Bệnh bất đồng

    112
    Bất đồng là căn bệnh của nhân loại, khoan dung là phương thuốc duy nhất” (Voltaire)
    Trong lúc đang theo dõi những tranh cãi về vụ “nuôi” của các “nghệ sĩ” với công chúng, có rất ít những ý kiến từ tốn, thận trọng, còn hầu hết là bị kích động. Thậm chí những ý kiến từ tốn cũng bị công kích và bị hiểu theo nghĩa “tối tăm” bởi người tiếp nhận như cũng đang trong cơn kích động.
    Nghệ sĩ thì mong manh dễ vỡ, còn công chúng thì bốc đồng, cảm tính, yêu ghét tùy lúc. Cái hậu cho những tính cách này cuối cùng là sự đổ vỡ và tiếc nuối mà thôi. Quay trở lại với điều tôi muốn nói ở lúc đầu, vậy thì sao? Tại sao nghệ sĩ và công chúng không thể có sự bình đẳng?
    Bởi vì những định kiến về nghệ sĩ ở xứ ta bấy lâu, khi kính tài thì công chúng tung hô, khi giận dữ thì dìm xuống bùn. Lúc si mê thì gọi nghệ sĩ là thiên tài, lúc không hài lòng thì gọi họ là “con hát”, “vô loài”…
    Còn nghệ sĩ thì ý thức rõ tài nghệ của mình, nên chỉ sống với vai diễn, đời thực thấy bạc bẽo, giả dối, lại càng có lúc khinh thường. Và khi bị coi thường, họ cũng có thể vất bỏ tất cả để khép kín, dù phải chết trong đói khát. Nhưng nghệ sĩ thời nay khác. Họ thức thời, họ hiểu không có tiền, không có danh thì rất khó sống đời bình thường. Họ biết tận dụng tài năng của mình, xem đó như là một cái nghề mà “tổ nghiệp đãi” để sống. Vậy thì cũng như bao nghề khác, có gì mà “vô loài”, có gì mà “cao sang”?
    Nếu hiểu như vậy, liệu có còn những lời qua tiếng lại. Ai cũng có nghề để kiếm sống. Một danh họa Việt Nam nói với tôi: “Nghề của anh cũng như người nông dân ra đồng mỗi sớm, làm việc gì cũng phải tận tâm tận lực, chẳng có gì ghê gớm cả. Một ngày không cầm cọ, ngày đó bứt rứt, khó chịu, bất an. Vì vậy, người nghệ sĩ hay người công nhân, nông dân là như nhau. Tất cả đều phải lao động, làm việc để tồn tại”. Quay trở lại với vấn đề tôi nêu ra từ đầu, thêm câu hỏi nữa: vậy liệu có những người phải sống dưới sự ban ơn của người khác? Rất tình cờ đọc được một tiểu phẩm của Phan Khôi có tựa Văn sĩ nghèo, xin giới thiệu cùng các bạn một đoạn về cái sự nghèo đó và người ta đã sống ra sao với nó:
    “Cái giống văn sĩ nó hay nghèo. Lạ làm sao, cái sự xấu số đó đời xưa đời nay, bên Đông bên Tây đều thường thường như vậy, tình cờ chẳng hẹn mà giống nhau.
    Ông Diderot là người chủ nhiệm biên tập bộ Bách khoa từ điển nước Pháp, cả đời vẫn ở trong cái cảnh khốn cùng tịch mịch. Hồi già lại, sạch trơn không còn có tiền xài, ông bèn vơ vét bao nhiêu sách mua được bấy lâu đem ra bán. Có duyên làm sao lại gặp được bà Cathérine II, hoàng hậu nước Nga, bà bỏ tiền ra mua hết sách của ông, mà lại còn để cho ông được cái quyền lợi riêng, là khi nào muốn lấy những sách ấy lại mà xem cũng được. Khoái cha chả là khoái! Ông Diderot chẳng quản tuổi già lụm cụm, lặn lội từ bên Pháp qua đến nước Nga để cảm ơn Hoàng hậu Cathérine II.
    An Nam mình cũng có một vài ông văn sĩ nghèo khổ. Thế nhưng chưa hề nghe nói ông nào bán sách, vì các ổng có sách đâu mà bán. Không chừng các ổng lại còn nghèo hơn ông Diderot nữa, nên không có sách.
    Mà nếu các ổng có sách đem bán chăng nữa, và nếu có bà nào như bà Hoàng hậu Cathérine II đã mua rồi còn cho riêng cái quyền lợi được đọc lúc nào thì đọc chăng nữa, là các ổng cũng chẳng cất thân đi cảm ơn như ông Diderot làm chi cho mệt. Vì bán được, có tiền bỏ túi mà xài, ấy là đủ cho các ổng rồi, còn cái quyền lợi đặc biệt kia, các ổng có cần dùng gì đến ở đâu. Nói làm vậy thành ra mấy ông văn sĩ An Nam chẳng hề mua sách mà cũng chẳng hề xem sách, mấy ổng nghe được, mấy ổng giận chết, không nên! Lại còn tài học như ông Diderot, thế mà suốt đời không được cử vào làm một chưn hội viên trong Quốc gia học hội nước Pháp, người ta bảo rằng ấy là tại cái học thuyết của ông Diderot phản đối với nhà vua, nên nhà vua không ưa.
    Ở An Nam mình lại khỏi lo điều ấy. Nhứt là mấy ông văn sĩ “gộc” thì ông nào cũng có vài ba chưn hội viên là ít. Nhiều người thấy vậy, nói rằng tại cái học thuyết của mấy ổng không hề phản đối với ai; nhưng có biết đâu rằng mấy ổng có học thuyết rùa mốc gì đâu mà nói là phản đối hay không phản đối.
    Thế nhưng mấy ông gộc nầy dễ chịu ơn ông Diderot nhiều lắm, vì những chưn hội viên ấy nó làm cho mấy ổng lần lần thoát được cái nghèo.
    Nguồn: Trung Lập, Sài Gòn, s.6138 (3.5.1930)”
    Đọc để thấy, cuối cùng, nghệ sĩ, văn sĩ, được đãi ngộ hay “tẩy chay” cũng là ở cái sự rất cảm tính của con người. Vậy thì có gì phải bàn cãi. Tất cả chúng ta đều cùng tự thắp đuốc mà đi cả, miễn là tận lực, tận tâm với nghề của mình.
    Diên Hải (Theo TGHN)
    Gas South không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm