Bản tin thị trường, từ 28/7 – 3/8/2023

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1.    Bánh Trung thu nhộn nhịp vào mùa
Thị trường các loại bánh Trung thu đã bắt đầu nhộn nhịp, với rất nhiều chủng loại sản phẩm, đa dạng về hương vị, mẫu mã và mức giá khác nhau. Bên cạnh những sản phẩm bánh Trung thu của các doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… còn có nhiều loại bánh do các cơ sở tư nhân sản xuất, với giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Năm nay, thị trường cũng ghi nhận sự xuất hiệu của thương hiệu mới cùng với những dòng sản phẩm “độc”.
Theo các chuyên gia, thị trường bánh Trung thu năm nay sẽ chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng, cùng sức mua hạn chế hơn do kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trên thị trường luôn khốc liệt bởi sự gia nhập ngày càng nhiều đối thủ như các nhà sản xuất handmade, các chuỗi F&B và các loại bánh nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc… đòi hỏi các nhà sản xuất phải luôn thay đổi mẫu mới và nâng cao chất lượng để thu hút khách hàng.
Nguồn: https://congthuong.vn/banh-trung-thu-nhon-nhip-vao-mua-264035.html
2.    Sắp diễn ra Triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm, đồ uống
Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm – Đồ uống & Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống (Vietfood & Beverage and ProPack Vietnam) lần thứ 27 tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra từ ngày 10-12/08/2023 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) – 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh do Công ty Vinexad tổ chức. Với tổng diện tích 20.000 m2, quy tụ 800 gian hàng của 700 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, triển lãm sẽ mang tới đa dạng danh mục lĩnh vực sản phẩm trưng bày như: thực phẩm; đồ uống; thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm thuốc, thực phẩm chức năng; thủy sản; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; máy móc, thiết bị sản xuất, đóng gói, bảo quản thực phẩm. Nổi bật tại triển lãm năm nay là 9 khu gian hàng quốc gia và vùng lãnh thổ đến từ Ấn Độ, Ba Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hy Lạp, Nga, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-la-thi-truong-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-lon-nhat-cua-viet-nam-trong-7-thang/

Nhóm tin về ngành du lịch

1.    Xu hướng làm việc kết hợp du lịch đang trỗi dậy
Ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia như Google và American Express cho phép nhân viên làm việc kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, một xu hướng có tên gọi là workcation, ghép giữa từ work (làm việc) và vacation (kỳ nghỉ). Wokcation trong mùa hè, về cơ bản là làm việc ở một địa điểm trong kỳ nghỉ , là một xu hướng tương đối mới trong các sự lựa chọn làm việc sau đại dịch Covid-19. Xu hướng này mới mẻ đến mức dữ liệu vẫn còn khan hiếm. Nhưng tiết lộ của nhân viên và chính sách công bố của công ty cho thấy nhu cầu rất lớn. Trong một cuộc thăm dò gần đây của YouGov, 53% người Mỹ có thể làm việc từ xa cho biết, họ quan tâm đến workcation trong 12 tháng tới. Trong đó, mức độ quan tâm cao nhất là ở những người từ 18-34 tuổi.
Làm việc giữa thiên nhiên (green desking) cũng là một xu hướng liên quan với workcation. Những người ủng hộ xu hướng này lập luận rằng, không gian xanh và thanh bình của thiên nhiên có thể thể khơi dậy sự sáng tạo. Đối với nhiều nhân viên “cổ cồn trắng”, workcation là một giải pháp thú vị, vừa cung cấp cho họ một nơi làm việc có thể tăng năng suất đồng thời mang lại một số cảm giác thư giãn của một kỳ nghỉ.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/xu-huong-lam-viec-ket-hop-du-lich-dang-troi-day/

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1.    Walmart chi 1,4 tỷ USD mua lại cổ phần của Flipkart
Tờ The Wall Street Journal đưa tin nhà bán lẻ Walmart đã trả 1,4 tỷ USD để mua lại khoản đầu tư của quỹ phòng hộ Tiger Global trong tập đoàn thương mại điện tử Flipkart của Ấn Độ. Giao dịch này diễn ra trong những ngày gần đây, đưa giá trị của tập đoàn thương mại điện tử Flipkart lên mức 35 tỷ USD, sau khi tập đoàn này bán cổ phần cho SoftBank của Nhật Bản, nhà bán lẻ Walmart của Mỹ và các nhà đầu tư khác trong năm 2021.
