Bản tin thị trường, từ 21 – 28/10/2022

83

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

Tin tức về thị trường đạm thay thế

1. Thịt in 3D hoàn toàn từ rau củ
Công ty Redefine Meat ở Israel đã phát minh ra chiếc máy in ra những miếng thịt 3D với thành phần hoàn toàn từ rau củ. Công ty này đã gọi vốn được gần 200 triệu USD và kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi ngành công nghiệp thực phẩm.
Chiếc máy in có tên là Angus. Trên màn hình, bạn có thể chọn một miếng thịt bít tết mà bạn ưa thích, có thể tùy chỉnh vị trí thịt trên con bò, độ mềm, vân mỡ và tỷ lệ chất béo. Sau đó chiếc máy sẽ tiến hành in ra miếng thịt đúng như bạn mong muốn, với thời gian chỉ 15 – 20 phút. Ngoài những miếng bít tết, công ty này còn in được nhiều sản phẩm giống thịt khác, với thành phần từ protein đậu nành và đậu hà lan, củ dền, men dinh dưỡng và dầu của cùi dừa.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thit-in-3d-hoan-toan-tu-rau-cu-2074039.html

Tin tức nổi bật trong nước và quốc tế

1. Giá cà phê tại Nhật Bản tăng cao
Năm ngoái, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 420.000 tấn cà phê. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng cà phê của người dân Nhật Bản có thể thay đổi do giá các sản phẩm cà phê ở Nhật Bản được dự báo sẽ tiếp tục tăng, khi đồng Yen Nhật liên tục mất giá. Hiện 1 USD đổi được 148 Yen Nhật. Đây là mức giá thấp nhất trong 32 năm của Yen Nhật. Ngành cà phê Nhật Bản, vốn đã chịu tác động từ đại dịch COVID-19, nay tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-ca-phe-tai-nhat-ban-tang-cao-2022102010125528.htm
2. Sự bùng nổ của ẩm thực Hàn Quốc trên thế giới
Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, năm ngoái, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nước này chứng kiến số lượng xuất khẩu nông sản cao nhất mọi thời đại, bao gồm cả thực phẩm tươi sống và chế biến, tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Báo cáo của Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA) cho biết với sự phổ biến của ẩm thực Hàn Quốc và xu hướng nấu ăn tại nhà trong bối cảnh Covid-19, nhu cầu sử dụng gia vị Hàn cũng tăng lên, đạt mốc xuất khẩu 300 triệu USD vào năm 2020, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: https://zingnews.vn/ly-do-am-thuc-han-quoc-noi-tieng-the-gioi-post1368237.html
3. Chuỗi trà sữa 1 USD của Trung Quốc tăng tốc hiện diện tại Việt Nam
Với 327 cửa hàng tại Việt Nam, công ty Mixue có kế hoạch IPO và mở rộng hơn nữa số cửa hàng mới tại Việt Nam. Việt Nam là thị trường nước ngoài lớn nhất của Mixue. Hiện tại, tính đến giữa tháng 7, Mixue có 327 cửa hàng, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Toàn thành phố Hồ Chí Minh chỉ có hai cửa hàng, một tại Nguyễn Văn Nghi, Gò Vấp và một tại Nguyễn Duy Trinh, Thủ Đức.
Fan page của Mixue cho biết tỷ lệ mở cửa hàng mới của chuỗi tại Việt Nam là 30 cửa hàng mỗi tháng. Với tốc độ này, Mixue sẽ sớm bắt kịp chuỗi cà phê Highland lớn nhất Việt Nam hiện có khoảng 500 cửa hàng.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/thi-truong/chuoi-tra-sua-1-usd-cua-trung-quoc-tang-toc-hien-dien-tai-viet-nam-1088788.html
4. Thị trường đồ ăn nhẹ Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất châu Á
Nhu cầu tiêu thụ các dòng sản phẩm đồ ăn nhẹ tại thị trường Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Xu hướng tiêu dùng tiện lợi, sạch, đầy đủ dinh dưỡng của người tiêu dùng đang dẫn dắt chiến lược kinh doanh các doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Nielsen về thị trường đồ ăn nhẹ, hiện nay người tiêu dùng Việt đã sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các dòng sản phẩm đồ ăn nhẹ (như bắp rang bơ, trà sữa, mì cay, chân gà xiên que, xúc xích, bánh tráng trộn, cơm cuộn…), vượt trên cả chi tiêu cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu cấp thiết mỗi ngày.
