Bốn doanh nghiệp Mỹ “chôm” thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam

662
Chủng loại gạo ST24 và ST25 hiện đang được thị trường khá ưa chuộng
Tiêu điểm:
Bốn doanh nghiệp Mỹ “chôm” thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú xác nhận loại gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam đã bị bốn nhà nhập khẩu gạo của Mỹ đăng ký bản quyền tại nước này. Hai loại gạo bị đăng ký là ST24 và ST25.
“Khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hai loại này sang Mỹ thì phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24 và ST25, nếu không sẽ vi phạm sở hữu trí tuệ. Nếu đã đăng ký thành công thì doanh nghiệp Việt Nam phải thuê luật sư đòi lại. Cơ quan nhà nước chỉ có thể cung cấp thông tin, hướng dẫn chứ không can thiệp”, ông Phú phát biểu.
Còn kỹ sư Hồ Quang Cua, đại diện cho nhóm phát triển giống lúa ST25, nói rằng: “Tôi chỉ tập trung chuyên môn về chọn tạo giống. Ngay tại Việt Nam việc chống gạo ST25 giả cũng hết sức mệt mỏi”.
Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải bảo vệ thương hiệu ở trong nước mà còn ở các thị trường xuất khẩu.
Các doanh nghiệp Việt Nam bị cầm nhầm thương hiệu ở Mỹ có thể thuê luật sư để đòi lại quyền chủ sở hữu thương hiệu. Nhưng cuộc chiến pháp lý kéo dài có thể hao tổn sức lực và tài chính.
Đây không phải lần đầu các doanh nghiệp Việt Nam bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ. Trước đó là nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, các thương hiệu trà Bảo Lộc và Thái Nguyên…
Bên cạnh chuyện bị cầm nhầm thương hiệu, USPTO (Văn phòng liên bang về bằng sáng chế và thương hiệu) nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối phó với tình trạng hàng giả, hàng nhái các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam. Trong một cuộc trao đổi với BSA Online / Thế Giới Hội Nhập, chuyên gia USPTO Peter Fowler cho biết các sản phẩm giả thương hiệu trên thị trường Mỹ có 1% nguồn gốc từ Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm đến 80% các vụ hàng giả, hàng nhái nhập vào Mỹ.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 55,46 – 55,83 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 10.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 30.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch hai đầu là 370.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.769,6 USD/ounce, giảm 6,9 USD/ounce, tương đương 0,39% giá trị so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, đồng USD yếu đã kìm hãm đà giảm của vàng. Bên cạnh đó, thị trường vật chất cũng hỗ trợ vàng, giúp kim loại quý không rớt xuống dưới mốc 1.700 USD/ounce.
2/ Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam ngày 20/4, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có những bước tăng trưởng ấn tượng. Ước tính chung năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD. Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 cho biết tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 hoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019. Báo cáo dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và đạt quy mô 15 tỷ USD. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 sẽ là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt 52 tỷ USD.
3/ Tính đến hết năm 2020, cả nước có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động hợp pháp, đạt doanh thu hơn 15.400 tỷ đồng với tổng số lượng người tham gia hơn 800.000 người. Tổng số thuế các doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Thêm vào đó, kinh doanh đa cấp đã tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Được biết, Việt Nam hiện nằm trong Top 5 thị trường thế giới tăng doanh thu bán hàng đa cấp nhanh nhất năm 2019. Số người bán hàng đa cấp đứng thứ 5 Đông Nam Á, sau Indonesia, Thái Lan, Philipines và Malaysia. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chính thống ở Việt Nam đã tồn tại, phát triển trong gần 20 năm qua và đến nay ngành bán hàng đa cấp đã cơ bản được định hình, hoạt động trong quy củ, dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.
4/ Startup blockchain Việt là Coin98 Finance vừa được quỹ hàng đầu trên thị trường điện tử của Mỹ là Alameda Research đầu tư 4 triệu USD. Theo Forbes, thỏa thuận giữa Alameda và Coin98 cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của DeFi khắp châu Á. Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản đang có dấu hiệu tăng nhu cầu về DeFi cũng như số lượng đội phát triển có kinh nghiệm xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng xung quanh DeFi. Coin98 Finance chuyên về hệ sinh thái cho các giao thức và ứng dụng DeFi – Decentralized Finance (tài chính phi tập trung), thuật ngữ chỉ các ứng dụng tài chính được xây dựng trên blockchain. Năm 2019, Coin98 đã cho ra đời ví tiền điện tử đa chuỗi Coin98 Wallet, cho phép người dùng tương tác với các chuỗi khối khác nhau.
5/ Theo quy định mới từ Liên minh Châu Âu (EU), sau ngày 21/4 tới, yêu cầu nhập khẩu thực phẩm sẽ không còn dựa trên tỷ lệ phần trăm của các thành phần có nguồn gốc từ động vật mà dựa trên sức khỏe động vật hoặc nguy cơ sức khỏe cộng đồng liên kết với chính các sản phẩm tổng hợp đó. Theo đó, tất cả các sản phẩm tổng hợp có chứa sản phẩm động vật như sữa, trứng, thịt, thủy sản… phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hoặc giấy tự xác nhận của nhà sản xuất bổ sung, các sản phẩm từ sữa phải có chứng nhận xử lý nhiệt. Các thành phần có nguồn gốc động vật (trừ gelatin và collagen) được sử dụng để sản xuất một sản phẩm tổng hợp phải có nguồn gốc từ nước thứ ba với một kế hoạch kiểm soát dư lượng đã được phê duyệt cho các thành phần cụ thể. Như vậy, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ bắt đầu phải ứng phó với hàng loạt thay đổi quan trọng về quy định cấp phép mới cho hàng hóa nhập khẩu vào EU.
