Bò ‘thả vườn’ bán qua mạng đắt như tôm tươi

    731
    Bà Becky Harlow Weed vẫn hàng năm cung cấp thịt bò “thả vườn” cho công ty khởi nghiệp Crowd Cow.

    Dịch vụ internet này giúp nhà nông nhỏ lẻ bán được cả con bò xả thịt theo từng đơn đặt hàng, sau đó họ giao hàng đông lạnh đến tận nhà người mua.

    Nhiều nông dân Mỹ nuôi bò “thả vườn” ăn cỏ để bán các tảng thịt cho từng khách đặt hàng qua mạng, khi họ kết hợp với các công ty kỹ thuật khởi nghiệp như Crowd Cow.

    Các nông dân Mỹ nhắm vào việc ngày càng có nhiều người thích ăn thịt bò chất lượng cao do những nhà sản xuất nhỏ cung cấp. Đa số bò của Crowd Cow và các trang web tương tự là bò “thả vườn” ăn cỏ. Ngay cả mảng kinh doanh thịt bò lớn nay cũng bán thịt bò “thả vườn” và nhiều siêu thị trữ bán loại thịt này, nhưng một số người tiêu dùng lại ưng thịt bò do các nhà sản xuất nhỏ bán qua mạng internet, vì đánh giá đấy là sản phẩm chất lượng cao.

    Các nghiên cứu đã chứng minh bò “thả vườn” có mức axít béo omega 3 cao hơn thịt của các loài gia súc nuôi chuồng. Các nông dân của Crowd Cow không sử dụng hormone tăng trọng và trong một số trường hợp hiếm hoi, họ dùng kháng sinh để xử lý các dạng bệnh nhưng không để tăng trọng.

    Ở đảo Lopez (thành phố Seattle), nhà nông Scott Meyers hàng ngày đều trò chuyện với đàn bò ăn cỏ thuộc giống Wagyu của Nhật, xem chúng như chó nhà thích được vuốt ve và đặt tên cho chúng. Rồi ông xả thịt trong nông trại Cỏ Ngọt của mình, để cung cấp những tảng thịt đông lạnh cho nhiều khách sành ăn đặt mua trực tiếp. Có 2 điểm ở ngoại ô Seattle để họ đến lấy hàng, hoặc họ đi phà 40 phút ra đảo rồi đến tận Cỏ Ngọt để nhận thịt.

    Nhưng cách đây 1 năm, ông Meyers kết nối với một số nhà thầu công nghệ ở Seattle vừa lập công ty khởi nghiệp Crowd Cow. Dịch vụ internet này giúp nhà nông nhỏ lẻ bán cả con bò được xả thịt theo từng đơn đặt hàng, rồi họ giao hàng đông lạnh đến tận nhà người mua. Chỉ trong vài giờ, dịch vụ này đã bán sạch con bò đầu tiên của ông Meyers. Người nông dân 60 tuổi cùng vợ Brigit Waring điều hành Cỏ Ngọt nói: “Họ là những trung gian thật sự có ích, thật sự đáp ứng một dịch vụ tiện lợi”.

    Joe Heitzeberg, giám đốc Crowd Cow vốn đã bán qua mạng gần 200 con bò “thả vườn”, đã cùng Ethan Lowry lập công ty. Ông nói ý tưởng là hướng dẫn người tiêu dùng về những nét đặc trưng của từng nông trại, giúp khách hàng hiểu về những khác biệt. Bên cạnh đó, công ty trung gian này giúp dân thường cùng “cưa” con bò, kết nối người sành ăn với những nhà nông nhỏ lẻ như ông Meyers, một người thích dành thời gian làm nông trại hơn là phải làm tất cả những việc cần phải làm để bán thịt bò trực tiếp đến khách hàng, ví dụ các việc tự giới thiệu trên mạng xã hội, xử lý đơn đặt hàng.

    Crowd Cow và các công ty khởi nghiệp tương tự đảm nhận những việc này. Crowd Cow mua bò sau khi chúng đã được “làm khô” ở nhiệt độ lạnh bằng cách treo ngược tảng thịt lên. Sau khoảng từ 7 đến 30 ngày, máu trong thịt chảy xuống hết, thịt có màu đỏ xẫm, vẫn ngọt và độ mềm tăng, được bỏ vào bao bì chân không để có thể giao hàng trong vòng 1 tuần. Hiện công ty này mua bò ở các trại nuôi thuộc bang Washington và chỉ phục vụ khách hàng ở vùng bờ tây nước Mỹ, đồng thời cũng đang có kế hoạch tiến qua bờ Đông.

    Thay vì quảng bá thương hiệu trên số thịt bán, Crowd Cow quảng cáo nơi sản xuất thịt và giúp nhà nông kể chuyện về trại nuôi bò của họ trên chính trang web của công ty. Ông Meyers nói: “Họ rất minh bạch, bán sản phẩm của chúng tôi, giúp tôi có được chút an toàn. Nếu tôi đưa thịt ra cửa hàng thì ít được biết đến”.

    Ông cũng có trang web công ty riêng để bán thịt bò trực tiếp đến khách hàng trong vùng Seattle.

    Phúc Hương (theo New York Times)