Bản tin thị trường, từ 1-8/9/2022

101

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

Tin tức về thị trường đạm thay thế

1. Hệ sinh thái start-up về plant-based ở Châu Á dự kiến tăng trưởng 25% vào năm 2025
Hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực protein từ thực vật ở châu Á đang hướng tới mức tăng trưởng 25% vào năm 2025 khi ngày càng nhiều người châu Á áp dụng chế độ ăn kiêng linh hoạt và các công ty trên toàn khu vực nỗ lực phát triển các sản phẩm phù hợp hơn với khẩu vị của họ.
Theo Andrew D Ive, người sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại New York và công ty tăng tốc khởi nghiệp Big Idea Ventures (BIV), những công ty khởi nghiệp tại Châu Á có lợi thế cạnh tranh so với các công ty quốc tế nhờ khả năng nội địa hóa sản phẩm và tận dụng các nguyên liệu địa phương ngoài đậu nành, lúa mì và protein đậu.
”Ngày càng có nhiều người châu Á tìm đến chế độ ăn kiêng linh hoạt mà không muốn hy sinh sự ngon miệng. Chúng ta có thể thấy rằng có một số công ty khởi nghiệp về đạm plant-based ở Châu Á tập trung vào việc phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng hơn là chỉ tập trung vào thuộc tính của sản phẩm. Họ nhận ra sự đa dạng về khẩu vị, phong cách, kết cấu và văn hóa ẩm thực và tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng thị trường thực phẩm rất sáng tạo và đa dạng. Họ hiểu rõ địa lý, cơ hội thị trường và kỳ vọng của người tiêu dùng, ” Ông Ive nói
Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/08/31/asian-plant-based-start-up-scene-to-grow-25-by-2025-expert
2. Rong biển siêu bổ dưỡng có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát triển một công nghệ tiên tiến giúp đẩy mạnh sự tăng trưởng của rong biển để tăng cường hàm lượng các chất dinh dưỡng, protein, chất xơ và khoáng chất. Công nghệ hiện đại trên làm tăng đáng kể tốc độ tăng trưởng, mức protein, carbohydrate lành mạnh và khoáng chất trong các mô của rong biển – làm cho rong biển sau quá trình này trở thành một loại siêu thực phẩm tự nhiên có giá trị dinh dưỡng cực cao, có thể được sử dụng trong tương lai cho ngành công nghiệp thực phẩm sức khỏe và đảm bảo một nguồn thực phẩm ổn định cho tương lai
Nghiên cứu trên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Avigdor Abelson từ Trường Động vật học, giáo sư George S. Wise – Khoa Khoa học Đời sống tại Đại học Tel Aviv và Giáo sư Alvaro Israel thuộc Viện Nghiên cứu Địa dương và Hải dương học Israel (IOLR) ở Tel Shikmona, Haifa.
Nguồn: https://www.foodnavigator.com/Article/2022/09/05/super-nutritious-enriched-seaweed-that-can-help-ease-global-food-crisis-unveiled-by-scientists

Tin tức nổi bật trong nước và quốc tế

1. Starbucks có CEO mới
Trong thông báo mới, Starbucks cho biết ông Laxman Narasimhan sẽ trở thành Giám đốc điều hành mới của doanh nghiệp kể từ ngày 1/10, theo CNN. Vị này sẽ chính thức bắt đầu vai trò quản lý cao nhất trong ban giám đốc công ty vào tháng 4/2023, sau đó sẽ tham gia hội đồng quản trị của Starbucks.
Trước khi đầu quân cho Starbucks, ông Laxman Narasimhan là CEO của Reckitt Benckiser, nhà sản xuất các sản phẩm vệ sinh và sức khỏe có trụ sở tại Anh. Các sản phẩm của công ty này bao gồm bao cao su Durex, Lysol và Mucinex… Trước đó, ông cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao tại PepsiCo (PEP) như giám đốc thương mại toàn cầu. Ông cũng là đối tác cấp cao của McKinsey, tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ.
Nguồn: https://zingnews.vn/starbucks-co-ceo-moi-post1351848.html
2. Startup giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm đang phát triển ở châu Á
Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), châu Á được xem là một trong những khu vực có mức thực phẩm lãng phí lớn nhất. Để giải quyết vấn đề trên, các công ty khởi nghiệp công nghệ đang lấy thức ăn chế biến thừa đáng nhẽ bị bỏ đi và cung cấp chúng như các bữa ăn giảm giá thông qua các ứng dụng hoặc ứng dụng trên điện thoại di động. Điều này đang được khách hàng hưởng ứng nhiệt tình.
Nguồn: https://conglyxahoi.net.vn/kinh-te-doanh-nghiep/startup-giai-quyet-van-de-lang-phi-thuc-pham-dang-phat-trien-o-chau-a-166022.html
3. Exquisine Global – thương hiệu ẩm thực Thái Lan mở rộng hoạt động tại Việt Nam
Tập đoàn Exquisine Global – đại sứ thương hiệu ẩm thực Thái Lan tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua việc khai trương thêm các cửa hàng ẩm thực mới. Việc lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam được cho là sau khi Exquisine Global hợp tác mang tính bước ngoặt với Tập đoàn Novaland. Theo đó, mục tiêu hướng tới của Exquisine Global là mang tới lựa chọn mới mẻ và hấp dẫn cho thực khách địa phương, du khách nước ngoài cũng như mở ra cơ hội nhượng quyền tiềm năng cho các nhà đầu tư.
Nguồn: https://congthuong.vn/exquisine-global-thuong-hieu-am-thuc-thai-lan-mo-rong-hoat-dong-tai-viet-nam-219173.html
4. Ăn vặt trở thành xu hướng ở Mỹ
Hãy quên một ngày chỉ có 3 bữa sáng, trưa và tối đi. Giờ đây mọi người lại ưa chuộng những bữa phụ trong ngày. Các công ty lớn báo cáo doanh số bán đồ ăn vặt tại Mỹ đang tăng vọt. Doanh thu của Doritos, Cheetos, Ruffles, PopCorners, Smartfood và SunChips đã tăng trưởng hai con số trong quý hai năm nay. Doanh số bán lẻ của Pirate’s Booty tăng khoảng 32% và SkinnyPop tăng khoảng 17%.
Theo CNN, thói quen ăn uống đã thay đổi và mọi người đang có xu hướng thích ăn vặt hơn thay vì ăn các bữa chính truyền thống như trước đây. Theo một cuộc khảo sát về đồ ăn nhanh năm 2021 của Mondelez, khoảng 64% người tiêu dùng trên toàn thế giới nói rằng họ thích ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày hơn là ăn một vài bữa chính.
Nguồn: https://toquoc.vn/mon-an-tung-bi-ghet-bo-lai-dang-tro-thanh-loi-song-cua-nguoi-my-20220906085628443.htm
5. Kinh doanh thực phẩm cận date bùng nổ ở Trung Quốc
Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tầng lớp trung lưu và bình dân tại Trung Quốc đang thắt lưng buộc bụng, tìm mua các món hàng thiết yếu giá rẻ. Thị trường các mặt hàng thực phẩm và đồ uống sắp hết hạn vì thế được dịp bùng nổ ở đất nước khổng lồ này.
Hãng tư vấn China Market Research dự báo doanh số ngành kinh doanh thực phẩm cận date sẽ tăng từ 29 tỉ nhân dân tệ trong năm 2019 lên 36 tỉ nhân dân tệ (hơn 5 tỉ đô la) trong năm nay. Giới trẻ Trung Quốc đang góp phần tạo nên ngành kinh doanh khổng lồ này.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/kinh-doanh-thuc-pham-can-date-bung-no-o-trung-quoc/
6. Bánh trung thu độc lạ hút khách ở TPHCM
Bên cạnh bánh trung thu truyền thống, thị trường TPHCM mùa Trung thu năm nay còn xuất hiện nhiều loại bánh trung thu mới, độc lạ được người tiêu dùng yêu thích.
Không bỏ lỡ thị trường bánh sôi động nhất năm, giới thiệu nhiều sản phẩm bánh trung thu mới lạ, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Cụ thể như Vietnipa với bánh trung thu sử dụng đường dừa nước, ABC với bánh trung thu hoa đậu biếc và bánh trung thu thanh long, các thương hiệu cà phê lớn như Coffee House, Highland với dòng bánh riêng của mình…..
Nguồn: https://tienphong.vn/banh-trung-thu-doc-la-hut-khach-o-tphcm-post1466224.tpo
7. Giá lợn hơi tiếp đà giảm
Tại miền Bắc, giá lợn hơi tiếp tục giảm từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg tại một số tỉnh, thành, dao động trong khoảng 65.000 – 69.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi ở một số địa phương dao động trong khoảng 60.000 – 67.000 đồng/kg.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm luôn được đảm bảo, sẽ không có biến động mạnh về giá như dịp vừa qua. Giá lợn hơi đang vào khoảng 62.000 – 70.000 đồng/kg, mức chấp nhận được, không quá thấp cũng không quá cao, hài hòa đối với người tiêu dùng và đảm bảo người chăn nuôi có lãi.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-lon-hoi-tiep-da-giam-20220902111151632.htm

