Bản tin thị trường, từ 8/12-15/12/2022

75

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Biên lợi nhuận của chuỗi cửa hàng flagship Phúc Long thuộc top đầu thế giới
Dưới sự điều hành của Masan, Phúc Long đã mở rộng hệ thống điểm bán từ 72 cửa hàng vào tháng 1-2022 lên 860 điểm bán tính đến cuối tháng 9-2022 với các mô hình đa dạng như cửa hàng flagship, mini và kiosk bên trong cửa hàng WIN và WinMart+. Trong 9-2022, Phúc Long đạt 1.143 tỉ đồng doanh thu và 199 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA).
Đóng góp ấn tượng vào doanh thu và lợi nhuận của Phúc Long chính là các cửa hàng flagship. Các cửa hàng flagship đạt 761 tỉ đồng doanh thu và 233 tỉ đồng EBITDA trong 9-2022, đóng góp gần 67% vào doanh thu và thể hiện tiềm năng trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng cho Phúc Long. Theo biểu đồ thống kê của Bloomberg, biên lợi nhuận của các cửa hàng flagship của Phúc Long thể hiện kết quả ấn tượng là 32%, đứng trong nhóm hàng đầu thế giới ngay cả khi so sánh với chuỗi Starbucks.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/bien-loi-nhuan-cua-chuoi-cua-hang-flagship-phuc-long-thuoc-top-dau-the-gioi/
2. Doanh nghiệp F&B phải chuyển mình trước xu hướng mới
Tại hội nghị thượng đỉnh về năng suất trong Kinh doanh Nhà hàng – Ẩm thực tổ chức ở Tp.HCM ngày 8/12, giới chuyên gia cũng đánh giá nhiều triển vọng tăng trưởng cho ngành F&B ở Việt Nam trong năm 2023 và các năm tới. Bên cạnh đó, ngành này còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngành, cũng như gia tăng năng suất sử dụng vốn, sử dụng lao động, đổi mới công nghệ, hiệu quả vận hành, qua đó giúp tăng đáng kể lợi nhuận, mang lại thành công lâu dài cho DN.
Về xu hướng thị trường F&B Việt Nam, giới chuyên gia nhấn mạnh đã có nhiều xu hướng dịch chuyển trong cách vận hành của cả các nhà hàng, DN lẫn hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng. Về phía các DN trong ngành, xu hướng hiện nay là:
– Phục vụ, phân phối sản phẩm đa kênh
– Giảm diện tích mặt bằng
– Xu hướng tự phục vụ
– Tinh gọn nhân sự
– Bùng nổ phương thức thanh toán không tiền mặt.
Riêng về thương mại điện tử trong ngành F&B được cho là sẽ tiếp tục mở rộng nhờ mạng kỹ thuật số tinh vi cùng số lượng người mua hàng trực tuyến ngày càng tăng.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/doanh-nghiep-f-amp-b-phai-chuyen-minh-truoc-xu-huong-moi-1089908.html

Sông Hương Foods mang đặc sản gia truyền Việt Nam đến kiều bào tại Mỹ

3. Giá thực phẩm ở chợ truyền thống ‘leo thang’
Dù chưa phải giai đoạn cao điểm cho mùa mua sắm Tết nhưng giá cả nhiều loại hàng hóa, thực phẩm tại chợ lẻ ở TPHCM đã bắt đầu tăng. Bà Bình, tiểu thương bán tôm, mực, cá khô tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cho biết, giá nhập vào của nhóm hàng này tăng từ 5-10% nên giá bán lẻ cũng tăng theo tương ứng. Nhiều tiểu thương quầy thực phẩm khô cũng thông tin, đầu mối cung cấp nước mắm, nước tương, dầu hào, sa tế… đã báo giá tăng thêm từ 3.000-5.000 đồng/sản phẩm; các loại mì, miến, phở, bún khô cũng tăng từ 10-15%/thùng.
Ngoài ra, nhóm hàng bánh, kẹo, mứt, cà phê tăng mạnh nhất do giá nhập vào tăng từ 10-20%. Gần đây, việc buôn bán càng ế ẩm hơn do nhà máy giải thể, công nhân thất nghiệp, nghỉ Tết sớm để về quê. Hàng bán chậm nhưng giá lại tăng thêm khiến việc kinh doanh càng khó khăn hơn” – bà Thủy, tiểu thương chợ Tân Định (quận 1) chia sẻ.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-thuc-pham-o-cho-truyen-thong-leo-thang-post1493923.tpo
4. Sản lượng heo ăn chuối của Bầu Đức lập đỉnh mới, mỗi ngày bán 1.259 con
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa có báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh tháng 11/2022 với doanh thu thuần 450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 114 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu tháng 11, doanh thu từ ngành chăn nuôi là 213 tỷ đồng, giảm nhẹ so với tháng 10. Đáng chú ý, sản lượng heo thịt của Hoàng Anh Gia Lai lại tăng 3,1%, lên 37.780 con. Sản lượng tăng nhưng doanh thu giảm là do mặt bằng giá heo trong tháng 11 vừa qua giảm xuống.
Sau 11 tháng, Hoàng Anh Gia Lai đạt doanh thu 4.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.113 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ chăn nuôi chiếm 1.349 tỷ đồng, từ cây ăn trái chiếm 2.132 tỷ đồng, còn lại là từ ngành phụ trợ. Tính từ đầu năm đến nay, Hoàng Anh Gia Lai đã tiêu thụ được 243.050 con heo thịt và 268.085 tấn cây ăn trái.
Nguồn: https://markettimes.vn/san-luong-heo-an-chuoi-cua-bau-duc-lap-dinh-moi-moi-ngay-ban-1-259-con-10911.html
5. Chuỗi thực phẩm SIBA Food đặt mục tiêu nhân rộng điểm bán với số lượng lớn
Với mô hình xe bán thịt tiện lợi, các MeatShop thuộc chuỗi thực phẩm sạch SibaFood được nhiều chị em tin tưởng lựa chọn vì vừa đảm bảo việc mua bán nhanh gọn, vừa có thể mua được thịt rõ ràng nguồn gốc. Các MeatShop này được đặt gần các khu dân cư sinh sống, trong các chợ truyền thống hoặc chợ dân sinh để đáp ứng nhu cầu bước chân ra ngõ là có một địa chỉ tin cậy để mua thực phẩm sạch. Xe thịt được trang bị tủ kính giúp bảo quản thịt khỏi bụi bẩn, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài và giữ cho thịt luôn tươi.
Sở hữu nguồn cung thực phẩm sạch, tươi ngon và chi phí hợp lý, chuỗi thực phẩm SibaFood đặt mục tiêu lớn trong hoạt động phát triển mạng lưới khắp cả nước trong thời gian tới. Hiện nay, chuỗi SibaFood đã xây dựng được 60 siêu thị SibaFood và 250 điểm bán thịt BaF MeatShop. Kế hoạch đến 2023 sẽ mở rộng lên 100 siêu thị và 1.000 BaF Meat Shop; trước 2030 nâng số lượng tương ứng lên 1.500 SIBA Food và 15.000 BaF Meat Shop.