Nguồn: https://bnews.vn/walmart-chi-1-4-ty-usd-mua-lai-co-phan-cua-flipkart/301383.html
2.    Nắng nóng định hình xu hướng tiêu dùng mới ở Trung Quốc
Mùa Hè năm nay, nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc đang phải hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt do sự nóng lên toàn cầu và hiện tượng El Nino. Nắng nóng kéo dài đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường sản phẩm chống nắng trong nước. Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu Công nghiệp Zhiyanzhan, quy mô thị trường sản phẩm kem chống nắng của Trung Quốc đạt 18,3 tỷ Nhân dân tệ – NDT (khoảng 2,57 tỷ USD) vào năm 2022 và dự kiến tăng mạnh lên 38,9 tỷ NDT vào năm 2029. Dữ liệu của sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc cho thấy doanh số sản phẩm kem chống nắng cho trẻ em và nam giới trên nền tảng này đã tăng lần lượt 70% và 67% vào đầu tháng 7 này. Các chuyên gia nghiên cứu tiêu dùng tại JD.com nhận định tiềm năng to lớn của thị trường kem chống nắng hứa hẹn mang lại triển vọng cho các doanh nghiệp và trở thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Trung Quốc.
Ngoài sản phẩm kem chống nắng, thời tiết nắng nóng cũng thúc đẩy doanh số các sản phẩm thực phẩm giải nhiệt và sản phẩm làm mát. Theo đó, doanh số đồ uống có đá, bia, kem, quạt và các sản phẩm làm mát trên nền tảng giao đồ ăn Meituan Waimai đã tăng mạnh trong mùa Hè. Cụ thể, kể từ tháng 6, doanh số kem trên nền tảng của Meituan đã tăng khoảng 70% và doanh số đồ uống lạnh tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo cho biết doanh số máy điều hòa không khí đã tăng trưởng đáng kể trong nhóm mặt hàng thiết bị gia dụng.
Nguồn: https://bnews.vn/nang-nong-dinh-hinh-xu-huong-tieu-dung-moi-o-trung-quoc/300756.html
3.    Người Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn cho smartphone
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Canalys, giá bán điện thoại thông minh trung bình ở Trung Quốc đại lục là 450 USD vào năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Trao đổi với kênh truyền hình CNBC, công ty nghiên cứu thị trường International Data Corporation nói, giá bán điện thoại thông minh trung bình ở Trung Quốc là gần 470 USD trong quý đầu tiên của năm nay, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ ba giá bán trung bình tăng. Điểm đặc biệt là xu hướng này xảy ra ngay cả khi các lượng tiêu thụ smartphone ở Trung Quốc tiếp tục giảm trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Giá bán trung bình tăng báo hiệu phân khúc cao cấp của thị trường điện thoại thông minh vẫn ổn định. Ghi nhận của IDC cho thấy, tại Trung Quốc, điện thoại có giá từ 600 đến 800 USD và từ 1.000 đến 1.600 USD đã ghi nhận mức tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm, bất chấp thị trường điện thoại thông minh tổng thể giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Canalys cho biết xu hướng này là tích cực đối với Apple, nhà cung cấp duy nhất trong top 5 ở Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng về doanh số bán hàng trong quý II.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/nguoi-trung-quoc-dang-chi-nhieu-tien-hon-cho-smartphone-20230801110546039.htm
4.    Đông Nam Á tiến gần hơn mục tiêu gắn kết kinh tế
Theo hãng tin CNBC, các quốc gia ASEAN đang hợp tác phát triển một hệ thống thanh toán xuyên biên giới với hy vọng giúp tăng cường tính toàn diện tài chính trong khu vực cũng như tiến gần hơn với mục tiêu gắn kết kinh tế. Động thái này diễn ra sau khi 5 quốc gia Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines ký một thỏa thuận chính thức vào cuối năm 2022. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 5 vừa qua, các nhà lãnh đạo cũng đã nhắc lại cam kết đối với dự án, qua đó đặt nền tảng cho lộ trình mở rộng liên kết thanh toán khu vực tới tất cả 10 thành viên ASEAN, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính toàn diện trên khắp Đông Nam Á.
Các nhà phân tích cho rằng, các ngành bán lẻ sẽ đặc biệt được hưởng lợi từ động thái trên trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến tăng lên. Việc triển khai hệ thống thanh toán xuyên biên giới cũng được coi là bước đi quan trọng để giảm sự phụ thuộc của Đông Nam Á vào các loại tiền tệ bên ngoài như USD cho các giao dịch xuyên biên giới, nhất là giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản cảnh báo vẫn còn những thách thức đối với ASEAN trong việc mở rộng kết nối thanh toán khu vực. Giới quan sát vẫn đang chờ đợi các buổi thảo luận tiếp theo của cấp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN vào tháng 8 này.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dong-nam-a-tien-gan-hon-muc-tieu-gan-ket-kinh-te-post699914.html
5.    Indonesia đề xuất cấm bán trực tuyến hàng nhập khẩu giá dưới 100 đô la
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết Indonesia sẽ cấm bán trực tuyến hàng hóa nhập khẩu trị giá dưới 100 đô la. Đây là động thái nhằm bảo vệ các doanh nghiệp địa phương của Indonesia nhưng là một đòn giáng trực tiếp vào những tay chơi trực tuyến đang tìm cách phát triển sự hiện diện của họ tại thị trường kỹ thuật số lớn nhất Đông Nam Á thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Với quy định này, các công ty như TikTok sẽ không thể bán trực tiếp hàng hóa rẻ tiền được sản xuất tại Trung Quốc, chẳng hạn như trên các thị trường trực tuyến của họ.
