Bản tin thị trường – ngày 7/9/2020

424
Một chiếc phi cơ riêng tại sân bay Seletar, Singapore - Ảnh: The Straits Times
Tiêu điểm:
Thị trường chuyên cơ riêng cho doanh nhân: Cho thuê hay bán đứt?
Số doanh nhân Việt Nam đủ giàu để sắm máy bay riêng đang tăng lên. Tuy nhiên, để sắm được, giữ được và biến “cái hộp sắt biết bay” làm ra tiền chứ không phải để xay tiền, là một câu chuyện dài.
Từ “bầu Đức” đến Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long hay tỷ phú Trịnh Văn Quyết đều có chung một “giải pháp”: mua rồi bán và đi thuê lại khi cần!
Các dòng máy bay được chuộng như Embraer Legacy 600 hay Beechcraft King Air B300. Hay cả dòng máy bay rất mới HondaJet của hãng xe Honda cũng đang được chào bán tại TP.HCM và Hà Nội.
Xem link:
Thị trường chuyên cơ riêng cho doanh nhân: Cho thuê hay bán đứt?
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,85 – 56,75 triệu đồng/lượng, quay đầu tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào – bán ra theo đó được thu hẹp xuống còn 900.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1.939,8 USD/ounce, giảm tăng 5 USD, tương đương 0,26% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Người dân sẽ được mua điện bán lẻ trực tiếp. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã xây dựng đề án mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 đến năm 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay và giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.
3/ Giá heo hơi giảm về 74.000-75.000 đồng/kg, mức thấp nhất từ đầu năm nhưng sức mua tại các chợ truyền thống vẫn thấp. Từ cuối tháng 8, giá heo hơi trung bình cả nước dao động 78.000-83.000 đồng một kg, giảm 5.000-10.000 đồng so với cuối tháng 7. Ngày 6/9, giá mặt hàng này giảm tiếp xuống 74.000-75.000 đồng tại một số địa phương phía Bắc, như Lào Cai, Hà Nội. Đây là mức giá heo hơi thấp nhất từ đầu năm đến nay. Còn tại miền Trung – Tây Nguyên dao động 75.000-80.000 đồng mỗi kg. Sức tiêu thụ tại các chợ truyền thống hiện khá thấp.
4/ Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu cà phê của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 30.200 tấn, trị giá 135,55 triệu USD, giảm 0,04% về lượng, nhưng tăng 13,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Lượng cà phê nhập từ Việt Nam hiện chiếm 1/3 với 10.000 tấn, nhưng giá cà phê Việt nhập vào Trung Quốc lại khá thấp: trung bình 1.574 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với giá trung bình cà phê nhập vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay (4.480 USD/tấn), và đứng ở mức thấp nhất trong những nguồn cung cà phê cho Trung Quốc.
Cây cà phê tươi – Ảnh: choncafe
5/ Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT, tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2020, xuất khẩu sắn (khoai mì) và sản phẩm sắn ước đạt 1,78 triệu tấn với trị giá 619 triệu USD, tăng 15,6% về khối lượng và 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 8 tháng năm 2020 ước đạt 347,4 USD/tấn, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực trong 7 tháng đầu năm 2020. Cụ thể, tổng sản lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc 7 tháng đạt 1,44 triệu tấn, tương tương với 496 triệu USD, tăng 18,8% về sản lượng và tăng 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
6/ Việt Nam là quốc gia ASEAN duy nhất được dự báo tăng trưởng dương trong năm 2020. Chính phủ đang thúc đẩy nhiều hoạt động xây dựng, đầu tư công để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước. Việc chủ động đầu tư công nghệ hiện đại của nhiều doanh nghiệp ngành thép giúp sản phẩm có chất lượng tốt hơn, chinh phục khách hàng, đón đầu giai đoạn phục hồi sản xuất. Thống kê của Hiệp hội ngành thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong tháng 7, sản xuất thép các loại đạt hơn 2.106.562 tấn, tăng 7,7% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 424.734 tấn, tăng 41,37% so với tháng trước, và tăng 16,2% so với cùng kỳ tháng 7/2019.
7/ Sau hơn một tháng tạm ngưng để phòng, chống dịch Covid-19, các quán bar, vũ trường tại TPHCM được mở cửa hoạt động trở lại từ 18h chiều nay 7/9. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn phải tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể như: vệ sinh khử khuẩn bề mặt, trang bị dung dịch sát khuẩn đầy đủ, nhân viên phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh phòng hộ theo hướng dẫn của ngành y tế… UBND TPHCM cũng cho phép các hoạt động sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, các hội nghị được tổ chức bình thường nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