Nguồn: https://vtc.vn/chuoi-thuc-pham-siba-food-dat-muc-tieu-nhan-rong-diem-ban-voi-so-luong-lon-ar720431.html
6. Ứng dụng ngoại chi phối thị trường gọi đồ ăn Việt
Tương tự “xe ôm công nghệ”, mảng giao nhận đồ ăn vốn được các ông lớn để ý từ lâu và trở thành chiến trường cạnh tranh quyết liệt 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, không còn tình trạng người đi kẻ ở hay những thương vụ M&A ồn ào, thị trường giao nhận đồ ăn ngày càng cô đặc khi chỉ tập trung vào tay một vài ứng dụng. Các ứng dụng gọi đồ ăn do doanh nghiệp ngoại đứng sau như Grab, Gojek, Baemin, ShopeeFood đang thống lĩnh mảng dịch vụ đặt đồ ăn online trong nước.
Báo cáo của Q&Me ghi nhận hồi tháng 12/2020 cho thấy GrabFood, Now (nay là ShopeeFood) là hai dịch vụ gọi đồ ăn phổ biến nhất khi cùng có 73% người đã từng sử dụng. Mặt khác, con số của Baemin và GoFood là cùng 46% trong khi Loship chỉ vỏn vẹn 2%. Song, GrabFood có tới 37% người dùng thường xuyên, kế sau là Now (34%), Baemin (16%), GoFood (11%) và Loship (2%).
Nguồn: https://zingnews.vn/ung-dung-ngoai-chi-phoi-thi-truong-goi-do-an-viet-post1384128.html
7. Thêm một tân binh gia nhập thị trường sữa Việt Nam
Thị trường sữa tiềm năng Việt Nam vừa đón nhận thêm “tên tuổi” mới – thương hiệu sữa Bubs Australia (Bubs). Được thành lập năm 2005 với sứ mệnh nuôi dưỡng các thế hệ trẻ sơ sinh khỏe mạnh trên toàn cầu, Bubs hướng đến dòng sản phẩm dinh dưỡng tinh khiết với chất lượng cao. Được biết, Bubs là một trong những thương hiệu sữa từ Úc đạt chuẩn FDA Hoa Kỳ và được đưa vào Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung sữa công thức cho trẻ nhỏ tháng 5/2022.
Gia nhập thị trường Việt Nam, Con Cưng được Bubs lựa chọn là đối tác chiến lược phân phối chính hãng. Sự kiện “Ra mắt thương hiệu Nguồn dinh dưỡng tinh khiết từ Úc” ngày 6/12/22 tại Gem Center, Tp.HCM đánh dấu sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/them-mot-tan-binh-gia-nhap-thi-truong-sua-quy-mo-hang-ty-usd-cua-viet-nam-20221211200510611.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Người giàu sẽ chi đậm cho du lịch vào năm 2023
Theo một báo cáo được công bố vào ngày 6 tháng 12 tại triển lãm thương mại du lịch quốc tế International Luxury Travel Market ở Cannes, Pháp, du lịch của giới nhà giàu toàn cầu đang nghiêng nhiều hơn về du lịch có trách nhiệm, sức khỏe và các kết nối có ý nghĩa giữa con người với nhau.
Với sự tham gia của 2 đơn vị American Express và Altiant, một công ty nghiên cứu thị trường xa xỉ, báo cáo cũng cho thấy phần lớn khách du lịch giàu có tiếp tục thích chi tiêu cho trải nghiệm hơn là mua sắm hàng hóa. Gần 60% số người giàu tham gia khảo sát dự định chi tiêu nhiều hơn cho du lịch vào năm 2023, trong khi số người nói rằng họ sẽ cắt giảm chi tiêu cho du lịch chỉ là 10%.
Nguồn: https://toquoc.vn/nguoi-giau-se-chi-dam-cho-du-lich-vao-nam-2023-20221208095157994.htm
2. 5 xu hướng phát triển của du lịch Việt: Du lịch nội địa và chặng ngắn phát triển, chăm sóc sức khỏe lên ngôi!
Theo khảo sát doanh nghiệp và phỏng vấn chuyên gia của Vietnam Report, ngành du lịch thời kỳ hậu COVID-19 nổi lên 5 xu hướng:
– Xu hướng số hóa ngành du lịch ngày một trở nên phổ biến
– Du lịch nội địa và chặng ngắn phát triển
– Du lịch bền vững đóng vai trò thiết yếu
– Xuất hiện hình thức mới: Du lịch dựa vào cộng đồng
– Du lịch chăm sóc sức khỏe lên ngôi
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/5-xu-huong-phat-trien-cua-du-lich-viet-du-lich-noi-dia-va-chang-ngan-phat-trien-cham-soc-suc-khoe-len-ngoi-20221208130507172.htm
3. Ngành hàng không tăng thêm hàng ngàn chuyến bay Tết
Ngày 13-12, Vietnam Airlines cho biết đáp ứng nhu cầu tăng cao của hành khách, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) tiếp tục tăng thêm 224.000 chỗ (tương ứng tăng thêm hơn 1.500 chuyến bay) cho dịp cao điểm Tết từ 6-1-2023 đến 5-2-2023. Các chuyến bay tăng cường tập trung trên các đường bay nội địa chở khách về quê thăm thân hoặc du lịch dịp Tết như giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Quảng Nam, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Phú Quốc…
Ngoài Vietnam Airlines, hãng Vietravel Airlines cũng chính thức tăng tần suất chặng bay chính TP HCM – Hà Nội lên 3 chuyến khứ hồi/ngày (tăng 200%) để thêm sự lựa chọn cho hành khách khung giờ bay và giá vé. Hãng vẫn đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức trách hàng không để tăng tần suất khai thác các chặng bay khác.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/hang-khong-tang-them-hang-ngan-chuyen-bay-tet-20221213092647353.htm

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Nạn trộm cắp gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho các nhà bán lẻ Mĩ
Doug McMillon, Tổng giám đốc hãng bán lẻ khổng lồ Walmart, cho biết nạn trộm cắp gia tăng có thể dẫn đến việc tăng giá và đóng cửa hàng. McMillon cho biết thêm nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ đang phải đối phó với tình trạng trộm cắp gia tăng cao hơn nhiều so với trước đây. Walmart không phải là nạn nhân duy nhất. Trộm cắp bán lẻ có tổ chức, hay các nhóm tội phạm ăn cắp số lượng lớn sản phẩm chỉ để bán lại đang gia tăng. Năm ngoái, gần 70% nhà bán lẻ tại Mĩ đã báo cáo mức tăng đột biến, góp phần gây ra khoản lỗ lên tới 69 tỷ USD.