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Xu hướng mạng xã hội lấn sân sang thương mại điện tử đang hình thành
Cơ hội cho thương mại điện tử tăng tốc sau đại dịch là rất lớn vì tư duy lẫn hành vi của người tiêu dùng đều chuyển biến tích cực hướng đến các kênh mua sắm trực tuyến. Cuộc chơi có thể còn nhiều thay đổi khi các nền tảng mạng xã hội đang có xu hướng lấn sân sang thương mại điện tử.
Theo kết quả của khảo sát do Lazada thực hiện, mức độ thâm nhập của người dùng để mua sắm trực tuyến dự kiến sẽ đạt 413 triệu người dùng vào năm 2025 tại Đông Nam Á. Thị trường này cũng được dự đoán sẽ đạt doanh thu 142 tỉ đô la Mỹ trong năm nay với tốc độ tăng trưởng kép là 15%. Trong trung hạn, thương mại điện tử ở khu vực này này có thể đạt 217 tỉ đô la vào năm 2025.
Nguồn: https://www.sgtiepthi.vn/xu-huong-mang-xa-hoi-lan-san-sang-thuong-mai-dien-tu-dang-hinh-thanh/
2. Alibaba rót gần 1 tỷ USD vào Lazada
Tập đoàn từ Trung Quốc tiếp tục đầu tư thêm gần 1 tỷ USD vào Lazada, nâng tổng mức đầu tư từ đầu năm lên 1,3 tỷ USD. Theo Nikkei Asian Review, tập đoàn Alibaba mới đây đầu tư thêm 912,5 triệu USD vào Lazada. Tháng 5 trước đó, Alibaba từng bơm 378,25 triệu USD cho nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Đông Nam Á.
Alibaba có nhiều tham vọng ở Đông Nam Á. Năm ngoái, tập đoàn Trung Quốc đặt mục tiêu dài hạn nâng tổng giá trị hàng hóa lên 100 tỷ USD và nâng con số người dùng trên Lazada lên 300 triệu người.
Nguồn: https://zingnews.vn/alibaba-rot-gan-1-ty-usd-vao-lazada-post1351604.html
3. Thị trường đồ cũ bùng nổ ở Mỹ
Theo CNN, lạm phát tăng cao gây áp lực lên giá cả thị trường đã khiến nhiều gia đình đau đầu khi mua sắm, thậm chí có những nhà còn phải cắt giảm khẩu phần khi không đủ tiền mua. Chính vì vậy, để giảm bớt gánh nặng chi tiêu, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua lại đồ cũ mà người khác không dùng đến thay vì mua đồ mới. Tất cả những vật dụng cần thiết như đồ nội thất, đồ điện tử, đồ trang trí và cả quần áo đều được họ mua lại trên thị trường đồ secondhand thay vì mua từ siêu thị.
Hệ quả của việc này là những chuỗi cửa hàng bán lẻ như Walmart (WMT), Target (TGT) và Bed Bath & Beyond (BBBY) đều đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa hàng hóa.
Nguồn: https://zingnews.vn/thi-truong-do-cu-bung-no-o-my-post1351103.html
4. ‘Ông lớn ngoại quốc’ gia nhập thị trường mẹ và bé tại Việt Nam
Thị trường nội thất trẻ em tại Việt Nam được đánh giá đầy tiềm năng và vô cùng sôi động, thu hút ông lớn nước ngoài gia nhập thị trường này. Mới đây, Geuther một thương hiệu nội thất trẻ em cao cấp đến từ Đức chính thức gia nhập thị trường sản phẩm mẹ và bé tại Việt Nam. Được biết từ năm 2016, Geuther Việt Nam đã vận hành nhà máy sản xuất với diện tích 15.000 m2 tại Bình Dương, tới nay đơn vị này chính thức phân phối sản phẩm tại thị trường trong nước.
Theo ông Michel Bertsch, Giám đốc Điều hành Geuther Việt Nam, công ty muốn đóng góp vào thị trường Việt Nam bằng cách cung cấp các sản phẩm nội thất trẻ em làm từ gỗ chất lượng cao, đã được kiểm định an toàn, mẫu mã đẹp với giá cả hợp lý. Cụ thể, Geuther sẽ cung cấp đa dạng các sản phẩm dành cho trẻ em từ 0 tới 6 tuổi như giường, cổng an toàn, ghế ăn cao, bàn chơi, bộ ghế ngồi cho tới đồ chơi, hàng dệt và các phụ kiện khác.
Nguồn: https://plo.vn/ong-lon-ngoai-quoc-gia-nhap-thi-truong-me-va-be-tai-viet-nam-post697186.html
5. Lồng đèn Made in Vietnam áp đảo hàng Trung Quốc
Lần đầu tiên, sau hàng chục năm, lồng đèn “Made in Vietnam” áp đảo thị trường. Trước dịch, năm nào lồng đèn Trung thu Trung Quốc cũng thống trị nhờ giá rẻ dù chất lượng phập phù, mẫu mã đa dạng (nhiều mẫu sao chép, nhái hàng Việt). Năm nay khác hẳn. Lồng đèn nội lên ngôi, đặc biệt là lồng đèn thủ công. Một phần nhờ mẫu mã phong phú, cách tân, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. Nguyên nhân một phần do Trung Quốc đang tự trói mình, nhường sân chơi cho thiên hạ vì kiên trì chống dịch “Zero Covid”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Sức mua tăng nhanh, nhiều điểm bán lồng đèn không đủ nguồn cung. Điều này khiến người bán, người mua đều phấn khởi. Các loại lồng đèn lớn trang trí cũng đang hút khách. Không chỉ TP HCM, Hà Nội mà cả các tỉnh thành khác, khách hàng, ngoài gia đình và các bạn nhỏ, nhiều đơn vị cũng mua rất nhiều lồng đèn để tổ chức lễ hội và chương trình từ thiện.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/long-den-made-in-vietnam-ap-dao-hang-trung-quoc-20220904124031067.htm

