Bảy siêu doanh nghiệp tỉ đô của Việt Nam

471
Tiêu điểm:
Bảy siêu doanh nghiệp tỉ đô của Việt Nam
Đây sẽ là những doanh nghiệp có tổng tài sản ít nhất gần 1 tỉ USD, thị phần chiếm ít nhất 30%, và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn (ROE) lớn hơn ít nhất 6 lần.
Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn đã đưa ra 7 cái tên lớn: Viettel, VNPT, MobiFone (thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin), Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN và Tập đoàn Dầu khí PVN (thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics) và Vietcombank (thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng).
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết các tiêu chí để xác định ngành, lĩnh vực để nghiên cứu thí điểm cơ chế, chính sách phù hợp là: có tính chất mở đường, dẫn dắt; hướng tới làm chủ công nghệ số; có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp và cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước.
Bên cạnh đó, 7 doanh nghiệp này đều có tổng tài sản trên 20.000 tỷ đồng, chiếm thị phần ít nhất 30%, bảo đảm các quy định về cạnh tranh, lợi nhuận trên vốn (ROE) lớn hơn 6 lần, mô hình quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc của OECD (Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế).
Những doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt và kết nối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, làm chủ được công nghệ, hình thành các chuỗi đổi mới sáng tạo, thích nghi với những xu hướng kinh tế mới. Một vài doanh nghiệp nhà nước sẽ được trao quyền hoặc giao nhiệm vụ để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,15 – 55,55 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch hai đầu vẫn là 400.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.731 USD/ounce, tăng 14,6 USD/ounce, tương đương 0,85% so với chốt phiên trước. Tổ chức nghiên cứu Capital Economics tại Anh đã hạ dự báo triển vọng giá vàng trong năm nay, thế nhưng nhấn mạnh rằng giá vàng sẽ sớm lập đáy và bật tăng trở lại.
2/ Vinamilk và Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) đã đạt thỏa thuận thành lập một liên doanh nhằm mục đích nhập khẩu, chế biến và bán các sản phẩm thịt bò tại Việt Nam. Vinamilk sẽ sở hữu 51% và Sojitz sẽ sở hữu 49% cổ phần trong liên doanh này. Theo Sojitz, mức tiêu thụ thịt bò hàng năm của Việt Nam hiện ở mức gần 500.000 tấn, gần bằng 1 nửa thị trường Nhật Bản và Sojitz dự kiến nhu cầu tiêu ​​sẽ còn tăng khi mức thu nhập và dân số Việt Nam gia tăng. Thông qua việc thành lập liên doanh này, hai bên cũng kỳ vọng  sẽ thu hút được khách hàng thông qua việc cung cấp các sản phẩm thịt bò chất lượng cao an toàn và đáng tin cậy cho thị trường Việt Nam. Điều này được cho là hoàn toàn có thể, khi Vinamilk sở hữu hàng loạt cửa hàng lớn rộng khắp Việt Nam.
Theo Sojitz, tiềm năng tiêu thụ thịt bò tại thị trường Việt nam rất lớn, gần bằng một nửa thị trường Nhật. Cụ thể mức tiêu thụ thịt bò của Việt Nam vào khoảng 500 ngàn tấn, trong khi Nhật là 1 triệu tấn.
3/ Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Liên bang Mỹ (USPTO) vừa cấp chứng nhận bảo hộ cho dòng sản phẩm sinh học phân huỷ hoàn toàn AnEco. Đây là thành công rất lớn của An Phát Holdings trong nỗ lực xây dựng và phát triển thị trường cho dòng sản phẩm xanh tại Mỹ. Việc đăng ký thành công nhãn hiệu tại Mỹ cho phép AnEco hoạt động tại nền kinh tế số một thế giới, không chỉ được pháp luật bảo hộ mà còn mở đường, tạo cơ hội rộng mở cho An Phát Holdings thực hiện các dự án hợp tác kinh doanh, đưa dòng sản phẩm sinh học phân hủy sinh học hoàn toàn AnEco đến được đông đảo người tiêu dùng Mỹ và thị trường Bắc Mỹ nói chung. USPTO quyết định bảo hộ AnEco trong vòng 10 năm và tiếp tục gia hạn trong thời gian sau đó. Với sự bảo hộ tại Mỹ, An Phát Holdings sẽ đẩy mạnh phát triển kinh doanh AnEco tại thị trường này trong thời gian gần tới.
4/ Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 với hàng loạt thay đổi trong chỉ số tài chính và kết quả kinh doanh của công ty so với báo cáo tự lập trước đó. Theo đó, sau đợt tăng vốn lên 10.500 tỷ đồng vào đầu tháng 2, tỷ lệ sở hữu trực tiếp của FLC tại Bamboo Airways đã giảm xuống 39,4%, không còn đủ tỷ lệ chi phối hãng hàng không này. Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2020, tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways vẫn là 51,29%, và hãng hàng không này vẫn được giới thiệu là công ty con của tập đoàn. Trong năm 2020 vừa qua, chịu tác động từ dịch Covid-19, hầu hết hãng hàng không trên thế giới và trong nước đều bị ảnh hưởng nặng. Bambo Airways cho biết hãng vẫn báo lãi 300 tỷ đồng với lượng khách vận chuyển tăng 40% và số chuyến khai thác tăng 41%.