Giờ đây, các nhà bán lẻ đang tăng cường các biện pháp an toàn như khóa các mặt hàng và bổ sung lực lượng bảo vệ có vũ trang, dù điều đó làm trải nghiệm mua sắm kém thú vị hơn.
Nguồn: https://zingnews.vn/nan-trom-cap-gay-thiet-hai-hang-tram-trieu-usd-cho-cac-nha-ban-le-post1384168.html
2. Chiến lược sản phẩm mẫu lên ngôi
Toby Evans, giám đốc xuất bản tại SoPost, một công ty lấy mẫu sản phẩm trực tuyến tại Anh, nói rằng chiến lược cung cấp sản phẩm mẫu đang là xu hướng đang phát triển với nhu cầu cao, trong khi điều này có thể là một thách thức với các thương hiệu DTC vài năm trước.
Sự kết hợp giữa quảng cáo trực tuyến và dùng thử sản phẩm thực sẽ giúp thương hiệu tối ưu hóa lợi thế của cả hai môi trường thực-ảo. Chiến lược này tốn kém nhưng hiệu quả về lâu dài lại tốt hơn so với chạy quảng cáo trên mạng, khi khách hàng đăng ký dùng hàng mẫu sẽ chi nhiều tiền hơn theo thời gian.
Nguồn: https://zingnews.vn/chien-luoc-san-pham-mau-len-ngoi-post1382062.html
3. Một công ty ở Việt Nam kiện Amazon 280 triệu USD
Amazon đang phải đối mặt với vụ kiện trị giá 280 triệu USD từ một nhà sản xuất của Việt Nam có tên là Gilimex. Theo Bloomberg, gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ bị Gilimex cáo buộc đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng sau khi tăng trưởng chi tiêu trực tuyến hạ nhiệt trong năm nay, khiến nhà sản xuất này gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô. Gilimex là đối tác chính của Amazon từ năm 2014 đến 2022 và đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất để xây dựng kho chứa để chứa hàng hóa của Amazon.
Tranh chấp trên làm nổi bật việc sự thay đổi đột ngột trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng khi các hạn chế liên quan đến đại dịch được nới lỏng đã ảnh hưởng như thế nào tới các mối quan hệ kinh doanh toàn cầu.
Nguồn: https://zingnews.vn/mot-cong-ty-o-viet-nam-kien-amazon-280-trieu-usd-post1384856.html
4. Trong khi doanh nghiệp SX Việt dè dặt, các siêu thị chờ đón sức mua ngày Tết
Dù thị trường không còn chịu ảnh hưởng của Covid-19, những biến động kinh tế trong và ngoài nước vẫn khiến doanh nghiệp khó đoán định kết quả kinh doanh trong mùa Tết này. Trong khi khối sản xuất còn đưa ra những dự báo trái chiều thì các hệ thống bán lẻ đã bước vào “cuộc đua” bán hàng Tết.
Saigon Co.op là đơn vị đầu tiên triển khai khuyến mại Tết từ 8/12, đồng thời đưa lên kệ 40 mẫu giỏ quà Tết, trong đó có cả thực phẩm tươi sống như cá, cua, bào ngư, thịt bò, thịt heo, thịt gà, tôm, cua, cá, bào ngư… Còn tại MM Mega Market, kế hoạch trưng bày hàng Tết sẽ bắt đầu từ 15/12 với nhận định người tiêu dùng muốn linh hoạt sắp xếp thời gian mua sắm ít nhất 1 tháng trước Tết để tránh chen chúc sau này. Dự báo về sức mua mùa Tết năm nay, ông Bùi Trung Chính – Giám đốc Thu mua ngành hàng Thực phẩm khu vực phía Nam của Aeon Việt Nam cho hay sản lượng hàng dự kiến tăng 15-20% trong giai đoạn cao điểm từ cuối tháng 12 đến cuối tháng 1/2023.
Nguồn: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-nin-tho-cho-suc-mua-ngay-tet-post1382673.html
5. Xu hướng số của người dùng Việt Nam trên không gian mạng năm 2022
‘Xu hướng số của người dùng trên không gian mạng’ là bản báo cáo thống kê chi tiết về xu hướng tìm kiếm và tiêu dùng của người dùng Việt trong năm 2022. Báo cáo này được Cốc Cốc đưa ra và phân tích dựa trên những chủ đề tìm kiếm phổ biến nhất, top các từ khóa truy vấn nổi bật theo chủ đề, và sự tăng trưởng của các chủ đề tìm kiếm mà người Việt quan tâm.
Báo cáo đưa ra 4 xu hướng nổi bật nhất của người dùng sau khi dịch bệnh được kiểm soát và cuộc sống của người dân đã quay trở lại quỹ đạo thông thường:
– Ở đâu có người dùng số, ở đó có thương mại điện tử
– Người Việt chọn “sống sang, chơi chất”
– Trải nghiệm được người dùng quan tâm khi làm đẹp, giáo dục con cái
– Thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/xu-huong-so-cua-nguoi-dung-viet-nam-tren-khong-gian-mang-nam-2022-101175.htm
6. Săn sale 12-12: truy cập và nhu cầu tăng hàng chục lần so với ngày thường
Cuối ngày 12-12, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee cho biết thống kê nhanh của nền tảng này cho thấy lượng truy cập trong hai giờ đầu tiên của ngày 12-12 trên sàn tăng gấp 8 lần so với ngày thường. Mặc dù thống kê cho thấy doanh thu trong dịp này tăng so với ngày thường nhưng các sàn thương mại điện tử đều thừa nhận sức mua đang đối mặt nhiều thách thức do suy thoái kinh tế, lạm phát ảnh hưởng đến túi tiền của người dân, đặc biệt là năm nay, khoảng cách giữa Tết dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau.
Đánh giá về sức mua trong mùa mua sắm lễ hội cuối năm, các sàn thương mại điện tử nhìn nhận, người tiêu dùng đang có nhiều lựa chọn trong mua sắm hàng hóa và ưu tiên chọn mua những mặt hàng không có khuyến mãi trên kênh trực tiếp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/san-sale-12-12-truy-cap-va-nhu-cau-tang-hang-chuc-lan-so-voi-ngay-thuong-20221212175822595.htm
7. Bảo tồn nghề làm mắm truyền thống bằng phương thức kinh doanh hiện đại
Sinh ra và lớn lên tại Phan Thiết trong gia đình có nhiều đời theo nghề làm nước mắm, anh Trần Ngọc Dũng – người đứng đầu thương hiệu Nước mắm Tĩn quyết tâm khởi nghiệp với sản phẩm đã gắn liền với người địa phương từ bao đời nay. Bên cạnh kênh bán trực tiếp qua siêu thị, đại lý và bảo tàng nước mắm do thương hiệu sáng lập, Nước mắm Tĩn còn chú trọng đến nền tảng phân phối sản phẩm online, nhất là các kênh thương mại điện tử. Thương hiệu Nước mắm Tĩn hiện đang vận hành song song 2 gian hàng trên nền tảng Shopee để phục vụ phân khúc khách hàng từ trung đến cao cấp.