Nhóm tin về ngành thời trang

1. Sắp diễn ra triển lãm nguồn hàng thời trang quốc tế Australia 2022 – cũ
Từ ngày 15 – 17/11/2022 sẽ diễn ra Triển lãm nguồn hàng quốc tế Australia 2022 (INTERNATIONAL SOURCING EXPO AUSTRALIA 2022) tại thành phố Melbourne, Australia.
Triển lãm nguồn hàng quốc tế Australia 2022 sẽ có sự tham gia của những người mua, nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà phân phối, nhà bán lẻ, nhà thiết kế, đại lý tìm nguồn cung ứng và nhà nhập khẩu. Đây là dịp để các nhà cung cấp trên khắp thế giới có thể gặp gỡ và kinh doanh với các nhà nhập khẩu về hàng may mặc, phụ kiện và dệt may (apparel, accessories, and textiles).
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/sap-dien-ra-trien-lam-nguon-hang-quoc-te-australia-2022-98266.htm
2. Startup Coolmate nhận đầu tư thêm 2,3 triệu USD
Startup Coolmate của Việt Nam vừa nhận thêm khoản vốn đầu tư 2,3 triệu USD cho vòng Series A từ quỹ GSR Ventures. Vòng gọi vốn mở rộng này còn có sự tham gia của quỹ đầu tư nội địa Do Ventures.
Số tiền 2,3 triệu USD vừa gọi vốn thành công sẽ được Coolmate sử dụng nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng cho dòng sản phẩm may mặc, tìm kiếm nguồn nguyên liệu và công nghệ sản xuất mới. Startup này muốn trực tiếp làm việc với các nhà cung cấp vải và nguyên phụ liệu để tìm nguồn hàng quy mô lớn hơn và đa dạng hơn. Trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, Coolmate đặt mục tiêu sẽ IPO vào năm 2025.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/hau-shark-tank-startup-coolmate-nhan-dau-tu-them-2-3-trieu-usd-2056697.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Apple mua hãng công nghệ ô tô tự lái Aurora để hiện thực hóa ước mơ?
Cuối tháng 7.2022, Apple đã chiêu mộ một trong những giám đốc phát triển ô tô hàng đầu của Lamborghini. Động thái cho thấy nhà sản xuất iPhone đang đẩy mạnh phát triển ô tô điện tự lái. Dự án ô tô điện của Apple đang được điều hành bởi Kevin Lynch (người cũng giám sát Apple Watch và nhóm phần mềm sức khỏe của công ty) cùng John Giannandrea (trưởng bộ phận máy học của công ty).
Apple đang đàm phán các thỏa thuận chuỗi cung ứng cho các bộ phận ô tô và sản xuất tổng thể. Dù những người quen thuộc với dự án này nghi ngờ rằng Apple sẽ đạt được mục tiêu xuất xưởng một chiếc ô tô điện tự lái hoàn toàn năm 2025, nhưng công ty vẫn đang hướng tới việc công bố chiếc xe sớm nhất vào thời điểm đó. Ngay cả khi không có khả năng tự lái, một chiếc ô tô điện được thiết kế tốt của Apple có thể trở thành đối thủ nặng ký với Tesla.
Nguồn: https://1thegioi.vn/apple-mua-hang-cong-nghe-o-to-tu-lai-aurora-de-hien-thuc-hoa-uoc-mo-186563.html
2. Ắc quy xe điện làm từ hải sản: Thân thiện môi trường, giá rẻ, ít chai pin
Ắc quy lithium-ion trên xe điện hiện tại có thể là giải pháp hiệu quả hơn ắc quy axit-chì trên các mẫu xe điện đời đầu ra mắt đầu thập kỷ trước. Dù vậy, loại trang bị này vẫn tồn tại quá nhiều bất cập. Giải pháp mới nhất, theo tạp chí khoa học Matter, tới từ… hải sản, hay cụ thể hơn là các loài động vật giáp xác như tôm, cua…
Giải pháp tới từ động vật giáp xác có tên Chitosan – một vật liệu sinh học gốc kitin có rất nhiều trong lớp vỏ ngoài của những loài này có thể được sử dụng làm chất điện phân. Một ắc quy từ Chitosan và kẽm sẽ giải quyết hiệu quả hai mối lo là môi trường và chi phí, bên cạnh đó là hiệu năng sử dụng tương đương so với ắc quy lithium-ion.
Vấn đề duy nhất khiến các nhà khoa học đau đầu trong việc ứng dụng giải pháp mới này là kích thước và trọng lượng. Ngay cả với những ưu điểm nói trên, việc kích thước ắc quy có thể tăng gấp 2 hoặc 3 cũng khiến trang bị này không còn khả thi trên ô tô vốn yêu cầu yếu tố gọn nhẹ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ac-quy-xe-dien-lam-tu-hai-san-than-thien-moi-truong-gia-re-it-chai-pin-20220906104558174.htm
3. Apple lấn sân của Facebook, Google
Trong khi nhiều ông lớn trong ngành đang khốn đốn, Apple lại quyết định mở rộng gấp đôi nhân sự mảng quảng cáo với tham vọng dẫn đầu ngành công nghiệp tỷ USD. Theo Financial Times, Apple có kế hoạch tăng gần gấp đôi nhân sự ở mảng kinh doanh quảng cáo vốn đang có tốc độ phát triển rất nhanh của mình.
Mảng quảng cáo online đã nằm trong tầm ngắm mở rộng kinh doanh của Apple kể từ sau khi hãng thực hiện thay đổi về quyền riêng tư hồi năm ngoái khiến cả toàn bộ ông lớn trong ngành sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Trong khi đó, theo một nguồn tin trong ngành, mảng kinh doanh quảng cáo của Apple đang phát triển rất nhanh chóng. Theo nhóm nghiên cứu Evercore ISI, công ty này đã tăng từ doanh thu vài trăm triệu USD vào cuối thập niên 2010, lên khoảng 5 tỷ USD trong năm nay. Báo cáo cũng dự đoán Apple sẽ sở hữu mảng quảng cáo trị giá 30 tỷ USD chỉ trong vòng 4 năm tới.
Nguồn: https://zingnews.vn/apple-lan-san-cua-facebook-google-post1352595.html
4. Việt Nam thành cứ điểm của những ‘người khổng lồ’ công nghệ
Với nhu cầu đa dạng hóa thị trường đầu tư, 2 năm nay, Việt Nam cũng tiếp nhận hàng tỷ USD vốn đầu tư từ các nhà cung cấp lớn của Apple như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron,… Hiện nay, mới chỉ có một số sản phẩm Apple được sản xuất ở Việt Nam là tai nghe AirPods, loa HomePod,… nhưng Việt Nam cũng đang tràn trề cơ hội để các sản phẩm iPhone của Apple gắn mác ‘made in Vietnam’.
Sự xuất hiện của các đại gia công nghệ hàng đầu thế giới đã đưa Việt Nam rực sáng trên bản đồ sản xuất các thiết bị công nghệ toàn cầu.Nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế rằng, Việt Nam chủ yếu vẫn nằm ở khâu gia công, lắp ráp – có giá trị gia tăng thấp nhất – trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ. Các tập đoàn này đóng góp nhiều trong tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu, việc làm nhưng về thu ngân sách vẫn còn chưa được như kỳ vọng do đang được hưởng nhiều ưu đãi thuế.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/viet-nam-thanh-cu-diem-cua-nhung-nguoi-khong-lo-cong-nghe-2055626.html
5. Các nhà máy xây sẵn ở ngoại ô Việt Nam đang hút những ‘ông lớn’
Những vùng nông thôn đang trở nên nhộn nhịp khi các nhà cung cấp như Samsung và Walmart chuyển đến các nhà máy xây sẵn và các tỉnh hạng hai sau khi bất động sản đắc địa ngày càng khan hiếm trong làn sóng di dời chuỗi cung ứng.