Nguồn: https://vneconomy.vn/thi-truong-do-an-nhe-viet-nam-tang-truong-nhanh-nhat-chau-a.htm
5. Cảnh báo nguy cơ khi mua lẻ gói súp mì ăn liền ‘Hảo Hảo tôm chua cay’
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận thông tin phản ánh của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Acecook Việt Nam) về hành vi kinh doanh, buôn bán gói súp Acecook “Hảo Hảo tôm chua cay” trái pháp luật. Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, cảnh báo về hành vi kinh doanh không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, Acecook Việt Nam không bán riêng các gói súp của mì ăn liền “Hảo Hảo tôm chua cay”.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trên thị trường đang xuất hiện một số hình thức kinh doanh liên quan đến sản phẩm mì ăn liền ‘Hảo Hảo tôm chua cay” có dấu hiệu không đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, hình thức kinh doanh nêu trên tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm, bởi lẽ việc gói mì bị xé để lấy gói súp không chỉ làm giảm mức độ bảo quản mà còn tác động trực tiếp tới chất lượng của vắt mì và gói súp.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/canh-bao-nguy-co-khi-mua-le-goi-sup-mi-an-lien-hao-hao-tom-chua-cay-20221024171458869.htm
6. Ảnh hưởng triều cường và mưa, rau màu tăng giá gấp đôi, nhiều loại không có hàng
Trong đợt triều cường lịch sử vừa qua, “thủ phủ” rau màu huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có hơn 150ha rau màu bị ngập úng, hư hại. Do đó, hiện nhiều loại rau màu đã tăng giá cao gấp hai lần. Cụ thể, ớt sừng vàng giá 70.000 đồng/kg, ớt chỉ thiên 40.000 đồng/kg, các loại rau màu ngắn ngày khác như đậu bắp, dưa leo, cải bẹ dún, rau muống, mồng tơi… dao động 8.000 – 16.000 đồng/kg. Sau triều cường, tình trạng mưa kéo dài cũng góp phần làm khan hiếm rau màu. Hiện diện tích trồng rau quế còn rất ít, thu hoạch không đủ cung cấp ra thị trường.
Nguồn: https://tuoitre.vn/anh-huong-trieu-cuong-va-mua-rau-mau-tang-gia-gap-doi-nhieu-loai-khong-co-hang-20221019141203171.htm
7. Khách nườm nượp đến mua thịt heo ăn chuối của bầu Đức ở Hà Nội
Sáng 23-10, hai cửa hàng bán thịt heo ăn chuối với tên gọi Bapi Food đầu tiên tại Hà Nội (tại Vinhomes Ocean Park, huyện Gia Lâm và Vinhome Smart City, quận Nam Từ Liêm) của bầu Đức đã chính thức khai trương.
Sau hơn hai giờ khai trương, một số loại thịt heo ăn chuối đã được người dân mua hết sạch. Cửa hàng phải liên tục bổ sung những phần thịt mới, thậm chí có những mặt hàng “cháy” chưa kịp về, khách phải đặt đơn để buổi chiều đến lấy.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khach-nuom-nuop-den-mua-thit-heo-an-chuoi-cua-bau-duc-o-ha-noi-20221023145931716.htm
8. Ra mắt sản phẩm thịt từ ‘heo ăn chay’
Ngày 26-10, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF) đã ra mắt thương hiệu ‘heo ăn chay’ (BaF Meat) theo mô hình kinh doanh chiến lược chuỗi khép kín Feed – Farm – Food từ con giống nhập khẩu – công thức dinh dưỡng – hệ thống trang trại đến nhà máy giết mổ, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và mục tiêu cung cấp sản phẩm thịt sạch có thương hiệu.
Theo BaF, đàn heo chỉ ăn thức ăn được làm 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật. Công thức cám chạy của BaF loại bỏ hoàn toàn thành phần chứa gốc đạm động vật; được nghiên cứu, sàng lọc khắt khe từ nguồn nguyên liệu tươi mới và sản xuất trong hệ thống các nhà máy cảm của BaF; chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ và không bán thương mại ra thị trường.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn//ra-mat-san-pham-thit-tu-heo-an-chay-851776.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Kế hoạch thu hút khách du lịch với mô hình khách sạn nằm trong vườn nho tại Pháp
Nhà sản xuất rượu vang Bollinger từ lâu đã tạo dựng được danh tiếng về tính độc quyền của mình. Trong khi khách du lịch có thể bắt chuyến tham quan bằng xe bus và dừng lại ở trung tâm đón du khách của các nhà sản xuất rượu khác ở vùng Champagne nổi tiếng của Pháp, thì Bollinger hầu như chỉ giới hạn việc nếm thử trong buổi trải nghiệm dành cho những vị khách được mời.
Tuy nhiên, cách đây không lâu, Bollinger đã đưa ra một quyết định mang tính cách mạng: Chào đón công chúng đến khách sạn gồm 20 phòng mà họ xây dựng trong khuôn viên của mình tại làng Aÿ. Nơi đây có các phòng nếm thử rượu, không gian ăn uống, cửa hàng và hầm rượu. Việc cải tạo và cung cấp dịch vụ mới là cách để nhà sản xuất rượu này có tên trên bản đồ du lịch thế giới, đồng thời tìm kiếm dòng doanh thu mới trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/ke-hoach-thu-hut-khach-du-lich-bang-khach-san-nam-trong-vuon-nho-tai-phap-20221020182856311.htm

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Ngành xuất bản toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch
Theo một báo cáo mới của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), ngành công nghiệp xuất bản toàn cầu đang dần phục hồi sau đại dịch. Báo cáo này đã phân tích tình hình xuất bản toàn cầu trong năm 2020 và 2021, lấy dữ liệu từ nhiều thành viên của tổ chức này, trong đó có cả những thị trường lớn như Mỹ và Anh.
Theo báo cáo này, ngành xuất bản toàn cầu đạt doanh thu 71,6 tỷ USD vào năm ngoái, tăng cao hơn so với con số 64,4 tỷ USD của năm trước. Hầu hết thành viên WIPO cũng báo cáo doanh thu cao hơn vào năm 2021, dẫn đầu là Mỹ và Italy với mức tăng trưởng lần lượt là 13,6% và 12,2%.