Tương tự như nước mắm Tĩn, những người đứng đầu thương hiệu nước mắm Lê Gia đã chọn quay lại quê hương Thanh Hóa để tiếp nối nghề làm nước mắm truyền thống. Trong xu thế nhiều doanh nghiệp dịch chuyển lên nền tảng online, Lê Gia chọn cách “lên sàn” để mang các sản phẩm đặc trưng của quê hương tiếp cận nhiều người tiêu dùng trên khắp cả nước. Nhờ sự hỗ trợ, tư vấn từ Shopee, Lê Gia đã từng bước tiếp cận và phát triển hiệu quả kênh bán hàng trực tuyến này. Đến nay, thương hiệu đã thành công chuyển đổi lên Shopee Mall và tiếp cận được tệp khách hàng ngày càng rộng theo thời gian.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bao-ton-nghe-lam-mam-truyen-thong-bang-phuong-thuc-kinh-doanh-hien-dai-2089395.html
8. Thị trường bán lẻ nệm dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2023
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như thời gian vừa qua, việc các doanh nghiệp bán lẻ nệm, phụ kiện chăn ga gối vẫn đạt kết quả kinh doanh ấn tượng chính là những tín hiệu dự báo ngành công nghiệp giấc ngủ sẽ tiếp tục “sáng cửa” tăng trưởng trong năm 2023.
Với tình hình tăng trưởng tích cực trong năm 2022, việc tiếp tục phát triển mạnh trong năm tới của các doanh nghiệp bán lẻ nệm là rất khả quan. “Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, chất lượng sống và nhìn nhận đúng đắn hơn về tầm quan trọng của giấc ngủ, cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ như Vua Nệm tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ là rất lớn.”, Đại diện Vua Nệm nhận định.
Nguồn: https://vneconomy.vn/thi-truong-ban-le-nem-du-bao-tang-truong-manh-trong-nam-2023.htm
9. Thị trường trang trí Noel tại TP.HCM: Sức mua giảm, hàng giá rẻ lên ngôi
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Giáng sinh 2022, nhiều cửa hàng, kinh doanh đồ trang trí, quà tặng tại TP.HCM đã bày bán nhiều sản phẩm mới đa dạng, chất lượng tốt. Tuy nhiên, sức mua năm nay giảm sút hơn so với các năm trước, nhiều loại mặt hàng giá rẻ, phân khúc thấp được ưa chuộng. Nhiều người mua hàng cho biết, năm nay họ phải đắn đo, cân nhắc, tính toán kỹ trước khi mua, lựa chọn các mặt hàng có giá cả phù hợp với túi tiền.
Đa số chủ cửa hàng cho biết, năm nay họ đã chủ động giảm lượng nhập hàng về từ 20-25% so với các năm trước do lo ngại sức mua chậm. Các sản phẩm nhập về năm nay phần lớn dành cho phân khúc thấp, phù hợp với điều kiện tài chính của hầu hết người tiêu dùng.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/thi-truong-trang-tri-noel-tai-tphcm-suc-mua-giam-hang-gia-re-len-ngoi-post989811.vov

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Làn sóng cắt giảm nhân sự lan sang các tập đoàn công nghệ Đông Nam Á
Làn sóng sa thải nhân viên đang gia tăng tại các công ty công nghệ ở Đông Nam Á trong năm nay. GoTo Group, Glints và Carousell là những công ty gần đây nhất thông báo cắt giảm quy mô lớn nhân sự trong vòng 30 ngày qua. Ngoài những nguyên nhân khách quan về môi trường kinh tế, những mục tiêu kinh doanh mới hay việc chuyển mình từ những “ngôi sao mới nổi” thành một doanh nghiệp hoạt động lâu dài cũng là lý do khiến các công ty cân nhắc lại về chi phí cũng như khối lượng nhân sự.
Theo CNBC, các nhà đầu tư hiện tại của các công ty khởi nghiệp cũng đang tích cực tư vấn cho những người sáng lập chuẩn bị cho “mùa đông” kinh tế và sẵn sàng cho một cuộc chạy dài hơi hơn, theo Jussi Salovaara, đồng sáng lập và đối tác quản lý của Antler cho châu Á.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/lan-song-cat-giam-nhan-su-lan-sang-cac-tap-doan-cong-nghe-dong-nam-a-20180504224278577.htm
2. Mercedes-Benz EQS chuyển sang lắp ráp tại Thái Lan
Mercedes-Benz trong tuần này đã ký thỏa thuận nhập khẩu xe điện vào Thái Lan với thuế và thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn từ năm 2023 trở đi. Ngoài ra, thỏa thuận mới cũng khẳng định thương hiệu Đức sẽ bắt đầu lắp ráp xe điện tại xứ chùa vàng, cụ thể là tại nhà máy Samut Prakan với dòng tên đầu tiên được lắp ráp nội địa là EQS – mẫu xe vừa ra mắt tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2022.
Trước đây, Mercedes-Benz EQS được nhập khẩu vào Thái Lan dưới dạng nguyên chiếc có giá khởi điểm quy đổi tương đương 5,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 11 năm nay, Mercedes-Benz Thái Lan đã bắt đầu bán bản lắp ráp nội địa là EQS500 với giá thấp hơn nhưng có thông số tốt hơn và trang bị đầy đủ hơn khi được công bố tại triển lãm Thailand International Motor Expo 2022.
Nguồn: https://tuoitre.vn/mercedes-benz-eqs-chuyen-sang-lap-rap-tai-thai-lan-co-hoi-giam-gia-cho-nguoi-viet-20221213165338747.htm
3. Apple đầu tư mạnh vào Ấn Độ ở cả hai lĩnh vực bán lẻ và sản xuất
Apple đang lên kế hoạch mở rộng ở Ấn Độ trong cả lĩnh vực bán lẻ và sản xuất. Cụ thể, nhà Táo có kế hoạch khai trương 100 cửa hàng nhượng quyền mới và tăng gấp ba lần sản lượng iPhone trong hai năm tới. Theo đó, đây là quyết định được Apple đưa ra sau một thời gian cân nhắc và lên kế hoạch chuyển dịch chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc. Mặc dù về tổng thể, đây sẽ là một bước tiến chậm, nhưng những thay đổi này có thể có tác động lớn đến khả năng sản xuất của Ấn Độ.
Hiện tại, các kế hoạch tăng cường sản xuất ở Ấn Độ của Apple đang được thực hiện, bao gồm cả việc đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất là Foxconn cũng đang tự mình di chuyển dây chuyền sản xuất của họ. Tiêu biểu nhất vào tháng trước, Foxconn đã đặt mục tiêu tăng gấp bốn lần lực lượng lao động tại Ấn Độ trong khoảng thời gian 2 năm. Foxconn cũng đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sản xuất chip tại Ấn Độ với khoản đầu tư 500 triệu USD vào tháng này. Rất có khả năng một phần khoản đầu tư sẽ được dùng cho các mục đích liên quan đến Apple.
