
Tiêu điểm:
Thái Lan hợp tác với Việt Nam và Ấn Độ để ổn định giá gạo
Thái Lan đang tìm kiếm sự hợp tác với Việt Nam và Ấn Độ nhằm giảm cạnh tranh, tạo cán cân ổn định trên thị trường toán cầu và giúp nông dân có thu nhập ổn định. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan phát biểu như vậy trước Quốc hội Thái Lan hôm 6-3, giữa lúc nông dân nước này âm ỉ biểu tình, kêu gọi nhiều hỗ trợ hơn từ chính phủ.
“Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này, nhưng đang chờ một cuộc họp khác để xem chúng tôi có thể làm được gì về vấn đề này”, ông nói về các cuộc đàm phán với Ấn Độ và Việt Nam.
Theo Bộ Thương mại Thái Lan, giá lúa ở Thái Lan đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức trung bình khoảng 8.600 baht (255 đô la) một tấn vào tháng trước. Người trồng lúa đang kêu gọi chính phủ giúp họ bán gạo với giá cao hơn.
Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ. Người Thái đang e ngại tác động của việc Ấn Độ nối lại xuất khâủ. Bộ Thương mại Thái Lan dự kiến xuất khẩu gạo sẽ giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 7,5 triệu tấn trong năm nay.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới trong năm ngoái. Số lượng gạo xuất khẩu trong năm ngoái của Ấn Độ là 17 triệu tấn, Thái Lan 10 triệu tấn và Việt Nam là 9 triệu tấn.
Tin nổi bật:
SmartSolar, startup công nghệ năng lượng tại TP.HCM, vừa gọi vốn thành công 1,85 triệu USD để mở rộng phát triển công nghệ năng lượng mặt trời, thông qua vòng tài trợ hạt giống được dẫn đầu bởi hai quỹ đầu tư Picus Capital và 2degrees.
Ra mắt chưa đầy sáu tháng, SmartSolar đến nay đã đạt công suất lắp đặt gần 1 MWp (công suất tối đa trong điều kiện chuẩn) cho hàng chục khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Startup này đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động ra khu vực Đông Nam Á.
Quỹ cổ phần Saigon Asset Management (SAM) đã khai trương trung tâm dữ liệu SAM DigitalHub rộng khoảng 50ha, công suất 150MW có tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD ở Bình Dương. SAM cũng chuẩn bị huy động lần đầu cho Quỹ Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VDCF) trị giá 300 triệu USD. SAM Digital Hub là trung tâm dữ liệu lớn nhất trong tổng số 33 trung tâm dữ liệu
Ông Louis Nguyen, CEO của SAM cho biết, ba trở ngại chính đã ngăn cản nhà đầu tư các nền tảng trung tâm dữ liệu lớn vào Việt Nam là giấy phép, đất đai và điện. Bằng cách hợp tác với Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP), SAM đã thành công trong việc giải quyết những thách thức này.SAM DigitalHub cam kết tích hợp các giải pháp năng lượng tái tạo, đảm bảo lộ trình phát thải bằng không (net zero) cho các khách hàng của mình và nhắm tới công suất năng lượng tái tạo ban đầu là 50MW.
Doanh nghiệp Việt Nam đang thận trọng hơn trong việc tuyển dụng nhân sự năm 2025 do tâm lý tiết kiệm chi phí và đánh giá tình hình kinh tế khó lường. Nhiều công ty có kế hoạch tăng nhân sự nhưng ở mức hạn chế, với hơn 37% dự định tuyển dưới 10% lao động mới, trong khi gần 30% dự kiến tăng 10-20%. Một số doanh nghiệp vẫn có đơn hàng tốt nhưng chưa vội mở rộng quy mô.
Trong lĩnh vực sản xuất, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global cho thấy việc cắt giảm lao động đã kéo dài bốn tháng liên tiếp, phản ánh nhu cầu yếu. Ngành công nghệ, ngân hàng cũng điều chỉnh nhân sự để tối ưu hóa chi phí. Các tiêu chí tuyển dụng trở nên khắt khe hơn, với hơn 55% doanh nghiệp ưu tiên ứng viên có 1-3 năm kinh nghiệm, trong khi người dưới 1 năm hoặc trên 10 năm sẽ gặp khó khăn hơn. Nhà tuyển dụng ngày càng yêu cầu kỹ năng đa nhiệm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và am hiểu công nghệ. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng lao động tự do (freelancer) và dịch vụ ngoài (outsource) gia tăng.
