Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh: Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới cho ĐBSCL

201
Trong 5 năm tới, Cần Thơ sẽ xây dựng, phát triển, sớm trở thành trung tâm động lực vùng ĐBSCL – Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, khẳng định quyết tâm của thành phố – Thủ phủ tây Nam bộ.
Điểm nhấn trong tương lai
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Mạng lưới liên kết ABCD Mekong chuẩn bị diễn đàn Mekong connect 2020, Bí thư TP.Cần Thơ Lê Quang Mạnh đã chia sẻ tầm nhìn rất quan trọng về công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh khi nói về khí hóa lỏng (LNG) và hệ thống logistics.
Cần Thơ từng là nơi đầu tiên lập bản đồ phân phối trên nền tảng số hóa, là nơi đề xuất ý tưởng phát triển logistics hàng không và là nơi được quy hoạch trung tâm logistics hạng II, những lĩnh vực này là mãnh đất màu mỡ cho ứng dụng công nghệ hiện đại.
Bộ Công Thương khẳng định việc xây dựng trung tâm logistics ở Cần Thơ là phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Để xây dựng một trung tâm logistics, cần tiến hành năm bước. Trong đó, ba bước đầu liên quan đến việc lựa chọn, khảo sát vị trí. Cần Thơ đã xác định được một vị trí với quy mô trên 240 héc ta dành cho xây dựng trung tâm logistics , đã có căn cứ pháp lý và cơ sở lý luận thực tiễn. Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) – đơn vị tư vấn xây dựng – cho rằng trung tâm logistics phải là nơi tập hợp, tham gia của các công ty logistics khác nhau, trong đó có một hoặc một số công ty đóng vai trò là chủ sở hữu và một số khác đóng vai trò thuê cơ sở hạ tầng để thực hiện dịch vụ logistics.
Hoạt động của Trung tâm này đòi hỏi nơi kinh doanh dịch vụ logistics tích hợp, nhiều dịch vụ được cung cấp tạo thành chuỗi khép kín. Và, không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ thu mua, lưu kho, bảo quản, vận tải, giao nhận, mà còn cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng khác như đóng gói, dán nhãn, lắp ráp, thu hồi để hướng tới hoạt động kết nối chuỗi giá trị sản phẩm. Trung tâm logistics cũng là nơi kết nối giao thông thuận tiện với vùng hậu phương, tiền phương và đảm bảo kết nối với các phương thức vận tải biển, thủy nội địa và hàng không.
Theo VLI, với kết nối giao thông, vị trí chiến lược và khả năng cung cấp nguồn nhân lực, thì rõ ràng chọn Cần Thơ để xây dựng trung tâm logistic là hết sức cần thiết và khả thi trong trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, còn bước 4 và 5 là rất quan trọng vì cần lập dự án, phương án xây dựng, kế hoạch quản lý điều hành, kế hoạch kinh doanh và triển khai kế hoạch thực hiện để đảm bảo mục tiêu đề ra.
Là một trong 4 sáng lập viên Mạng lưới liên kết ABCD Mekong, các doanh nghiệp Cần Thơ gắn bó với chương trình HVNCLC và sinh hoạt của các Start up. Trong 5 năm 2016 – 2020, thành phố có thêm 7.115 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 46.858 tỷ đồng, gấp 1,42 lần số lượng doanh nghiệp và gấp 1,98 lần số vốn đăng ký so thực hiện giai đoạn 2011 – 2015. 
Năm 2020, có thêm 1.500 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 12.500 tỷ đồng, tăng 37,3% về số lượng doanh nghiệp và tăng 293,08% về số vốn đăng ký so với năm 2015; nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 9.300 doanh nghiệp và 2.050 chi nhánh, văn phòng đại diện, quy mô vốn bình quân là 11 tỷ đồng/doanh nghiệp, chiếm 26% số doanh nghiệp toàn vùng ĐBSCL.
Hiện nay các liên kết, hợp tác giữa TP.Cần Thơ với các tỉnh, các thành phố khác, các Viện, trường trên nhiều lĩnh vực: công nghiệp, thương mại – dịch vụ, thông tin và truyền thông, văn hóa, thể thao và du lịch,,y tế; lao động – thương binh và xã hội, tài nguyên và môi trường, quốc phòng – an ninh…
Các mối quan hệ hữu nghị và ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ, các đối tác của các nước như: Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary, Bungary, New Zealand… trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch – khách sạn, thương mại, giáo dục, đầu tư, y tế, khoa học công nghệ, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế, tiếp thu tri thức, nhất là tri thức về quản lý, khoa học công nghệ.
Cần Thơ có Vườn ươm công nghệ – công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc phục vụ sản xuất nông nghiệp, đổi mới sáng tạo cho Thành phố và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ thực tế sinh động, việc nghiên cứu ban hành các chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực logistic và những lĩnh vực khác, việc coi trọng nguồn nhân lực đổi mới, sáng tạo được xem là tiền đề căn bản để Cần Thơ có thêm nguồn lực mới, khẳng định vị thế trung tâm động lực của vùng ĐBSCL.