Nguồn: https://zingnews.vn/nganh-xuat-ban-toan-cau-dang-phuc-hoi-sau-dai-dich-post1367482.html
2. Bùng nổ kinh doanh xe đạp ở Bỉ
Kể từ cuộc khủng hoảng COVID-19, thị trường xe đạp Bỉ đã thực sự lấy lại sức sống mới. Những đợt phong tỏa với nhiều hạn chế đã kết nối nhiều người Bỉ với niềm vui di chuyển trên chiếc xe hai bánh. Thú vui đi xe đạp còn được thúc đẩy bằng sự phát triển của cơ sở hạ tầng đạp xe và chính sách chủ động của một số thành phố và thị trấn, xây dựng những con đường dành riêng cho phương tiện hai bánh.
Năm 2020 là năm kỷ lục đối với ngành công nghiệp xe đạp với 592.107 chiếc được bán ra, tăng 4% so với năm 2019. Theo Liên đoàn giao thông Bỉ (TRAXICO), năm 2021, thị trường vẫn tăng trưởng rất tốt, chỉ giảm 1,2% với 584.913 chiếc được bán ra.
Nguồn: https://bnews.vn/bung-no-kinh-doanh-xe-dap-o-bi/263047.html
3. Doanh nghiệp nhỏ Mỹ tự xây dựng chuỗi cung ứng trong nước
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ nhận thấy họ bị đẩy lùi phía sau của chuỗi cung ứng vì họ không có quy mô đặt hàng và vốn lớn hoặc các mối quan hệ cần thiết để được ưu tiên hơn các công ty lớn. Và ngay cả khi họ được ưu tiên, chi phí vận chuyển container, vẫn cao gấp ba lần so với mức trước đại dịch, là rào cản lớn đối với họ.
Để thoát ra khỏi tình trạng giao hàng chậm trễ do vấn đề tắc nghẽn ở các cảng cũng như để phản ứng nhanh chóng với nhu cầu của thị trường, nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ bắt đầu phát triển chuỗi cung ứng riêng ở trong nước.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nho-my-tu-xay-dung-chuoi-cung-ung-trong-nuoc/
4. Cuộc đua của các đại gia trên sân chơi ngành dược
Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam (VN) đang gia tăng nhanh chóng. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỉ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỉ USD vào năm 2021. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỉ USD trong năm 2021.
Trong tương lai, triển vọng của ngành này được dự đoán sẽ tiếp tục tươi sáng nhờ sự cộng hưởng từ tăng trưởng kênh bán hàng, cơ cấu dân số… Thị trường dược phẩm ngày càng nóng lên khi có nhiều ông lớn tham gia vào cuộc đua chuỗi nhà thuốc chuyên nghiệp.
Nguồn: https://plo.vn/cac-dai-gia-tren-san-choi-nganh-duoc-post704209.html

Nhóm tin về ngành thời trang

1. Lạm phát không ảnh hưởng nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ của giới nhà giàu
Bất chấp lạm phát cao, thị trường việc làm bất ổn và nguy cơ suy thoái cận kề, những người tiêu dùng giàu có vẫn mua hàng hóa xa xỉ, từ túi xách Chanel, áo jacket Dior cho đến đồng hồ Cartier…
Hôm 11-10, đúng vào ngày Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo về những đám mây đen tối hơn ở phía trước đối với kinh tế toàn cầu, LVMH – công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới của Pháp – công bố doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên trong quí 3, cho thấy nhu cầu mua sắm của những người giàu có đối với hàng hóa cao cấp vẫn không suy giảm.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/lam-phat-khong-anh-huong-nhu-cau-mua-sam-hang-xa-xi-cua-gioi-nha-giau/
2. Biti’s dần hụt hơi sau khi vụt sáng
Sau một năm 2019 đạt đỉnh nhờ chiến dịch marketing thành công vượt kỳ vọng, doanh thu Biti’s hai năm qua đã giảm liên tiếp khi yếu tố bất ngờ không còn. So với mức đỉnh năm 2019, doanh thu thuần năm 2021 của Biti’s giảm gần 40%, còn hơn 1.200 tỷ đồng. Lãi ròng trên báo cáo tài chính riêng lẻ của Biti’s (Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên) xuống dưới 10 tỷ đồng, giảm hơn 90%.
Nguồn: https://vnexpress.net/biti-s-dan-hut-hoi-sau-khi-vut-sang-4518494.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Grab đóng cửa dịch vụ ‘bếp ăn đám mây’ ở Indonesia
Grab đang lên kế hoạch đóng cửa hoạt động ‘bếp ăn đám mây’ (cloud kitchen) ở thị trường Indonesia trong bối cảnh hãng công nghệ này chuyển hướng mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng số. Tăng trưởng của dịch vụ GrabKitchen trong suốt 4 năm hoạt động không đạt được mức ổn định, bao gồm cả việc chuyển sang mô hình kinh doanh dựa trên tài sản, theo Tech in Asia.
Nguồn: https://viettimes.vn/grab-dong-cua-dich-vu-bep-an-dam-may-o-indonesia-post161294.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi
2. Tesla giảm giá ô tô điện Model 3, Model Y ở Trung Quốc
Tesla đã giảm giá khởi điểm cho những chiếc ô tô điện Model 3 và Model Y của mình tới 9% tại Trung Quốc, theo trang web công ty hôm 24.10. Giá khởi điểm cho mẫu sedan Model 3 đã giảm xuống còn 265.900 nhân dân tệ (36.727 USD) từ 279.900 nhân dân tệ. Trong khi giá mẫu xe thể thao đa dụng Model Y giảm xuống còn 288.900 nhân dân tệ từ 316.900 nhân dân tệ.
