Bangkok cải biến toa xe lửa cũ thành trung tâm cách ly Covid-19

386
Cảnh sát Bangkok đang kiểm tra các toa xe chở bệnh nhân nhiễm Covid nhẹ từ Bangkok về các tỉnh. Thái Lan là nước thứ hai sau Ấn Độ cải biến toa xe lửa thành bệnh viện dã chiến chữa trị Covid-19. Ảnh: EPA/EFE
Tiêu điểm

Bangkok cải biến toa xe lửa cũ thành trung tâm cách ly Covid-19

Chính quyền thủ đô Bangkok đã cải tạo 15 toa xe lửa không sử dụng thành trung tâm cách ly 240 chỗ dành cho các bệnh nhân không triệu chứng hoặc các triệu chứng nhẹ – theo thông cáo của Tòa Thị chính Bangkok.
Phòng tắm và phòng vệ sinh sẽ được xây dựng bên ngoài toa xe. Trung tâm cách ly sẽ bắt đầu tiếp nhận người bệnh từ ngày 30/7 tới. Tòa Thị chính Bangkok nói chính quyền địa phương đang tìm cách tăng số giường dành cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Đợt bùng phát Covid lần thứ ba ở Thái Lan đã khiến các bệnh viện ở Bangkok và vùng phụ cận quá tải. Số ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 28/7 là 16.533 ca, 133 người tử vong.
Một bệnh viện dã chiến 5.000 chỗ đang được hình thành cấp tốc tại nhà ga mới hoàn thành tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi và sẽ mở cửa đón bệnh nhân từ đầu tháng 8. Một bệnh viện dã chiến khác 1.800 chỗ cũng đang được hình thành tại kho hàng bỏ trống ở sân bay quốc tế Don Muang. Tòa Thị chính Bangkok cũng nói rằng sẽ gấp rút mở 53 trung tâm cách ly cộng đồng ở Bangkok trong tháng 8, nhằm cung cấp chỗ cho các bệnh nhân nhẹ không có điều kiện tự cách ly tại nhà. 
Để giảm áp lực cho các bệnh viện Bangkok, chính phủ Thái Lan đã dùng xe lửa để đưa các bệnh nhân nhẹ từ Bangkok về quê nhà của người bệnh. Sau Ấn Độ, Thái Lan cũng là nước thứ hai có “sáng kiến” sử dụng toa xe lửa làm bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân Covid.
Nhà chức trách địa phương và chính phủ trung ương đang đối đầu với làn sóng chỉ trích do tốc độ triển khai tiêm chủng diễn ra quá chậm chạp. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu người trong tổng dân số 66 triệu cuối năm nay, nhưng hiện chỉ 5,6% dân số tiêm đầy đủ hai mũi và 18,9% đã tiêm một mũi.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,5 – 57,2 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 100 ngàn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu là 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.802,4 USD/ounce, tăng 4,9 USD, tương đương 0,27% so với chốt phiên trước. Việc đồng USD suy giảm đã giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.
2/ Hàng ngàn hộ nông dân ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi 657 ha đất chuyên trồng mía đường sang trồng cỏ nuôi bò. Được biết, đây là mô hình chuyển đổi vừa dễ sản xuất vừa cho thu nhập ổn định với mức từ 170 – 200 triệu đồng/ha mỗi năm. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết hiện địa phương đang phát triển nghề chăn nuôi bò, dê khá mạnh. Tổng đàn bò của toàn huyện tính đến tháng 6/2021 có hơn 39.260 con. Do nhu cầu thức ăn cỏ xanh cho bò, dê khá lớn nên nhiều hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại đang thu mua cỏ với giá từ 1.000 – 1.100 đồng/kg. Vì vậy, nhiều hộ dân ở vùng mía nguyên liệu đã mạnh dạn chuyển hầu hết diện tích đất mía bị bạc màu, ngập úng, nhiễm phèn sang trồng cỏ để bán cho các hộ chăn nuôi bò và dê. Bình quân, nông dân trồng 1 ha cỏ bán với giá 1.000 đồng/kg, cho mức lợi nhuận từ 120 – 140 triệu đồng/năm.
3/ Thời gian vừa qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Bắc Âu tiếp tục khởi sắc. Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho biết, Hiệp định CPTPP, EVFTA và sắp tới là RCEP đã và sẽ tạo lợi thế cạnh tranh mới cho Việt Nam về cả thương mại và đầu tư. Trong đó, thị trường Bắc Âu được dự báo sẽ tăng nhu cầu tiêu dụng hàng hóa, xuất nhập khẩu trung bình năm 2021 sẽ tăng khoảng 5%, riêng Iceland tăng khoảng 17% và đây là cơ hội lớn cho việc tiếp cận, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt Nam. Được biết, trái cây, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may và da giày là 6 ngành hàng được Thương vụ Việt Nam tại thị trường Thụy Điển, kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu đẩy mạnh quảng bá thông qua trang web tiếng Anh của Thương vụ.
4/ Infographic: 16,7 tỷ USD vốn FDI ‘chảy’ vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021
Nguồn: TTXVN
5/ Vissan đã xin ngưng hoạt động trong 3-4 tuần để đưa F0 đi cách ly tập trung, còn các F1, F2 sau khi theo dõi nếu đủ điều kiện có thể quay lại công việc. Sau khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” từ 28/6 và liên tục xét nghiệm cho nhân viên, đến ngày 17/7, công ty phát hiện có 4 ca F0 và đã đưa đi cách ly tập trung. Đến ngày 20/7, có thêm 20 ca nhưng các ca này đều cách ly tại công ty. Từ ngày phát hiện ca nhiễm đến nay, có nhiều ca F1 đã thành F0 và F2 chuyển lên F1. Đến ngày 23/7, Vissan có 43 ca nhiễm Covid-19. Theo đó, ngày 28/7, công ty đã chính thức ngừng giao hàng tới các hệ thống siêu thị và cửa hàng. Những năm trước đây, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo, trong đó, lượng heo giết mổ hàng ngày tại các nhà máy của Vissan đạt 1.000 con.