Lập trường trên khiến Indoensia trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á công khai phản đối sáng kiến sắp ra mắt của TikTok nhằm tái tạo thành công của các nền tảng mua sắm khác của Trung Quốc như Shein và Temu của PDD Holdings, đã có mặt ở châu Âu và Mỹ.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/indonesia-de-xuat-cam-ban-truc-tuyen-hang-nhap-khau-gia-duoi-100-do-la/
6.    Alibaba.com công bố kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam.
Alibaba.com -nền tảng thương mại điện tử B2B toàn cầu- đã công bố kế hoạch ba năm nhằm mở rộng sự hiện diện tại một số trung tâm sản xuất mới nổi của Việt Nam với sự hỗ trợ từ các đối tác địa phương. Bên cạnh đội ngũ nhân sự đang hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM trong giai đoạn đầu, các nhóm Alibaba.com địa phương tại Bình Dương, Bắc Ninh, Long An, Đà Nẵng và Hải Phòng đang được thành lập và sẽ sớm đi vào hoạt động.
Tại buổi gặp gỡ truyền thông chiều 26/7, ông Roger Luo, Giám đốc khu vực Đông Nam Á Alibaba.com, khẳng định: Việc mở rộng hoạt động của Alibaba.com tại Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tận dụng sức mạnh thương mại điện tử toàn cầu để phát triển vượt ra ngoài thị trường nội địa. Thêm vào đó, Alibaba.com cũng sẽ tuyển dụng nhân lực địa phương để cung cấp các dịch vụ phù hợp và hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu Việt Nam ở các khu vực này.
Nguồn: https://vneconomy.vn/alibaba-se-tang-gap-doi-dau-tu-vao-trung-tam-san-xuat-moi-noi-o-viet-nam.htm
7.    Việt Nam tổ chức triển lãm thương mại điện tử xuyên biên giới 2023
Triển lãm Thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 10 đến ngày12/8/2023 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC). Thông tin từ Công ty Vinexad (trực thuộc Bộ Công thương), đơn vị tổ chức sự kiện, các doanh nghiệp, cơ sở và cụm công nghiệp từ khắp Trung Quốc, bao gồm các cụm công nghiệp mỹ phẩm, thiết bị đồ gia dụng, đồ lót, vật nuôi, dụng cụ nhà bếp và các ngành hàng khác phổ biến tại thị trường Việt Nam sẽ tham gia triển lãm để giới thiệu sản phẩm, giao thương. Đặc biệt, Triển lãm Thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam không chỉ là triển lãm hàng hóa theo nghĩa truyền thống mà còn hướng tới đẩy mạnh hợp tác với các nền thảng thương mại điện tử, các hệ thống kho hàng ở nước ngoài và tối ưu hóa chuỗi vận chuyển logistics.
Nguồn: https://baodautu.vn/viet-nam-to-chuc-trien-lam-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-2023-d195066.html
8.    WinCommerce sẽ mở thêm 348 cửa hàng mới
Theo WinCommerce (công ty vận hành chuỗi WinMart/WinMart+), từ nay đến cuối năm 2023 công ty này sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới bán lẻ. Dự kiến WinCommerce (WCM) sẽ mở thêm 348 cửa hàng mới, trong đó bao gồm 50 cửa hàng WIN, 200 cửa hàng WinMart+ Rural, và số còn lại là cửa hàng WinMart+. Ngoài ra, WCM sẽ cải tạo 250 cửa hàng WinMart+ sang mô hình WIN, chuyển đổi 676 cửa hàng hiện có ở khu vực nông thôn sang mô hình WinMart+ Rural, và chuyển đổi 9 WinMart sang mô hình mới để thúc đẩy tăng trưởng. Với những sáng kiến này, WCM đặt mục tiêu biên EBITDA đạt 5% vào cuối năm và mang lại doanh thu từ 30.500 – 33.500 tỷ đồng.
Nguồn: https://bnews.vn/wincommerce-se-mo-them-348-cua-hang-moi/301400.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

  1. Adidas gia hạn hợp đồng tài trợ 1,2 tỷ USD với Manchester United
Câu lạc bộ bóng đá Manchester United của Anh đang đàm phán với hãng thời trang thể thao Adidas về việc gia hạn một hợp đồng tài trợ trang phục mới kéo dài 10 năm, với giá trị lên tới 900 triệu bảng Anh (1,2 tỷ USD). Cụ thể, Manchester United cho biết Adidas sẽ tiếp tục là nhà cung cấp trang phục và các dụng cụ thể thao khác cho CLB. Việc gia hạn hợp đồng giữa hai bên đánh dấu kỷ lục mới cho thỏa thuận tài trợ lớn nhất giải bóng đá ngoại hạng Anh Premiere League, bắt đầu từ năm 2015, sau khi Manchester United “rời” khỏi Nike – đối thủ cạnh tranh chính của Adidas.
