Bản tin thị trường – ngày 8/10/2020

673
Ứng dụng mua hàng trực tuyến VinShop của Vin Group - Ảnh: VinID
Tiêu Điểm:
Số hóa tiệm tạp hóa gia đình
VinShop ban đầu có khoảng 20.000 cửa hàng tạp hóa gia đình ở TP.HCM và Hà Nội. Các ông bà chủ có thể đặt hàng trăm mặt hàng từ các nhà cung cấp thông qua ứng dụng này. Việc thanh toán cũng dễ dàng với ví điện tử VinID với 10 triệu khách hàng.  
VinShop đã bắt đầu xây dựng mạng lưới bán lẻ của mình từ tháng 7, với mục tiêu kết nối các nhà sản xuất hàng hòa và cửa tiệm qua ứng dụng với các chức năng mua hàng và phân phối. Các cửa hàng tạp hóa nhỏ hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ 7-Eleven, Ministop, B’s Mart và thậm chí cả Vinmart+ – hiện do tập đoàn Masan điều hành.
Theo báo cáo trong tháng 7 của hãng tư vấn Deloitte, doanh số bán hàng tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn đã đạt 170 triệu USD vào năm 2019, gấp khoảng bốn lần doanh thu của cửa hàng tạp hóa gia đình.
VinShop là sản phẩm mới nhất của tập đoàn Vingroup, sau xe hơi VinFast và điện thoại di động VinSmart, trong bối cảnh tập đoàn bán bớt các mảng kinh doanh khác để tập trung vào công nghệ và sản xuất. Vingroup cho biết ứng dụng của họ sẽ giúp nâng cao thu nhập của các cửa hàng tạp hóa, với doanh thu trung bình trước giờ là 432 USD/tháng, bằng cách tăng hiệu quả và cắt giảm chi phí.
Các đợt giãn cách xã hội đã khiến người Việt ít ra ngoài, sức mua giảm sút. Các thống kê cho thấy sức mua ở chợ truyền thống giảm mạnh trong đợt dịch đầu tháng 3 và tháng 4 vừa rồi. Đặc biệt là ở khu vực nông thôn và nhóm người có thu nhập thấp ở thành thị.
Trong khi đó, sức mua lại tăng ở hệ thống đại siêu thị, siêu thị và cửa hàng tiện lợi lại tăng. Sức mua ở chợ truyền thống và tiệm tạp hóa gia đình bắt đầu tăng trở lại trong những tháng gần đầy. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 7 về người mua sắm của Infocus Mekong Research, 36% cho biết họ sẽ ít đến các cửa hàng tiện lợi hơn, ngay cả sau khi đại dịch kết thúc.
Vấn đề quan trọng là số hóa và hình thành chuỗi tiệm tạp hóa gia đình bằng ứng dụng công nghệ hiện đại phải đáp ứng được hai tiêu chí quan trọng: giá cả tương đối, chất lượng hàng hóa tốt.
Thành công của các tiệm tạp hóa gia đình thuộc chuỗi VinShop vẫn cần thời gian dài để chứng minh, ít nhất là hai tiêu chí bên cạnh lợi nhuận gia tăng của các chủ cửa hàng, sự mở rộng chuỗi ở hai thành phố lớn và các thành phố khác ở Việt Nam.
Những nỗ lực tương tự nhằm hiện đại hóa các cửa hàng tạp hóa truyền thống thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại cũng đang diễn ra ở những quốc gia khác ở Đông Nam Á. Tại Indonesia, các công ty khởi nghiệp BukuWarung và BukuKas đã huy động được hàng triệu USD cho việc phát triển các ứng dụng trực tuyến tương tự.
1/ Hôm nay, Công ty Cổ Phần Phát Triển Ứng Dụng VISERVICE đã chính thức trình làng ứng dụng di động cung cấp dịch vụ gọi xe trực tuyến mang tên viApp. viApp  sẽ có phạm vi hoạt động tại tất cả mọi tỉnh thành ở Việt Nam, cung cấp hai dịch vụ gọi xe hơi và xe máy. viApp hiện đã có thể được tải về từ Google Play và App Store. Bên cạnh phương thức đặt xe theo giá cước cố định, thì người dùng cũng có thể lựa chọn phương thức tính cước phí dựa trên đồng hồ điện tử như các xe Taxi truyền thống. Với tính năng này, viApp cho phép các tài xế có quyền đón khách như các xe Taxi truyền thống và tính tiền dựa trên số Km thực tế. Người dùng viApp cũng có thể lựa chọn phương án thanh toán bằng tiền mặt, thông qua viPay hoặc thông qua ví điện tử Momo. Sự kết hợp với Momo là một điểm khác biệt của viApp, giúp khách hàng dễ dàng và tiện lợi hơn trong việc thanh toán.
