hiếu – Ricky Hồ/BSA (Tổng hợp)

Bản tin thế giới – ngày 5/8/2020