Nguồn: https://bnews.vn/adidas-gia-han-hop-dong-tai-tro-1-2-ty-usd-voi-manchester-united/301553.html
  1. Nhiều công ty thời trang nhanh sửa chữa quần áo cũ để cải thiện hình ảnh
Hồi tháng 6, Nghị viện châu Âu thông qua chiến lược mới, kêu gọi các công ty thời trang hoạt động ở châu Âu áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao hơn. Các nhà lập pháp đang soạn thảo hơn 10 luật mới, yêu cầu các thương hiệu làm cho quy trình sản xuất trở nên xanh hơn và có trách nhiệm cao hơn đối với rác thải liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý toàn cầu khác và các tổ chức đa quốc gia gồm Liên hợp quốc cũng đang thúc đẩy ngành thời trang chuyển đổi xanh. Trong đó, theo Hiến chương hành động khí hậu của ngành trang do Liên hợp quốc phát động, các bên ký kết bao gồm Gap, H&M và Inditex đã cam kết giảm lượng khí thải.
Ngành công nghiệp thời trang đang đứng áp lực từ người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhằm giảm bớt tác động môi trường. Trong bối cảnh này, việc sửa quần áo thay vì vứt đồ đã sửa dụng giúp giảm lãng phí đồng thời giúp giảm sử dụng tài nguyên mới để sản xuất sản phẩm thay thế quần áo cũ. Trong năm nay, Zara (Tây Ban Nha) sẽ triển khai dịch vụ sửa chữa trên toàn quốc tại một số thị trường lớn nhất của thương hiệu này. Uniqlo của Nhật Bản đang bổ sung các xưởng sửa chữa cho một số cửa hàng. Trong khi đó, thương hiệu Cos thuộc sở hữu của H&M (Thụy Điển) cũng hợp tác với một công ty khởi nghiệp để giúp khách hàng sửa váy và áo khoác bị hư hỏng.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nhieu-cong-ty-thoi-trang-nhanh-sua-chua-quan-ao-cu-de-cai-thien-hinh-anh/
  1. Triển lãm quốc tế chuyên ngành làm đẹp Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2023
Triển lãm quốc tế chuyên ngành làm đẹp Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2023 đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh. Diễn ra trong 3 ngày (từ 27– 29/7), sự kiện mang đến cơ hội lớn cho các nhà kinh doanh đã, đang và sẽ hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp tìm kiếm nguồn sản phẩm cao cấp từ nhiều thương hiệu quốc tế và tiếp cận các công nghệ thẩm mỹ tiên tiến. Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2023 mang đến hơn 400 công ty triển lãm đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1.000 thương hiệu làm đẹp đến từ Mỹ, Pháp, Ý, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và một số nước khác. Các thương hiệu sẽ tập trung trưng bày trên tổng diện tích lên đến 10.000m2. Năm nay, triển lãm dự kiến thu hút hơn 8.000 khách tham quan B2B trong nước và cả quốc tế.
Nguồn: https://congthuong.vn/khai-mac-trien-lam-quoc-te-chuyen-nganh-lam-dep-vietbeauty-cosmobeaute-vietnam-2023-264058.html

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

  1. Hãng xe máy điện Gogoro khuyến khích khách hàng tham gia tái chế rác thải nhựa
Dòng xe máy điện giá mềm Gogoro VIVA lần đầu ra mắt vào năm 2019 với thân xe được làm bằng polypropylene được sản xuất từ vật liệu tái chế. Ưu tiên số một của Gogoro với những chiếc xe máy điện của mình luôn là thể hiện trách nhiệm với môi trường. Giờ đây, công ty này đang hợp tác với thương hiệu hàng tiêu dùng nổi tiếng MUJI để tiến xa hơn nữa với mục tiêu đó. Trong mối quan hệ hợp tác 3 bên mới, MUJI, Gogoro và nhà thiết kế Nhật Bản nổi tiếng Naoto Fukasawa đã hợp tác để tạo ra mẫu xe tay ga chạy điện Gogoro VIVA ME và VIVA MIX ME cùng hàng loạt phụ kiện đi kèm.
Bên cạnh đó là chương trình “Tái chế vì những điều tốt đẹp”, khuyến khích người dân Đài Loan – thị trường nội địa của Gogoro, tham gia tái chế rác thải nhựa polypropylene tại các cửa hàng của Gogoro và MUJI. Rác thải nhựa được thu hồi từ chương trình này sẽ được sàng lọc, cắt, tạo hạt, định hình lại và tái tạo thành thân xe cho các mẫu xe máy điện Gogoro mới. Chất liệu này cũng sẽ được dùng để tạo ra các loại hộp đựng polypropylene của MUJI.