2/ Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam vừa khởi công trang trại heo thịt ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Hà, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích gần 40 ha, dự án sẽ cung ứng cho thị trường hơn 130.000 heo thịt, tương đương hơn 14.000 tấn thịt heo mỗi năm. Mục tiêu của dự án nhằm cung ứng nguồn thịt sạch, an toàn cho thị trường đồng thời ổn định nguồn cung trước các loại dịch bệnh. Để nâng cao hiệu suất sử dụng, dự án được xây dựng theo công nghệ hoàn toàn tự động, dễ dàng vệ sinh nhờ sử dụng 100% đá phiến, tiết kiệm diện tích xây dựng đến 40%, giảm chi phí vận hành và thân thiện với môi trường.
3/ Những ngày qua, giá ớt trái thuộc địa bàn huyện Thanh Bình, Đồng Tháp được thương lái thu mua với mức tăng so với tháng trước. Hiện tại, ớt trái loại 1 được thương lái thu mua 40.000 – 45.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 đồng/kg so với 2 tháng trước. Giá ớt trái tăng mạnh những ngày gần đây do mưa nhiều, cây ớt bị sâu bệnh và giảm năng suất.
4/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,55 – 56,05 triệu đồng/lượng, không đổi so với hôm qua. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1.886,6 USD/ounce, tăng 10,3 USD, tương đương 0,55% giá trị so với chốt phiên trước.
5/ Tân Thủ tướng Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên. Việc tân thủ tướng Nhật Bản chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam với Nhật Bản, đồng thời thể hiện sự tin cậy về kinh tế giữa hai nước. Chiều tối 7/10, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. Cuộc làm việc nhằm triển khai các công việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản. Trước đó, vào cuối tháng 9, tờ Nikkei Asia đưa tin, tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã cân nhắc sẽ đến Việt Nam và Indonesia vào giữa tháng 10/2020. Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Suga nhậm chức.
Việt Nam sẽ là nước công du đầu tiên của tân thủ tướng Suga – Ảnh: Nikkei
6/ Trong bài phát biểu công bố kế hoạch giải cứu kinh tế chi tiết, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, nước này sẽ chi 72 tỷ euro (85 tỷ USD) trong ba năm 2021-2023 từ nguồn cứu trợ khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) cho các nước thành viên trong đại dịch nhằm thúc đẩy đầu tư công và tạo thêm hàng nghìn việc làm. Thủ tướng chủ trương tăng đầu tư công thêm 27 tỷ euro trong năm 2021, với dự kiến sẽ có 800.000 việc làm được tạo ra trong ba năm tới. Đại dịch đã khiến số việc làm tại nước này giảm sút, với số việc làm trong tháng Chín giảm 450.000 so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu của kế hoạch cải cách kinh tế tham vọng của Tây Ban Nha không chỉ là nhằm khôi phục tăng trưởng sau khi suy giảm do dịch mà còn hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng theo hướng khác, vững mạnh hơn, công bằng hơn và ổn định hơn.
7/ Nikkei Asia cho biết, Nhật Bản đã lên kế hoạch để cho phép các doanh nhân Nhật Bản và người nước ngoài có thẻ lưu trú để trở lại quốc gia này mà không cần phải trải qua cách ly trong hai tuần. Biện pháp tự cách ly trong 2 tuần sẽ được miễn cho những khách doanh nhân mà đã nộp bản kế hoạch di chuyển và sinh hoạt hàng ngày. Thêm vào đó, các du khách cũng sẽ phải hạn chế sử dụng phương tiện công cộng. Nhật Bản hiện đang nới lỏng các hạn chế giãn cách để giúp nhân viên đi lại dễ dàng hơn và khuyến khích tái hoạt động kinh tế. Chính phủ đã và đang xem xét các hạn chế xuất nhập cảnh. Vào ngày 1/10, họ đã bắt đầu cho phép những công dân nước ngoài, có kế hoạch ở lại Nhật Bản trong ba tháng hoặc lâu hơn, được phép nhập cảnh vào.