Nguồn: https://viettimes.vn/apple-dau-tu-manh-vao-an-do-o-ca-hai-linh-vuc-ban-le-va-san-xuat-post162586.html
4. Nhật Bản hợp tác với IBM để trở lại cuộc đua công nghệ bán dẫn
Tham vọng chế tạo chip 2 nanomet tiên tiến của Nhật Bản đang dần được hiện thực hóa khi công ty Rapidus, một nhà sản xuất chip mới được chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn, nhận chuyển giao quy trình sản xuất loại chip này từ IBM thông qua quan hệ đối tác được công bố hôm thứ Ba. Cả hai công ty đang hướng đến phát triển công nghệ cho phép sản xuất hàng loạt loại chip tiên tiến 2nm vào cuối thập kỷ này. Tuy nhiên quốc gia này vẫn đang thiếu công nghệ và chuyên môn trong các quy trình cần thiết khác để thực hiện tham vọng này.
Rapidus được thành lập vào năm nay thông qua sự hợp tác của tám công ty Nhật Bản, bao gồm Toyota Motor và Tập đoàn Sony, đã đầu tư tổng cộng 7,3 tỷ yên (53 triệu USD), cùng với cam kết trợ cấp khoảng 70 tỷ yên từ chính phủ Nhật.
Nguồn: https://hvnclc.vn/nhat-ban-hinh-thanh-hang-chip-moi-quyet-tam-lay-lai-vi-tri-thong-linh-toan-cau/
5. Các nhà sản xuất chip toàn cầu sẽ tìm tới Việt Nam và Ấn Độ
Động lực rời khỏi Trung Quốc của các nhà sản xuất chip toàn cầu ngày càng trở nên mãnh liệt. Theo đó, Việt Nam và Ấn Độ sẽ là 2 điểm đến hàng đầu. Theo Walter Kuijpers, đối tác của hãng dịch vụ tư vấn KPMG, số lượng câu hỏi và sự quan tâm của khách hàng về khả năng sản xuất chip tại Đông Nam Á đã tăng lên 30 – 40% so với trước đại dịch. Các doanh nghiệp đang cân nhắc và tìm kiếm cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng sang khu vực này, nhất là khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc gặp nhiều trở ngại.
Việt Nam đang nổi lên là cơ sở sản xuất thay thế Trung Quốc đối với ngành công nghiệp chất bán dẫn toàn cầu với việc đầu tư hàng tỷ USD để thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm thu hút các nhà sản xuất chip lớn. Trong khi đó, Ấn Độ đang tập trung đầu tư đào tạo đội ngũ nhân sự và nhân tài thiết kế bộ vi xử lý, hệ thống phụ trong thẻ nhớ và các thiết kế chip khác. Sức hấp dẫn lớn của quốc gia này là lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp.
Nguồn: https://baodautu.vn/cac-nha-san-xuat-chip-toan-cau-se-tim-toi-viet-nam-va-an-do-d180044.html
6. Tham vọng chip của Hàn Quốc trước nguy cơ đánh đổi lớn về môi trường
Quá trình sản xuất chất bán dẫn cần một lượng nước khổng lồ để làm sạch các tấm wafer (vật liệu nền để sx v mạch) và làm mát máy móc. Một loạt các hóa chất được sử dụng để sản xuất chip và quá trình này liên quan đến kim loại nặng, nghĩa là nước phải được xử lý kỹ lưỡng trước khi thải ra ngoài. Đến năm 2030, ước tính khoảng một triệu tấn nước thải từ các nhà máy sản xuất chip sẽ được thải vào các tuyến đường thủy công cộng của thành phố Pyeongtaek với khu công nghiệp Godeok, nơi tập trung các nhà máy sản xuất chip lớn của Hàn Quốc. Với diện tích 2,89 triệu mét vuông – tương đương 400 sân bóng đá – nhà máy của Samsung là tổ hợp sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Các nhà sản xuất chip khác cũng đã mở rộng hoạt động ở các thành phố lân cận, với nước thải từ các nhà máy đó chảy xuôi dòng đến Pyeongtaek trước khi đổ ra biển Hoàng Hải.
Theo luật của Hàn Quốc, các công ty phải kiểm soát các nguyên tố có khả năng gây hại, chẳng hạn như đồng và flo, trong nước thải dưới mức quy định. Nhưng những người dân có liên quan trong thành phố chia sẻ: do khối lượng nước khổng lồ chảy ra từ các nhà máy bán dẫn ngày càng tăng, nên ngay cả khi ở giới hạn cho phép, đồng và flo vẫn có thể tạo ra độc tính và ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương. Đồng thời, nhiệt độ cao của nước thải cũng làm tăng nhiệt độ của các dòng suối tự nhiên xung quanh, gây ra sự sinh sôi của tảo dẫn đến làm gián đoạn dòng chảy và dẫn đến tắc nghẽn nguồn nước.
Ngoài tầm quan trọng chiến lược, chip bán dẫn là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Hàn Quốc – trị giá 128 tỷ USD vào năm 2021 và chiếm khoảng 20% tổng hoạt động công nghiệp, theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Hàn Quốc. Với những lợi ích chiến lược và thương mại to lớn đang bị đe dọa bởi các nhà hoạt động môi trường, không có gì ngạc nhiên khi chính quyền địa phương Pyeongtaek đã hết sức ủng hộ các ông lớn trong ngành bán dẫn, và không có xu hướng đánh giá kỹ càng những bất lợi tiềm tàng về môi sinh. Chính quyền Pyeongtaek đã cổ vũ cho hoạt động đầu tư ngày càng tăng của Samsung vào thành phố, với việc Thị trưởng Jung Jang-seon cam kết hợp tác để ngành chip trở thành cốt lõi của tương lai công nghiệp của Pyeongtaek.
Có một thực tế rằng ngành công nghiệp luôn có xu hướng phát triển nhanh hơn các bộ luật kiểm soát song hành, và ở một đất nước mà nền kinh tế ngày càng bị ràng buộc với một số ít các công ty lớn sở hữu công nghệ tiên tiến để phát triển thịnh vượng, tiếng nói của những người dân địa phương dễ dàng bị át đi, bằng cách kêu gọi tăng trưởng nhiều hơn. Nhưng chi phí môi trường cho sự bùng nổ về công nghệ bán dẫn của Hàn Quốc là vô cùng đáng kể. Tại Hàn Quốc, đầu tư của ngành này tập trung vào khu vực trung tâm của quốc gia, dọc theo các sông hồ cung cấp phần lớn nước uống cho khu vực thủ đô đông dân cư. Các trung tâm công nghiệp này cũng nằm xuyên suốt theo dãy Baekdudaegan, một dãy núi chạy dọc Bán đảo Triều Tiên như xương sống và đóng vai trò là môi trường sống của động vật hoang dã.
