Bản tin thị trường, từ 02-09/02/2023

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

Tin tức về thị trường đạm thay thế

1. Thực phẩm từ côn trùng – cuộc chiến mùi vị với ‘thượng đế’
Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đưa vào danh sách thêm 2 loài côn trùng được chấp nhận làm thức ăn (tiêu thụ) cho con người. Theo quy định của Ủy ban thực phẩm mới lạ EU (EU Novel Food Regulation), tất cả các sinh vật được phê duyệt đều phải qua đánh giá khoa học nghiêm ngặt để được đánh dấu là an toàn cho tiêu thụ (của con người). Những sản phẩm này có thể được phân phối dưới dạng bột, thực phẩm đông lạnh hoặc dạng khô. Với quyết định nêu trên, tính đến đầu tháng 2-2023, EU cấp phép cho 4 loại côn trùng dùng làm thực phẩm và nhiều khả năng danh sách này tiếp tục dài thêm vì đang có 8 loài côn trùng khác chờ phê duyệt.
Trong báo các về nhu cầu tiêu dùng và sự dịch chuyển của thực phẩm bền vững của Tổ chức tiêu dùng EU năm 2020 cho thấy, côn trùng là nguồn cung giàu protein, chất béo, vitamin, chất xơ, khoáng chất. Thậm chí có một số côn trùng có hàm lượng protein cao hơn thịt, trứng. Ngoài ra, nuôi côn trùng để làm thức ăn giúp bảo vệ môi trường tốt hơn các hoạt động nông nghiệp khác vì dùng ít đất đai hơn và ít tác động đến môi trường hơn.
Mặc dù, những lợi ích của côn trùng lớn như vậy nhưng người tiêu dùng vẫn chưa quen với mùi vị của thức ăn chế biến từ côn trùng. Do đó, thực phẩm côn trùng vẫn là câu chuyện của tương lai, chỉ khi nào các nhà sản xuất tạo ra những mùi vị hấp dẫn và có kế hoạch tiếp thị phù hợp để người tiêu dùng không còn cảm giác “ghê ghê” khi ăn, còn không côn trùng chỉ phù hợp khi được nuôi để làm thức ăn chăn nuôi.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thuc-pham-tu-con-trung-cuoc-chien-mui-vi-voi-thuong-de/
2. Cricket One: Tận dụng từ chân đến phân dế, nâng cấp món ăn chơi vùng quê thành công nghiệp thực phẩm mới
Từ một loại côn trùng dùng để ăn chơi ở Việt Nam, bằng trí tuệ và sự sáng của mình, đội ngũ Cricket One đã biến việc nuôi trồng và chế biến dế thành một ngành công nghiệp. Theo đó, từ con dế, Cricket One không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn hỗ trợ nâng cao đời sống của nhiều gia đình ở huyện Lộc Ninh – Bình Phước.
Trang trại của Cricket One rộng 5ha và hiện mới khai thác diện tích trên 3.000m2. Cụ thể hơn, Cricket One đang tự nuôi trồng 4 nông trại và có 20 nông trại vệ tinh của các nông hộ. Công suất của Cricket One khoảng 100 tấn dế tươi/tháng, sau khi các nông trại hoạt động hết công suất. Hiện 60% dế đầu vào của Cricket One là tự sản xuất, còn 40% là từ các nông trại vệ tinh. Tổng nhân công chính thức của DN có trên 12 người, còn tùy theo mùa vụ sẽ thuê thêm khi cần thiết.
Hiện tại, nhà máy của Cricket One đang sản xuất 5 dòng sản phẩm: dế nguyên con bỏ chân cánh và râu để làm snack; bột dế tách dầu – nguyên dầu – siêu mịn; sản phẩm mới – vừa ra mắt là thịt dế tái cấu trúc có nhiều đạm và vitamin và khoáng chất. Sau gần 6 năm xuất khẩu là chính, cuối năm 2022, Cricket One đã có dự án hợp tác với Foodmap cho ra mắt snack dế, chuẩn bị đem bán thương mại trong và ngoài nước.
Phần chân râu dế được máy loại ra khi làm snack họ cũng không bỏ, mà bán cho các nhà sản xuất thức ăn cho động vật và phân dế cũng thế. Hiện nông dân đang dùng phân dế để bón trực tiếp cho cây trồng; còn Cricket One đang partnership với một công ty phân bón, để làm phân bón nước chậm tan phục vụ cho các cây trồng giá trị cao như xà lách – dưa lưới…
Nguồn: https://markettimes.vn/tham-quan-nong-trai-va-nha-may-san-xuat-de-lon-nhat-viet-nam-cua-cricket-one-tan-dung-tu-chan-den-phan-de-nang-cap-mon-an-choi-vung-que-thanh-cong-nghiep-thuc-pham-moi-16044.html

Tin tức nổi bật trong nước và quốc tế

1. Chocolate handmade lên ngôi mùa Valentine 2023
Chocolate là món quà không thể thiếu trong ngày lễ tình nhân Valentine 14/2. Vì thế, thời điểm này, chocolate đang được rao bán khắp nơi từ các cửa hàng lưu niệm, cửa hàng bánh kẹo và cả trên “chợ” mạng. Ngoài các loại chocolate nhập ngoại, sang trọng và đắt đỏ thì chocolate handmade năm nay gây sự chú ý mạnh trên thị trường quà tặng Valentine bởi mẫu mã đa dạng và được trang trí rất đẹp mắt.
Chocolate handmade thường chia thành các hộp 6 – 9 – 12 viên (mỗi viên có đường kính khoảng 3cm), được bán với giá dao động 150.000 – 300.000 đồng/hộp. Ngoài vị truyền thống, chocolate ngày Valentine còn được làm mới với nhân các vị như: cà phê, caramel, các loại quả, trà xanh, mật ong…
Nguồn: https://vtc.vn/chocolate-handmade-len-ngoi-mua-valentine-2023-ar740357.html
2. Giá dầu cọ tăng sau khi Indonesia công bố chính sách mới
Sau khi chính phủ Indonesia gia tăng tỷ lệ dầu cọ trong nhiên liệu sinh học, thị trường dầu cọ thế giới được dự đoán sẽ tiếp tục trải qua các biến động trong chưa đầy một năm sau khi lệnh cấm xuất khẩu của nước này đẩy giá dầu cọ quốc tế tăng vọt. Do sử dụng nhiều dầu cọ hơn trong nhiên liệu sinh học, khả năng xuất khẩu của Indonesia sẽ sụt giảm. Theo Nikkei Asia trích dẫn dự báo của Hiệp hội Dầu cọ Indonesia, các lô hàng dầu cọ xuất khẩu năm 2023 của nước này có khả năng sẽ giảm khoảng 20% so với mức hơn 30 triệu tấn năm 2022.