Người tiêu dùng Đông Nam Á chuộng xe Nhật và thương hiệu nội địa: Đông Nam Á hiện có có hơn 5 triệu xe hơi, 250 triệu xe gắn máy đang lưu hành. CEO Ron Zheng thuộc hãng tư vấn Roland Berger GmbH nhận định Đông Nam Á là thị trường xe điện tiềm năng đối với các hãng xe Trung Quốc, nhưng lại là thị trường phức tạp hơn. Người tiêu dùng Đông Nam Á có xu hướng ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, đặc biệt là các hãng xe Nhật Bản như Toyota và Honda, chiếm 68% thị phần trong năm 2023. Thị phần của các hãng xe Trung Quốc được dự báo sẽ tăng từ 6% năm 2023 lên 13% vào năm 2030.
Tại Việt Nam, VinFast đang chiếm lĩnh thị trường xe điện với mạng lưới trạm sạc rộng khắp và các mẫu xe điện mini giá cả phải chăng. Trong số gần 91.500 xe điện bán ra năm 2024, hơn 87.000 chiếc là của VinFast. Khảo sát của KPMG cho thấy gần 70% người Việt Nam ở các thành phố lớn có xu hướng chuyển sang xe điện hoặc hybrid. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam không dễ bị thuyết phục.
Nông dân Brazil “bẻ kèo”, các hãng xuất khẩu cà phê gặp khó: Hai nhà xuất khẩu cà phê Atlantica và Cafebras cùng công ty mẹ Montesanto Tavares Group ở Brazil vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản do gặp khó khăn về dòng tiền. Các vấn đề tài chính của hai công ty nảy sinh giá cà phê tăng vọt, nông dân hủy hợp đồng để tìm nơi khác bán cà phê hạt giá cao hơn, đồng real của Brazil mất giá so với đồng đô la Mỹ.
Cuộc khủng hoảng cà phê đang lan rộng ở châu Âu, để lại các kệ hàng trống trơn ở siêu thị nhiều nước. Các nhà bán lẻ ngừng nhập hàng trong lúc các cuộc đàm phán với các hãng rang xay vẫn chưa ngã ngũ.
Giá cà phê arabica và robusta đã tăng gần gấp đôi trong năm qua, do thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến mùa màng ở Brazil và Việt Nam – hai nước sản xuất cà phê chính trên toàn cầu.
Các dịch vụ cho vay tiêu dùng và tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của SeaMoney, bao gồm cả người bán hàng trên sàn Shopee, là lực đẩy dẫn dắt lợi nhuận của tập đoàn Sea, Singapore.
Sàn thương mại điện tử Shopee, nguồn doanh thu lớn nhất của Sea từ trước đến nay, báo cáo khoản lỗ 139 triệu USD trong năm qua do chi phí tiếp thị và các chi phí khác gia tăng trong bối cảnh cạnh tranh.Garena, hãng con chuyên trò chơi điện tử của Sea, đạt lợi nhuận hoạt động là 978 triệu USD trong năm ngoái, giảm 17% so với năm trước đó.
Thị trường hàng cấp thấp đã bão hòa và thuế quan sẽ đẩy giá lên. Trong bối cảnh các công ty Trung Quốc ngày càng tự tin và sản xuất hàng hóa chất lượng ngày càng cao, những năm tới chúng ta rất có thể sẽ chứng kiến sự cạnh tranh mới từ các doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng trên thị trường hàng tiêu dùng cấp cao.
Các doanh nghiệp Nhật Bản tự mình giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài. Và một số công ty lớn có chính sách ưu tiên tuyển dụng những người có bằng thạc sĩ và sẵn sàng hỗ trợ nhân viên đeo đuổi các chương trình tiến sĩ.
BSA Media thực hiện
Nguồn: BSA Media, Nikkei Asia, Reuters, Bloomberg, Vnexpress, Vneconomy