Ngoài Hàn Quốc, vấn đề về nước thải cũng đang được đặt lên bàn đánh giá trong quá trình phát triển chip ở nhiều quốc gia. Tại Đài Loan, một cường quốc bán dẫn khác, nơi đặt trụ sở của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC, việc sử dụng nước đã trở nên nghiêm trọng đến mức nó trở thành một hạn chế cốt tử đối với việc tăng trưởng. Theo số liệu mới nhất, gã khổng lồ chip TSMC tiêu thụ 208.000 tấn nước mỗi ngày ở Đài Loan, tương đương 83 bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Khi Đài Loan bị hạn hán nghiêm trọng vào năm 2021, nông dân buộc phải ngừng tưới tiêu để các nhà máy chip có thể tiếp tục sản xuất. TSMC cho biết họ hiện đang xử lý và tái sử dụng hơn 85% lượng nước thải, tương đương 186,3 triệu tấn nước, theo báo cáo phát triển bền vững của công ty.
Mối quan tâm về tính bền vững đã trở nên cấp bách trong toàn ngành công nghiệp bán dẫn khi quy mô đầu tư ngày càng lớn hơn. Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới các hình thức sản xuất thân thiện với môi trường và sự nhạy cảm ngày càng tăng của người tiêu dùng, các nhà sản xuất chip sẽ buộc phải đối mặt với cả áp lực trực tiếp và gián tiếp để vận hành bền vững và thân thiện với môi trường.
Nguồn: https://asia.nikkei.com/Spotlight/The-Big-Story/South-Korea-s-chip-ambitions-threaten-big-environmental-toll

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Trung Quốc nới lỏng hạn chế, nhu cầu nhiên liệu tăng vọt
Nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới đang thúc đẩy trở lại nhu cầu nhiên liệu toàn cầu, sau khi nới lỏng đáng kể các hạn chế Covid-19 tại nước này. Theo đó, giao thông đường bộ và đường hàng không ở Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ sau gần ba năm theo đuổi chính sách Zero-Covid. Các thương nhân cũng đã tăng cường mua hàng với dự đoán nhu cầu xăng dầu sẽ tăng mạnh hơn.
Vào tuần trước, Trung Quốc đã dỡ bỏ nhiều hạn chế quan trọng, bao gồm loại bỏ việc xét nghiệm thường xuyên, nới lỏng các quy tắc kiểm dịch và loại bỏ theo dõi đối với khách du lịch. Thị trường năng lượng toàn cầu cũng đang theo dõi sát sao sự phục hồi của Trung Quốc. Các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định: “Với tốc độ mở cửa trở lại tại Trung Quốc, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu năng lượng tại nước này sẽ trở về mức bình thường vào cuối tháng 3/2023, nhanh hơn dự đoán trước đó là tháng 5-6”.
Nguồn: https://zingnews.vn/trung-quoc-noi-long-han-che-nhu-cau-nhien-lieu-tang-vot-post1384878.html
2. Kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện như xăng, dầu
Để đóng góp hiệu quả vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu. Đây là đề xuất được EVN đưa ra tại Hội nghị triển khai Quyết định số 1479 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch huy động các nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty tham gia các hoạt động, dự án đóng góp vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa tổ chức tại Hà Nội.
Đại diện EVN cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách để các dự án nguồn điện , lưới điện quan trọng vì an ninh quốc gia thuộc danh mục ưu tiên của Nhà nước được sử dụng vốn vay ODA và cho EVN vay lại không chịu rủi ro tín dụng. EVN cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, để EVN cũng như các nhà đầu tư có cơ sở triển khai các dự án nguồn, lưới điện đảm bảo việc cung ứng điện trong những năm tới.
Nguồn: https://tienphong.vn/kien-nghi-ap-dung-co-che-thi-truong-cho-gia-dien-nhu-xang-dau-post1494821.tpo
3. Việt Nam sắp ký gói tài chính 15 tỉ USD để giảm phụ thuộc vào than
Việt Nam và các nhà tài trợ do Liên minh châu Âu dẫn đầu sắp ký kết gói tài chính khí hậu trị giá 15 tỉ USD để giúp Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào than. Theo Hãng tin Bloomberg, hiện còn một số nội dung thảo luận nhằm làm rõ các khoản vay và viện trợ không hoàn lại. Câu hỏi là có bao nhiêu khoản tài trợ không hoàn lại và Việt Nam sẵn sàng gánh bao nhiêu nợ, ngay cả với lãi suất ưu đãi cao.
Thỏa thuận cũng sẽ bao gồm các hỗ trợ về kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam ban hành các quy định về năng lượng tái tạo, trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Những nguồn tin nội bộ cho biết biên bản ghi nhớ có thể sẽ được ký kết ngày 14-12 tại hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN ở Brussels.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bloomberg-viet-nam-sap-ky-goi-tai-chinh-15-ti-usd-de-giam-phu-thuoc-vao-than-20221214083255689.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Startup công nghệ y tế của Indonesia đặt tham vọng mở rộng ở Đông Nam Á
Halodoc – một trong những công ty khởi nghiệp công nghệ y tế lớn nhất của Indonesia đang hướng tới việc đưa ứng dụng y tế từ xa của mình đến các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Việt Nam. Thành lập vào năm 2016, Halodoc cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa với các bác sĩ và dịch vụ phân phối thuốc trên ứng dụng trực tuyến của mình. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, công ty cũng đã cung cấp một nền tảng giúp các bệnh nhân đặt lịch xét nghiệm và đặt lịch hẹn tại bệnh viện.
Ông Jonathan Sudharta, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành Halodoc, cho biết đang có hơn 20 triệu người dùng Halodoc hoạt động hàng tháng tại Indonesia. Tuy nhiên, ông Sudharta coi đó mới chỉ là bước khởi đầu và đặt mục tiêu nâng con số lên 100 triệu trong những năm tới. Hiện Halodoc đang cung cấp đơn thuốc tới 400 thành phố của Indonesia. Trong số đó, người dân ở 120 thành phố có thể nhận hàng trong vòng 15 phút sau khi đặt hàng, và Halodoc mong muốn nâng con số này lên 250 thành phố vào năm tới.
Nguồn: https://bnews.vn/startup-cong-nghe-y-te-cua-indonesia-dat-tham-vong-mo-rong-o-dong-nam-a/271454.html
2. Việt Nam mở rộng hợp tác với Luxembourg, Hà Lan, Bỉ
Bộ Công Thương Việt Nam đang tiến hành các hoạt động để ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với nước Luxembourg trên một số lĩnh vực như tài chính, logistics. Thời gian đến, Việt Nam còn trao đổi, mở rộng hợp tác với các nước châu Âu như hợp tác về kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo với Hà Lan; kinh tế biển, nông nghiệp sinh thái với Bỉ.