Nguồn: https://mekongasean.vn/gia-dau-co-tang-sau-khi-indonesia-cong-bo-chinh-sach-moi-post17459.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Xu hướng du lịch ở Việt Nam 2023
Sau tết Quý Mão 2023, xu hướng du lịch đã được các doanh nghiệp du lịch định hình và lên kế hoạch thu hút du khách. Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng loại hình du lịch nghỉ dưỡng, MICE ( loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác), nhóm 4-6 người, cùng với việc “thắt lưng buộc bụng- du lịch tiết kiệm” của du khách sẽ là những xu hướng của năm 2023.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, các chuyên gia du lịch trên thế giới đã dự báo năm 2023 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu đi du lịch quốc tế. Du lịch Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu thế này. Do vậy, năm 2023 hứa hẹn sẽ có nhiều bứt phá cả về số lượng du khách và doanh thu.•
Nguồn: https://plo.vn/xu-huong-du-lich-o-viet-nam-2023-post718163.html
2. Hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa dự báo về thị trường hàng không toàn cầu. IATA nhận định sản lượng luân chuyển hành khách quốc tế năm 2023 dự kiến bằng 80% so năm 2019 và nội địa đạt khoảng 95% so năm 2019. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục tại các khu vực khác nhau, trong đó khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự báo là phục hồi chậm nhất. Doanh thu vận tải hành khách dự báo tăng và ngành hàng không toàn cầu sẽ có lãi trở lại.
Ngành hàng không Việt Nam, đã phục hồi và hết năm 2022 thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Nhà chức trách hàng không dự báo, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.
Nguồn: https://plo.vn/hang-khong-noi-dia-da-phuc-hoi-hoan-toan-post719006.html
Tham khảo thêm: Hàng không đang càng bay càng lỗ
https://baomoi.com/ong-nguyen-quoc-ky-hang-khong-dang-cang-bay-cang-lo/r/44991334.epi

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Apple bắt đầu các hoạt động cho chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Malaysia
Tập đoàn Apple đã bắt đầu tuyển dụng lao động tại Malaysia nhằm chuẩn bị cho việc mở chuỗi cửa hàng bán lẻ tại quốc gia Đông Nam Á này. Apple đã công bố danh sách các vị trí tuyển dụng trên trang mạng của mình cho các địa điểm ở Malaysia từ quản lý cửa hàng, chuyên gia kỹ thuật và nhân viên hỗ trợ tới nhân viên bán hàng cho các doanh nghiệp và chuyên gia vận hành. Đáng lưu ý, danh sách nêu rõ các vị trí này dành cho các cửa hàng bán lẻ của chính Apple chứ không phải các địa điểm đại lý bán lẻ của bên thứ ba đã hoạt động lâu dài ở Malaysia.
Nguồn: https://bnews.vn/apple-bat-dau-cac-hoat-dong-cho-chuoi-cua-hang-ban-le-tai-malaysia/279512.html
Khó khăn chờ đợi nhóm smartphone tầm trung tại Việt Nam
Trong khi doanh số smartphone tầm trung và thấp trên thế giới ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt thì dòng máy này vẫn đang ghi nhận sự tăng trưởng vào dịp cuối năm 2022 tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên theo dự đoán của đại diện nhiều chuỗi bán lẻ, 2023 sẽ là năm khó khăn đối với thị trường smartphone do những tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế vĩ mô không khả quan.
Số liệu tổng hợp mới nhất từ International Data Corporation (IDC) về thị trường smartphone toàn cầu quý IV/2022 đã được nhận định là rất kém tích cực. Tổng doanh số smartphone bán ra trên thị trường trong 3 tháng cuối năm 2022 giảm tới 18,3% so với cùng kỳ 2021. Trong đó sự sụt giảm của mảng điện thoại Android tầm trung và thấp đã được dự đoán trước từ giai đoạn tháng 3-4/2022. Khoảng thời gian này là lúc suy thoái kinh tế đã bắt đầu nhen nhóm dẫn tới việc ảnh hưởng đến túi tiền của nhóm lao động thu nhập thấp và trung bình.
Ngoài ra, số liệu tổng hợp của IDC doanh số của các mẫu điện thoại Android có giá dưới 5 triệu đồng đã giảm liên tiếp từ tháng 1/2022 cho tới tháng 12/2022. Theo ước tính từ các chuỗi bán lẻ lớn, lượng khách hàng những sản phẩm này ở tháng 12/2022 chỉ bằng 47% so với doanh số tháng 1/2022. Phân khúc smartphone có giá 5-10 triệu đồng cũng chứng kiến sự sụt giảm tương tự, khi số lượng bán ra của tháng 12/2022 ước tính chỉ bằng 55% so với tháng 1/2022.
Nguồn: https://zingnews.vn/kho-khan-cho-doi-nhom-smartphone-tam-trung-tai-viet-nam-post1398436.html
2. Thế giới Di động sa thải hơn 7.000 nhân viên
Thế giới Di động đã cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, tổng lỗ từ khi thành lập của Bách Hóa Xanh đến nay đã gần 7.200 tỷ đồng, chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ gần 320 tỷ đồng, Thế giới Di động tại Campuchia cũng lỗ thuế liên tục từ 2017 đến nay… là những thông tin đáng chú ý trong báo cáo tài chính quý 4 của MWG.
Lũy kế cả năm 2022, Thế giới di động đạt doanh thu 134.722 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 16%, chỉ đạt 4.100 tỷ đồng. So với kế hoạch 2022, Thế giới Di Động chỉ thực hiện được 95% mục tiêu doanh thu và 65% mục tiêu lợi nhuận.
