Bao bì tái chế là yêu cầu mà doanh nghiệp phải tuân theo

120
Ngày 22/12, Hội DN HVNCLC phối hợp cùng Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Xu hướng mới trong đóng gói, bao bì – thị trường nội địa và xuất khẩu”. Chương trình thu hút sự quan tâm của hơn 100 doanh nghiệp Việt.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Như Khuê – Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ hóa nhựa Bông Sen cho hay, về bao bì, đầu tiên phải bảo quản được sản phẩm một cách hiệu quả nhất, với chi phí thấp nhất và mang thông điệp về sản phẩm, về nhà cung cấp đến khách hàng.
Khi nói tới các trào lưu của thế giới, ông Khuê phân tích rằng, tiêu thụ nhiều sẽ sinh ra nhiều chất thải, rác thải. Đến lúc nào đó chúng ta sẽ không thấy được tính ưu việt của bao bì mà chỉ thấy rằng đó là một vấn đề nan giải phải giải quyết.
“Do đó, bao bì phải có tính bền vững, nghĩa là doanh nghiệp cần tiêu thụ tài nguyên một cách ít nhất có thể trong sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiêu dùng… dùng nguyên liệu với năng lượng ít nhất, phát thải khí CO2 ít nhất”, ông Khuê nói.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Khuê, ngày nay con người chú ý đến vấn đề của nền kinh tế tuần hoàn. Thực tế đã có những quy định về việc có bao nhiêu phần trăm trong bao bì phải tái sinh lại. Cách đây hơn 10 năm, người ta nói đến bao bì phức hợp, nhưng ngày nay loại bao bì này dần sẽ bị tẩy chay, hay khi đóng gói ở những trọng lượng nhỏ, dầu gội đầu, sữa tắm … vừa tốn nguyên liệu, khó thu gom để tái sinh, nguy cơ trôi ra sông, biển rất nhiều.
Do đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia thải rác thải ra đại dương nhiều nhất, mặc dù lượng dùng không nhiều. Đó là do xử lý không đúng, không theo tiêu chuẩn, ông Khuê nhìn nhận.
Ông Nguyễn Như Khuê – Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ hóa nhựa Bông Sen
Ông Trần Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn
Trong khi đó, theo ông Trần Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn cho rằng, quan điểm mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng và chung một tư tưởng là kinh tế tuần hoàn. Hiểu đơn giản là phải tái sử dụng được tất cả những sản phẩm, và bao bì nằm trong chuỗi đó.
Ông Việt Anh cho hay, tới đây, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ra những luật về quy định về tái chế và tài chính cho tái chế. Điều này theo đúng cam kết của Việt Nam là đến năm 2050 tại COP20 là đưa CO về bằng không.
Ông Việt Anh khuyến nghị, chúng ta cần nhìn ra thế giới, xem họ có những phong trào gì liên quan đến bao bì tái chế, nhất là những nước thành viên của COP, đó là những thành viên tiêu biểu. Họ không đưa ra lời khuyên, mà là đưa vào luật. Với Việt Nam tôi nghĩ rằng, những thứ liên quan đến kinh tế tuần hoàn, môi trường, tái chế… nên quy về luật, có thưởng, có phạt.  Với những doanh nghiệp không đạt chuẩn khi tham gia vào các FTA và kinh tế tuần hoàn, theo ông Việt Anh, “họ sẽ không thể tham gia xuất khẩu được và trong nước cũng rất khó. Chúng ta không nên xây dựng kiểu như làm chuẩn xuất khẩu nhưng trong nước lại làm theo chuẩn khác”.
Còn theo Bà Nguyễn Thị Xuân Yến – Nhà nghiên cứu về phát triển bền vững, cho rằng thiết kế bao bì phải kể được câu chuyện bền vững và cam kết của thương hiệu, cũng như giá trị cốt lõi của thương hiệu. Qua đó, người tiêu dùng sẽ trải nghiệm sự tiện lợi và thấu hiểu vấn đề giải pháp bao bì bền vững, tuyên ngôn tính cách của người dùng phong cách.
Cũng theo bà Yến, hiện nay, các nước khi sử dụng sản phẩm thường chú trọng công năng của bao bì, tiện nghi cho người dùng, phòng chống độc hại xâm nhập, cố gắng sử dụng chất liệu tái chế hơn là nguyên chất; đồng thời ưu tiên hiệu quả và tương thích với hệ thống tái chế, tái sử dụng và xử lý rác tại địa phương.
Cập nhật thêm tại hội thảo, bà Huỳnh Thị Mỹ – Tổng thư ký Hiệp Hội Nhựa Việt Nam, đưa ra thông tin và khuyên doanh nghiệp cần chú ý, theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì sẽ có trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc theo lộ trình của Chính phủ quy định. Trong đó, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì sẽ được nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm gồm pin-ắc quy, săm lốp, dầu nhớt và bao bì (bao bì thương phẩm của thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú, chất tẩy rửa, xi măng thương phẩm) thực hiện từ ngày 1/1/2024.
Tùy theo các ngành nghề mà tỉ lệ tái chế có quy định theo phần trăm cụ thể, bà Mỹ nói

Một số hình ảnh tại sự kiện:

Bà Huỳnh Thị Mỹ – Tổng thư ký Hiệp Hội Nhựa Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Xuân Yến – Nhà nghiên cứu về phát triển bền vững
Bài, ảnh: Trần Quỳnh