Thị trường các nước châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, nhập khẩu lớn thứ năm và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ sáu của Việt Nam. Về viện trợ phát triển, EU là một trong những nhà viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Sau hơn hai năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), kim ngạch thương mại hai chiều trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 52 tỉ đô la Mỹ, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 14 của EU.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/viet-nam-mo-rong-hop-tac-voi-luxembourg-ha-lan-bi/

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Thị trường cây cảnh Tết Quý Mão: Sức mua chậm, hàng nhập khẩu giảm 80% so với các năm trước
Gần đến Tết Nguyên Đán, các loại hoa cây cảnh đặc trưng của mùa Xuân được nhiều nhà vườn đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu trang trí, chơi hoa Tết của người dân thành thị. Tuy nhiên đánh giá sức mua vẫn chậm, giảm hơn nhiều so với các năm trước. Các loại cây phục vụ Tết Nguyên đán như trà, hải đường, cúc cổ Sơn La… hầu như chưa có người mua.
Với cây nhập khẩu, thị trường năm nay giảm tới 80% so với các năm trước. Nguyên nhân là do các tiểu thương không nhập hàng về. Các đầu mối ở địa phương cũng không dám nhập cây về vì sức mua của người tiêu dùng ít. Số lượng cây bán không khác nhiều so với ngày thường, giá bán chưa có sự thay đổi.
Nguồn: https://toquoc.vn/thi-truong-cay-canh-tet-quy-mao-suc-mua-cham-hang-nhap-khau-giam-80-so-voi-cac-nam-truoc-20221207091559746.htm
2. Đồng Tháp: Trồng cỏ nhung ở làng hoa kiểng Sa Đéc cho lãi cao
Bình quân 1ha đất trồng cỏ nhung tại Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), nếu bán với giá từ 25-30.000 đồng/m2, người trồng thu lãi hơn 50 triệu đồng/ha, hiệu quả gấp 5-10 lần trồng lúa. Đặc biệt, nhiều mô hình trồng cỏ còn lãi hơn 100 triệu đồng/ha, sau hơn 1 tháng trồng. Giá cỏ nhung hiện được bán với giá từ 15-20.000 đồng/m2. Cỏ nhung được tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, nghề trồng cỏ nhung phục vụ cho công trình ở Sa Đéc đang phát triển mạnh, với trên 50ha trồng để bán cho các nơi trang trí công trình. Nhiều nhà vườn mạnh dạn đã chuyển từ trồng hoa sang trồng cỏ nhung để tiêu thụ quanh năm.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dong-thap-trong-co-nhung-o-lang-hoa-kieng-sa-dec-cho-lai-cao/835367.vnp
3. Trồng khoai tây làm snack, nông dân lãi đến 100 triệu đồng/ha
Theo ông Vũ Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Việt Nam đã từng có diện tích khoai tây 100.000 ha nhưng do hiệu quả kinh tế thấp, diện tích khoai tây đã giảm xuống 20.000 ha trong khi nhu cầu thị trường tăng, trong đó có loại chế biến tại các nhà máy như: khoai tây chiên, snack,… nên Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều. Có cầu khắc có cung nhưng để đáp ứng các yêu cầu của bên thu mua, canh tác khoai tây phải thay đổi phương thức sản xuất từ: giống, quy trình canh tác,… để thay thế hàng nhập khẩu và tiến đến xuất khẩu.
Hiện tại, mô hình sản xuất khoai tây bền vững do PepsiCo và Syngenta xây dựng đã được triển khai với những thành công gây bất ngờ. Theo đó, niên vụ 2018 – 2019, diện tích khoai tây mô hình chỉ đạt 400 ha với gần 600 nông dân tham gia nhưng đến niên vụ 2021 – 2022, diện tích canh tác đã tăng lên 1.269 ha, năng suất trung bình 27-28 tấn/ha. Tại Đắk Lắk, đánh giá cho thấy lợi nhuận ròng mỗi vụ trong 4 tháng đạt từ 95 – 100 triệu đồng.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/trong-khoai-tay-lam-snack-nong-dan-lai-den-100-trieu-dong-ha-2022120718342291.htm
4. Thịt nhập đe dọa ngành chăn nuôi
“Với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ EU, VN cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu bò sau khoảng 3 năm. Chính hội nhập, mở cửa, sức cạnh tranh không có nên người chăn nuôi trâu bò quy mô nhỏ mất dần. Còn trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn thì quá ít. Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại về thịt bò mờ nhạt dần. Thời gian không xa thịt trâu, bò có nguy cơ bị thay thế bởi thịt nhập khẩu. Nhiều nông dân chịu thiệt thòi”, một chuyên gia kinh tế ở TP.HCM (chuyên về lĩnh vực nông nghiệp) cảnh báo.
Câu chuyện nhập thịt gia súc gia cầm, nhập lậu trâu bò sống đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến các cơ sở chăn nuôi, các doanh nghiệp trong nước. Chăn nuôi trâu bò trong nước đang ngày càng giảm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thit-nhap-de-doa-nganh-chan-nuoi-2022121208292024.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Liên minh châu Âu đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu
Ngày 13/12, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Theo Hội đồng châu Âu, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí thải carbon lớn, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU. CBAM cũng sẽ được áp dụng đối với những hàng hóa nhập khẩu có quy trình sản xuất gián tiếp phát thải carbon ra môi trường.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/lien-minh-chau-au-danh-thue-carbon-doi-voi-hang-hoa-nhap-khau/835604.vnp
Tham khảo về “tín chỉ carbon”: https://vietnambiz.vn/tin-chi-cac-bon-carbon-credit-la-gi-vi-du-ve-tin-chi-cac-bon-2019110109341914.htm
2. Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mốc 700 tỷ USD
Bất chấp xung đột địa chính trị và nguy cơ suy thoái tại nhiều quốc gia, xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam vừa ghi nhận kỷ lục mới. Báo cáo mới công bố từ Tổng cục Hải quan cho biết, ghi nhận đến ngày 15/12, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mốc 700 tỷ USD. Con số này đã phá vỡ kỷ lục 600 tỷ USD được thiết lập vào năm ngoái.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2022, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã tăng cao trở lại, đạt 10,68 tỷ USD. Ngoài ra, 11 tháng đầu năm ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 468,7 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều năm qua, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Tính từ đầu năm đến hết 11 tháng 2022, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,46 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,93 tỷ USD).
