Bản tin thị trường – ngày 9/10/2020

681
Nhà máy giấy Lee & Man, tọa lạc tại khu công nghiệp Phú Hữu A (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang)
Tiêu điểm:
Cẩn trọng khi nhà máy giấy trên sông Hậu muốn nâng công suất
Cần Thơ ủng hộ quan điểm của Hậu Giang trong việc thống nhất đầu tư dự án giai đoạn 1 của nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam. Nhưng Cần Thơ tham vấn rằng tỉnh cần thận trọng cấp chủ trương đầu tư nâng công suất từ 420.000 tấn giấy/năm lên mức 1,1 triệu tấn giấy/năm, tức tăng gấp 2,5 lần. UBND TP Cần Thơ cũng bày tỏ nhiều vấn đề quan ngại bởi theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của Chủ dự án – Nhà máy giấy Lee&Man có nhiều nội dung liên quan chưa được làm rõ, trình bày chưa đầy đủ.
Dự án nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam trị giá hơn 650 triệu USD do Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong – Trung Quốc làm chủ đầu tư với 100% vốn nước ngoài được tỉnh Hậu Giang cấp phép năm 2007. Tháng 12/2016, nhà máy được phép vận hành thử nghiệm các công trình xử lý nước thải. Việc thử nghiệm có tải tạm dừng tháng 1/2017 và tiếp tục trở lại hai tháng sau đó.
Cần Thơ đề nghị phải có phân tích, đánh giá sự phù hợp của dự án so với hành lang an toàn bảo vệ nguồn nước phục vụ nước sinh hoạt. Mặc khác, chủ dự án phải đưa ra phương án thu gom, quản lý, xử lý bùn thải phát sinh trong quá trình hoạt động. 
Nhu cầu sử dụng hóa chất của dự án khá lớn, cần mô tả chi tiết việc lưu trữ, quản lý sử dụng hóa chất, đồng thời bổ sung phương án phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoạt động sản xuất của dự án có lưu lượng xả thải rất lớn. Hiện tại lưu lượng xả thải của nhà máy là 20.000m3/ngày đêm; khi nâng công suất, lưu lượng xả thải sẽ tăng lên 55.000m3/ngày đêm. 
Đáng quan tâm là nguồn tiếp nhận nước thải là sông Hậu, con sông lớn nhất và là nguồn cung nước ngọt chính của các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ. Do đó, đề nghị chủ dự án hết sức quan tâm, nghiên cứu, bổ sung đánh giá chi tiết các tác động trong suốt quá trình hoạt động của dự án đối với khu vực.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần cẩn trọng với đề nghị của Lee & Man khi một nhà thép của Trung Quốc cũng nằm gần đấy.
1/ Giá vàng miếng SJC 55,85 – 56,35 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng /lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn đang ở ngưỡng 500.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1.909,8 USD/ounce, tăng 23 USD, tương đương 1,22% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Nhiều mặt hàng thủy sản ở Khánh Hòa đã tăng giá trở lại khiến người nuôi rất phấn khởi. Theo khảo sát, giá tôm hùm xanh hiện được người dân xuất bán dao động từ 720.000 – 750.000 đồng/kg, cao hơn gần 300.000 đồng/kg so với thời điểm xuống “chạm đáy” cách đây vài tháng. Tương tự, giá ốc hương thương phẩm cũng tăng lên mức ở 190.000 – 200.000 đồng/kg, giá cá mú từ 80.000 – 90.000 đồng/kg tăng lên 120.000 – 130.000 đồng/kg. Nguyên nhân giúp giá nhiều mặt hàng thủy sản tăng là do thị trường xuất khẩu được phục hồi, thị trường tiêu thụ trong nước cũng bắt đầu mạnh hơn trong khi sản lượng tôm, cá xuất bán cũng không còn nhiều.
3/ Xuất khẩu hạt điều được dự báo sẽ tăng trong những tháng cuối năm do nhu cầu tăng. Theo Cục Xuất nhập khẩu, 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hạt điều đạt 363.000 tấn, trị giá 2,3 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng nhưng giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất bình quân hạt điều trong tháng 9/2020 ước đạt 5.960 USD/tấn, tăng 2,1% so với tháng 8/2020, nhưng giảm 13,5% so với tháng 9/2019. Đối với thị trường điều nhân thế giới, hai tuần cuối của tháng 9 các giao dịch đã sôi động hơn, giao động ở mức 6.128-7.054 USD/tấn. Nhu cầu của Trung Quốc cũng đang tăng, nhưng lượng chào bán ít do phía các nhà nhập khẩu có yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, trong khi nguồn hàng phù hợp với tiêu chuẩn của họ ở Việt Nam không còn nhiều.