Trong số 5 vị trí top đầu của 20 tỉnh và thành phố thu hút FDI nhiều nhất, tăng gấp đôi từ năm 2016 đến năm 2021, tất cả đều thuộc về các tỉnh hạng hai. Điều đó cho thấy đầu tư vào khu công nghiệp đang vượt qua Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Một trong năm tỉnh dẫn đầu đó là Hà Nam, nơi có nhà cung cấp Seoul Semiconductor của Apple và Bukgang, một điểm nóng sản xuất cho Samsung.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/cac-nha-may-xay-san-o-ngoai-o-dang-hut-nhung-ong-lon-1087687.html
6. Cơ hội của Việt Nam khi Apple, Google dịch chuyển khỏi Trung Quốc
Sau 2 năm vất vả vì đại dịch Covid-19, nhiều ông lớn công nghệ đã dần hoàn tất quá trình chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tới các quốc gia như Việt Nam hay Ấn Độ.
Theo hai cây viết Daisuke Wakabayashi và Tripp Mickle, việc các ông lớn công nghệ dịch chuyển có thể là phản ứng trước những lo ngại ngày càng gia tăng về căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch liên quan đến Trung Quốc trong vài năm qua. Cho đến nay, quốc gia hưởng lợi lớn nhất của kế hoạch dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc chính là Việt Nam.
Nguồn: https://zingnews.vn/co-hoi-cua-viet-nam-khi-apple-google-dich-chuyen-khoi-trung-quoc-post1352092.html
7. FPT Software mở văn phòng mới tại Đan Mạch, mở rộng thị trường Bắc Âu
Trong khuôn khổ ‘Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Đan Mạch’, FPT Software (công ty thành viên Tập đoàn FPT) khai trương văn phòng đại diện đầu tiên ở Bắc Âu tại Copenhagen, Đan Mạch. Đây là văn phòng thứ 59 của doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Đông Nam Á, tăng sự hiện diện của công ty tại 7 quốc gia ở châu Âu, với mục đích mở rộng cung ứng dịch vụ công nghệ đẳng cấp tới các doanh nghiệp và tổ chức lớn, cũng như giải quyết nhu cầu nhân lực công nghệ cao.
Văn phòng mới tại Đan Mạch khẳng định tốc độ phát triển nhanh và sự cam kết mạnh mẽ của FPT Software trong việc mở rộng thị trường tại châu Âu. FPT Software châu Âu hiện có 500 nhân viên làm việc tại 7 quốc gia trong khu vực và cung cấp giải pháp dịch vụ cho gần 100 doanh nghiệp lớn như RWE, Schaeffler, Airbus, E.ON, …
Nguồn: https://www.sggp.org.vn//fpt-software-mo-van-phong-moi-tai-dan-mach-mo-rong-thi-truong-bac-au-839710.html
8. Ngành công nghệ Trung Quốc thừa hàng triệu nhân lực
Việc siết chặt chính sách từ nhà quản lý, cùng việc sụt giảm doanh thu trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài khiến những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc phải sa thải hàng nghìn người. Vấn đề này báo trước thời kỳ tối tăm bởi các công ty thuộc lĩnh vực này là nhà tuyển dụng lớn nhất đất nước.
Bloomberg cho biết khoảng 11 triệu sinh viên tốt nghiệp cuối năm nay sẽ bơm lượng lớn nhân lực vào nền kinh tế. Tuy nhiên, con đường cho thanh niên Trung Quốc sẽ khó khăn hơn khi 1/5 số người 16-24 tuổi đang thất nghiệp.
Nguồn: https://zingnews.vn/nganh-cong-nghe-trung-quoc-thua-hang-trieu-nhan-luc-post1351209.html
9. Ra mắt trang web mua sắm tại Mỹ, Pinduoduo cạnh tranh trực tiếp với Amazon
Pinduoduo – gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc đã ra mắt trang web mua sắm trực tuyến tại Hoa Kỳ. Đây được coi là cú hích lớn đầu tiên ra nước ngoài của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Trang web có tên Temu, đã đi vào hoạt động trực tuyến từ tuần trước, với vô vàn mặt hàng đa dạng trên một số danh mục bao gồm quần áo, đồ trang sức, đồ dùng cho thú cưng và nhà vườn. Động thái này có thể đánh dấu một thách thức mới đối với ông lớn thương mại điện tử Amazon của Mỹ, theo CNBC.
Nguồn: https://vneconomy.vn/ra-mat-trang-web-mua-sam-tai-my-pinduoduo-canh-tranh-truc-tiep-voi-amazon.htm
10. Microsoft hé lộ lý do mua lại Activision Blizzard, quyết đầu tư mạnh vào ngành game
Theo thời gian, xu hướng quan tâm tới thị trường trò chơi và giải trí kỹ thuật số di động của các hãng công nghệ khổng lồ ngày càng trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Tiêu biểu nhất có lẽ phải kể tới trường hợp của Microsoft, khi vào đầu năm nay, ông lớn này đã quyết tâm chi tới gần 69 tỷ USD để mua lại Activision Blizzard – một nhà phát hành có tiếng và lâu đời trong ngành công nghiệp game.
Động lực chính khiến Microsoft bỏ ra số tiền lớn tới vậy là do họ đặt tham vọng rất lớn về việc cạnh tranh trong lĩnh vực game, đặc biệt là với các trò chơi trên di động – một thị trường rất rộng lớn và tiềm năng với hơn 1,5 tỷ người. Bản thân Microsoft không có quá nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển và sáng tạo nên những tựa game di động thật sự tạo được sức hút. Do đó, Activision Blizzard chính là sự bổ sung cần thiết cho gã khổng lồ công nghệ này.
Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/microsoft-he-lo-ly-do-mua-lai-activision-blizzard-quyet-dau-tu-manh-vao-nganh-game-20220830062310649.htm
11. Youtube bổ nhiệm Giám đốc kinh doanh mới đánh dấu bước ngoặt lịch sử sau 12 năm
Theo CNBC, Youtube xác nhận Chủ tịch giải pháp khách hàng toàn cầu của Google, bà Mary Ellen Coe, sẽ đảm nhận vai trò Giám đốc kinh doanh tại YouTube bắt đầu từ đầu tháng 10 thay cho ông Robert Kyncl – người đã giữ vị trí này trong 12 năm qua.
Bà Mary Ellen Coe đã từng là Chủ tịch giải pháp khách hàng toàn cầu của Google từ đầu năm 2017 và đã làm việc tại Google từ năm 2012. Trước khi làm việc tại gã khổng lồ tìm kiếm, bà là một đối tác chiến lược của McKinsey. Bà cũng từng đảm nhiệm nhiều vai trò trong Hội đồng quản trị của công ty chăm sóc sức khỏe đa quốc gia Merck và doanh nghiệp bán lẻ Whole Foods Markets trước khi hãng được Amazon mua lại.
Nguồn: https://vneconomy.vn/youtube-bo-nhiem-giam-doc-kinh-doanh-moi-danh-dau-buoc-ngoat-lich-su-sau-12-nam.htm
12. Toyota triệu hồi hàng chục nghìn xe do vấn đề an toàn
Toyota đang triệu hồi tổng cộng 84.000 mẫu xe Tundra và Lexus NX do lỗi phanh tay điện tử (EPB). Theo nhà sản xuất, những chiếc xe đời 2022 bị ảnh hưởng có thể gặp sự cố phần mềm khiến bộ phận trên không thể hoạt động như ý muốn của người lái.
Báo cáo triệu hồi cho biết phanh tay điện tử không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn của Mỹ sẽ khiến phương tiện bị trôi, làm tăng khả năng va chạm. Dù có thể là một lỗi không lớn, nguy cơ chiếc xe đi chệch hướng và gây ra thiệt hại hoặc thương tích cho người khác là một mối quan tâm khá nghiêm trọng.
Nguồn: https://tienphong.vn/toyota-trieu-hoi-hang-chuc-nghin-xe-do-van-de-an-toan-post1466790.tpo