Nguồn: https://markettimes.vn/nguoi-dan-bong-dua-nhau-dem-rac-thai-nhua-den-do-tai-showroom-cua-hang-xe-may-dien-nay-biet-ly-do-ai-cung-phuc-sat-dat-35640.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1.    Nhu cầu chip AI tăng cao, TSMC chi hàng tỷ USD mở rộng sản xuất
Nhu cầu chip AI bùng nổ khiến TSMC, hãng đúc chip hợp đồng lớn nhất thế giới tức tốc mở rộng năng lực sản xuất tại Đài Loan. Gã khổng lồ bán dẫn TSMC sẽ đầu tư 2,87 tỷ USD xây nhà máy đóng gói chip tiên tiến tại Đài Loan nhằm đáp ứng nhu cầu AI đang bùng nổ. Khoản đầu tư cho thấy “sự phát triển nhanh chóng của thị trường AI” trở thành “động lực chính cho công việc đóng gói tiên tiến của TSMC”, trích nhận định của trang tin CNA. TSMC cho biết, xưởng đóng gói chip sẽ được xây dựng tại Công viên Khoa học Tongluo phía Bắc Đài Loan và tạo ra khoảng 1.500 công việc ở địa phương.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nhu-cau-chip-ai-tang-cao-hang-duc-chip-chi-ty-usd-mo-rong-nang-luc-san-xuat-2169633.html
2.    SK Hynix, Samsung gặt hái thành quả nhờ đặt cược sớm vào chip nhớ đào tạo AI
Cổ phiếu của hai nhà sản xuất chip hàng đầu Hàn Quốc, Samsung Electronics và SK Hynix, tăng giá trong tuần qua bất chấp hoạt động kinh doanh sa sút. Sự phấn khích của nhà đầu tư đến từ triển vọng kinh doanh của hai công ty này ở mảng chip nhớ băng thông cao (HBM), đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. SK Hynix và Samsung Electronics cùng nhau kiểm soát 90% thị trường chip HBM toàn cầu, thành phần quan trọng trong các hệ thống cần thiết để đào tạo các hệ thống AI như ChatGPT của OpenAI. Cả hai công ty Hàn Quốc đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng chip HBM của họ vào năm tới.
Theo các nhà nghiên cứu của TrendForce, SK Hynix chiếm 50% thị phần chip HBM toàn cầu vào năm ngoái, tiếp theo là Samsung (40%) và đối thủ Mỹ, Micron Technology (10%). TrendForce dự báo, nhu cầu toàn cầu về chip HBM sẽ tăng 60% vào năm 2023 và 30% nữa vào năm tới. Hãng nghiên cứu này cũng dự đoán, đến năm 2024, SK Hynix sẽ chiếm 53% thị phần HBM, tiếp theo là Samsung (38%) và Micron (9%).
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/sk-hynix-samsung-gat-hai-thanh-qua-nho-dat-cuoc-som-vao-chip-nho-dao-tao-ai/
3.    Panasonic tập trung vào pin xe điện, ngừng sản xuất màn hình LCD
Hãng điện tử Panasonic (Nhật Bản) thông báo giải thể công ty con sản xuất màn hình LCD, nhằm trút bỏ một gánh nặng dai dẳng lên lợi nhuận của hãng. Thông báo của Panasonic hôm 31-7 cho biết, sẽ chấm dứt hoạt động của Panasonic Liquid Crystal Display Co., công ty con chủ yếu sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) cho ô tô và các ứng dụng công nghiệp khác, có trụ sở ở thành phố Himeji, nhà máy của công ty này sẽ được trưng dụng để sản xuất pin xe điện. Panasonic sẽ đẩy mạnh dịch chuyển trọng tâm sang hoạt động sản xuất pin xe điện, đồng thời đặt cược vào mảng pin cho sự tăng trưởng trong tương lai. Hãng cho biết đang đàm phán với Mazda và Subaru để cung cấp pin cho cho các mẫu xe điện của hai hãng xe này.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/panasonic-tap-trung-vao-pin-xe-dien-ngung-san-xuat-man-hinh-lcd/
4.    Honda ra mắt mẫu xe máy điện đầu tiên tại Indonesia
Nhà sản xuất xe Nhật Bản Honda đang chuẩn bị tung ra mẫu xe máy chạy bằng điện đầu tiên tại Indonesia, hướng tới Đông Nam Á như một thị trường đầy tiềm năng trong bối cảnh công ty đang đẩy mạnh xu hướng điện hóa các phương tiện của mình. Dự kiến ra mắt tại Indonesia và cả Nhật Bản cuối tháng 8 năm nay, EM1 e: là mẫu xe máy điện đầu tiên mà Honda sản xuất cho thị trường Indonesia. Theo các thông tin ban đầu, chiếc xe máy điện này sẽ được bán với mức giá khoảng 2.100 USD tại thị trường Nhật Bản và có phạm vi hoạt động 53km.
Ngoài ra trong năm 2023, Honda có khả năng sẽ tiếp tục tung ra một mẫu xe máy điện nữa tại Indonesia và 2 mẫu khác trong năm 2024 tới. Đến 2030, nhà sản xuất này có kế hoạch bán 7 mẫu xe máy điện với mục tiêu bán hàng trong năm là 1 triệu chiếc, chiếm khoảng 30% doanh số xe máy toàn cầu dự kiến của công ty. Honda cũng đang xem xét đầu tư mới vào các nhà máy ở Indonesia.