Nguồn: https://tienphong.vn/the-gioi-di-dong-sa-thai-hon-7000-nhan-vien-post1508069.tpo
Quỹ Excelsior Capital Asia đầu tư vào công ty sở hữu chuỗi bán lẻ xe đạp
Vòng Xanh được biết đến từ 2016 là nhà phân phối chính thức của thương hiệu xe đạp Giant International, thương hiệu xe đạp thể thao lớn nhất thế giới với sự hiện diện trên 50 quốc gia. Đây cũng là một nhà nhập khẩu xe đạp quy mô lớn nhất Việt Nam với danh mục phân phối kết hợp nhiều thương hiệu xe đạp và phụ tùng, phụ kiện trong đó có Wahoo, Maxxis, Finish Line…
Vòng Xanh và Excelsior Capital Asia vừa hoàn thành thương vụ hợp tác đầu tư vào tháng 12/2022. Theo đó Excelsior sẽ trở thành đối tác vốn và hỗ trợ chiến lược cho Vòng Xanh. Khoản đầu tư sẽ được sử dụng cho mục đích mở rộng chuỗi bán lẻ, xây dựng danh mục xe đạp và phụ kiện phục vụ cho nhu cầu “di chuyển xanh” ngày càng tăng và đa dạng của người dân. Ngoài ra, sẽ phát triển các nền tảng công nghệ kết nối các hoạt động thể thao xoay quanh xe đạp và xây dựng cộng đồng thể thao trên toàn quốc.
Nguồn: https://baodautu.vn/quy-excelsior-capital-asia-dau-tu-vao-cong-ty-so-huu-chuoi-ban-le-xe-dap-d183005.html
3. Chiếm gần 73% tổng doanh số 4 sàn, Shopee đạt doanh số 91 nghìn tỷ tại Việt Nam năm 2022
Theo báo cáo Bảng xếp hạng Ngành Thương mại điện tử năm 2022, vừa được Hệ thống Giám sát và Phân tích thông tin trên môi trường mạng (Reputa) công bố, với sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng trong thói quen mua sắm trực tuyến sau đại dịch Covid, thương mại điện tử tiếp tục tiến bước vững chắc và duy trì được sự phát triển nhanh và bền vững. Theo đánh giá của Bộ Công thương, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử ngành bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Thống kê của Reputa, cho biết dẫn đầu bảng xếp hạng sàn thương mại điện tử năm 2022 là Shopee, và nhấn mạnh Shopee đang ngày càng “vượt mặt” Lazada về độ nhận diện trên nền tảng số với Total Score bỏ xa Lazada đến 3 lần. “Theo báo cáo Metric về ngành thương mại điện tử năm 2022, Shopee hiện đang là sàn thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam khi chiếm đến gần 73% tổng doanh số 4 sàn, tương ứng với khoảng 91 nghìn tỷ. Lazada đứng thứ 2, chiếm 20% với doanh thu 26,5 nghìn tỷ”, báo cáo của Reputa nhấn mạnh.
Nguồn: https://vneconomy.vn/chiem-gan-73-tong-doanh-so-4-san-shopee-dat-doanh-so-91-nghin-ty-tai-viet-nam-nam-2022.htm
4. MyKingdom đồng loạt mở cửa hàng đồ chơi cho người lớn
Bà Poly Choy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Tinh Anh, công ty mẹ sở hữu chuỗi cửa hàng Mykingdom cho biết, đơn vị này vừa chính thức khai trương hai cửa hàng Hobiverse tại các trung tâm thương mại ở TP.HCM gồm Crescent Mall (quận 7) và Vạn Hạnh Mall (quận 10). Đây là mô hình cửa hàng đồ chơi nghệ thuật – art toy hướng đến độ tuổi thanh thiếu niên và người đi làm có sở thích sưu tập các nhân vật truyện tranh, phim ảnh hoặc đời thực hay là các sản phẩm có câu chuyện riêng được phác họa bởi các họa sĩ.
Tại Việt Nam, Hobiverse không phải cửa hàng đầu tiên kinh doanh các sản phẩm đồ chơi nghệ thuật này. Trước đó, những cái tên đình đám như Toysphere và Momotarou đã xuất hiện và mở được nhiều chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM. Tại trung tâm thương mại Thiso Mall (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng có một khu trưng bày các sản phẩm của thương hiệu đồ chơi nghệ thuật cao cấp Bearbrick do Mrdicom Toy (Nhật Bản) sản xuất. Chia sẻ với PLO, bà Poly Choy vẫn nhìn nhận thị trường đồ chơi nghệ thuật ở Việt Nam còn khá mới, người tiêu dùng vẫn chủ yếu quen mua hàng xách tay. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp và hiện tại là thời điểm thích hợp để gia nhập phân khúc này.
Nguồn: https://plo.vn/mykingdom-dong-loat-mo-cua-hang-do-choi-cho-nguoi-lon-post718878.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Thị trường trang sức sôi động trước Valentine
Khảo sát được thực hiện bởi hãng nghiên cứu thị trường Statista cho thấy năm 2022 Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia ở châu Á có chi tiêu bình quân đầu người cao nhất vào Lễ Tình nhân (Valentine) với 36 USD, tương đương 850.000 đồng. Con số này được dự báo tiếp tục tăng trong mùa Valentine 2023, bởi đây không chỉ là ngày đặc biệt của các cặp đôi mà đã dần trở thành dịp lễ ý nghĩa ở mọi lứa tuổi.
Thị trường quà tặng phục vụ cho dịp valentine ngày càng đa dạng, từ mẫu mã, mức độ thiết thực đến giá trị sử dụng và lưu giữ. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống như chocolate, hoa tươi, gấu bông… thì trang sức đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng, nhờ đặc tính sang trọng và tiện lưu giữ. Đón sóng xu hướng quà tặng trang sức đang lên ngôi, nhiều hệ thống kim hoàn đã chuẩn bị mẫu mã phong phú và giới thiệu chương trình khuyến mãi dành riêng cho dịp này.