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Nhà máy thép tại châu Âu đóng cửa hàng loạt vì thiếu khí đốt – ngành thép đối mặt khủng hoảng
Với việc chi phí năng lượng tăng cao, các nhà máy thép ở châu Âu đang phải cắt giảm sản lượng, thậm chí đóng cửa. Điều này khiến ngành thép của khối này có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Với việc các nhà máy thép châu Âu có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, mối quan hệ giữa cung và cầu sẽ càng trở nên trầm trọng, điều này sẽ tác động mạnh đến giá thép trên toàn cầu.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/nha-may-thep-tai-chau-au-dong-cua-hang-loat-vi-thieu-khi-dot-nganh-thep-doi-mat-khung-hoang-2022090315220803.htm
2. G7 thảo luận áp giá trần dầu thô Nga
Ngày 2/9, Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thảo luận về đề xuất của chính quyền Tổng thống Mỹ về mức trần giá dầu của Nga. Theo Nhà Trắng, đây là cách hiệu quả nhất để làm giảm nguồn thu của Nga và hạ nhiệt giá năng lượng toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, dù xuất khẩu dầu mỏ của Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021, nguồn thu từ xuất khẩu của nước này trong tháng 7 tăng 700 triệu USD so với tháng 6, nhờ giá tăng, cao hơn 40% so với mức trung bình của năm ngoái.
Lãnh đạo các nước phương Tây đã đề xuất giải quyết vấn đề thông qua việc áp trần giá dầu để hạn chế mức mà các công ty lọc dầu và các nhà giao dịch phải trả khi mua dầu thô của Nga, một động thái mà Nga tuyên bố sẽ không tuân thủ và có thể vận chuyển dầu tới các nước không thực hiện trần giá.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/g7-thao-luan-ap-gia-tran-dau-tho-nga-20220902104234622.htm
3. Nga tiếp tục đe dọa ‘không bán dầu lẫn khí đốt’ nếu bị áp giá trần
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo EU sẽ không có miếng khí đốt nào từ Nga nếu áp giới hạn trần giá mặt hàng này. Điện Kremlin cùng ngày 2-9 cảnh báo sẽ không bán dầu cho nước nào áp giới hạn trần giá.
Ở một mặt khác, các nước phương Tây đang cố gắng lật ngược thế cờ, lấy việc phụ thuộc phần lớn vào khí đốt Nga để trở thành lợi thế mặc cả. Mục tiêu của họ là siết chặt lợi nhuận của Nga từ việc bán dầu mỏ và khí đốt, vốn được cho là đang đổ vào chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nga-tiep-tuc-de-doa-khong-ban-dau-lan-khi-dot-neu-bi-ap-gia-tran-20220902193909508.htm
4. Giá khí đốt ở châu Âu sẽ cao đến mức nào sau khi Nga khóa van vô thời hạn?
Các nhà phân tích dự đoán giá khí đốt ở châu Âu sẽ tăng lên mức kỷ lục trong tuần này, sau khi Nga đóng cửa đường ống dẫn khí quan trọng tới châu Âu. Theo trang The Guardian (Anh), nhiều nhà phân tích cảnh báo giá khí đốt ở châu Âu – vốn đã tăng gần 400% trong năm qua do Nga cắt giảm nguồn cung – sẽ tăng hơn nữa trong tuần này, sau khi Moskva tuyên bố tiếp tục đóng đường ống khí đốt qua Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tới Đức sau thời gian bảo trì.
Make UK, cơ quan thương mại hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất của Anh cho biết khủng hoảng năng lượng hiện nay đang khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với lựa chọn khó khăn, đó là cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa hoàn toàn nếu không nhận được hỗ trợ sớm. Khoảng 13% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đang cắt giảm giờ hoạt động hoặc tránh sản xuất trong thời kỳ giá năng lượng tăng cao, 7% đang ngừng sản xuất trong thời gian dài hơn. Trong khi đó, 12% doanh nghiệp đã cắt giảm việc làm.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/gia-khi-dot-o-chau-au-se-cao-den-muc-nao-sau-khi-nga-khoa-van-vo-thoi-han-20220905114029165.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Startup bảo hiểm công nghệ Việt hút nguồn vốn ngoại
Thị trường bảo hiểm công nghệ (insurtech) Việt Nam vốn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, do đặc tính kỹ thuật phức tạp của sản phẩm cũng như việc ứng dụng những kênh phân phối số còn nhiều rào cản, không ít các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều gặp phải nhiều thách thức.
Tuy nhiên, Startup Việt trong lĩnh vực bảo hiểm và y tế công nghệ Medici vừa được các quỹ Jungle Ventures, Insignia Ventures Partners và Wavemaker Partners rót vốn trong vòng gọi vốn series A. Nguồn vốn mới sẽ được Medici đầu tư mạnh vào việc phát triển các nền tảng công nghệ, hỗ trợ hệ thống tư vấn viên bảo hiểm, sức khỏe.
Nguồn: https://ictnews.vietnamnet.vn/khoi-nghiep/medici-duoc-cac-quy-ngoai-rot-von-418974.html
2. Ứng dụng đầu tư Tititada huy động vốn vòng pre-seed lớn nhất tại Việt Nam
Ứng dụng đầu tư thông minh Tititada vừa hoàn thành huy động 1,5 triệu USD vòng tiền hạt giống (pre-seed) từ Golden Gate Ventures (GGV). Quỹ đầu tư mạo hiểm này được thành lập tại Silicon Valey và có hơn 10 năm hoạt động tích cực ở Đông Nam Á.
Từ năm 2011, GGV đã thành lập bốn quỹ và đầu tư vào hơn 60 công ty. Những thương vụ đầu tư nổi bật của GGV bao gồm Carousell, CodaPay, Appota, Loship, Mio, Carro, Vui, Xendit. Hiện GGV đã thành lập các văn phòng đại diện tại các nước Singapore, Việt Nam và Indonesia, những nơi được xem là “Tam giác vàng khởi nghiệp” của khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: https://baodautu.vn/ung-dung-dau-tu-tititada-huy-dong-von-vong-pre-seed-lon-nhat-tai-viet-nam-d172885.html
3. Ứng dụng gọi xe Be của Việt Nam được Deutsche Bank vay 60 triệu USD để đấu với Grab
Deutsche Bank đã cho Be Group vay 60 triệu đô la Mỹ, trong bối cảnh cạnh tranh tại thị trường gọi xe ở Việt Nam đang diễn ra vô cùng khốc liệt, khi các ứng dụng gọi xe – bao gồm cả các đối thủ Grab và Gojek – đang ra sức để thu hút tài xế trước những thách thức như nguy cơ từ COVID và giá nhiên liệu tăng.
Be Group cho biết họ sẽ sử dụng số tiền này để mở rộng ba lĩnh vực kinh doanh – đặt xe máy và ô tô, giao đồ ăn và ngân hàng kỹ thuật số, bên cạnh đó công ty cũng có tùy chọn vay thêm 40 triệu đô la. Nhà sản xuất ứng dụng này rất lạc quan về khả năng sẽ thu được lợi nhuận trong quý này, mặc dù các start-up gọi xe nhìn chung vẫn chưa chứng minh được mô hình kinh doanh bền vững trong thị trường này.
Nguồn: https://asia.nikkei.com/Business/Startups/Vietnam-ride-hailer-gets-60m-Deutsche-Bank-loan-to-battle-Grab
4. Quỹ trăm tỷ USD ‘bắt tay’ biến Singapore thành cường quốc nông nghiệp
Quỹ Temasek, trị giá 290 tỷ USD – thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore và 100% sở hữu do Bộ Tài chính nắm giữ, chuyên tìm kiếm các khoản đầu tư nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đã tăng hơn 4 lần các khoản đầu tư liên quan từ năm 2015, nhằm biến Singapore nhỏ bé thành cường quốc nông nghiệp
Diego Lopez, Giám đốc điều hành của Global SWF cho biết, Temasek bắt đầu hỗ trợ một cách có hệ thống các dự án nông nghiệp vào năm 2015, vượt trội so với nhiều nhà đầu tư nhà nước khác. Báo cáo đầu tư AgriFoodTech năm 2022 của công ty đầu tư mạo hiểm AgFunder đã nêu tên Temasek là nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm năng động thứ 5 trên thế giới trong lĩnh vực này.
Nguồn: https://baoquocte.vn/quy-tram-ty-usd-bat-tay-bien-singapore-thanh-cuong-quoc-nong-nghiep-195323.html
5. Tập đoàn Lotte đầu tư khu phức hợp thông minh 900 triệu USD tại Thủ Thiêm
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa có buổi làm việc với ông Ha Seok Joo, Tổng giám đốc LOTTE E&C tại UBND TP để thảo luận về việc thúc đẩy triển khai dự án “LOTTE Eco Smart City Thủ Thiêm”.
LOTTE Eco Smart City Thủ Thiêm là khu phức hợp sinh thái thông minh quy mô lớn bao gồm trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ dịch vụ và khu dân cư .v.v. tọa lạc trên khu đất rộng 50,000m2 (với tổng diện tích sàn là 680.000 m2) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 900 triệu USD.
Nguồn: https://tienphong.vn/tap-doan-lotte-dau-tu-khu-phuc-hop-thong-minh-900-trieu-usd-tai-thu-thiem-post1438523.tpo