Tesla đã và đang điều chỉnh giá phù hợp với chi phí, công ty tiết lộ với hãng tin Reuters trong một tuyên bố. Việc gia tăng công suất tại Gigafactory Thượng Hải đã được cải thiện, trong khi chuỗi cung ứng vẫn ổn định, dẫn đến chi phí thấp hơn, Tesla cho biết.
Nguồn: https://1thegioi.vn/ly-do-tesla-giam-gia-o-to-dien-model-3-model-y-o-trung-quoc-188644.html
3. Công dân Mỹ bị cấm làm việc cho công ty chip của Trung Quốc
Hiện tại, nhiều nhân sự người Mỹ đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong ngành chip tại Trung Quốc, giúp những nhà sản xuất phát triển sản phẩm mới để bắt kịp các đối thủ nước ngoài. Giờ đây, những nhân sự đó đang gặp khó khăn do Mỹ cấm công dân hỗ trợ lĩnh vực chip của Trung Quốc.
Trong tháng 10, Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát lĩnh vực xuất khẩu đối với một loạt sản phẩm chip và công nghệ sản xuất chip, đánh dấu “cuộc tấn công lớn nhất” của Mỹ đối với ngành công nghệ của Trung Quốc. Không chỉ vậy, cơ quan này cũng cấm các công dân Mỹ được tiếp tục làm việc với Trung Quốc như một phần trong lệnh kiểm soát toàn diện.
Nguồn: https://zingnews.vn/cong-dan-my-bi-cam-lam-viec-cho-cong-ty-chip-cua-trung-quoc-post1366229.html
4. Hãng chip Hàn Quốc cân nhắc bán nhà máy tại Trung Quốc
SK Hynix, nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ 2 thế giới, đang xem xét thanh lý cơ sở sản xuất tại Đại lục, do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.Ngày 26/10, SK Hynix cho biết, trong trường hợp xấu nhất nếu các lệnh cấm vận của Mỹ khiến hoạt động công ty tại Trung Quốc gặp khó khăn, họ sẽ bán các cơ sở sản xuất chip nhớ đang đặt tại đây.
Dữ liệu cho thấy, cơ sở của SK Hynix tại Vô Tích (Thượng Hải) sản xuất hơn 40% sản lượng chip DRAM, lĩnh vực kinh doanh chính của công ty Hàn Quốc. Các vi xử lý này được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử, từ máy tính, điện thoại thông minh cho tới ô tô.
Nguồn: https://ictnews.vietnamnet.vn/hang-chip-han-quoc-can-nhac-ban-nha-may-tai-trung-quoc-5004743.html
5. Australia lên kế hoạch xây dựng ‘Thung lũng Silicon’ ở Sydney
Mới đây, chính quyền bang New South Wales đã ‘bật đèn xanh’ cho dự án xây dựng trung tâm công nghệ quốc gia theo phong cách ‘Thung lũng Silicon’ trị giá 3 tỷ AUD. Kế hoạch xây dựng trung tâm công nghệ quốc gia, với tên gọi Central Place Sydney (Trung tâm công nghệ quốc gia), đã được các nhà phát triển chung là Dexus và Frasers Property Australia đệ trình vào cuối tháng 3 và được Hội đồng thành phố Sydney phê duyệt vào ngày 20/10.
Theo kế hoạch, Central Place Sydney sẽ được xây dựng trên lô đất bên rìa phía Tây của Nhà ga Trung tâm và tiếp giáp với dự án tòa nhà công nghệ Atlassian, xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, cao 40 tầng, cũng do Dexus phát triển và tài trợ.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/australia-len-ke-hoach-xay-dung-thung-lung-silicon-o-sydney-a576471.html
6. Google công bố kết quả kinh doanh thất vọng
Alphabet – công ty mẹ của Google vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với con số thấp hơn kỳ vọng, mà nguyên nhân chính tới từ doanh thu quảng cáo suy giảm. Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 của Alphabet cho thấy, doanh thu quảng cáo trong kỳ của Goolge giảm gần 2 tỷ USD so với quý trước. Thị trường quảng cáo số đã theo xu hướng giảm tốc trong vài quý vừa qua, khi doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu trước tác động của lạm phát và môi trường lãi suất cao hơn.
Nguồn: https://baodautu.vn/google-cong-bo-ket-qua-kinh-doanh-that-vong-gia-co-phieu-giam-6-d176395.html
7. Nhiều startup trong nước hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt trên thế giới
Các giải pháp công nghệ từ Việt Nam đang ngày càng phổ biến với nhiều doanh nghiệp của người Việt tại nhiều nước, thậm chí cả các nước đã rất phát triển. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi Việt Nam được xác định chiến lược trở thành trung tâm công nghệ của khu vực và trên thế giới.
Theo dự báo của MarketLine, trong vòng 4 năm tới, thị trường phần mềm thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng cao với tỷ lệ trung bình 11,3% và dự kiến đạt 969 tỷ USD vào năm 2024. Đối với nước ta, xét về trình độ công nghệ, trong các lĩnh vực đang là xu thế phát triển trên thế giới như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây…, nhiều doanh nghiệp Việt đã đạt trình độ ngang với các doanh nghiệp trên thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp đang đem những kinh nghiệm, công nghệ, quy trình tích lũy sau nhiều năm làm cho đối tác nước ngoài để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao Made in Vietnam.