Nguồn: https://toquoc.vn/thi-truong-trang-suc-soi-dong-truoc-valentine-20230208102937525.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

2. Thời trang cho thế hệ mới
Thông lệ trong ngành thời trang là vứt bỏ hoặc thiêu hủy các sản phẩm bị hỏng hoặc bị trả về – kể cả những sản phẩm chỉ thiếu một chiếc cúc áo. Các nhà sản xuất và nhà bán lẻ không có đủ nhân lực để sửa chữa hay làm sạch đồ bị trả về, vì thế lượng rác thải trong ngành này rất lớn, tạo ra những tổn thất không hề nhỏ cho các cổ đông.
Có trụ sở chính của tại Cascade Locks, Oregon, Renewal Workshop làm việc với 20 thương hiệu thời trang, bao gồm The North Face, Carhartt, Eagle Creek, Mara Hoffman, và dòng thời trang cao cấp Cos của H&M, để sửa chữa lại các mặt hàng tồn kho của họ bị hư hỏng, chưa bán được, và các sản phẩm bị trả về. Hầu hết quần áo sau khi gia công lại sẽ được đưa ra thị trường thông qua kênh tái thương mại đến tay người tiêu dùng, chẳng hạn thông qua kênh bán đồ tân trang Renewed của The North Face.
Renewal Workshop là một ví dụ tiêu biểu cho thấy các nhà cách tân dẫn đầu cuộc cách mạng mang tên tuần hoàn trong lĩnh vực thời trang đang đưa ra những bằng chứng thuyết phục để chứng minh rằng lĩnh vực này có thể loại bỏ một cách đáng kể những phương pháp lãng phí mà họ vẫn áp dụng lâu nay trong khi vẫn kiếm được lợi nhuận.
Nguồn: https://zingnews.vn/thoi-trang-cho-the-he-moi-post1398823.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. KMS Technology sáp nhập Software Allies mở rộng thị trường
Ngày 2/2, KMS Technology công bố mua lại công ty phần mềm Software Allies (Mexico) để mở rộng thị trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu mô hình phát triển phần mềm trên toàn cầu. Với việc sáp nhập này, quy mô của công ty được nhân rộng với 2 văn phòng mới tại Guadalajara và Ciudad Guzman, Mexico.
Thành lập năm 2009, KMS Technology hiện là một trong những công ty phát triển phần mềm có quy mô hàng đầu tại Việt Nam với 1.500 nhân viên cung cấp dịch vụ tư vấn và phát triển phần mềm có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Nguồn: https://vneconomy.vn/kms-technology-sap-nhap-software-allies-mo-rong-thi-truong.htm
2. Google trình làng siêu AI đấu trực tiếp với ChatGPT
Trang Reuters thông tin, công ty mẹ của Google – Alphabet ngày 6/2 cho biết sẽ ra mắt dịch vụ chatbot và nhiều dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) hơn cho công cụ tìm kiếm Google. Động thái này được xem như câu trả lời của Alphabet với đối thủ Microsoft trong cuộc đua dẫn đầu một làn sóng điện toán mới.
Chưa có thông tin chính xác về khả năng của Bard nhưng theo The Verge, nó có vẻ là một chatbot miễn phí như ChatGPT của OpenAI, khuyến khích người dùng đặt câu hỏi thực tế cho Bard. The Verge nhận định thông báo có phần vội vã về Bard là những dấu hiệu cho thấy Google không thể ngồi yên trước làn sóng ChatGPT. Mặc dù công nghệ cơ bản của ChatGPT không mang tính cách mạng, nhưng quyết định của OpenAI về việc cung cấp hệ thống miễn phí trên web đã khiến hàng triệu người tiếp cận với hình thức tạo văn bản tự động mới lạ này.
Trong tháng 1 vừa qua ChatGPT có 13 triệu người dùng hàng ngày và hơn 100 triệu người dùng hàng tháng, vượt qua nhiều mạng xã hội nổi tiếng. So sánh với các mạng xã hội phổ biến, điển hình như TikTok mất tới 9 tháng để đạt mốc 100 triệu người dùng. Hay với Instagram, mạng xã hội đạt lượng người dùng tương tự sau 2,5 năm.
Nguồn: https://markettimes.vn/khong-the-ngoi-yen-truoc-lan-song-dien-toan-moi-google-trinh-lang-nen-tang-ai-dau-truc-tiep-voi-chatgpt-15938.html
3. Thị trường Ấn Độ không “béo bở” như tưởng tượng của các hãng điện thoại
Các hãng điện thoại đang ngày càng để mắt đến Ấn Độ, tuy nhiên làm giàu từ thị trường này dường như không hề dễ dàng. Tại quốc gia này, lạm phát đang ăn mòn nhu cầu về điện thoại thông minh hơn bao giờ hết. Tỷ lệ người dân có việc làm ổn định ở mức thấp và thu nhập hộ gia đình giảm khiến người Ấn Độ có ít tiền hơn để chi tiêu, đặc biệt là cho các mặt hàng công nghệ. Nhu cầu về điện thoại thông minh đã giảm mạnh ở Ấn Độ do người tiêu dùng đang kiềm chế chi tiêu trong điều kiện kinh tế vĩ mô ảm đạm.
Theo Ami Shah, đồng sáng lập của IntelliAssist, một công ty tiếp thị kỹ thuật số, người Ấn Độ thường thay đổi điện thoại thông minh của họ vài năm một lần. Trong vài năm qua, khoảng thời gian này đã tăng lên đáng kể. Đến năm 2021, khi đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế và việc nâng cấp điện thoại đã thật sự giảm xuống. Ít việc làm hơn và lạm phát đã đặt điện thoại thông minh ra khỏi những nhu cầu cần thiết của người dùng.
Nguồn: https://markettimes.vn/thi-truong-an-do-khong-beo-bo-nhu-tuong-tuong-cua-cac-hang-dien-thoai-apple-khoc-thet-15679.html
4. Dell cắt giảm 7.000 nhân viên
Dell hôm qua đã công bố kế hoạch sa thải 5% lực lượng lao động của mình, tương đương khoảng 6.650 nhân viên, theo hồ sơ của SEC. Việc cắt giảm tại Dell diễn ra khi nhu cầu về PC và máy tính xách tay đã chậm lại trên toàn cầu. Theo các nhà phân tích ngành tại IDC, các lô hàng PC trên toàn cầu đã giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 4 năm 2022. Các lô hàng máy tính của Dell đã giảm 37% trong cùng thời kỳ đó, trong khi các đối thủ Lenovo, HP và Apple lần lượt giảm 28%, 29% và 2%. Được biết, khoảng 55% doanh thu của hãng hiện là từ PC.