Nguồn: https://mekongasean.vn/honda-ra-mat-mau-xe-may-dien-dau-tien-tai-indonesia-post24745.html
5.    Volkswagen bắt tay với doanh nghiệp Trung Quốc khai thác thị trường xe điện
Tập đoàn Volkswagen (VW), nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Đức đặt mục tiêu hợp tác với các doanh nghiệp địa phương của Trung Quốc để khai thác thị trường xe điện (EV) đang tăng trưởng mạnh mẽ tại đây. Theo đó, VW sẽ nâng lượng cổ phần nắm giữ tại công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc XPeng thêm 4,99% thông qua quyết định tăng vốn trị giá khoảng 700 triệu USD. Đồng thời, thương hiệu Audi của VW đã ký một biên bản ghi nhớ chiến lược với đối tác liên doanh Trung Quốc SAIC để mở rộng quan hệ hợp tác hiện có.
Theo thỏa thuận khung về công nghệ với XPeng, hai mẫu xe điện mang nhãn hiệu Volkswagen dành cho phân khúc xe cỡ trung sẽ được tung ra vào năm 2026 tại Trung Quốc. Mặt khác, Audi cũng sẽ đẩy nhanh nỗ lực mở rộng danh mục xe chạy điện hoàn toàn thuộc phân khúc cao cấp.
Nguồn: https://bnews.vn/volkswagen-bat-tay-voi-doanh-nghiep-trung-quoc-khai-thac-thi-truong-xe-dien/301134.html
6.    Trung Quốc ‘trải thảm đỏ’ cho Big Tech trong bối cảnh Bắc Kinh dần thay đổi lập trường
Chính phủ Trung Quốc đang chấm dứt hơn hai năm kìm hãm sự phát triển nóng của lĩnh vực công nghệ trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Chính quyền địa phương ở Đại lục đang gấp rút xây dựng mối quan hệ với các công ty công nghệ lớn trong nước. Bắc Kinh một lần nữa đặt hy vọng vào ngành công nghệ để mang lại tiềm năng tăng trưởng cả về mặt kinh tế và việc làm cho người dân.
Năm nay, một số thành phố của Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác với hàng loạt gã khổng lồ internet, những doanh nghiệp đã bị chính phủ kìm hãm sự tăng trưởng nóng suốt hai năm. Qihoo 360 là công ty mới nhất trong số các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc ký thỏa thuận với chính quyền ở Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang phía đông, để tăng cường an ninh mạng trong thành phố. Trước đó gã khổng lồ trò chơi di động NetEase có trụ sở tại Hàng Châu cũng đã thiết lập mối quan hệ đối tác mở rộng vào đầu tháng này với chính quyền thành phố nhằm đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và thể thao điện tử, cùng hàng loạt lĩnh vực khác. Tại Bắc Kinh, Bí thư thành ủy Yin Li đã hứa hỗ trợ cho ngành công nghệ tiêu dùng trong cuộc họp hôm thứ Năm (27/7) với các giám đốc điều hành của công ty thương mại điện tử JD.com và gã khổng lồ điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi.
Nguồn: https://viettimes.vn/trung-quoc-trai-tham-do-cho-big-tech-trong-boi-canh-bac-kinh-dan-thay-doi-lap-truong-post168818.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
7.    Gojek bất ngờ đưa tính năng đặt đồ ăn lên ứng dụng MoMo
Ngày 31/7, Gojek đưa tính năng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood lên hoạt động trên nền tảng MoMo, tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa Gojek và MoMo. Sự hợp tác này đưa Gojek trở thành công ty công nghệ đầu tiên tại Việt Nam cung cấp tính năng đặt đồ ăn trực tuyến trên MoMo. Thông qua sự hợp tác này, người dùng MoMo tại Hà Nội và Tp.HCM giờ đây có thể dùng tính năng GoFood của Gojek để đặt đồ ăn trực tuyến.
Với hơn 31 triệu người dùng trên MoMo, mối quan hệ hợp tác này cho phép Gojek tiếp cận và phục vụ hệ sinh thái người dùng khổng lồ cũng như mang đến cho các đối tác nhà hàng GoFood cơ hội thu nhập đa dạng cùng tiềm năng quảng bá nhà hàng sâu rộng. Các đối tác tài xế Gojek cũng được hưởng lợi từ sự hợp tác này khi họ nhận được nhiều đơn hàng hơn, từ đó tăng thu nhập.
Nguồn: https://markettimes.vn/gojek-bat-ngo-dua-tinh-nang-dat-do-an-len-ung-dung-momo-tiep-can-tap-nguoi-dung-hon-31-trieu-35610.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1.    Đề xuất mua bán điện trực tiếp, không cần qua EVN
Bộ Công Thương cho biết, đã hoàn tất xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất hai trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất. Phương án 1, doanh nghiệp có thể mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng do tư nhân đầu tư (không phải mua bán điện thông qua EVN). Phương án 2, doanh nghiệp và bên phát điện có thể mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia.