Nguồn: https://baodautu.vn/nhieu-startup-trong-nuoc-ho-tro-cong-dong-doanh-nghiep-viet-tren-the-gioi-d176017.html
8. Cơ hội cho Việt Nam trước làn sóng chuyển dịch từ Web 2.0 sang Web 3.0
Web 3.0 được hiểu là thế hệ web thứ 3 – nơi mà người dùng có thể tham gia vào việc quản trị và vận hành các giao thức web một cách phi tập trung chứ không chỉ là khách hàng của các “ông lớn” như ở thế hệ web 2.0. Web 3.0 là một môi trường rộng lớn ứng dụng blockchain, nơi các lĩnh vực như Defi (tài chính phi tập trung), NFT (tài sản không thể thay thế), vũ trụ ảo (metaverse) hay DAO (tổ chức tự trị phi tập trung) có điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tư cho sự phát triển mạnh mẽ của blockchain và Web 3.0. Với thế mạnh về lập trình và người dùng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội tại thị trường blockchain trong khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/co-hoi-cho-viet-nam-truoc-lan-song-chuyen-dich-tu-web-20-sang-web-30/824652.vnp

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. EU không đạt được thỏa thuận áp trần giá năng lượng
Hội nghị thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận áp trần giá năng lượng. Tuy nhiên các bên đã nhất trí về một lộ trình nhằm áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trước xu hướng giá năng lượng leo thang trong những tuần tới. Thỏa thuận đã nêu bật tầm quan trọng của việc phải tiến hành phân tích chi phí và lợi ích khi áp giá trần về điện, cũng như đánh giá tác động bên ngoài châu Âu. Các nước EU hi vọng sẽ đạt được nội dung cụ thể trong vòng từ 2 đến 3 tuần.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/eu-khong-dat-duoc-thoa-thuan-ap-tran-gia-nang-luong-20221022045626352.htm
2. Tồn kho giảm mạnh, châu Âu đang tất tay ‘gom’ dầu từ bất cứ nguồn nào có thể
Tồn kho dầu diesel toàn cầu đã giảm mạnh kể từ khi nhu cầu tăng trở lại trong hai năm qua, phần lớn là do công suất của các nhà máy lọc dầu giảm trong thời kì đại dịch. Cuộc đình công của các công nhân tại nhà máy lọc dầu ở Pháp đã khiến gia tăng các vấn để về nguồn cung dầu diesel, một loại dầu quan trọng trong các phương tiện giao thông và nông nghiệp. Các nhà bán nhiên liệu đến từ châu Á và Trung Đông đang tích cực đẩy những thùng dầu đến châu Âu trong bối cảnh châu lục này thiếu hụt nhiên liệu và sẵn sàng mua với giá cao – mở ra cơ hội thu lợi lớn cho các nhà sản xuất dầu.
Nguồn: https://markettimes.vn/ton-kho-giam-manh-chau-au-dang-tat-tay-gom-dau-tu-bat-cu-nguon-nao-co-the-6228.html
3. Nhu cầu củi gỗ tăng cao tại Đức
Sự tàn phá của bọ cánh cứng, tác động từ môi trường cùng căng thẳng xung đột Nga-Ukraine đã khiến nguồn cung củi bị gián đoạn. Theo Gerd Muller, thành viên Hiệp hội Sản xuất và Thương mại củi Đức, giá củi đã tăng trung bình khoảng 30-40% ở hầu hết các đại lý, tương đương gần 150 USD mỗi mét khối. Cục Thống kê Liên bang Đức cho biết giá củi và viên nén gỗ trong tháng 8 đã tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/nhu-cau-cui-go-tang-cao-tai-duc-20221020103758472.htm
4. Trung Quốc xây dựng trang trại điện gió với công suất vượt trội
Thành phố Triều Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, sẽ xây dựng một trang trại điện gió ngoài khơi lớn đến mức lượng điện dự kiến cung cấp ra cao hơn tổng sản lượng điện của toàn Na Uy cộng lại.
Thành phố này dự định khởi công một trang trại điện gió với công suất 43,3 GW trước năm 2025. Chi phí cho trang trại này không được tiết lộ. Nếu đi vào hoạt động, chỉ riêng trang trại này sẽ có công suất gấp 10 lần tổng sản lượng điện gió tại Việt Nam trong năm 2022 – ước tính ở mức 4 GW, theo số liệu từ Bộ Công thương.
Nguồn: https://markettimes.vn/sap-co-trang-trai-dien-gio-cong-suat-gap-10-lan-tong-san-luong-dien-gio-cua-viet-nam-nam-2022-6495.html
5. Điện gió ngoài khơi của Việt Nam gặp khó
Ngày 26.10, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết ngày 24.10 vừa qua bộ này đã có văn bản phản hồi Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Sóc Trăng do Công ty Công TNHH Mainestream Phú Cường đề xuất.
Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Sóc Trăng do Công ty Công TNHH Mainestream Phú Cường đề xuất, có công suất khoảng 1.000 MW chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, dự án này chỉ được triển khai đầu tư khi được duyệt trong quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045.