Thông báo sa thải của công ty đánh dấu đợt cắt giảm việc làm mới nhất trong ngành công nghệ. Vào tháng 1, Google tiết lộ kế hoạch sa thải hơn 12.000 công nhân, Microsoft tiết lộ kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân viên và Salesforce công bố kế hoạch sa thải 7.000 nhân viên. Các đối thủ của Dell trong lĩnh vực máy tính cũng đã sa thải hàng nghìn nhân sự. Tháng 11 năm ngoái, HP thông báo cắt giảm 6.000 nhân viên. Cisco và IBM đầu năm nay cùng tuyên bố cho thôi việc khoảng 4.000 nhân viên.
Nguồn: https://viettimes.vn/dell-cat-giam-7000-nhan-vien-post163932.html
5. Kinh doanh sa sút, Ford thiệt hại 2 tỷ USD trong năm 2022
Báo cáo tài chính năm 2022 được đưa ra ngày 2/2 của Tập đoàn Ford cho thấy, hãng xe hơi Mỹ đạt doanh thu 158,1 tỷ đô la, tăng 16% so với năm 2021 (doanh thu 136,3 tỷ đô la). Tuy nhiên, lợi nhuận trước lãi vay và thuế của Ford chỉ đạt được 10,4 tỷ đô la, thấp hơn 1 tỷ USD so với kế hoạch ban đầu. Kết quả này dẫn tới khoản thiệt hại 2 tỷ đô la lỗ ròng. Nguyên nhân là do sự đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chi phí sản xuất và bán hàng tăng cao.
Theo ông Jim Farley, CEO của Ford nói rằng, đáng lẽ ra hãng cần phải làm tốt hơn vào năm ngoái. Và dù đã thiệt hại mất 2 tỷ đô la vào năm tài khóa 2022, song ông này cũng cho biết thêm rằng mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát, và công ty sẽ cải thiện điều đó bằng cách nâng cao hiệu suất làm việc và thực thi các chính sách mới.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ford-thiet-hai-2-ty-usd-so-voi-du-dinh-trong-nam-2022-2107467.html
6. Hãng xe BYD bắt đầu vươn ‘vòi bạch tuộc’ sang Nhật Bản
Hãng sản xuất ô tô Trung Quốc BYD bắt đầu bán xe điện tại Nhật Bản từ tuần trước nhằm hiện thực hóa tham vọng toàn cầu, vượt mặt các hãng xe truyền thống. Sự xuất hiện của BYD tại thị trường ô tô lớn thứ 4 thế giới đến trong bối cảnh hãng đã xây chắc ngôi vị số 1 thị trường xe điện trong nước và bắt đầu vươn “vòi bạch tuộc” đến các thị trường tiềm năng khác để đấu với Tesla trong cuộc chơi toàn cầu. Ngoài Nhật Bản, BYD cũng bắt đầu bán xe điện tại Australia và Thái Lan, đồng thời mở nhà máy sản xuất tại Nam Mỹ.
Showroom tại Yokohama sẽ là cửa hàng đầu tiên trong tổng số 20 cửa hàng được mở trên khắp Nhật Bản trong năm nay. Công ty cũng sẽ hợp tác với hơn 100 đại lý tại quốc gia này cho đến hết năm 2025. Điều này hoàn toàn đối lập với Tesla, vốn chủ yếu bán xe qua mạng. Trong năm nay, BYD sẽ đưa thêm 2 mẫu xe mới đến Nhật Bản. Khách hàng Nhật Bản cũng có thể đến showroom của hãng để lái thử xe và theo thông tin ban đầu, họ đã nhận được “một lượng lớn” đơn đặt hàng.
Nguồn: https://markettimes.vn/toyota-honda-nissan-lo-dan-di-la-vua-hang-xe-dien-danh-dau-thang-do-nay-bat-dau-vuon-voi-bach-tuoc-sang-san-nha-cua-ho-15851.html
7. VinFast cắt giảm nhân sự, lùi lịch giao VF 8 tại Mỹ
Theo Reuters, VinFast xác nhận việc giao VF 8 cho những khách hàng Mỹ đầu tiên dự kiến dời sang nửa cuối tháng 2, sau khi hãng xe Việt Nam hoàn tất quá trình cập nhật phần mềm cho các mẫu ôtô điện này. Như vậy, thời điểm bàn giao VF 8 cho khách hàng Mỹ đã bị trễ 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Cũng theo Reuters, VinFast cho biết đang cắt giảm quy mô lực lượng lao động tại Mỹ giữa lúc hãng xe điện này tiến hành tái cơ cấu hoạt động tại thị trường nước ngoài. Trước đây, VinFast đã thuê khoảng 150 nhân công làm việc tại xứ cờ hoa. Nhiều người trong số này đảm nhận các vai trò bán hàng, hỗ trợ và phân phối trong mô hình mà VinFast hướng đến việc bỏ qua các đại lý ôtô truyền thống. Hiện, trang tin Reuters vẫn chưa rõ liệu sẽ có bao nhiêu việc làm bị ảnh hưởng từ đợt tái cấu trúc này của VinFast tại Mỹ.
Nguồn: https://zingnews.vn/vinfast-cat-giam-nhan-su-lui-lich-giao-vf-8-tai-my-post1399586.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Nga thâm hụt ngân sách lớn do doanh thu dầu khí giảm một nửa
Trong tháng trước, doanh thu thuế từ dầu mỏ và khí đốt của Nga giảm hơn 46% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi chi tiêu tăng 59% do chi phí cho cuộc xung đột ở Ukraine. Hôm 6-2, Bộ Tài chính Nga cho biết sự kết hợp của các diễn biến này khiến Nga thâm hụt ngân sách công 1,76 nghìn tỉ rúp (gần 25 tỉ đô la Mỹ).