4/ ADB tài trợ 186 triệu USD xây dựng và vận hành điện mặt trời ở Phú Yên. Đây là sẽ khoản vay được chứng nhận xanh đầu tiên của Việt Nam, được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Công ty Cổ phần TTP Phú Yên (CTCP Phú Yên) ký kết vào hôm nay ngày 9/10. Khoản tài trợ này bao gồm khoản vay trị giá 27,9 triệu USD từ nguồn vốn của ADB, một khoản vay hợp vốn (khoản vay loại B) từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với ADB là Bên cho vay chính thức, và một khoản vay trị giá 9,3 triệu USD từ nguồn vốn của Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân Leading Asia (LEAP). Dự án này cung cấp một nguồn tài trợ dài hạn cho việc xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời có quy mô lớn với công suất 257MW tại Hoà Hội, Phú Yên ở miền Trung Việt Nam. 
5/ Tập đoàn siêu thị khổng lồ Woolworths của Australia vừa triển khai thử nghiệm một trung tâm phân phối hàng hóa tự động, với khả năng xử lý một đơn hàng trực tuyến trong vòng 4 phút, thay vì 30 phút như cách thức truyền thống. Trung tâm phân phối hàng hóa tự động của Woolworth sử dụng công nghệ tự phân loại hàng hóa, với các khâu thao tác được thực hiện bằng người máy và kệ đứng để phân loại, di chuyển hàng hóa từ kệ hàng trong kho trực tiếp đến các thành viên trong nhóm đóng gói hàng hóa thủ công ở khâu cuối cùng, trước khi đơn hàng được đưa đi phân phối tới tay người tiêu dùng. Số lượng đơn hàng trực tuyến được xử lý tại trung tâm phân phối hàng hóa tự động sẽ nhanh gấp 5 lần so với một cửa hàng trực tuyến tiêu chuẩn truyền thống. Kho lưu trữ của trung tâm này có thể chứa tới 10.000 sản phẩm hàng hóa, tiết kiệm thời gian đi lại giữa các khu vực và các cửa hàng, kho bãi, cho các nhân viên đóng gói và giao hàng.
Quầy tính tiền của siêu thị Woolworths tại Sydney, Úc – Ảnh: Yahoo
6/ Chính phủ Thái Lan sẽ mở rộng các biện pháp ưu đãi thuế cho hàng triệu người dân thuộc nhóm thu nhập trung bình, nhằm thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, phục hồi nền kinh tế. Theo giới chức Thái Lan, các biện pháp mới sẽ giúp 3,7 triệu người được khấu trừ số tiền 30.000 baht/người (khoảng 22 triệu VND) từ tổng thu nhập chịu thuế. Gói hỗ trợ trị giá 11 tỷ baht này là một phần trong chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ Thái Lan nhằm vực dậy nền kinh tế được dự báo có thể giảm tới 8,5% trong năm nay. Theo số liệu thống kê của WB, Thái Lan có khoảng 8,3 triệu lao động mất việc làm hoặc giảm thu nhập vì tác động tiêu cực của dịch COVID-19, trong đó phần lớn là những lao động có liên quan ngành du lịch và dịch vụ.
7/ Trung Quốc hôm nay cho biết nước này đã quyết định tham gia vào sáng kiến vaccine Covax trị giá 18 tỷ USD. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, là nước đi đầu thế giới về số lượng loại vaccine đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển, nhưng Trung Quốc vẫn quyết định tham gia Covax. Theo bà Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc thực hiện bước đi cụ thể này nhằm bảo đảm vaccine sẽ được phân phối công bằng, nhất là với những nước đang phát triển. Covax là sáng kiến do WHO, Liên minh toàn cầu về vắc xin (Gavi), Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) đồng tài trợ, với sự tham gia của hơn 170 quốc gia. Hiện có 9 mẫu vaccine thuộc Covax đang được nghiên cứu phát triển.