Nguồn: https://1thegioi.vn/tim-loi-giai-cho-bai-toan-dien-gio-ngoai-khoi-cua-viet-nam-188762.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. ‘Thời gian vàng’ để thu hút vốn đầu tư từ EU
Báo cáo FDI của EU vào Việt Nam trong bổi cảnh thực thi EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam) và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư song phương EU – Việt Nam), do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) (thuộc Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố ngày 25/10 chỉ ra rằng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Liên minh châu Âu (EU) 10 năm qua vẫn còn hạn chế và chưa xứng tầm. Theo VEPR, số lượng và giá trị các dự án đầu tư vào Việt Nam hiện chỉ chiếm từ 2-5% trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của EU. Trong đó, Hà Lan là đối tác đầu tư lớn nhất EU vào Việt Nam, đóng góp gần 50% tổng số vốn FDI của toàn khối.
Để cải thiện và tận dụng cơ hội thu hút FDI từ EU, Việt Nam cần coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và đẩy mạnh cải cách thể chế trên các lĩnh vực như: bảo đảm quyền tài sản, điều kiện kinh doanh, sửa các quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng. Các lợi thế hiện nay như lao động rẻ và ưu đãi thuế sẽ không còn là thế mạnh trong tương lai.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thoi-gian-vang-de-thu-hut-von-dau-tu-tu-eu-2074068.html

Nhóm tin về tài chính, chứng khoán

1. VN-Index xuống đáy mới
Chỉ số VN-Index giảm sau chỉ một phiên hồi phục và xuống đáy mới trong 2 năm: dưới 990 điểm. Tính từ đầu tháng 4, chỉ số này đã mất tổng cộng gần 37% kể từ đỉnh cao trên 1.520 điểm.
Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên ngày 26/10, trong khi dòng tiền bắt đáy không còn mạnh như phiên chiều 25/10, khiến VN-Index chuyển sang màu đỏ giảm giá. Tới đầu giờ chiều, chỉ số này mất hơn 12 điểm xuống ngưỡng 985 điểm. Đây là mức đóng cửa thấp nhất trong 2 năm qua.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn-index-xuong-day-moi-2074077.html
2. Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm lên kịch trần
Các ngân hàng bắt đầu đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành ngày 24/10, trong đó mức dưới 6 tháng được điều chỉnh lên mức kịch trần.
Không chỉ tiền gửi có kỳ hạn mà ngay cả tiết kiệm không kỳ hạn cũng được ngân hàng nâng lãi suất. Trước đó, đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, NHNN đã tăng từ 0,2% lên 0,5%/năm từ ngày 23/9. Như vậy, chỉ sau hơn 1 tháng, trần lãi suất đối với loại tiền gửi này đã tăng tới 0,8%, và tính theo lần thì mức tăng là gấp 5 lần.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang-dong-loat-tang-lai-suat-tiet-kiem-len-kich-tran-post308593.html

Nhóm tin về nông sản – thủy sản – chăn nuôi

1. Công nghệ biến cát sa mạc cằn cỗi thành đất màu mỡ chỉ trong 7 tiếng
Công ty khởi nghiệp Desert Control của Na Uy đã tìm ra giải pháp ngăn chặn sa mạc hóa hiệu quả bằng cách trộn cát với đất sét nano lỏng (LNC), biến nó thành đất màu mỡ chỉ trong 7 tiếng.
Desert Control hiện đang nhắm đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), thị trường giàu có hiện phải nhập khẩu tới 90% lương thực do việc trồng trọt trong môi trường sa mạc rất khó khăn. Và công nghệ mới đã được chứng minh hiệu quả đáng kinh ngạc, khi biến một sa mạc cằn cỗi thành đất màu mỡ.
Nguồn: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/cong-nghe-bien-cat-sa-mac-can-coi-thanh-dat-mau-mo-chi-trong-7-tieng-20221024165632960.htm
2. Khay, chén, thìa từ mo cau thân thuộc thay đồ nhựa dùng một lần
Huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) được xem là “thủ phủ” của cây cau. Tại huyện có nhiều điểm thu mua cau tươi nhưng không ai nghĩ đến chuyện hái mo cau để bán. Tưởng chừng như bỏ đi, thế nhưng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam đã tận dụng thu mua mo cau của người dân để làm những sản phẩm chén, đĩa, muỗng… thân thiện với môi trường.
Đây là mô hình khởi nghiệp của chị Phan Vũ Hoài Vui – Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam. HTX được thành lập vào tháng 9/2020, ngay tại quê hương của chị, cũng là xứ sở của cau ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước.