Doanh thu từ dầu khí của Nga giảm mạnh do tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hàng hóa năng lượng xuất khẩu của Nga. Các lệnh trừng phạt này bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và chế phẩm dầu mỏ bằng đường biển từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) cũng như cơ chế áp giá trần đối với những sản phẩm năng lượng này của khối cường quốc G7 và các đồng minh.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nga-tham-hut-ngan-sach-lon-do-doanh-thu-dau-khi-giam-mot-nua/
2. Đề xuất cây xăng được lấy hàng từ nhiều nguồn
Tại dự thảo lần 2 tờ trình Thủ tướng về sửa đổi Nghị định 95 và 83 kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, thay vì bảo lưu quan điểm chỉ được mua từ 1 nguồn như quy định hiện nay (có thể giới hạn từ 2 – 3 nguồn). Bộ Công Thương lý giải, Bộ lựa chọn phương án này với lý do nhằm đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng. Trong khi thương nhân phân phối chỉ được mua từ 3 nguồn (đầu mối), không được lấy từ thương nhân phân phối xăng dầu khác.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/de-xuat-cay-xang-duoc-lay-hang-tu-nhieu-nguon-20230202213448188.htm
3. Bộ Công Thương giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá với thép cán nguội Trung Quốc
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 132 về việc giữ nguyên việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Vì vậy, mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nguội Trung Quốc tiếp tục giữ nguyên theo Quyết định số 3390 của Bộ Công Thương ban hành ngày 21/12/2020. Quyết định cũng nêu rõ, thép cán nguội Trung Quốc chịu mức thuế chống bán phá giá dao động trong khoảng 4,43 – 25,22% tùy vào từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cụ thể.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-giu-nguyen-muc-thue-chong-ban-pha-gia-voi-thep-can-nguoi-trung-quoc-20230203145211042.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

Quỹ Công nghệ của VinaCapital rót 1 triệu USD vào startup nông nghiệp Việt
Ngày 6-2, VinaCapital Ventures, quỹ đầu tư công nghệ của tập đoàn VinaCapital, thông báo vừa đầu tư 1 triệu USD (khoảng 24 tỉ đồng) vào Koina, một nền tảng công nghệ nông nghiệp từ nông trại đến doanh nghiệp dựa trên dữ liệu, được thành lập tại Việt Nam. Khoản đầu tư của VinaCapital Ventures là một phần của vòng gọi vốn hạt giống (Seed) của Koina.
Nền tảng Nhà nông của Koina với mục đích hỗ trợ nông dân vay vốn, cung cấp giá cả minh bạch và hợp lý, hướng dẫn nông dân các quy trình thực hành nông nghiệp tốt nhất từ trồng trọt, thu hoạch đến cung cấp trái cây, rau quả tươi từ các trang trại đến các nhà bán lẻ với chất lượng cao nhất và giá cả cạnh tranh… Tầm nhìn của Koina là xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp lớn và hiệu quả bằng cách đồng hành cùng nông dân, đồng thời làm cầu nối trực tiếp cho nông dân với các tổ chức tài chính, nhà cung cấp và nhà bán lẻ.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/quy-cong-nghe-cua-vinacapital-rot-1-trieu-usd-vao-startup-nong-nghiep-viet-2023020612153061.htm

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Các công ty khởi nghiệp góp công phát triển ngành nuôi hải sản Indonesia
Kênh CNBC (Mỹ) cho biết vào năm 2022, một số công ty khởi nghiệp Indonesia đã huy động được hàng triệu USD từ các nhà đầu tư lớn dành cho lĩnh vực này. Những cái tên nổi bật là eFishery (90 triệu USD), Aruna (30 triệu USD), Delos (8 triệu USD) và FishLog (3,5 triệu USD).
Hiện tại, eFishery đang giúp ngư dân tối ưu hóa quy trình của họ thông qua máy cho ăn tự động và ứng dụng di động. Máy cho ăn tự động phát hiện mức độ đói của cá và tôm thông qua chuyển động của chúng, giúp ngăn ngừa một vấn đề phổ biến trong quy trình thủ công: cho ăn quá nhiều và thiếu. Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Aruna giúp kết nối những người nuôi thủy sản quy mô nhỏ của Indonesia với người mua.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-cong-ty-khoi-nghiep-gop-cong-phat-trien-nganh-nuoi-hai-san-indonesia-20230201185151415.htm
2. Xoài ghép trái vụ ‘lên ngôi’
Ông Nguyễn Dũng (ấp Trung Tín, xã Xuân Trường, Xuân Lộc, Đồng Nai) được biết đến là một trong những lão nông tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng xoài của huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, ông Dũng là người khá thành công khi dám nghĩ đến chuyện ghép cải tạo giống xoài cát Bưởi với xoài cát Hòa Lộc để có thể trồng trái vụ và cho năng suất cao. Hiện nay, nông dân trồng xoài ở xã Xuân Trường phần lớn là canh tác trái vụ. Việc chọn canh tác xoài trái vụ vừa tạo thu nhập cao, vừa tạo được sản phẩm đặc thù cho địa phương. Không chỉ bán ra thị trường trong tỉnh, xoài cát Hòa Lộc của xã Xuân Trường còn được thương lái mua thông qua các kênh trung gian để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Úc.
Việc ghép cải tạo 2 giống xoài cát Bưởi và xoài cát Hòa Lộc kết hợp với chuyển đổi sang canh tác trái vụ không những cho năng suất, chất lượng ổn định mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng xoài ở xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc. Đây cũng có thể xem là một trong những hướng đi phù hợp cho bà con nông dân để có thể thoát khỏi điệp khúc “được mùa mất giá”.