Về việc mua bán điện trực tiếp, không thông qua EVN, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo EVN cho biết, tập đoàn ủng hộ chủ trương doanh nghiệp lớn được mua bán điện trực tiếp với đơn vị phát điện. Theo vị này, với cơ chế giá điện như hiện nay, việc mua bán điện không thông qua EVN sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngành điện trong việc đầu tư nguồn phát, đường dây truyền tải đồng thời thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp tư nhân ngoài ngành điện. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ được mua điện rẻ hơn, nhưng cũng có thể phải mua giá cao hơn theo diễn biến giá thực tế của chi phí đầu của đơn vị phát điện.
Nguồn: https://tienphong.vn/de-xuat-mua-ban-dien-truc-tiep-khong-can-qua-evn-post1556520.tpo

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1.    Ấn Độ cấm xuất khẩu cám gạo, doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam có thể bị ảnh hưởng
Trả lời về tác động của lệnh cấm xuất khẩu cám gạo của Ấn Độ, tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn cám gạo từ Ấn Độ để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Con số này không quá lớn nhưng vẫn có thể khiến nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy cám gạo không phải là mặt hàng chính trong cơ cấu nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi truyền thống của Việt Nam nhưng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tăng đột biến trong những năm qua.
Nguồn: https://vtc.vn/an-do-cam-xuat-khau-cam-gao-doanh-nghiep-chan-nuoi-viet-nam-co-bi-anh-huong-ar809770.html
2.    Sắp có ‘van điều tiết’ giá thức ăn chăn nuôi
Hiện nay, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá) cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm. Trong đó, nguồn cung trong nước khoảng 13 triệu tấn/năm và nhập khẩu trung bình 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm. Có tới 65% lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi nhiều biến động. Giai đoạn 2020-2022, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng liên tiếp tới 7 lần. Trước thực tế này, nhiều đơn vị đề xuất đưa thức ăn chăn nuôi vào nhóm mặt hàng bình ổn giá.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, chăn nuôi là ngành quan trọng trong nông nghiệp. Trong đó, thức ăn chăn nuôi tác động lớn đến hiệu quả ngành chăn nuôi. Khi đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá sẽ giúp giá thức ăn chăn nuôi khi biến động lớn sẽ được điều chỉnh, giảm bớt căng thẳng tới người chăn nuôi, doanh nghiệp.
Nguồn: https://tienphong.vn/sap-co-van-dieu-tiet-gia-thuc-an-chan-nuoi-post1556723.tpo

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1.    Nga và UAE đồng loạt tuyên bố cấm xuất khẩu gạo tạm thời
Theo Reuters, chính phủ Nga đưa ra biện pháp cấm xuất khẩu gạo “tạm thời” này nhằm ổn định thị trường trong nước. “Chính phủ đã tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến. Hạn chế sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2023,” trang Telegram của chính phủ Nga đăng tuyên bố cho biết quyết định này được đưa ra để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa. Lệnh cấm xuất khẩu gạo không áp dụng cho các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) hoặc Nam Ossetia và Abkhazia. Hơn nữa, gạo vẫn có thể được vận chuyển ra nước ngoài để viện trợ nhân đạo, hoặc quá cảnh qua lãnh thổ Nga.
Không chỉ Nga, UAE cũng khẩn trương đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng, trang Tân Hoa Xã đưa tin. Bộ Kinh tế nước này ngày 29/7 thông báo trên mạng xã hội rằng lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 28/7, bao gồm các khu vực tự do ở UAE và áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm. Thông báo cho biết các công ty muốn xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu gạo phải xin giấy phép xuất khẩu của Bộ Kinh tế. Lệnh cấm có thể tự động gia hạn trừ phi có quyết định hủy bỏ việc thực hiện lệnh này.
Nguồn: https://markettimes.vn/thi-truong-gao-tiep-tuc-nong-ray-nga-va-uae-dong-loat-tuyen-bo-cam-xuat-khau-gao-tam-thoi-gao-viet-nam-them-co-hoi-tang-gia-35523.html
2.    Ấn Độ tiếp tục cấm xuất khẩu cám gạo
Ấn Độ vừa ban hành việc cấm xuất khẩu cám gạo trích ly, thông báo có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 30/11/2023. Tin từ Bộ Công Thương cho biết, ngày 28/7/2023, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ban hành thông báo số 21/2023 về việc cấm xuất khẩu cám gạo trích ly (Deoiled Rice Bran Extraction- DORB), có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 30/11/2023. Diễn biến xảy ra sau hơn một tuần Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường. Quyết định mới được đưa ra trong bối cảnh giá sữa và các sản phẩm sữa trong nước tăng đáng kể do giá thức ăn gia súc tăng vọt, trong đó thành phần chính là cám gạo trích ly (DORB) hoặc chiết xuất cám gạo, một thành phần chính trong thức ăn gia súc, gia cầm và cá.