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/co-gai-tre-lam-khay-chen-thia-tu-mo-cau-than-thuoc-thay-do-nhua-dung-mot-lan-5004254.html
3. Người nuôi cá tra thương phẩm chịu áp lực của giá con giống và thức ăn tăng cao
Gần đây, các mặt hàng từ cá tra xuất khẩu thuận lợi, giá tăng nên mô hình nuôi thủy sản này ở vùng ĐBSCL đang mở rộng. Trong khi đó, lũ về cá tra giống khan hàng, sốt giá kết hợp với giá thức ăn thủy sản tăng vọt đã tạo áp lực cho người nuôi. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) diện tích ương dưỡng cá tra giống của vùng ĐBSCL hàng năm đạt khoảng 6.000 ha, nhiều nhất ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang. Không chỉ cá giống giá cao mà người nuôi thủy sản này đang “gánh nặng” bởi giá thức ăn liên tục tăng, kéo nguồn thu nhập giảm xuống.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-nuoi-ca-tra-thuong-pham-chiu-ap-luc-cua-gia-con-giong-va-thuc-an-tang-cao-post978565.vov
4. Tiêu thụ khó khăn, nhiều vườn thanh long ở Long An bị bỏ hoang
Trước đây, toàn tỉnh Long An có hơn 11.000 ha trồng thanh Long An; trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành với gần 9.200 ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, từ năm 2020 đến nay, việc tiêu thụ thanh long của người dân gặp nhiều khó khăn, giá cả liên tục xuống mức thấp làm cho người trồng bị thua lỗ. Từ đó dẫn đến việc người dân bỏ vườn không chăm sóc trong thời gian dài, một số phá bỏ vườn thanh long để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Theo Bí thư Huyện ủy Châu Thành – Lê Quốc Dũng, hiện nay, diện tích thanh long (sạch bệnh và bệnh nhẹ) của huyện chỉ còn gần 5.900 ha. Toàn huyện có gần 1.900 ha thanh long hư hại nặng đã phá bỏ; trong đó, người dân đã trồng lại thanh long 241 ha, chuyển sang cây trồng khác 487 ha, còn gần 1.160 ha đất bỏ trống. Bên cạnh đó, Châu Thành còn khoảng 1.320 ha thanh long già cỗi, bệnh nặng cần phải phá bỏ. Như vậy, toàn huyện có 2.480 ha người dân phải trồng mới lại vườn thanh long.
Nguồn: https://baotintuc.vn/dia-phuong/tieu-thu-kho-khan-nhieu-vuon-thanh-long-o-long-an-bi-bo-hoang-20221026152620013.htm
5. Tập trung tái canh phát triển cà phê đặc sản Việt Nam
Ưu tiên thực hiện chương trình tái canh cà phê và phát triển cà phê đặc sản vào năm 2023 là nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra tại hội nghị Ban Điều phối ngành hàng cà phê thường niên năm 2022 do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT tổ chức hôm nay (26/10), tại tỉnh Đắk Lắk.
Cụ thể, ngành hàng cà phê sẽ tập trung ưu tiên tái canh và phát triển cà phê đặc sản để đạt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 107.000 ha cà phê tái canh, 11.500 ha cà phê đặc sản với sản lượng 5.000 tấn.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/tap-trung-tai-canh-phat-trien-ca-phe-dac-san-viet-nam-post979857.vov
6. Đồng Tháp hướng tới sản xuất lúa hữu cơ
Trước xu hướng tiêu dùng gạo chất lượng cao ngày càng tăng trên thị trường, nhiều nông dân tỉnh Đồng Tháp đã chuyển từ trồng lúa truyền thống sang mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, lúa sạch. Việc sản xuất theo mô hình này đã góp phần nâng cao giá trị, hướng tới xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.
Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng lúa của toàn tỉnh đạt 504.295 ha, sản lượng đạt hơn 3,3 triệu tấn, trong đó giống lúa chất lượng cao đạt hơn 319.000 ha (chiếm 63,3%). Hiện những giống lúa chất lượng cao, phù hợp với thị trường xuất khẩu đang được nông dân lựa chọn sản xuất với diện tích lớn.
Nguồn: https://nhandan.vn/dong-thap-huong-toi-san-xuat-lua-huu-co-post721282.html
7. Được mùa được giá, ngành đường bước vào mùa mía ‘ngọt’
Bước sang tháng 10, người dân trồng mía bắt đầu chuẩn bị cho vụ thu hoạch với nhiều mong đợi được mùa, được giá trong bối cảnh các cây trồng khác ngày càng bấp bênh. Diễn biến tích cực của thị trường cùng với hiệu quả từ chính sách áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đã khiến niềm vui của người dân trồng mía càng được nhân lên. Ngành mía đường Việt Nam năm nay dự báo sẽ tiếp tục có một vụ ép ‘thắng lợi kép’.
Nguồn: https://nhandan.vn/duoc-mua-duoc-gia-nganh-duong-buoc-vao-mua-mia-ngot-post721780.html
8. Bộ NN-PTNT khống chế hàm lượng formaldehyde trong keo dán gỗ
Do các nước nhập khẩu và tiêu thụ đồ gỗ có cảnh báo chất formaldehyde là một thành phần có trong các loại keo dán gỗ, nếu sử dụng hàm lượng ở mức cao sẽ nguy hại cho sức khỏe, nên Bộ NN-PTNT đã có thông tư yêu cầu quản lý và kiểm soát.
Chiều 26-10, Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp đã thông tin tới báo chí về việc vào ngày 25-10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã ký ban hành Thông tư số 16 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về keo dán gỗ (bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 25-4-2023). Quy chuẩn này nhằm yêu cầu quản lý và kiểm soát mức giới hạn đối với hàm lượng formaldehyde tự do trong keo dán gỗ được sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn//bo-nnptnt-khong-che-ham-luong-formaldehyde-trong-keo-dan-go-851774.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. 120 vùng nông sản Đồng Nai được cấp mã số xuất khẩu
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 120 vùng trồng nông sản với diện tích trên 24.000 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Mỹ, các nước châu Âu, New Zealand, Australia.
Các địa phương có nhiều loại trái cây được cấp mã số vùng trồng là thành phố Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc; trong đó, có một số cây trồng chủ lực có diện tích cấp mã vùng trồng lớn như chôm chôm, xoài, chuối, sầu riêng.