Nguồn: http://daidoanket.vn/xoai-ghep-trai-vu-len-ngoi-5708854.html
3. Cam sành rẻ chưa từng có
Khảo sát của phóng viên, ngày 8-2, tại khu vực quận Bình Thạnh, quận 1,… cam sành được bán khá nhiều với giá phổ biến từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, nhiều nơi bán giá “xổ, rẻ” chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Dù giá rẻ nhưng cam mùa này khá chất lượng, nhiều nước, màu bắt mắt và ngọt nên bán khá chạy. Trong khi trước đây, cam sành hàng chợ thường ở mức từ 15.000 – 20.000 đồng/kg nên khi giá giảm xuống 10.000 đồng/kg đã được xem là rẻ nhưng năm nay giá cam không chỉ thủng đáy mà còn kéo dài khiến nhà vườn “méo mặt”.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay cam là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất nên được nông dân trồng nhiều. Tuy nhiên, về đầu ra thì đây là loại quả chỉ được bán nội địa và còn phải cạnh tranh với nhiều loại cam nhập khẩu chất lượng, mẫu mã đẹp và giá rất cạnh tranh. Ngoài ra, cam sành chỉ phù hợp để vắt nước uống tươi, khó đưa vào chế biến công nghiệp vì hạt nhiều nên gặp hạn chế về tiêu thụ. Vì vậy, khi sản lượng dư thừa sẽ bị rớt giá thê thảm.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/cam-sanh-re-chua-tung-co-2023020812593145.htm
4. Nông dân Ninh Thuận điêu đứng vì tỏi mất mùa, mất giá
Kết thúc vụ bấc năm nay, nông dân trồng tỏi ở Ninh Thuận lại điêu đứng vì bị mất mùa, mất giá. Theo nông dân, nguyên nhân mất mùa là do thời tiết diễn biến bất thường trong mấy năm gần đây, tình trạng mưa lớn kéo dài vào những tháng cuối năm 2022 khiến cho cây tỏi phát sinh một số bệnh mới mà bà con gọi là: bệnh nấm lá, nấm nước sôi… làm cho cây sinh trưởng chậm và chết dần vào thời điểm tạo củ tỏi, nên năng suất và chất lượng kém.
Ông Nguyễn Hàn, Trưởng thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, cho biết, toàn thôn có 140 hộ trồng tỏi với tổng diện tích hơn 30ha. Mấy chục năm qua, cây tỏi là một trong những cây trồng chủ lực của nông dân, nhờ cây tỏi mà nhiều hộ dân đã giảm được nghèo, lo cho con cái ăn học và vươn lên làm giàu. Nhưng năm nay bị mất mùa, khiến cho đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ lỗ nặng, thậm chí không còn giống để tái sản xuất vụ sau.
Nguồn: https://nhandan.vn/nong-dan-ninh-thuan-dieu-dung-vi-toi-mat-mua-mat-gia-post737681.html
5. Giá nhiều loại nông sản tăng mạnh sau khi Trung Quốc “mở cửa”
Việc thông quan sang Trung Quốc đều đặn trở lại, cùng hoạt động thu mua, chế biến tại các nhà máy sôi động cũng là cơ hội để giá các loại nông sản bật tăng mạnh. Sự tăng giá ghi nhận ở hầu hết các loại nông, thủy sản, đặc biệt rõ rệt nhất là trái cây, có mặt hàng đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Trung Quốc là thị trường tiềm năng, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Chính vì vậy, khi thị trường này mở cửa, hầu hết các nông sản Việt đều tăng giá.
Có thể thấy việc thị trường Trung Quốc khởi động lại đang mang đến niềm phấn khởi cho cả nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, lần mở cửa trở lại sau đại dịch, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Nước này đã bắt đầu siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu đối với mặt hàng nông sản. Cụ thể, phía Trung Quốc sẽ thay đổi mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng giảm hàm lượng thuốc bảo vệ gần ngang bằng với các nước phát triển. Cùng với đó, nước này cũng quy định về truy xuất được nguồn gốc, mã vùng trồng.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-nhieu-loai-nong-san-tang-manh-sau-khi-trung-quoc-mo-cua-20230206123536329.htm
6. Trung Quốc gom mua cau non giá cao, Cục Trồng trọt khuyến cáo không trồng ồ ạt
Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc tăng thu mua quả cau non của Việt Nam khiến loại quả này có giá lên đến 26.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu khan hiếm. ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, điều này rất có thể khiến người dân trồng cau một cách ồ ạt, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa. Do đó, ông Cường khuyến cáo người dân không nên ham giá cao mà trồng ồ ạt cau theo phong trào.
Trên thực tế, đã rất nhiều lần người nông dân điêu đứng vì trồng cây ồ ạt theo phong trào khi thấy thương lái Trung Quốc tăng thu mua. Gần đây nhất, đầu năm 2022, ở nhiều tỉnh miền Tây diễn ra hiện tượng thanh long nghịch vụ (còn gọi là thanh long xông đèn) ế đầy đồng khi thương lái đột ngột dừng mua. Không ít thương lái nhỏ cũng bị thiệt hại số tiền đã đặt cọc trước đó, nhưng không thể yêu cầu các thương lái Trung Quốc bồi thường vì tất cả các giao dịch đặt cọc đều không rõ ràng, không có văn bản hay hợp đồng cụ thể.
Nguồn: https://vtc.vn/trung-quoc-gom-mua-cau-non-gia-cao-cuc-trong-trot-khuyen-cao-khong-trong-o-at-ar740215.html
Tham khảo thêm: Kẹo cau có tác dụng gì mà Trung Quốc tăng thu mua?
https://plo.vn/keo-cau-co-tac-dung-gi-ma-trung-quoc-tang-thu-mua-post718985.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ ‘lao dốc’
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Tháng 1/2023, XK thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cụ thể, tháng 1/2023, XK thủy sản Việt Nam đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, mặt hàng giảm mạnh nhất là cá tra khi chỉ đạt hơn 106 triệu USD (giảm 50%); kế đến là tôm giảm 46% khi đạt 169 triệu USD. Tiếp theo là cá ngừ với gần 60 triệu USD (giảm 32%). Riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% (đạt hơn 65 triệu USD) và các loài cá biển khác tăng 6% (đạt hơn 168 triệu USD)… Về thị trường, XK thủy sản sang các thị trường chính trong tháng 1/2023 đều giảm mạnh, trong đó thị trường Mỹ giảm 56%,Hongkong – Trung Quốc giảm 55%, EU giảm 35%…
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine và sự xuất hiện của một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn. Bối cảnh đó cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU… Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt… Ngành thủy sản kỳ vọng sự hồi phục nhu cầu và đơn hàng từ các thị trường và tình hình sẽ sáng sủa hơn từ quý 2/2023.