6/ Hãng chế tạo phần mềm Microsoft của Mỹ cho biết hãng sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Malaysia trong 5 năm tới. Đây là một phần của chương trình hợp tác mới giữa tập đoàn này với các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp của Malaysia. Hồi tháng 2 vừa qua, chình phủ Malaysia cũng đã thông qua các thỏa thuận có điều kiện với các hãng Microsoft, Google, Amazon và công ty viễn thông nhà nước Telekom Malaysia để xây dựng và quản lý các trung tâm dữ liệu quy mô siêu lớn và cung cấp các dịch vụ đám mây, và sau khi vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào nước này giảm 68% trong năm ngoái. Cũng theo Chính phủ Malaysia, trong 5 năm tới, các khoản đầu tư từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây sẽ lên tới từ 12 tỷ ringgit đến 15 tỷ ringgit (từ 2,91 tỷ USD đến 3,64 tỷ USD).
7/ Hãng công nghệ Tencent của Trung Quốc đã cam kết sẽ đầu tư 50 tỷ NDT (7,68 tỷ USD) vào các sáng kiến môi trường và xã hội. Theo đó, khoản đầu từ này sẽ được tài trợ cho các sáng kiến trong các lĩnh vực gồm khoa học cơ bản, đổi mới giáo dục, nông thôn, trung hòa carbon, thực phẩm, năng lượng, nước, hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp công cộng, công nghệ cho người cao tuổi và phúc lợi công cộng. Hiện tập đoàn này đang thành lập nhóm phát triển để hướng tới các sáng kiến như vậy. Tuyên bố này được Tencent đưa ra trong bối cảnh công ty công nghệ này đang bị các cơ quan chống độc quyền kiểm soát gắt gao.
8/ Theo Reuters, Vương quốc Anh sẽ là quốc gia mới nhất tham gia vào cuộc đua phát hành tiền số của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Theo đó, Bộ Tài Chính của quốc gia này hiện đang thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) để phối hợp nghiên cứu phát triển một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành. BoE cho biết, đây sẽ là một loại tiền tệ kỹ thuật số do BoE phát hành. Đồng tiền này sẽ được sử dụng rộng rãi và tồn tại song song cùng với tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chứ không phải để thay thế. Động thái này diễn ra trong bối cảnh một số ngân hàng trung ương đang chạy đua để tìm ra chiến lược riêng cho các đồng tiền số do ngân hàng trung ương phát hành. Sự bùng nổ của bitcoin và các đồng tiền số khác cùng với xu hướng giảm sử dụng tiền mặt đã tạo động lực cho các sáng kiến đó.
9/ Theo Moody’s Analytics, các hộ gia đình trên toàn cầu đã tích trữ hàng ngàn tỷ USD từ đầu đại dịch đến hết tháng 3, tạo nên nền tảng cho sự bùng nổ tiêu dùng sau này. Theo đó, số tiền này tương đương 6% GDP toàn cầu. Mỹ đóng góp nhiều nhất, với 2.600 tỷ USD, tương đương 12% GDP nước này. Anh xếp sau với số tiền tương đương 10% GDP. Nhìn chung, số tiền tiết kiệm thêm này chủ yếu nằm tại Bắc Mỹ và châu Âu – những nơi phong tỏa nghiêm khắc nhất và chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng hào phóng nhất. Khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, người tiêu dùng được dự báo s4 chi tiêu gần 2.000 tỷ USD trong số này, giúp kinh tế toàn cầu bật lại đáng kể. Dù vậy, hoạt động này có thể châm ngòi lạm phát.
10/ European Super League hiện đang gây bão ngay sau khi giải đấu này được thông báo. Theo đó, nhiều danh thủ trên thế giới đã công khai chỉ trích ý tưởng ly khai để lập giải đấu mới của 12 (hoặc có thể là 15) CLB châu Âu. Tuy nhiên, theo Dailymail, doanh thu từ giải đấu này có thể lên tới 10 tỷ Euro và như vậy, khoản tiền mà các CLB nhận được từ giải đấu này lên tới 400 triệu Euro, gấp 4 lần những gì các đội bóng vô địch Champions League có thể kiếm được. Khoản tiền thưởng này đến từ JP Morgan, một ngân hàng đầu tư của Mỹ, được cho là đã đồng ý rót vào số tiền tài trợ khổng lồ cho các đội bóng tham dự. Tiền bạc được coi là nguyên nhân quan trọng khiến các đội bóng lớn của châu Âu quyết tâm thực hiện giải đấu này.  Bên cạnh đó, nhiều nguồn tin cho rằng LĐBĐ châu Âu (UEFA) đã không phân chia số tiền kiếm được một cách công bằng cho các ông lớn của bóng đá châu Âu. Do đó, những đội bóng này đã quyết định thành lập European Super League.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Tổng quan thị trường ớt toàn cầu 2020