Bản tin thị trường – ngày 9/12/2020

497
Mối quan hệ song phương giữa Canberra – Bắc Kinh đã bắt xấu đi kể từ tháng 4 vừa qua - Ảnh: Nikkei
Tiêu điểm:
Bắt nạt kinh tế
Hôm 8/12, Quốc hội liên bang Úc đã thông qua dự luật là chính quyền liên bang có thể hủy bỏ bất cứ các thỏa thuận hợp tác nào mà tám tiểu bang và lãnh thổ thuộc liên bang ký kết với nước ngoài.
Sắc luật mới này đã phủ quyết tất cả các thỏa thuận mà Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews ký với Trung Quốc trong nhiều năm qua, bao gồm các chương trình phát triển hạ tầng ở tiểu bang này và các dự án liên doanh với Trung Quốc ở các nước khác trong chương trình “nhất đới nhất lộ”.
Gần như cùng lúc, Trung Quốc đã quyết định tạm thời cấm công ty Australia Lamb và JBS Brooklyn, hai công ty chế biến thịt cừu lớn nhất của Úc, xuất sản phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Lý do được đưa ra: Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong vài tháng qua tại bang Victoria, nơi đặt nhà máy chế biến của cả hai công ty trên, khiến các công ty này phải đóng cửa và tạm ngừng các giao dịch trong và ngoài nước.
Thoạt nghe thì có vẻ có lý, nhưng lệnh cấm lại được đưa ra vào lúc Victoria và các tiểu bang khác ở Úc đã khống chế được dịch sau khi dịch bùng phát mạnh mẽ từ tháng 6/2020. Từ đầu tháng 11, Victoria đã ngưng lệnh phong tỏa. Hai bang có nền kinh tế trụ cột là Victoria và New South Wales đã mở cửa thông thương trở lại từ hôm 23/11.
Trung Quốc đang leo thang “chiến tranh kinh tế” đối với Úc mỗi khi Canberra có những phát ngôn hay hành động không hợp ý với Bắc Kinh.
Mối quan hệ song phương Canberra – Bắc Kinh xấu đi kể từ tháng 4 vừa rồi sau khi Thủ tướng Scott Morrisson kêu gọi lập ủy ban độc lập điều tra nguồn gốc dịch Covid-19. Từ tháng 5, Bắc Kinh đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt: kêu gọi sinh viên Trung Quốc cân nhắc việc du học ở Úc, ngừng nhập khẩu thịt bò Úc, đánh thuế đến 80,5% với lúa mạch. Các lô than đá của Úc bị ách ở hải quan vào cuối tháng 10. Lệnh ngừng trở thành lệnh cấm với các sản phẩm gỗ, lúa mạch, rượu vang, thịt bò và nay đến thịt cừu. Mỗi lần với một lý do khác nhau.
Các loại hàng hóa nông nghiệp – trị giá mỗi năm đến 13 tỷ AUD, tức 9,25 tỷ USD – chịu nhiều thiệt hại nhất trong cuộc đối đầu giữa hai bên. Trước sức ép gia tăng từ Bắc Kinh, Canberra đang tìm kiếm các thị trường mới với hy vọng có thể thay thế cho thị trường Trung Quốc vốn chiếm hơn 30% xuất khẩu của nước này. Việt Nam, Indonesia hay các nước Trung Đông là những thị trường tiềm năng mới mà Úc đang nhắm đến.
Trước các động thái bắt nạt của Bắc Kinh, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trong một vài động thái nhất định đã bày tỏ đoàn kết với nước Úc bằng cách đặt mua rượu vang và các mặt hàng nông sản của Úc.
1/ Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang ở mức 54,90 – 55,45 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch hai đầu vẫn ở mức 550.000 đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.865,4 USD/ounce, tăng 3,4 USD, tương đương 0,18% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, giá vàng lên đỉnh trong 2 tuần do được thúc đẩy bởi kỳ vọng ngày càng tăng về gói kích thích tài chính của Mỹ để giảm bớt thiệt hại kinh tế từ tác động của đại dịch.
2/ AgroViet 2020 đã thu hút gần 15 ngàn lượt khách tham quan, với doanh thu trực tiếp và các biên bản ghi nhớ hợp tác tại hội chợ ước tính đạt trên 5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, địa phương tham gia đã đem đến hội chợ nhiều mặt hàng phong phú đặc sắc, phong phú về chủng loại, đa dạng về hình thức, mẫu mã. Hầu hết các sản phẩm tham gia hội chợ triển lãm đều có bao bì đóng gói đảm bảo, nhiều sản phẩm nằm trong Chương trình OCOP tại các địa phương được đánh giá 3-5 sao. Ban tổ chức hội chợ cũng đã công bố thông tin: Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 21 – AgroViet 2021 dự kiến sẽ được tổ chức vào Quý III năm 2021 với quy mô từ 200 – 250 gian hàng.
Hội Chợ AgroViet 2020
3/ 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam chỉ giảm 1,7% về lượng nhưng lại đã giảm đến 11,7% về giá trị, do giá xuất khẩu hồ tiêu trong những tháng đầu năm 2020 rất thấp. Hiện giá xuất khẩu hồ tiêu dao động từ 2.800 USD đến hơn 2.900 USD/ tấn, nhưng mức giá này doanh nghiệp Việt Nam không bán được là do đa phần đã ký bán xa với giá thấp khoảng 1.900 USD đến 2.000 USD/tấn. Đây là mức giá bán thấp nhất so với các năm trước nên tính tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng của mặt hàng này đã giảm rất nhiều. Hiện nay, hầu hết các thị trường nhập khẩu hồ tiêu đều mua với số lượng ít, riêng 2 thị trường Mỹ và châu Âu bị dịch Covid-19 rất nặng nề nên không mua nhiều, nhưng thực ra các nước vẫn sử dụng tiêu bình thường, có thể lượng tồn kho của họ còn nhiều nên giảm mua.