Nguồn: https://bnews.vn/120-vung-nong-san-dong-nai-duoc-cap-ma-so-xuat-khau/263390.html
2. Lô thịt gà chế biến đầu tiên của Việt Nam được vừa xuất khẩu sang Nhật
Vừa qua, Tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, Công ty TNHH CPV Food vừa xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản. Đây là lô hàng thịt gà chế biến dành riêng cho thị trường Nhật Bản, đồng phát triển với Tập đoàn ITOCHU là đối tác mua và phân phối hàng tại Nhật Bản. Đến 25/10/2022, đã có 7 quốc gia, vùng lãnh thổ (Nhật Bản, Hồng Kông, Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) chấp nhận và cho phép nhập khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam.
Hiện, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thịt gà lớn thứ ba trên thế giới (sau Trung Quốc và Nga). Mỗi năm, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thịt gà. Vì vậy, việc Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu thịt gà của Công ty CP Việt Nam đã mang tới cơ hội kinh doanh rất lớn cho Công ty CP Việt Nam nói riêng và ngành chăn nuôi gia cầm của cả nước Việt Nam nói chung.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/giao-thuong/thit-ga-che-bien-cua-viet-nam-duoc-cap-phep-xuat-khau-sang-7-thi-truong-1088891.html
3. Hàng vứt bỏ rộng đường… xuất khẩu
Những mặt hàng trước đây có lúc bị bỏ đi hoặc hiếm khi được xuất khẩu, như lá chuối, lá tre, mít non, mật hoa dừa… lại được không ít doanh nghiệp đưa sang Mỹ, Nhật, Hàn… thành công, tăng mạnh giá trị cho nông sản Việt. Nhiều doanh nghiệp cho biết nhu cầu thị trường thế giới còn khá lớn nên đang đầu tư mở rộng sản xuất, đặc biệt hướng tới cộng đồng ăn chay đang phát triển mạnh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-vut-bo-rong-duong-xuat-khau-20221026085007193.htm
4. Điều chỉnh biên độ tỷ giá: 70% hợp đồng xuất khẩu có cơ hội hưởng lợi
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc nâng tỷ giá đồng USD sẽ thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Mỹ và các thị trường có sử dụng đồng USD làm công cụ thanh toán. Các DN xuất khẩu có thể tận dụng được lợi thế này.
Tuy nhiên, các DN nhập khẩu sẽ có khó khăn khi giá nhập khẩu nguyên phụ liệu sẽ bị tăng lên, trong khi Việt Nam lại là quốc gia nhập khẩu rất lớn, nhiều DN vẫn tập trung vào gia công xuất khẩu nên phải nhập khẩu gần như toàn bộ nguyên liệu, linh phụ kiện cho sản xuất như điện thoại di động, máy tính điện tử, dệt may – da giày, xi măng và tác động lớn nhất phải kể đến là nhập khẩu xăng dầu.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/dieu-chinh-bien-do-ty-gia-70-hop-dong-xuat-khau-co-co-hoi-huong-loi-post979664.vov
5. Hội chợ thương mại giữa hai nước Việt Nam-Lào sắp diễn ra
Thương vụ Việt Nam tại Lào thường xuyên làm việc với các đơn vị chuyên môn của Lào ở trung ương và địa phương để kết nối, giới thiệu và quảng bá thương hiệu quốc gia, hàng hóa Việt Nam. Hiện Thương vụ Việt Nam tại Lào đang tích cực phối hợp chuẩn bị cho Hội chợ Thương mại Việt Nam-Lào diễn từ 3-7/11 tới tại thủ đô Vientiane; mời các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Thatluang dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 tới tại thủ đô Vientiane, Hội chợ Tết người Mông tổ chức tại tỉnh Xiengkhuang vào tháng 12.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phat-huy-vai-tro-cau-noi-thuong-mai-giua-hai-nuoc-viet-namlao/825699.vnp
6. Hội chợ thương mại quốc tế Việt-Trung: Cơ hội quảng bá, xúc tiến đầu tư, sản phẩm miền núi Lạng Sơn
Hội chợ thương mại quốc tế Việt-Trung sẽ diễn ra từ ngày 2 – 9/11, tại tỉnh Lạng Sơn với sự tham gia của 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn.
Hội chợ dự kiến có trên 220 gian hàng, chia thành các khu vực chính: Khu trưng bày, triển lãm, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trưng bày các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các huyện, thành phố, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như các sản phẩm xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn…
Nguồn:https://congthuong.vn/hoi-cho-thuong-mai-quoc-te-viet-trung-co-hoi-quang-ba-xuc-tien-dau-tu-san-pham-mien-nui-lang-son-224665.html
7. Thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Bangladesh
Thực hiện chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á- châu Phi trực thuộc Bộ Công Thương tổ chức Đoàn giao dịch thương mại, thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Bangladesh từ ngày 23-28/10/2022.
Tại đây, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tìm hiểu về tiềm năng xuất khẩu hàng Việt Nam sang Bangladesh, cũng như yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường Bangladesh. Quảng bá giới thiệu hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời tham dự hội thảo giao thương, kết nối trực tiếp doanh nghiệp 2 nước và gặp gỡ, làm việc với một số nhà phân phối lớn tại thị trường. Đặc biệt. ngày 26/10/2022 đã diễn ra lễ ký MOU giữa Invest Global Vietnam (Liên minh Xúc tiến đầu tư quốc tế) với Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp CHITTAGONG (CCCI).
Nguồn: https://vneconomy.vn/thuc-day-xuat-khau-hang-viet-nam-sang-thi-truong-bangladesh.htm
BSAi