5/ Trong tháng 2 vừa qua, VinFast đã bán ra tổng cộng 1.718 xe hơi, bao gồm 1.090 xe Fadil, 343 xe Lux A2.0 và 285 xe Lux SA2.0. Đây là kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn kinh doanh thấp điểm của thị trường xe hơi Việt Nam khi trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của VinFast trong tháng 2/2021 là mẫu xe Fadil với 1.090 xe bàn giao cho khách hàng. Hiện tại, VinFast vẫn đang đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đông đảo khách hàng trên cả nước. Hơn thế nữa, VinFast đã có dự định mở nhà máy tại Mỹ sau khi thành lập văn phòng nghiên cứu 50 thành viên tại San Francisco để chuẩn bị cho việc kinh doanh tại California vào năm 2022. Hãng cũng đã đang lên kế hoạch để bán hàng tại Canada và Châu Âu vào năm tới.
6/ Nhà sản xuất thức ăn thuỷ sản toàn cầu Skretting công bố kế hoạch xây dựng nhà máy mới tại Long An. Với khoản đầu tư trị giá 24 triệu euro (tương đương 28,5 triệu USD), nhà máy này được kỳ vọng sản xuất thức ăn chăn nuôi cho các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà máy mới đang bắt đầu được xây dựng này sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 100.000 tấn/năm. Skretting là công ty con của Tập đoàn Nutreco, bắt đầu tham gia thị trường Việt Nam 10 năm trước khi mua lại Tomboy Aquafeed JSC, một công ty thức ăn cho tôm và cá. Đây được coi là một phần của cam kết “nuôi trồng thuỷ sản ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á rộng lớn hơn” của công ty.
7/ Theo AP, ngân sách Mỹ thâm hụt kỷ lục khi chính phủ nước này mạnh tay chi cứu trợ đại dịch cao hơn cả mức thu nhập từ thuế. Thâm hụt ngân sách của chính phủ tính đến tháng 2/2021 đã vọt lên 1.005 tỷ USD, mức cao nhất mọi thời đại trong 5 tháng đầu của năm tài khóa, tăng mạnh 68% so với mức 624,5 tỷ USD cùng kỳ 2020. Với diễn biến này, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán, thâm hụt ngân sách năm tài khóa kết thúc vào 30/9 tới sẽ lên 2.300 tỷ USD. Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang, cho rằng, nếu các điều khoản trong kế hoạch cứu trợ 1.900 tỷ USD tiếp tục được gia hạn hoặc thực hiện vĩnh viễn, nợ quốc gia Mỹ có thể tăng lên 4.000 tỷ USD trong thập kỷ tới, gấp đôi so với con số 1.900 tỷ USD hiện nay.
8/ Greensill Capital đã tuyên bố mất khả năng thanh toán và bị đặt dưới sự giám sát của cơ quan chức năng, sau khi gặp phải nhiều khó khăn nghiêm trọng về tài chính. Giới phân tích cho rằng, việc chuyên cho các doanh nghiệp vay ngắn hạn thông qua các khâu phức tạp và mô hình kinh doanh không rõ ràng đã dẫn Greensill tới kết cục này. Sự sụp đổ của Tập đoàn tài chính của Anh này đã đe dọa 50.000 việc làm, đặc biệt là tại đế chế sản xuất thép GFG Alliance Group của tỷ phú người Anh gốc Ấn Sanjeev Gupta. Greensill hiện đang tìm kiếm các phương tiện bổ sung vốn lưu động để hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức công đoàn và người lao động nhằm xác định những cách hiệu quả nhất có thể hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì việc làm.
Greensill Capital đã tuyên bố phá sản khi không còn đủ khả năng chi trả nợ – Ảnh: BNN
9/ Ứng dụng thanh toán trực tuyến lớn nhất thế giới, Paypal, vừa chính thức tung ra một loại hình thanh toán mới “mua ngay, trả sau”, nhằm cạnh tranh với dịch vụ ngày càng phát triển của hai công ty công nghệ tài chính (fintech) là Afterpay và Zip ở Australia. Sản phẩm có tên gọi là Paypal “Pay in 4” hoạt động dựa trên cách thức cho phép người dùng trên hệ thống Paypal được phép chia nhỏ số tiền thanh toán cho các sản phẩm mà họ mua ra thành bốn lần trả góp không lãi suất bằng nhau. Chu kỳ thanh toán được thực hiện hai tuần một lần và chỉ áp dụng cho các giao dịch mua hàng có tổng giá trị từ 50-1.500 AUD (39,5 – 1.185 USD). Trước khi triển khai tại Australia, dịch vụ “Pay in 4” đã được Paypal tung ra ở Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp và dự kiến sẽ lần lượt được mở rộng thêm tại nhiều thị trường khác nhau trên toàn thế giới.
10/ Một nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng của Mỹ đã đưa ra một dự luật nhằm giúp các tổ chức xuất bản tin tức đàm phán tập thể với các nền tảng như Google và Facebook một cách dễ dàng hơn. Dự luật có tên “Đạo luật Bảo vệ và Cạnh tranh Báo chí năm 2021” được đưa ra không lâu sau khi nổ ra cuộc chiến gay gắt giữa mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook Inc và Chính phủ Australia về số tiền các nhà xuất bản tin tức nên thu được từ những nội dung tin tức của họ được chia sẻ trên nền tảng này. Dự luật mới sẽ cho phép các tổ chức xuất bản tin tức được hợp tác với nhau để đạt được các thỏa thuận tốt hơn từ Facebook và Google trong một khoảng thời gian kéo dài bốn năm, khi họ không phải tuân theo luật chống độc quyền. Dự luật được kỳ vọng có thể giúp thúc đẩy doanh thu cho ngành xuất bản tin tức.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Ngày 12.3: “Organic & Gis Market” mở cửa trở lại, Tọa đàm “nắm vững tiêu chuẩn trước các cơ hội thị trường mới”