Nhóm tin về nông sản – thủy sản – chăn nuôi

1. Sầu riêng thành sầu chung!
Giá cả dù ổn định, đầu ra hút hàng nhưng người trồng sầu riêng vẫn kém vui khi năm nay mất mùa nặng. Các tỉnh Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch sầu riêng. Trong đó, Đắk Lắk hiện có hơn 15.000 ha sầu riêng, chiếm 17,6% diện tích của cả nước và là tỉnh có diện tích lớn thứ hai, sau tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, năm 2022 năng suất sầu riêng Đắk Lắk giảm mạnh do biến đổi khí hậu khiến người trồng sầu riêng lo lắng.
Dù sầu riêng năm nay mất mùa, năng suất thấp nhưng các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương vẫn đang triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc theo bản nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng vừa được Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết hồi tháng 7 vừa qua.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/sau-rieng-thanh-sau-chung-20220905194744064.htm
2. Lúa chín rục ngoài đồng, nông dân khốn đốn vì máy gặt “khát” dầu
Giá bán lẻ dầu diesel trong nước lần đầu tiên cao hơn giá xăng. Những người cần sử dụng dầu cho công việc hay sinh hoạt sẽ lại thêm lo lắng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá dầu tăng là do nhu cầu trên thế giới tăng và nhiều nước trên thế giới tăng cường tích trữ chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.
Công tác thu hoạch lúa chịu ảnh hưởng lớn khi giá dầu lại tăng. Tại tỉnh Bạc Liêu, hàng chục ngàn hecta lúa quá ngày thu hoạch sắp bị phơi rục ngoài đồng. Nguyên nhân là do máy gặt đập không hoạt động vì thiếu dầu. Tình trạng thiếu dầu cung ứng cho máy gặt đập xảy ra khoảng 1 tuần nay. Hiện một số đại lý đã cố gắng nhập hàng cung ứng. Tuy nhiên, lượng dầu tại các cửa hàng, đại lý vẫn chưa nhiều.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/lua-chin-ruc-ngoai-dong-nong-dan-khon-don-vi-may-gat-khat-dau-20220906190630936.htm
3. Nho sữa ở Trung Quốc không còn là loại hoa quả quý tộc
Nho sữa, với tên tiếng Anh Shine Muscat, vốn xuất xứ từ Nhật Bản và được mệnh danh là ‘Hermes’ của làng nho. Tuy nhiên, giờ đây, loại nho này đã không còn là loại hoa quả được liệt vào hàng ‘quý tộc’ ở Trung Quốc, do được trồng rộng rãi ở nhiều địa phương.
Sau hơn 10 năm du nhập vào Trung Quốc, nho sữa từ một loại quả “quý tộc” giờ đây đã trở thành thứ quả “bình dân” được trồng và tiêu thụ rộng rãi ở nước này.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/nho-sua-o-trung-quoc-khong-con-la-loai-hoa-qua-quy-toc-post967826.vov