4/ TP.HCM sẽ vay 16.026 tỷ đồng từ nguồn Chính phủ cho vay lại để bù đắp bội chi ngân sách và trả nợ gốc. Theo kế hoạch này, trả nợ chính quyền địa phương năm 2021 vừa được HĐND TP.HCM thông qua trong phiên họp sáng nay, và TP.HCM xác định tổng mức vay năm 2021 sẽ là 16.026 tỷ đồng từ nguồn Chính phủ về cho vay lại. Trong đó, TP.HCM vay để bù đắp bội chi ngân sách là 14.873 tỷ đồng và trả nợ gốc là 1.153 tỷ đồng. Theo kế hoạch, nguồn vay từ Chính phủ cho vay sẽ được sử dụng để thực hiện các chương trình và dự án phát triển. Bên cạnh đó, trong năm 2021, UBND TP dự kiến các khoản nợ vay đến hạn thanh toán là 2.577 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 1.153 tỷ đồng và phí là 1.424 tỷ đồng.
5/ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã lần đầu tiên suy giảm trong hơn thập niên qua do giá thực phẩm, đặc biệt là giá thịt heo, đã đi xuống. Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố hôm nay cho biết CPI của quốc gia này trong tháng 11 đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên CPI của Trung Quốc suy giảm kể từ tháng 10/2009. So với cùng kỳ 2019, giá thực phẩm ở Trung Quốc trong tháng qua đã suy giảm 2% do giá thịt heo giảm 12,5%. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 11 cũng suy giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Và trong tháng 10, chỉ số này đã giảm thêm 2,1%. Trước mắt, một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng CPI giảm có thể gây bất lợi cho sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn việc mua sắm với hy vọng giá cả sẽ trở nên rẻ hơn.
6/ Sân bay Changi của Singapore đang tìm cách trở thành trung tâm phân phối vaccine Covid-19 cho khu vực Đông Nam Á. Họ vừa thành lập Changi Ready Task Force, đội đặc nhiệm là tổ hợp gồm 18 công ty và tập đoàn, bao gồm Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore và Tập đoàn Sân bay Changi. Nhiệm vụ của đội là nâng cấp cơ sở vật chất, với mục đích tăng cường sự phối hợp trong toàn ngành và làm suôn sẻ quá trình cung cấp vaccine Covid-19. Sân bay này cũng đã bổ sung công suất kho lạnh để sẵn sàng vận chuyển vaccine cho khu vực. Việc vận chuyển vaccine được kỳ vọng sẽ phần nào hỗ trợ ngành hàng không của quốc gia này, vốn đang gặp khó khăn vì lưu lượng hành khách thấp do các nước đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Chính phủ Singapore dự đoán rằng việc phân phối vaccine sẽ góp phần kéo hành khách quay trở lại.
Changi Ready Task Force, đội đặc nhiệm là tổ hợp gồm 18 công ty và tập đoàn, bao gồm Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore và Tập đoàn Sân bay Changi. – Ảnh: Nikkei
7/ Chính phủ Argentina vừa thông qua luật thuế tài sản mới, nhằm giúp chính phủ chi trả cho vật tư y tế và các chương trình cứu trợ kinh tế trong đại dịch Covid-19. Luật thuế tài sản mới này có tên là “Thuế triệu phú”, đã được Thượng viện Argentina thông qua với đa số nghị sĩ tán thành. Theo luật này, những cá nhân có tài sản trên 200 triệu Peso (2,4 triệu USD) sẽ phải nộp thuế một lần ít nhất 2% giá trị tài sản. Quốc gia Nam Mỹ này hiện có khoảng 12.000 người thuộc đối tượng chịu thuế này. Luật này có thể giúp nền kinh tế lớn thứ ba tại Mỹ Latinh thu về 3,7 tỷ USD dùng để mua thiết bị, vật tư y tế, hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời hỗ trợ người dân nghèo. Theo Thượng nghị sĩ Anabel Fernandez Sagasti, một trong những người soạn thảo luật thuế tài sản mới, luật này sẽ ảnh hưởng tới 0,8% người nộp thuế Argentina.
8/ Viện khoa học xã hội Trung Quốc và Chương trình Nhân cư Liên hợp quốc đã phối hợp công bố “Báo cáo năng lực cạnh tranh đô thị toàn cầu 2020-2021: Chuỗi giá trị đô thị toàn cầu – xuyên suốt thời gian và không gian văn minh nhân loại”. Theo báo cáo này, Trung Quốc có 3 thành phố lọt vào top 20 đô thị toàn cầu về năng lực cạnh tranh kinh tế, bao gồm Thâm Quyến (hạng 9), Hong Kong (hạng 11) và Thượng Hải (hạng 12). Do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, năng lực cạnh tranh kinh tế tổng thể của các đô thị hàng đầu Trung Quốc trong bảng xếp hạng toàn cầu nói chung suy giảm so với năm 2019, nhưng các khía cạnh như môi trường kinh doanh, sức cạnh trạnh kết nối quốc tế lại ghi nhận sự tiến bộ rõ nét.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Mời bạn tham gia: “Ăn chay hiện đại” tại Organic Town