Bạn trẻ nghĩ gì về ‘chuyển hóa bản thân’ cho sự nghiệp?

237
Anh Phạm Quốc Đăng Khoa hiện là Giám đốc sản phẩm (Director of Product Management) cho nền tảng điện toán đám mây tại VMware, một trong những công ty phần mềm doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Trước VMware, anh công tác phân tích dữ liệu trong bộ phận kế hoạch cung cầu toàn cầu tại Apple. Anh Khoa cũng đang tham gia vào công ty Nunchuk.io, một startup công nghệ ở Mỹ phát triền giải pháp giúp người dùng dễ dàng tự quản lý tài sản số Bitcoin. Anh đồng thời cũng là nhà đầu tư thiên thần và cố vấn cho một số startup ở Mỹ và Việt Nam.
Khi bắt đầu cái mới đồng nghĩa với việc bỏ lại phần lớn những cái cũ – việc đó rõ ràng không thoải mái cho rất nhiều người và là rào cản lớn nhất cho sự phát triển. Nhưng vượt qua nỗi sợ hãi đó để thích nghi với cái mới sẽ giúp chúng ta sẵn sàng cho tương lai.
“Trường học Phát triển Việt Nam” (vsod.vn) là một chương trình, một sáng kiến hướng đến các mục tiêu “Phát triển bền vững” của Liên Hiệp Quốc, thường mời các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau gặp gỡ học viên về các đề tài liên quan mục tiêu trên. Từ 17 – 20/12/2022, “Trường học phát triển Việt Nam”  được Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành – International Centre for Interdisciplinary Science and Education (ICISE) của Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam tài trợ tổ chức chương trình với chủ đề “Cùng kiến tạo Việt Nam của chúng ta”.
Một diễn giả thường có bài trên ấn phẩm Xuân Thế Giới Hội Nhập hàng năm là anh Phạm Quốc Đăng Khoa, Giám đốc Sản phẩm của công ty VMWare chuyên về điện toán đám mây (Hoa Kỳ) đã có bài nói chuyện với đề tài “Chuyển hoá (transformation) bản thân từ nhà chuyên nghiệp (specialist) thành nhà tổng quát (generalist) để có thể nhận vai trò lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp.
Xin giới thiệu bài nói chuyện trên sau đây…
Trong buổi nói chuyện tại chương trình nói trên, các bạn đặt cho tôi một câu hỏi: “Chuyển hóa bản thân cho việc phát triển sự nghiệp, đóng góp vào sự phát triển bền vững ở Việt Nam đòi hỏi những nhóm kỹ năng chủ chốt nào, và làm sao để nuôi dưỡng và phát triển những nhóm kỹ năng đó?”
Câu hỏi rất hay này làm tôi cũng có dịp suy ngẫm về những kỹ năng mình đã trau dồi trong một môi trường hiện đại và thay đổi nhanh suốt mười mấy năm làm việc cho các công ty công nghệ hàng đầu ở Mỹ.
Có lẽ kỹ năng đầu tiên các bạn cần là rèn luyện tinh thần luôn tìm tòi và học cái mới, luôn tự làm mới bản thân. Trong công việc, khoảng mỗi mười tám tháng tôi nhìn lại công việc và sự phát triển của mình, và nếu tôi không thể học thêm những điều đủ mới trong công việc hiện tại, tôi tìm cách hoặc mở rộng phạm vi công việc, hoặc chuyển sang làm một việc mới. Công ty của tôi cũng cổ vũ cho việc lưu chuyển các công việc khác nhau để giúp nhân viên rèn luyện và cũng là để giữ chân nhân viên. Thử sức ở các công việc khác nhau giúp tôi có một cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn cho cùng một vấn đề. Ví dụ như khi giới thiệu một sản phẩm mới – khi làm tiếp thị sản phẩm, tôi lo việc viết và thử các thông điệp về sản phẩm, nhấn mạnh vào các tính năng nổi trội nào để khách hàng có thể hiểu và nhớ ngay, và tìm những cách tiếp cận khách hàng hiệu quả nhất; còn khi tôi làm vận hành kinh doanh thì tôi phải đảm bảo khách hàng có thể đặt hàng và tiêu thụ sản phẩm một cách dễ dàng để nhận được tất cả các giá trị mà sản phẩm mang lại, và hài lòng khi xài.