Nguồn: https://tienphong.vn/nhieu-mat-hang-thuy-san-xuat-khau-cua-viet-nam-bat-ngo-lao-doc-post1506734.tpo
2. Thêm 23 doanh nghiệp thủy sản được xuất khẩu vào Trung Quốc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc (CIFER) thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt, bổ sung thêm 23 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Như vậy, đến nay, hệ thống CIFER của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hơn 800 doanh nghiệp Việt Nam được công bố đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/them-23-doanh-nghiep-thuy-san-duoc-xuat-khau-vao-trung-quoc-20230203095608805.htm
3. Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc mang về hơn 1,4 tỷ USD trong năm 2022
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết trong năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 3,25 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD. Kết quả này đã tăng 13,3% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2022 ở mức 432,7 USD/tấn, tăng 5,6% so với năm 2021.
Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với ngành sắn của Việt Nam trong năm vừa qua. Năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,67% về lượng và chiếm 91,47% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước với 2,98 triệu tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2022 ở mức 356,8 USD/tấn, tăng 6,6% so với năm 2021.
Lý giải về mức nhập khẩu chiếm tỉ trọng cao của Trung Quốc đối với sắn Việt Nam, bên cạnh sử dụng làm các món ăn cho người như mì, bánh,… thì Trung Quốc còn tăng nhập khẩu sắn của Việt Nam để sử dụng trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo.
Nguồn: https://markettimes.vn/mang-ve-hon-1-4-ty-usd-trong-nam-2022-mat-hang-nay-cua-viet-nam-dang-giup-trung-quoc-giu-vi-tri-nha-san-xuat-thit-lon-nhat-the-gioi-gom-den-hon-90-san-luong-15499.html
4. Nước mắm Phú Quốc được người Thái săn đón
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), tại hội thảo kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Thái Lan với sự tham dự của 45 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cùng 26 đơn vị thu mua hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Group Thái Lan và các nhà nhập khẩu Thái Lan, các nhà mua hàng của Thái Lan rất thích thú với sản phẩm nước mắm Phú Quốc.
Sự kiện này đã ghi nhiều dấu ấn và kết quả ngạc nhiên khi chỉ 2 ngày đầu tiên tham gia, toàn bộ sản phẩm nước mắm Khải Nguyên (Phú Quốc) đã được bán hết. Nước mắm Phú Quốc được người Thái ưa thích không chỉ vì hương vị đặc biệt, mà khách hàng ở đây còn rất ngạc nhiên bởi đến thời điểm này, Việt Nam vẫn giữ được sản phẩm tinh túy, truyền thống.
Nguồn: https://markettimes.vn/san-pham-co-mat-trong-bua-com-hang-ngay-cua-nguoi-viet-duoc-nguoi-thai-san-don-xuat-khau-sang-cac-thi-truong-lon-hang-trieu-usd-nam-15720.html
5. Giá gạo Việt tăng cao nhất trong vòng 2 năm
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Theo đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 5/2 đã tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng trước. Cụ thể, loại 5% tấm giao dịch ở 473 USD/tấn, gạo 25% tấm 453 USD/tấn.
Theo ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu trong tháng đầu năm 2023 tăng cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết, các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn. Hiện nhiều nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi…đang tích cực thu mua gạo dự trữ. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã nhận được hàng loạt đơn hàng lớn khi vừa khai xuân và kỳ vọng ngành gạo tiếp tục tỏa sáng trong năm 2023.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-gao-viet-tang-cao-nhat-trong-vong-2-nam-post1507592.tpo
6. Việt Nam chi 1 tỉ USD để nhập khẩu hạt điều từ Campuchia
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia dẫn báo cáo của Hiệp hội hạt điều Campuchia cho biết năm 2022, nước này đã xuất khẩu 670.000 tấn hạt điều thô ra thị trường quốc tế trị giá 1,07 tỉ USD vào năm 2022, giảm 34,65%. Đáng chú ý là có tới 98,5% sản lượng điều xuất khẩu của Campuchia được bán sang Việt Nam, tương đương 660.000 tấn, trị giá hơn 1 tỉ USD. Điều thô Campuchia cũng là một trong những nguồn cung chính của ngành chế biến hạt điều Việt Nam.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2022, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn nguyên liệu điều, với đơn giá bình quân 1.400 USD/tấn; tổng cộng các doanh nghiệp điều đã chi ra khoảng 2,66 tỉ USD để nhập nguyên liệu. Việt Nam tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về sản lượng nhập khẩu điều thô trên toàn thế giới. Nguồn cung hạt điều cho Việt Nam chủ yếu là: Campuchia và các nước châu Phi (Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria, Tanzania,…). Hiện nay, diện tích trồng điều của Việt Nam chỉ khoảng 300.000 ha, cung cấp khoảng 30% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/viet-nam-chi-1-ti-usd-de-nhap-khau-hat-dieu-tu-campuchia-20230207094908556.htm
7. Nhiều cơ hội mới trong hợp tác thương mại Việt Nam-Brunei
Việt Nam và Brunei thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992 và hai nước đã nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Quốc vương Brunei Darussalam tới Việt Nam vào tháng 3/2019. Tuy nhiên, do đặc tính của Brunei là thị trường nhỏ nên đến thời điểm này, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Brunei còn tương đối khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, chuyến thăm chính thức Brunei Darussalam của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao thể hiện sự coi trọng cũng như mong muốn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước nhằm tiếp tục đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu.
Theo bà Lê Hoàng Oanh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), Brunei là quốc gia hồi giáo nên các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến đều phải tuân thủ theo các quy định Halal. Hơn nữa, Brunei là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm tiêu dùng, nông sản và thực phẩm của Việt Nam bởi Brunei không tự sản xuất được các sản phẩm trong nước. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế về sản phẩm cà phê, gạo, sản phẩm chế biến, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả… có khả năng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Brunei nói riêng.
Nguồn: https://bnews.vn/nhieu-co-hoi-moi-trong-hop-tac-thuong-mai-viet-nam-brunei/280191.html
BSAi