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Gạo Việt Nam lần đầu lên kệ siêu thị E.Leclerc của Pháp
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trên tinh thần phát huy tác động lan tỏa của các chương trình quảng bá thương hiệu Việt Nam tại Pháp như “Tuần hàng Việt Nam”, “Tuần lễ Tết Nguyên đán Việt Nam”, ngày 2/9, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phối hợp cùng nhà nhập khẩu và nhà phân phối bán lẻ tổ chức “Tuần lễ Trung thu Việt Nam” nhằm quảng bá tới đông đảo người dân địa phương về văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và Tết Trung thu nói riêng. Cũng trong khuôn khổ hoạt động này, lần đầu tiên sản phẩm gạo “Lộc trời” mang thương hiệu “Cơm Vietnam” được giới thiệu tới người tiêu dùng Pháp.
Với gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích trên toàn nước Pháp thuộc hệ thống phân phối Carrefour và E.Leclerc, đây là những bước tiến đầu tiên, mang tính lâu dài và đầy tiềm năng cho gạo Việt Nam khẳng định thương hiệu của mình trên trường thế giới. Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng vốn là những thị trường khó tính với những yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/gao-viet-nam-lan-dau-len-ke-sieu-thi-eleclerc-cua-phap-20220903155415310.htm
2. Phi lê cá basa, thanh long Việt Nam chinh phục thị trường Pakistan
Tại Lễ chiêu đãi kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam lần thứ 77 Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ tập trung quảng bá sản phẩm phi lê cá basa Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của các tổ chức quốc gia và quốc tế uy tín nhất như Global G.A.P. của Đức, ASC của Hà Lan và Vương quốc Anh, BAP của Mỹ đã được xuất khẩu đi các thị trường khó tính nhất trên thế giới như Mỹ, EU, Anh. Việc quảng bá sản phẩm phi lê cá basa lần này nhằm từng bước lấy lại uy tín, tạo ra cơ hội thiết lập thị trường xuất khẩu mới tại Pakistan.
Bên cạnh đó, tại hoạt động quảng bá lần này, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ tập trung vào việc giới thiệu cho người tiêu dùng Pakistan giá trị dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe của trái thanh long Việt Nam. Kết quả là món trái cây thanh long Việt Nam đã được khách dự chiêu đãi hết sức ưu ái, làm cơ sở để có thể khẳng định sản phẩm thanh long Việt Nam sẽ có cơ hội thành công tại thị trường Pakistan nếu hạ được giá thành nhập khẩu.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/phi-le-ca-basa-thanh-long-viet-nam-chinh-phuc-thi-truong-pakistan-post968184.vov
3. Hàng hóa Việt Nam được ưa chuộng tại Campuchia
Tại chợ đầu mối Orussey ở thủ đô Phnom Penh, không khó để tìm mua một sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam. Hầu hết các sạp bán đồ tiêu dùng, hàng gia dụng tại đây đều có trưng hàng Việt Nam bên cạnh các mặt hàng Thái Lan, Trung Quốc. Từ các loại lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô hay thực phẩm công nghệ như bánh kẹo, nước mắm, chè, cà phê, cho đến các nhu yếu phẩm cần thiết và những mặt hàng gia dụng, kim khí nhập khẩu từ Việt Nam đều được bày bán phổ biến trong chợ.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Campuchia đạt hơn 7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia đạt gần 3,7 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Những kết quả tích cực này sẽ là động lực thúc đẩy hàng hóa Việt thâm nhập sâu và tạo chỗ đứng vững chắc tại Campuchia.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/hang-hoa-viet-nam-duoc-ua-chuong-tai-campuchia-20220906105905661.htm
4. Chuối Việt Nam đắt khách tại Nhật Bản
Bắt đầu được nhập khẩu vào Nhật Bản từ năm 2013, chuối có thể được xem là một trong những mặt hàng thành công nhất của Việt Nam tại Nhật Bản, được bày bán tại các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn như AEON hay Don Kihote, chuối Việt Nam đã trở thành lựa chọn thường xuyên của nhiều khách hàng tại đất nước mặt trời mọc.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, Nhật Bản đã nhập 3.968 tấn chuối từ Việt Nam với trị giá 3,34 triệu USD, tăng 23% về lượng và 39% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Nhật Bản là một thị trường khó tính.. nhưng khi đã chinh phục được thị trường này, hoa quả Việt Nam trong đó có chuối, đủ uy tín để vào các thị trường khác thuận lợi hơn. Vấn đề là phải duy trì được sự ổn định về chất lượng sản phẩm.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/chuoi-viet-nam-dat-khach-tai-nhat-ban-20220907125821029.htm
5. Thế giới đang có cái nhìn khác trước với cà phê Việt
Sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ không tăng mà có xu hướng giảm, trong khi lượng cà phê chế biến sâu và tiêu thụ nội địa ngày càng tăng trưởng, cà phê nguyên liệu dành xuất khẩu sẽ giảm, nhà xuất khẩu phải định hướng lại kế hoạch kinh doanh, thế giới cũng có cái nhìn khác trước về cà phê Việt…
Sắp tới, Việt Nam không còn là nước xuất cà phê thô bởi cà phê chế biến sâu và tiêu thụ nội địa đang tăng trưởng mạnh. Chính các yếu tố trên sẽ giúp cho giá cà phê xuất khẩu trong năm 2023 sẽ khởi sắc hơn so với năm nay”, ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nhận định.