Khi bắt đầu cái mới đồng nghĩa với việc bỏ lại phần lớn những cái cũ – việc đó rõ ràng không thoải mái cho rất nhiều người và là rào cản lớn nhất cho sự phát triển. Nhưng vượt qua nỗi sợ hãi đó để thích nghi với cái mới sẽ giúp chúng ta sẵn sàng cho tương lai – đặc biệt là trong một kỉ nguyên biến đổi rất nhanh và sự đào thải cái cũ có thể sẽ rất nhanh chóng và khắc nghiệt.
Tôi cũng có thể khuyên các bạn rèn luyện về khả năng tư duy. Nó bao gồm nhiều mảng, như tư duy phản biện (critical thinking), giải quyết vấn đề có hệ thống (structured problem solving), v.v. hoặc nhiều khi chỉ đơn giản là khả năng đặt câu hỏi cho tốt. Kỹ năng đặt câu hỏi nghe có vẻ tầm thường, nhưng khi tôi làm quản lý, đó là công cụ quan trọng nhất mà tôi sử dụng hàng ngày để nắm được công việc của nhóm và dự đoán được khó khăn các bạn đang gặp phải để có thể giúp các bạn. Đó cũng là cách tôi tiếp nhận và làm rõ thông tin từ đồng nghiệp và cấp trên.
Ở đây cũng xin nói thêm, tôi nhận ra ở Việt Nam hay có cách đặt câu hỏi khá lười về mặt tư duy là “chúng ta có thể ABC, tại sao không?” Cách hỏi “tại sao không?” như vậy đặt gánh nặng giải thích lên người được hỏi, và không nêu ra được tính khả thi hay phương pháp giải quyết vấn đề gì. Có nhiều cách hỏi tốt hơn, ví dụ, “để đạt được ABC thì các yếu tố nào là quan trọng nhất, và làm sao/ai có thể giải quyết các yếu tố này?”
Một ví dụ khác, tôi có nghe các bạn thường hỏi “vấn đề của em là XYZ, anh/chị nghĩ như thế nào?”, hoặc “em phải làm gì?”. Cách hỏi như vậy rất khó có thể cho các bạn các lời khuyên thực sự hữu ích, vì chắc chắn là người được hỏi không hiểu hết tất cả chi tiết trong tình huống XYZ. Các nhà lãnh đạo cấp cao (executives) mà tôi đã tiếp xúc rất cẩn trọng trong việc đưa ra nhận xét và chỉ đạo của mình. Mình không thể bước vào phòng của lãnh đạo và hỏi “làm sao để giải quyết vấn đề XYZ” – người ta chắc chắn sẽ hỏi lại ngay lập tức “anh nghĩ như thế nào”, vì suy nghĩ tìm giải pháp là việc mình được thuê để làm. Một mô hình mà tôi thường khuyên nhân viên của mình là “đây là tình huống (situation), đây là vấn đề (complication), và đây là giải pháp tôi đề nghị (resolution) kèm theo các điều cần lưu ý (consideration/risk). Anh nghĩ sao về cách giải quyết này?”. Đặt câu hỏi như vậy vừa giúp người được hỏi nắm rõ vấn đề hơn, và đồng thời cũng là cách để chứng minh sự thấu đáo và trưởng thành của chính mình.