6/ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) đã thông báo sẽ phân bổ 121 triệu USD nhằm thúc đẩy tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở các cộng đồng chưa được tiếp cận vaccine trên khắp nước Mỹ, giữa bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tại quốc gia này đang chậm lại trong khi số ca nhiễm mới lại tăng cao do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Theo đó, HHS sẽ phân bổ số tiền trên từ Kế hoạch giải cứu nước Mỹ  cho hơn 100 tổ chức ở cộng đồng để thúc đẩy việc tiêm chủng ở các khu vực chưa được tiếp cận vaccine. Ngoài ra, số tiền nảy cũng sẽ được sử dụng nhằm thúc đẩy sự cộng tác giữa các tổ chức nghiên cứu và tổ chức ở địa phương để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng ở các quận nông thôn, cũng như sự cộng tác của người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Latinh và Bộ lạc.
7/ Theo Ngân hàng Trung ương (BOK) Hàn Quốc, GDP Hàn Quốc quý 2 đã tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức nhanh nhất kể từ quý 4/2010. So với quý đầu năm, kinh tế quý 2 của Hàn Quốc tăng 0,7%. Theo BOK, kết quả trên nhờ sự gia tăng tiêu dùng tư nhân đối với cả hàng hóa và dịch vụ khi tốc độ tiêm chủng tăng nhanh. Đồng thời, chính phủ cũng đã tăng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, theo BOK, nền kinh tế vẫn gặp những thách thức nhất định. Ngoài ra, cách đây một tháng, Hàn Quốc cũng đã nâng dự báo GDP năm nay lên 4,2%, mức tăng trưởng nhanh nhất trong 11 năm, so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2020 là 3,2%. Được biết, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua khoản ngân sách bổ sung 34.900 tỷ won (30,2 tỷ USD) vào hôm 24/7 để trả 250.000 won “trợ cấp thảm họa” cho mỗi người, ngoại trừ những người có năng lực tài chính cao và sở hữu nhà đắt tiền.
8/ Theo dữ liệu do Hiệp hội Môi giới quốc gia Mỹ (NAR) vừa công bố, giá bán trung bình một ngôi nhà ở nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục 363.300 USD vào tháng 6 vừa qua nhờ nhu cầu cao đã chấm dứt chuỗi suy giảm doanh số trong 4 tháng qua. Số liệu của NAR cho biết với doanh số bán nhà tăng 1,4% vào tháng trước, giá bán trung bình một ngôi nhà đã tăng 23,4% so với mức 294.000 USD trong cùng kỳ năm ngoái, chỉ thấp hơn 0,2% so với mức tăng kỷ lục theo năm vào tháng 5. Được biết, do tình trạng thiếu gỗ trầm trọng và các vấn đề về nguồn cung ngắn hạn khác đã khiến giá nhà ở thậm chí tăng cao hơn vào đầu năm nay, doanh số bán hàng bắt đầu hạ nhiệt nhưng vẫn ở trên mức trước đại dịch. Giá nhà tăng mạnh đã tạo thuận lợi cho những người có nhu cầu bán nhà, nhưng cũng dẫn tới những cảnh báo từ các nhà kinh tế và những người ủng hộ nhà ở giá rẻ.
Giá nhà tại Mỹ tăng lên mức 363.300 USD. Ảnh: TTXVN
9/ Facebook sẽ dành 1 tỷ USD từ nay đến cuối năm 2022, để đầu tư cho các đơn vị sản xuất nội dung mạng xã hội nhằm cạnh tranh vị trí đứng đầu của TikTok, đã đạt 3 tỷ lượt tải xuống trên toàn thế giới. Facebook cho hay khoản đầu tư này sẽ bao gồm khoản tiền thưởng trả cho những người sáng tạo nội dung khi các chương trình của họ đạt được các mốc nhất định trên các ứng dụng của Facebook, trong đó có cả ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram. Facebook cũng sẽ tài trợ cho những người dùng để sản xuất nội dung. Facebook cho biết những người sáng tạo video và các game thủ sẽ nhận được tiền thưởng hằng tháng nếu họ kiếm được nhiều sao, một hình thức tiền “tip” kỹ thuật số, từ người hâm mộ/người theo dõi trong thời gian phát sóng trực tiếp video.
10/ Công ty ISA Interchile của Chile thông báo đã phát hành lượng trái phiếu xanh trị giá 1,2 tỷ USD với thời hạn 35 năm, nhằm tái cấp vốn cho dự án đường dây truyền tải điện 2×500 kV Cardones-Polpaico, một cơ sở hạ tầng “then chốt” trong mục tiêu ngừng sử dụng than đá để sản xuất điện vào năm 2040 của Chile. ISA Interchile cho biết số cổ phiếu quốc tế trên đã được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore với xếp hạng “BBB +” từ hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings và “Baa1” từ Moody’s. Theo bảng xếp hạng của Fitch Ratings, các doanh nghiệp được xếp hạng BBB+ thì được coi là doanh nghiệp hạng trung, đạt yêu cầu ở cấp đầu tư. Còn theo bảng xếp hạng của Moody’s, Baa1 là mức xếp hạng tín nhiệm cao thứ 8 trong cấp đầu tư.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bữa tối mới lạ với Duy Anh Foods