Báo Mỹ viết gì về nữ tỉ phú đầu tiên của Việt Nam?

458
Nguyễn Thị Phương Thảo - người sáng lập kiêm CEO hãng hàng không tư nhân VietJet

Trong bài viết “Hàng không giá rẻ cất cánh ở Việt Nam nhưng không còn người mẫu áo tắm”, báo The Wall Street Journal ngày 19.5.2017  giới thiệu bà Nguyễn Thị Phương Thảo,  nhà sáng lập-tổng giám đốc hãng bay giá rẻ VietJet.

Tờ báo ghi nhận VietJet – bắt đầu hoạt động năm 2011 – nổi tiếng từ vụ đưa một số người mẫu mặc áo tắm hai mảnh lên các chuyến bay của hãng để quảng cáo.  Bà Thảo kể: “Lần đầu chúng tôi làm thế, đã bị Cục hàng không dân dụng phạt 1.000 USD. Đó là một cách quảng cáo sôi động, vui tươi và rẻ tiền cho những điểm đến tắm biển mới”.

VietJet cũng đưa người đến một sân bay Đài Loan để múa minh họa cho ca khúc “Happy” của ca sĩ Pharrell Williams, phát hành các video nhạc có sự tham gia của những nhân viên mặt đất.

Theo báo The Wall Street Journal, hồi tháng 3.2017, bà Phương Thảo thu hút sự chú ý vì một lý do nghiêm túc hơn: VietJet vượt qua hãng hàng không quốc gia VietNam Airlines về vốn thị trường, đạt đến mức định giá 1, 8 tỉ USD. Từ con số này, bà Phương Thảo trở thành nữ tỉ phú đầu tiên của Việt Nam.

Tờ báo giới thiệu bà Phương Thảo là một phụ nữ 46 tuổi, nói năng nhỏ nhẹ. Bà học giỏi và từng du học tài chính-kinh tế ở Moscow, sau đó ở lại Nga buôn bán hàng hóa giữa Đông Âu với châu Á.

Vào những năm 2000, bà Phương Thảo trở về Việt Nam, bắt đầu đầu tư vào thi trường bất động sản ở thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là ở một vùng thưa thớt dân cư phía nam sông Sài Gòn. Khi khu vực này phát triển thành những khu dân cư, bà Phương Thảo kiếm được đủ tiền để nhảy vào lĩnh vực hàng không.

Kế hoạch ban đầu của bà Phương Thảo là lập một hãng bay hạng sang cạnh tranh với hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cũng ảnh hưởng đến Việt Nam, bà bắt đầu nghiên cứu các hãng bay giá rẻ như Southwest Airlines (trụ sở ở Mỹ), Ryanair (Ireland) và AirAsia (Malaysia) trước khi lập hãng bay giá rẻ VietJet hồi năm 2011.

Theo hai quan chức ngành hàng không nói với báo The Wall Street Journal, ban đầu VietJet bị phản đối. Khi ấy, hãng phải chờ đến khi các chuyến bay VietNam Airlines được cấp chỗ đậu thì VietJet mới có thể “nhả” hành khách của họ. Một người biết chuyện nói: “Vietnam Airlines luôn được ưu tiên, VietJet cũng phải chờ các nhân viên đài kiểm soát không lưu và dịch vụ bảo trì”.

Tại Hội nghị trung ương 5 mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi “dẹp bỏ mọi thành kiến và rào cản” đối với lĩnh vực tư nhân. Các quan chức ngành hàng không nói họ đối xử bình đẳng đối với các hãng bay nhà nước và tư nhân, phối hợp với VietJet để phát triển ngành bay và từ đó giúp ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng. Bà Phương Thảo khẳng định: “Họ rất ủng hộ chúng tôi”.

Các chuyên gia phân tích của Centre for Aviation (CAPA, một tổ chức cung cấp dữ liệu,phân tích thị trường hàng không thế giới) dự báo VietJet sẽ sớm vượt qua VietNam Airlines để trở thành hãng bay nội địa lớn nhất Việt Nam.  Hoạt động quốc tế của VietJet cũng phát triển, phần nào nhờ nguồn khách du lịch đến Việt Nam tăng 30 % trong quý 1 năm 2017. Trong quý này, VietJet chuyên chở 3,7 triệu lượt hành khách, tăng 29 % so với cùng kỳ năm 2016, giúp có doanh thu hơn 44 % đạt 5 ngàn tỉ đồng (219 triệu USD).

VietJet hiện lên kế hoạch đề nghị chính phủ Việt Nam nâng mức trần cổ phần nước ngoài từ 30 % lên 49 %, trong kế hoạch dài hơi niêm yết cổ phần của hãng ở nước ngoài và có thêm tiền để đáp ứng nguồn cầu đang tăng.

Hồi tháng 5.2016, VietJet cũng đặt hàng trị giá 11 tỉ USD với hãng sản xuất máy bay Boeing Co (Mỹ) để mua 100 chiếc máy bay 737 Max 200, sau khi đã đặt mua 20 chiếc Airbus A321 của Airbus, điều cho thấy tầm quan trọng của các hãng bay giá rẻ thế hệ mới của châu Á đối với các hãng sản xuất máy bay.

Vietnam Airlines cũng không chịu đứng yên, gần đây đã nhận 11 chiếc máy bay 787 Dreamliners  của Boeing,trong một nỗ lực thu hút hành khách đi làm ăn.

Thành quả của VietJet cũng là một minh họa tươi sáng về quyết tâm cải cách nền kinh tế Việt Nam của các nhà lãnh đạo. GDP của Việt Nam tăng 6,2 % trong năm 2016, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Vài năm qua, các nhà lãnh đạo Việt khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện dễ dàng cho các công ty tư nhân cạnh tranh với nhà nước. Tờ báo dẫn một người biết chuyện nói ý tưởng là để Việt Nam giảm lệ thuộc Trung Quốc: “Việt Nam cần tự thể hiện mình quan trọng với thế giới, nếu nước này muốn tránh rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc. Và đây là cách làm của chính phủ: thông qua thương mại, làm ăn”.

Các quan chức đầu tư giới thiệu những khoản miễn-giảm thuế, để thu hút các nhà sản xuất nước ngoài như Samsung Electronics Co đã tổ chức sản xuất ở Việt Nam. Việt Nam cũng tìm thêm những đối tác thương mại, gồm khối Liên hiệp châu Âu (EU) dù chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, người cùng hai anh em ruột điều hành một công ty sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Mọi sự đều đang tăng tốc, giấy phép cùng các loại giấy tờ khác được cấp nhanh hơn, giống như Mỹ”.

Trí Trần