8/ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố thông tin phát hành trái phiếu thành công của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ. Chuỗi hiệu tóc ở Hà Nội huy động thành công lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm, đáo hạn vào năm 2030 với tổng khối lượng phát hành 738 tỷ đồng vào ngày 25/8/2020. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng. Công ty thanh toán tiền lãi định kỳ 12 tháng mỗi lần và toàn bộ tiền gốc trái phiếu vào ngày đáo hạn.
9/ Chuỗi cầm đồ Vietmoney vừa công bố hoàn thành gọi vốn vòng A với sự tham gia của quỹ Probus Opportunities và Digi Ventures. Thông tin từ Vietmoney cho biết Probus Opportunities và Digi Ventures sẽ đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và cùng tham gia vào Hội đồng quản trị của Công ty trong thời gian tới. Giá trị thương vụ đầu tư không được các bên tiết lộ. Ông Trịnh Văn Phương, nhà sáng lập Vietmoney cho biết Công ty sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư này vào việc mở rộng chi nhánh trong thời gian tới.
Chuỗi dịch vụ cầm đồ đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Hồi tháng trước, F88 công bố sẽ nâng số cửa hàng từ 200 lên thành 300 vào cuối năm nay.
10/ RedBull đã từ niềm tự hào thành nỗi thất vọng của người Thái Lan. Thương hiệu đồ uống năng lượng, một thời từng là niềm tự hào của người Thái Lan này, giờ đây đang trở thành biểu tượng cho sự bất bình đẳng, và những người tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền đã nhắc đến thương hiệu này trong những tuyên bố phản đối của họ. Cháu trai của ông Chaleo Yoovidhya, nhà sáng lập của Red Bull, ông Vorayuth Yoovidhaya, đã bị cáo buộc gây ra một vụ tai nạn chết người tuy nhiên không bao giờ bị truy tố. Nhiều người đã coi đây như sự đối xử đặc biệt dành cho tầng lớp siêu giàu tại Thái Lan.
Sản phẩm Redbull trong siêu thị ở Thái Lan – Ảnh: Nikkei Asia Review
11/ Chính phủ Hàn Quốc có chính sách cho vay tiền đối với người lao động nước ngoài, trong đó có lao động người Việt, hết hạn hợp đồng nhưng chưa có chuyến bay về nước. Chính sách này nhằm giúp người lao động có tiền chi trả các sinh hoạt thường ngày. Nguồn tiền cho vay theo chương trình trên được trích từ nguồn bảo hiểm mãn hạn hợp đồng về nước mà người lao động tích lũy được. Về số tiền vay và tiền lãi, người lao động được vay tối đa 50% số tiền bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh đã tích lũy được và phải trả lãi suất cho số tiền vay và thời gian vay thực tế là 1.5%/năm.
12/ Theo Interface, nhà máy sản xuất tivi duy nhất của Samsung ở Thiên Tân, Trung Quốc có thể ngừng hoạt động vào cuối tháng 10 tới. Nhà máy này hiện có ba dây chuyền lắp ráp tivi và 623 nhân viên. Đây là xưởng sản xuất quan trọng ở nước ngoài của Samsung Electronics, cung cấp cho thị trường Trung Quốc và nhiều nước khác. Tuy nhiên đến năm 2013, các thương hiệu tivi Trung Quốc tăng nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng khiến thị phần của Samsung bị giảm mạnh. Đến năm 2019, sản lượng tivi của Samsung tại Trung Quốc chỉ còn hơn một triệu chiếc, chiếm khoảng 2% thị phần.
13/ Theo số liệu của Tổng Cục hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2019. Con số này cũng cao hơn so với mức 7,1% được giới phân tích đưa ra trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters trước đó và mức tăng 7,2% trong tháng 7. Trong khi đó, nhập khẩu giảm 2,1%, sau khi giảm 1,4% trong tháng 7 và được các chuyên gia dự báo tăng 0,1% trong tháng 8. Như vậy, Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại 58,93 tỷ USD trong tháng 8, cao hơn so với dự báo thặng dư 50,5 tỷ nhưng thấp hơn mức thặng dư 62,33 tỷ trong tháng 7.
Giới chuyên gia kinh tế cho biết, xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh chứng tỏ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi nhanh và ổn định hơn chủ yếu nhờ các biện pháp kích thích kinh tế trong nước.
Trong khi đó, số liệu nhập khẩu gây thất vọng, cho thấy sự cần thiết phải thận trọng khi đánh giá sự tăng trưởng nhu cầu nội địa của Trung Quốc. Các chuyên gia cảnh báo triển vọng kinh tế vẫn chưa được đảm bảo khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại một số khu vực.

Lê Hiếu – Ricky Hồ / BSA

Bản tin thế giới – ngày 7/09/2020