Nguồn: https://vtc.vn/an-do-tiep-tuc-cam-xuat-khau-cam-gao-ar809707.html
3.    Thị trường gạo toàn cầu chuẩn bị đón làn sóng thỏa thuận liên chính phủ sau lệnh cấm của Ấn Độ
Các nhà nhập khẩu gạo toàn cầu có khả năng tìm kiếm các thỏa thuận trực tiếp với chính phủ các nước xuất khẩu sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo gây ra tình trạng thắt chặt nguồn cung và lo ngại về an ninh lương thực. Các thương nhân và nhà phân tích cho biết lệnh cấm mới đây của Ấn Độ sẽ làm giảm 1/5 nguồn cung của loại lương thực chủ lực trên thị trường thế giới, do đó có thể khiến các khách hàng mua gạo, từ châu Phi đến châu Á, phải tranh mua khi nguồn cung thắt chặt trong những tháng tới, dồng thời có thể dẫn tới việc các nhà nhập khẩu tăng cường tìm kiếm các thỏa thuận liên chính phủ để khắc phục tình trạng thiếu hụt và ngăn chặn giá leo thang.
Khi công bố lệnh cấm xuất khẩu vào tuần trước, Ấn Độ đã để ngỏ cánh cửa cho những thỏa thuận như vậy, nói rằng họ sẽ xem xét đáp ứng yêu cầu của các nước cần nguồn cung cấp gạo. B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết: “Lệnh cấm hiện tại không bao gồm việc bán gạo giữa chính phủ với chính phủ và việc đó vẫn nằm trong đặc quyền của chính phủ”. “Quyết định sẽ được đưa ra dựa trên nhu cầu của các nước nhập khẩu và tình hình cung cấp tại thị trường địa phương.” Các thương nhân châu Phi có thể sẽ tiếp cận chính phủ Ấn Độ để giao dịch và các nhà nhập khẩu châu Á như Indonesia và Philippines có thể ký hợp đồng liên chính phủ với các nhà xuất khẩu hàng đầu của khu vực là Thái Lan và Việt Nam.
Nguồn: https://markettimes.vn/thi-truong-gao-toan-cau-chuan-bi-don-lan-song-thoa-thuan-lien-chinh-phu-sau-lenh-cam-cua-an-do-35561.html
4.    Doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội đưa sản phẩm giày dép sang Ấn Độ
Hội chợ IIFF là một sự kiện hàng đầu trong ngành công nghiệp giày dép tại khu vực Nam Á, là một trong những hội chợ lớn nhất và quan trọng nhất trong ngành công nghiệp giày dép tại Ấn Độ. Trong các ngày từ 27 đến 29/7/2023, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức khu gian hàng Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác tại thị trường đông dân nhất thế giới – Ấn Độ. Đây được xem là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của Việt Nam. Tham gia trưng bày sản phẩm tại gian hàng có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên (thương hiệu Biti’s) và Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Emall.
Thị trường tại Ấn Độ có nhiều tiềm năng, cơ hội kinh doanh hấp dẫn và Biti’s ưu tiên tìm kiếm và đồng hành với nhà phân phối cùng hợp tác thông qua hình thức kinh doanh bán buôn và sẽ nghiên cứu các mô hình bán lẻ. Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Emall mang đến Ấn Độ các thương hiệu giày dép Pierre Cardin Shoes và Oscar Fashion, các thương hiệu này đã được quảng bá tại các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-viet-nam-tim-kiem-co-hoi-dua-san-pham-giay-dep-sang-an-do-264288.html
5.    Khó khăn về thị trường khiến giá trị xuất khẩu gỗ, dệt may và da giày giảm
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU… có mức sụt giảm nhiều nhất. Cụ thể 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỉ đô la, giảm hơn 26%; xuất khẩu dệt, may đạt 18,9 tỉ đô la, giảm hơn 15%; còn xuất khẩu giày, dép đạt 11,7 tỉ đô la, giảm hơn 17% so với cùng kỳ.
Nhận định thị trường trong thời gian tới, theo tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng… với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU. Với các quy định này, doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ khó xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình, do phía EU đòi hỏi phải có chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/kho-khan-ve-thi-truong-khien-gia-tri-xuat-khau-go-det-may-va-da-giay-giam/
6.    Xuất khẩu rau quả vượt 3,2 tỷ USD
Chưa đầy 7 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả đã vượt mốc 3,2 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục ngành rau quả đạt được từ trước đến nay. Theo dự báo ngành rau quả sẽ tiếp tục tăng mạnh, vì thị trường xuất khẩu đang khởi sắc. Nếu giữ vững tốc độ như hiện tại, thì kim ngạch xuất khẩu rau quả khả năng cao sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-rau-qua-vuot-32-ty-usd-20230728124219125.htm
BSA Media