Hoặc tôi cũng có thể khuyên các bạn chú ý nhiều vào nhóm kỹ năng lãnh đạo, tổ chức, điều phối và làm việc nhóm. Rõ ràng khi sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo đã giúp tự động hoá nhiều việc đơn giản, con người cần phải giải quyết các vấn đề ngày càng phức tạp hơn, đòi hỏi có sự tham gia của nhiều thành viên. Do đó nhóm kỹ năng này trở nên cực kỳ quan trọng. Khi tôi nói chuyện với các doanh nghiệp Việt Nam, các chủ doanh nghiệp hay phàn nàn là Việt Nam có vẻ hơi thiếu một tầng lớp lãnh đạo trẻ và giỏi. Tôi nghĩ lý do là vì thiếu các chương trình đào tạo bài bản, các kinh nghiệm thực tế tốt, và quan trọng nhất là thiếu những người dẫn dắt (mentors) sẵn lòng và tận tuỵ. Do đó các bạn cần tìm cách bổ khuyết những điều còn thiếu này, và đặc biệt là chủ động trong việc tìm kiếm các mentors thích hợp cho mình càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, có quá nhiều thứ quan trọng để có thể khuyên các bạn kỹ năng nào là quan trọng nhất, và từ “phát triển bền vững” lại làm tôi suy nghĩ và đào sâu thêm một chút. Đối với mỗi người, sự quan trọng của từng kỹ năng tuỳ thuộc vào cái mình còn thiếu ở thời điểm hiện tại, và điều mình muốn đạt đến trong tương lai. Do đó, trước hết chúng ta cần trở về điều cơ bản nhất: hiểu về chính bản thân mình (know yourself).

Anh Phạm Quốc Đăng Khoa và Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Để hiểu về bản thân mình, chúng ta có thể sử dụng các công cụ là phản tư và phản hồi từ những người mình có thể tin cậy. Các câu hỏi cơ bản mình có thể dùng để hiểu bản thân, theo Peter Drucker – ông tổ của ngành quản trị hiện đại, là:
1. Thế mạnh của mình là gì? Để từ đó có thể phát triển thêm vì mỗi người sẽ dễ thành công hơn khi phát huy được hết thế mạnh và khả năng của mình.
2. Mình làm việc như thế nào? Cách mình tiếp nhận, học tập và xử lí thông tin như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất.
3. Các giá trị sống của mình là gì? Để mình có được sự liêm chính và tử tế.
4. Mình thuộc về nơi nào? Với thế mạnh và cách làm việc của mình, môi trường làm việc như thế nào là thích hợp nhất với mình.
5. Mình cống hiến tốt nhất điều gì? Để tối đa hoá giá trị của mình đối với tổ chức.
(Các bạn có thể tìm hiểu thêm trong quyển sách “Manage Oneself” của Peter Drucker)
Sau khi hiểu được bản thân, các bạn có thể suy nghĩ về mục tiêu sống và lý tưởng của mình (find your why). Tìm ra mục đích của mình là một hành trình dài, nhưng sẽ giúp các bạn có được kim chỉ nam trong hành động, và động lực khi đương đầu với khó khăn thử thách.
Lý tưởng sống (aspiration) là con người lý tưởng bạn muốn trở thành. Nó khác với các mục tiêu (ambition) ngắn hạn hơn như tài chính, chức vụ, danh tiếng. Marshall Goldsmith, chuyên gia huấn luyện lãnh đạo số 1 thế giới, sau khi huấn luyện và làm việc với các chủ tịch hoặc tổng giám đốc của các tập đoàn hàng đầu thế giới – những người ở đỉnh cao nhất trong sự nghiệp, đã kết luận một lý tưởng sống cao thượng, tử tế và có ích cho người khác, chứ không phải tiền bạc hay địa vị, là bí quyết để có muốn cuộc sống hạnh phúc và vẹn toàn. (a happy and fulfilled life).
Khi đã hiểu rõ về mình và đại khái có định hướng mình muốn trở thành người như thế nào, thì việc còn lại là lên kế hoạch, kiên trì, quyết liệt và kỉ luật trong việc thực thi để chuyển hoá từ mình hiện tại đến hình ảnh con người lý tưởng của mình trong tương lai. Giống như con nhộng phá kén để thành bướm, chuyển hoá là một quá trình lâu dài, chông gai và có thể cả đau đớn nữa, nhưng tôi chắc chắn rằng khi bạn đã trong quá trình chuyển hoá và khi nhìn lại, bạn sẽ tìm thấy niềm vui và thoả mãn vì bạn đã bắt đầu hành trình này.
Và nhân dịp năm mới, tôi xin chúc các bạn có được sự quyết tâm và kiên định trên hành trình chuyển hoá bản thân của chính mình