8/ Các nhà chức trách Mỹ đã phạt ngân hàng Citibank 400 triệu USD do các yếu kém trong khâu quản lý rủi ro, đồng thời yêu cầu ngân hàng này chấn chỉnh lại hoạt động kiểm soát nội bộ. Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) của Bộ Tài chính Mỹ đã công bố khoản tiền phạt nói trên, song song với một hành động liên quan từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với việc chỉ ra sai phạm của ngân hàng này. Fed cho hay Citi đã không thực hiện các hành động nhanh chóng và hiệu quả để sửa chữa các sai phạm đã được Hội đồng quản trị xác định trước đó trong lĩnh vực quản lý rủi ro, chất lượng dữ liệu và kiểm soát nội bộ. Fed cho biết các sai phạm đã bắt đầu từ năm 2013, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.
9/ Ngân hàng Danske hôm nay đã cho biết rằng họ sẽ cắt giảm tới 1.600 việc làm trong 6-12 tháng tới, một phần của kế hoạch cắt giảm chi phí tới năm 2023. Một số sự cắt giảm này, sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận hoạt động của họ trên khắp Đan Mạch và sẽ đạt được thực hiện thông qua các thỏa thuận nghỉ việc tự nguyện hoặc cắt hợp đồng làm việc. Trưởng phòng Nhân sự, Karsten Breum, đã cho biết trong một tuyên bố rằng: “Cùng với việc đóng băng các kế hoạch tuyển dụng hiện tại, thì chúng tôi hy vọng rằng kế hoạch cắt giảm này có thể giúp giảm số lượng nhân viên bị sa thải thực tế sau này”.
Ngân hàng Danske hôm nay đã cho biết rằng họ sẽ cắt giảm tới 1.600 việc làm – Ảnh: Bloomberg
10/ Bộ Giao thông và Vận tải Hàn Quốc hôm nay cho biết Hyundai Motor Co. sẽ tự nguyện thu hồi xe điện Kona của mình vì nguy cơ xảy ra đoản mạch do lỗi trong quá trình sản xuất pin điện áp cao. Việc thu hồi tự nguyện này sẽ bắt đầu từ ngày 16/10, bao gồm việc cập nhật phần mềm và thay thế pin sau khi kiểm tra đối với 25.564 xe điện (EV) Kona được sản xuất từ ​​tháng 9/2017 đến tháng 3/2020. Theo một tuyên bố của văn phòng nhà lập pháp của đảng cầm quyền, Jang Kyung-tae, khoảng 13 trường hợp cháy nổ liên quan đến Kona EV, bao gồm 1 trường hợp từng xảy ra ở Canada và Áo, đã được ghi nhận tính đến nay. Cổ phiếu của công ty đã giảm 1,4% so với mức tăng 0,2% của điểm chuẩn KOSPI, phản ánh mối lo ngại từ các nhà đầu tư đối với việc thu hồi và thay thế pin có thể sẽ rất tốn kém, vì pin chiếm khoảng 30% giá trị của EV.
11/ Lợi nhuận của Samsung đã tăng 58% trong quý 3 khi Huawei tăng đơn đặt hàng cho các sản phẩm chip điện tử của họ. Samsung Electronics cho biết vào hôm nay rằng lợi nhuận hoạt động của họ đã tăng 58,1% lên 12.300 tỷ won (10,6 tỷ USD) trong quý thứ ba so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Các nhà phân tích cho rằng sự tăng trưởng vượt bật của Samsung là do các đơn đặt hàng chip điện tử từ Huawei Technologies đã gia tăng khi lệnh trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ đối với công ty này có hiệu lực vào ngày 15/9. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu các nhà sản xuất chip toàn cầu phải có giấy phép nếu muốn bán các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ Hoa Kỳ cho các công ty của Trung Quốc.
12/ Hãng hàng không Air Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản ANA đang tìm cách triển khai việc cắt giảm 30% lương và tự nguyện nghỉ việc. Hãng đã đề xuất việc sa thải nhân viên trong bối cảnh họ cố gắng cắt giảm chi phí khi hoạt động du lịch toàn cầu đã sụt giảm. ANA hiện đang thảo luận với liên đoàn lao động về chi tiết của gói thôi việc. Ban lãnh đạo cũng tìm cách giảm lương hàng tháng đối với khoảng 15.000 nhân viên. Việc cắt giảm này dự kiến ​​sẽ làm giảm mức chi lương 30% hàng năm. Đại dịch Covid đã làm giảm thu nhập của các hãng hàng không và mặc dù đã đảm bảo hạn mức tín dụng 1 ngàn tỷ yên (9,4 tỷ USD) vào tháng 6, nhưng ANA vẫn không thể xoay chuyển tình thế tài chính do nhu cầu đi lại vẫn còn thấp.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc lấn sang “nông nghiệp sạch”