8/ Nhật Bản giải quyết được nạn rác thải nhựa nhưng ăn cắp vặt lại gia tăng. Nhật Bản thải ra rác nhựa bình quân đầu người lớn thứ hai thế giới, với lượng sử dụng khoảng 30 tỷ túi nhựa/năm. Do vậy, những chiến dịch xanh để bảo vệ môi trường đã được ra đời với mục đích giảm thải tối đa rác thải nhựa. Một trong những biện pháp hữu hiệu cho đến thời điểm này là phương pháp trả phí cho các túi nhựa. Theo Jiji Press, tại Akidai Sekimachi Honten, một siêu thị ở Tokyo, khoảng 80% khách hàng bắt đầu quen với việc mang theo túi cá nhân. Ba cửa hàng tiện lợi lớn nhất nước này cũng báo cáo xu hướng tương tự: 75% khách hàng của họ không còn tiêu thụ túi nhựa từ tháng 7, khi khoản phí này được áp dụng. Tuy niên, việc này lại gây ra một vấn đề cũng khá phức tạp. Đó là tỷ lệ người lợi dụng chiến dịch này để ăn cắp vặt tăng đáng kể, với việc một số người vẫn để các món hàng hóa chưa thanh toán trong túi cá nhân, khiến nhân viên tại cửa hàng khó xác định hàng hóa bị ăn cắp hơn.
9/ Pháp đang chuẩn bị các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng mua đồ điện tử đã qua sử dụng, với mục tiêu giảm tác động đến môi trường và tạo động lực cho các công ty khởi nghiệp thương mại điện tử địa phương. Chính phủ cho biết họ sẽ triển khai hệ thống tính điểm về khả năng tái sử dụng của các thiết bị điện tử từ tháng 1 và sẽ dành 21 triệu euro (25 triệu USD) từ kế hoạch kích thích để tài trợ cho các dự án và công ty khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực tái sử dụng thiết bị điện tử. Bộ trưởng Môi trường Barbara Pompili đã nói với Bloomberg rằng chính phủ hiện đang đàm phán để thúc đẩy hoạt động mua đồ cũ, nhưng không nêu rõ chi tiết trong các kế hoạch vẫn còn đang được hoàn thiện.
Chính phủ Pháp sẽ triển khai hệ thống tính điểm về khả năng tái sử dụng của các thiết bị điện tử từ tháng 1 – Ảnh: The Star
10/ Indonesia đã bổ sung thêm 8 công ty công nghệ, bao gồm Alibaba Cloud Pte Ltd (Singapore) và Microsoft Corp, vào danh sách các doanh nghiệp phải trả 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) khi bán hàng. Cơ quan thuế của quốc gia này đã nêu tên 36 công ty, bao gồm cả các công ty mới nhất, phải nộp thuế VAT kể từ ngày 7/ 7 sau khi họ liệt kê Netflix Inc và Google Châu Á Thái Bình Dương của Alphabet Inc vào danh sách trên. Theo chính phủ cho biết, các công ty nước ngoài với doanh thu hàng năm ít nhất là 600 triệu rupiah (41.000 USD) cho các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số với ít nhất 12.000 người dùng ở Indonesia sẽ phải trả thuế VAT. 
11/ Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính trong tài khóa 2020 (kết thúc vào ngày 30/9), Mỹ đã thâm hụt khoảng 3.130 tỷ USD, tương đương 15,2% GDP. Con số này được tính dựa trên mức chi 6.500 tỷ USD và nguồn thu 3.420 tỷ USD. Dựa trên số liệu của CBO, Ủy ban Ngân sách liên bang (CRFB) dự báo tổng nợ của nước này (được tính bằng tổng thâm hụt) sẽ vượt quá tổng số GDP. Tỷ lệ ước tính là 102% GDP – cao nhất kể từ năm 1946. Thâm hụt trên GDP ước tính cho tài khóa 2020 cũng cao gấp 3 năm ngoái và là cao nhất kể từ sau Thế chiến II. Lý do cho sự tăng vọt này rất đơn giản, chính phủ Mỹ đã chi hơn 4.000 tỷ USD để xoa dịu tác động kinh tế của lệnh phong tỏa với người lao động và doanh nghiệp.
12/ Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), ngân hàng trung ương của nước này, đã dự báo rằng nền kinh tế của Ấn Độ sẽ sẽ giảm 9,5% trong năm tài chính hiện tại cho đến hết tháng Ba do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh doanh trong nước. RBI trong thời gian này đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4%, do lạm phát trong lĩnh vực bán lẻ đã gia tăng do nguồn cung gián đoạn ra bởi đại dịch Covid-19. Lạm phát bán lẻ ở Ấn Độ trong tháng 8 ở mức 6,69%, cao hơn mục tiêu trung hạn của RBI là 4-6%, chủ yếu là do các vấn đề về nguồn cung. Vào tháng 9, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã dự báo GDP của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại sẽ giảm 9%, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự kiến ​​mức giảm 10,2%.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc lấn sang “nông nghiệp sạch”