Nguồn: https://nhipsongkinhdoanh.vn/the-gioi-dang-co-cai-nhin-khac-truoc-voi-ca-phe-viet-post3100402.html
6. Xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng trưởng khả quan, 8 tháng đạt gần 1,8 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giữa bối cảnh xuất khẩu thủy sản hạ nhiệt do tác động tiêu cực của lạm phát thì sản phẩm cá tra vẫn giữ được phong độ với giá trị hơn 187 triệu USD trong tháng 8.
Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,8 tỉ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ thị trường Nga, xuất khẩu cá tra bị giảm 12% do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine, tất cả các thị trường khác đều ghi nhận mức tăng trưởng 2-3 con số. Trong đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã nhập khẩu gần 500 triệu USD các sản phẩm cá tra, tăng gấp 2 so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 29% thị phần; thị trường thứ hai là Mỹ đạt 428 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 25% thị phần.
Nguồn: https://tienphong.vn/xuat-khau-ca-tra-tiep-tuc-tang-truong-kha-quan-8-thang-dat-gan-18-ty-usd-post1466294.tpo
7. Xuất khẩu tôm nối tiếp đà giảm
Theo VASEP, xuất khẩu tôm tụt dốc nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản. Từ mức cao đỉnh điểm 456 triệu USD trong tháng 5, tới tháng 8 kim ngạch xuất khẩu tôm hạ xuống còn 356 triệu USD.
Hiện tại, sản xuất tôm nguyên liệu khó khăn vì các chi phí đầu vào cao và thời tiết bất lợi, trong khi nhu cầu của các thị trường chính chững lại khi lượng tồn kho tăng. Các yếu tố này cùng với tác động của lạm phát khiến cho xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc 2 thị trường lớn sụt giảm từ tháng 7. Ngoài ra, tại thị trường Mĩ tôm Việt Nam trong mấy năm gần đây phải cạnh tranh rất lớn với hàng giá rẻ từ Ấn Độ và Indonesia, đặc biệt là Ecuador.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-tom-va-ca-tra-tang-truong-trai-chieu-20220905105439038.htm
8. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 36 tỉ USD
Chiều 5-9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chủ trì họp báo thường kỳ để thông tin về kết quả điều hành, sản xuất nông nghiệp trong 8 tháng của năm 2022. Theo ông Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh phức tạp và đầy ắp khó khăn nhưng ngành đã vượt khó, đạt được nhiều kết quả tích cực, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông – lâm thủy sản ước đạt khoảng 66,2 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu ước khoảng 36,3 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 29,9 tỉ USD, tăng 3,9%; xuất siêu trên 6,3 tỉ USD, tăng 94,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-dat-hon-36-ti-usd-20220905210350592.htm
9. Thái Lan, Việt Nam bắt tay tính cách nâng giá gạo cao hơn
Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho biết đã đạt thỏa thuận với Việt Nam về nâng giá gạo xuất khẩu để bù đắp chi phí sản xuất tăng cao. Hai nước sẽ lập nhóm triển khai ý tưởng này.
Báo Bangkok Post dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Chalermchai Sri-on cho biết thỏa thuận đạt được sau các cuộc thảo luận giữa hai nước về giá gạo xuất khẩu gần đây. Hai nước sẽ lập tức thành lập nhóm triển khai ý tưởng này tại mỗi nước.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thai-lan-viet-nam-bat-tay-tinh-cach-nang-gia-gao-cao-hon-20220905093634321.htm
10. Lượng thịt lợn nhập khẩu liên tục giảm
Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu mặt hàng thịt lợn liên tục giảm do lượng tiêu thụ trong nước vẫn chậm, trong khi sản lượng lợn trong nước tiếp tục. Thống kê cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu 10,02 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh với trị giá 21,58 triệu USD, giảm 31,2% về lượng và giảm 36,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù thịt lợn nhập khẩu có mức giá rất cạnh tranh so với giá thịt lợn trong nước nhưng vẫn rất khó tiêu thụ. Lý giải nguyên nhân này, các chuyên gia cho rằng thịt lợn đông lạnh hiện tại vẫn nhập về chủ yếu phục vụ nhà hàng, quán ăn…. Thế nhưng, sau đại dịch các đầu mối này cũng hạn chế lấy thịt lợn nhập khẩu khiến giá liên tục đi xuống. Hơn nữa, dù giá thịt nhập khẩu thấp hơn thịt lợn trong nước nhưng do thói quen tiêu dùng, nhiều người Việt chỉ ưa chuộng thịt nóng nên dù giá rất thấp nhưng khó tiêu thụ.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/luong-thit-lon-nhap-khau-lien-tuc-giam-2022090410141716.htm

Nhóm tin về ảnh hưởng của cuộc chiến Nga –Ukraine

1. Ngành gốm sứ châu Âu chật vật ứng phó bão giá năng lượng
Do nguồn cung năng lượng hạn chế, các nhà máy gốm sứ trên khắp châu Âu đang buộc phải chuyển đổi mô hình hoạt động, chật vật tìm cách tồn tại trong bối cảnh chi phí tăng chóng mặt. Bắt đầu giờ làm việc sớm hơn, hay phải chuyển đổi các lò nung vốn tiêu thụ nhiều năng lượng là những giải pháp mà ngành công nghiệp gốm sứ châu Âu đang áp dụng để vượt ‘cơn bão giá’ trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.
Nguồn: https://nhandan.vn/nganh-gom-su-chau-au-chat-vat-ung-pho-bao-gia-nang-luong-post714108.html
BSAi