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-nhap-khau-hang-hoa-dat-moc-700-ty-usd-20221214175241894.htm
3. Tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tăng 1-2%/năm đến năm 2030
Tiêu thụ cà phê toàn cầu có khả năng tăng từ 1-2% mỗi năm cho đến cuối thập niên này, tương đương 25 triệu bao 60kg trong tám năm tới, theo Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) Vanusia Nogueira. Dự báo của bà Vanusia Nogueira được đưa ra tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức tại Hà Nội hôm 11-12.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg, Nogueira nhận định ngành cà phê toàn cầu sẽ đạt được sự cân bằng về cung và cầu trong 2-3 năm tới để thoát khỏi tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện tại. Bà cho biết, thế giới cần nhiều cà phê arabica và robusta hơn nhưng triển vọng tăng sản lượng và nhu cầu cà phê robusta sẽ cao hơn. Nhiều thị trường đang tìm kiếm cà phê robusta hảo hạng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nghiên cứu và mở rộng sang sản xuất cà phê robusta chất lượng cao với thành quả “khá tốt”.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/tieu-thu-ca-phe-toan-cau-se-tang-1-2-nam-den-nam-2030/
4. Việt Nam nhập hơn 200.000 tấn thịt gà, kiến nghị hạn chế nhập khẩu gà đông lạnh
Theo trưởng đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 10 tháng đầu năm nay Việt Nam nhập khoảng 211.000 tấn thịt gà, trong khi đó nguồn cung gà trong nước đang dồi dào, do đó cần hạn chế nhập khẩu gà đông lạnh. Cụ thể 3 tháng đầu năm, người nuôi gà lông trắng chịu lỗ, từ tháng 5 đến tháng 9 giá có tăng, người dân có lãi. Nhưng từ tháng 9 tới nay, giá lại giảm.
Trong khi đó, 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam chi khoảng 237 triệu USD để nhập 211.000 tấn thịt gà , ở chiều ngược lại thì chỉ xuất được 1.000 tấn với trị giá 2,2 triệu USD.
Nguồn: https://tuoitre.vn/viet-nam-nhap-hon-200000-tan-thit-ga-kien-nghi-han-che-nhap-khau-ga-dong-lanh-20221208125637233.htm
5. Cá tra xuất sang Trung Quốc đang tăng vọt đột ngột lao dốc
Sau khi liên tục tăng trưởng cao trong 10 tháng liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đột ngột lao dốc trong tháng 11 với mức giảm 46%. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong tháng 11 sụt giảm do chính sách Zero Covid với những hạn chế kéo dài đã khiến thị trường thuỷ sản Trung Quốc suy yếu kéo theo nhu cầu thuỷ sản và giá thuỷ sản trên thị trường giảm mạnh.
VASEP đánh giá, trong thời gian tới, diễn biến thị trường Trung Quốc vẫn còn khó đoán và phụ thuộc đáng kể vào việc nước này điều chỉnh ra sao về chính sách kiểm soát Zero Covid. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuỷ sản thế giới và Việt Nam đều kỳ vọng vào sự ổn định của thị trường này vì đây vẫn là thị trường tiêu thụ cao bậc nhất hiện nay.
Nguồn: https://tienphong.vn/ca-tra-xuat-sang-trung-quoc-dang-tang-vot-dot-ngot-lao-doc-post1494726.tpo
6. Xe nông sản thông quan sang Trung Quốc bắt đầu tăng dần
Ông Hoàng Khánh Duy – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn – cho biết, trong tuần đầu tháng 12, lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn bắt đầu tăng mạnh . Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn đạt 35 triệu USD, tăng 21% so với tuần trước đó.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong mấy tháng cuối năm đang tăng mạnh. Trong tháng 10, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này đạt 152 triệu USD, tăng 44,2% so với tháng 10/2021 và tiếp tục tăng trong tháng 11 sau thời gian dài trồi sụt. Trong dịp Tết, dự báo nhu cầu của thị trường Trung Quốc chiếm tới hơn 50% lượng hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam, đây là cơ hội rất lớn cho rau quả Việt Nam ngược dòng sang thị trường này trong tháng cuối năm. Đặc biệt, bước sang năm 2023 – khi các nghị định thư bắt đầu thực hiện, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có thể tăng trưởng khoảng 20-30%.
Nguồn: https://tienphong.vn/xe-nong-san-thong-quan-sang-trung-quoc-bat-dau-tang-dan-post1494527.tpo
7. Vú sữa tím Sóc Trăng xuất khẩu sang Mỹ
Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi ở xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, Sóc Trăng hiện có 23 hộ thành viên tham gia trồng vú sữa tím , ước tính sản lượng trái năm nay đạt từ 1.000 – 1.200 tấn. Mới vào đầu vụ thu hoạch, nhưng người dân trồng vú sữa tím tại đây rất phấn khởi khi vụ vú sữa tím vừa được mùa, vừa được DN bao tiêu xuất khẩu sang Mỹ với giá cao
Hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp thu mua với giá bao tiêu 30.000 đồng/kg đến cuối vụ (khoảng cuối tháng 3/2023); giá bao tiêu này cao hơn so với giá thị trường nội địa từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay đã có gần 20 tấn vú sữa tím được thu hoạch và xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Từ đầu năm 2022 đến nay, các hợp tác xã đã xuất khẩu tổng cộng trên 154 tấn vú sữa đi các nước.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/vu-sua-tim-soc-trang-xuat-khau-sang-my-20221214103836253.htm
8. Xuất khẩu hàng Tết: Các loại mắm, bánh nậm, bánh lọc được đón nhận
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Sông Hương Foods, cho biết cách đây hơn một tuần, một container các loại mắm cà pháo, mắm tôm Bắc, mắm ruốc Huế, mắm ba khía miền Tây,… cùng các loại bánh truyền thống Việt Nam như bánh nậm, bánh lọc theo đường chính ngạch đã có mặt tại Mỹ thông qua nhà phân phối CTWS Group với hơn 200 điểm bán ở 32 tiểu bang.
Để nhập chính ngạch vào thị trường Mỹ tất cả các sản phẩm mắm, bánh lọc, bánh nậm phải tuân thủ các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy chứng nhận của FDA. Ông Tuấn cho biết, sau container hàng nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết của bà con Việt kiều, phía đối tác cho biết sẽ đặt mua cho cả năm theo các ngày lễ ở Mỹ như lễ Tạ ơn, Quốc khánh Mỹ…
Nguồn: https://plo.vn/xuat-khau-hang-tet-banh-nam-banh-loc-duoc-don-nhan-post712235.html
9. Việt Nam đang ‘hút’ đơn hàng may mặc từ các ông lớn Nhật Bản ra khỏi Trung Quốc
Các nhà sản xuất hàng may mặc lớn của Nhật Bản đang chuyển nhiều hoạt động sản xuất ở nước ngoài từ Trung Quốc sang thị trường Đông Nam Á, bởi chi phí lao động ngày càng tăng và chính sách zero-COVID làm giảm đi lợi thế sản xuất của nước này. Trong bối cảnh đồng Yên (Nhật) mất giá và chi phí nguyên vật liệu tăng cao, các công ty may mặc đang tận dụng mọi phương pháp để giảm thiểu chi phí.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn được coi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của nhiều công ty Nhật Bản và họ vẫn có kế hoạch mua một số nguyên liệu từ nước khác. Đối với các công ty may mặc này, một phần sức hấp dẫn của Trung Quốc tiếp tục là vị trí gần Nhật Bản, đồng thời là năng lực công nghệ cao và chuỗi cung ứng phát triển tốt đối với các nguyên liệu thô như vải.
BSAi