Vai trò kết nối
Năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tình hình thực tiễn. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45, ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59 về xây dựng và phát triển Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo tính kế thừa, phát triển, có tính khả thi cao cho nhiệm kỳ 2020-2025 và giai đoạn tiếp theo.
Cần Thơ đang cố gắng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực nội tại để phát triển những ngành, lĩnh vực tạo sức lan tỏa, dẫn dắt cả vùng, thúc đẩy sự liên kết trong vùng, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân, là thành phố xanh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam Bộ, là trung tâm của vùng trên một số lĩnh vực quan trọng.
Trách nhiệm của Cần Thơ trong thúc đẩy liên kết vùng, chủ động tổ chức liên kết với các tỉnh ĐBSCL và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Cần Thơ đẩy mạnh phối hợp, gắn kết, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; đào tạo, thu hút, tạo việc làm; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng tham gia liên kết vùng để hội nhập quốc tế – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng gợi mở.
Để có cơ sở định hướng cho phát triển, theo Chủ tịch Quốc hội, Cần Thơ cần sớm triển khai có hiệu quả Quy hoạch TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái, văn minh và hiện đại (thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị mới ở một số quận trong giai đoạn 2020-2025), là đô thị hạt nhân của cả vùng ĐBSCL.
Coi biến đổi khí hậu vừa là thách thức vừa là cơ hội để thành phố thể hiện vai trò trung tâm vùng, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương khác trong vùng – Cần Thơ phải là hình mẫu ở khu vực Tây Nam Bộ trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phát triển nhanh và bền vững TP.Cần Thơ trên cơ sở phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, cung cấp đầu vào, đầu ra cho chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ của toàn vùng. Xác định công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản là mũi nhọn của ngành công nghiệp. Cần Thơ không chỉ là một cực tăng trưởng của cả vùng ĐBSCL và cả nước, mà còn đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Những con số mục tiêu
Giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn 2030, TP.Cần Thơ đề ra 17 chỉ tiêu kinh tế – xã hội, trong đó có 8 chỉ tiêu về kinh tế, 6 chỉ tiêu về xã hội, 2 chỉ tiêu về môi trường và 1 chỉ tiêu về an ninh – quốc phòng.
Tăng trưởng kinh tế đạt 7,5 – 8%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 145-160 triệu đồng (tương đương 6.200-6.800 USD). Cơ cấu kinh tế của thành phố đến năm 2025: Khu vực nông nghiệp, thủy sản chiếm 5,6 – 5,9% – khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 33,7 – 34% – dịch vụ chiếm 54,1 – 54,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,9 – 5,95% trong cơ cấu GRDP; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân 10 – 12,5%/năm; tỷ lệ thu ngân sách/GRDP bình quân 12 – 14% GRDP/năm;tốc độ tăng năng suất lao động tăng 11 – 15%/năm; tốc độ đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị đạt 12 – 13%; tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm đạt 35 – 40%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 76%…
Trước đó, giai đoạn 2016-2020, Cần Thơ có 6 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, gồm tỷ lệ huy động học sinh đến lớp đúng độ tuổi, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, công nhận xã nông thôn mới, tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch và tỷ lệ thu gom chất thải rắn.
Định vị nguồn lực
“Cần Thơ cần bứt phá đi lên, tạo động lực cho cả vùng”; “TP.Cần Thơ phải hướng đến an toàn, thịnh vượng và là trung tâm của ĐBSCL”…là những mong muốn, kỳ vọng của nhiều lãnh đạo, người dân và cả chuyên gia trong và ngoài nước.
Bà Lauren Sorkin, giám đốc Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Chương trình 100 RC do Quỹ Rockefeller tài trợ, cho biết: Cần Thơ là một thành phố phát triển nhanh chóng và đóng vai trò dẫn đầu trong việc tăng cường khả năng chống chịu đô thị tại khu vực ĐBSCL – Xoay quanh 4 lĩnh vực như: Sức khỏe và phúc lợi, hạ tầng và môi trường, kinh tế và xã hội, chiến lược, chính sách. Đây là kế hoạch chống chịu đô thị đầu tiên cho thành phố phát triển nhanh của khu vực ĐBSCL.

Vân Anh tổng hợp (Theo Kỷ yếu Mekong Connect 2020)