Bột rau má đã qua tới trời Âu!

312
Ngọc Hương chuẩn bị xuất sang thị trường Mỹ, đơn hàng 5.000 sản phẩm theo dạng gia công.
Gần đây, thông tin trong tháng 6/2020, bột rau sấy lạnh của Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt có chuyến hàng thứ 2 với gần 20.000 sản phẩm mang thương hiệu Quảng Thanh, xuất khẩu sang Hà Lan, khiến cộng đồng khởi nghiệp ngưỡng mộ.
Trong khi nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp khốn khó do dịch bệnh Covid-19, thì việc Thiên Nhiên Việt vẫn đều đều đưa hàng xuất ngoại là câu chuyện khá hiếm và thú vị.
Trước đó, vào tháng 11/2019, khi vừa giành ngôi vị quán quân cuộc thi Dự án khởi nghiệp, Ngọc Hương đã tìm được đơn hàng đầu tiên, xuất sang xứ sở hoa Tulip (Hà Lan) hơn 10.000 sản phẩm, như: bột rau má, tía tô, diếp cá, chùm ngây, lá sen và trà xanh, cần tây… trị giá hàng trăm triệu đồng.

Không dừng lại ở Hà Lan, Ngọc Hương chuẩn bị xuất sang thị trường Mỹ, đơn hàng 5.000 sản phẩm theo dạng gia công (hiện Hương đang chờ đối tác ở Mỹ gửi bao bì và làm các thủ tục thông qua cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ – FDA). Trong gần một năm qua, cô gái Củ Chi này đều đặn hàng tháng xuất 500kg bột rau sấy lạnh các loại sang thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản đang là thị trường tiếp theo Hương nhắm đến trong tương lai gần.
Với thị trường trong nước, bột rau sấy lạnh của Hương đã có chỗ đứng trên kệ của hệ thống Co.opmart, với từ 2.000 – 4.000 sản phẩm mỗi tháng, và nhiều hệ thống phân phối nhỏ tại các quận, huyện của TP.HCM. Hương sẽ tiếp tục tung ra thị trường các dòng sản phẩm bột sấy lạnh mới như cải bó xôi, cải xoăn (kale), cỏ lúa mì…

Chia sẻ về kinh nghiệm khi liên tục tìm được đơn hàng xuất khẩu, Ngọc Hương cho biết, trong quá trình tham gia các triển lãm, hội chợ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, các đối tác quốc tế nhận thấy sản phẩm bột rau của công ty Thiên Nhiên Việt không chỉ tiện lợi khi sử dụng, mà còn mang lại những dưỡng chất tốt cho sức khoẻ. Từ nhãn quan, họ sử dụng và đánh giá, từ đó có những kết nối với công ty để đưa hàng hoá về nước họ.
Việc tăng mức độ nhận biết sản phẩm qua các kênh trên internet, báo, truyền thanh, truyền hình; đa dạng hoá kênh bán hàng để sản phẩm dễ dàng tiếp cận người dùng; chọn kênh phân phối phù hợp, và nhất là phải liên tục cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đưa ra những sản phẩm phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng, hay chủ động tìm kiếm thông tin, tiếp cận các chuyên gia nhờ tư vấn, hỗ trợ,… là chìa khoá để tìm kiếm khách hàng, đối tác.

Làm sao đưa được hàng ra thế giới? Đây là câu hỏi cực kỳ khó đối với đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, đối với Hương, tất cả đều bắt đầu từ tâm và từ những thứ nhỏ nhất. “Những khách hàng lớn có được đều bắt nguồn từ những khách hàng nhỏ hoặc những người đã từng sử dụng bột rau sấy lạnh của Thiên Nhiên Việt. Chúng tôi không chỉ tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng, mà còn phải làm thật tốt công tác bán hàng và chăm sóc bán hàng, luôn muốn mang những giá trị tốt nhất trong chính sản phẩm làm ra đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc chủ động tiếp cận các thông tin thị trường xuất khẩu cũng là cách giúp chúng tôi có được những đơn hàng bột rau sấy lạnh xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”, Hương bộc bạch.
Một kinh nghiệm mà cô gái bột rau này đúc kết, là khi đã có được mối liên kết, doanh nghiệp cần đảm bảo và minh bạch với đối tác về các thông tin cần thiết, nhất là chất lượng hàng hoá. Ngay như các đơn hàng sang Hà Lan, đối tác yêu cầu sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ chứng nhận tiêu chuẩn để thương mại hoá. Sản phẩm cần có mẫu mã bao bì đẹp mắt và chất lượng. Quá trình xuất khẩu hàng hoá, hai bên cần chia sẻ rõ ràng, sòng phẳng về những chi phí phát sinh liên quan đến vận chuyển, logistics, hoàn thiện đầy đủ các yêu cầu pháp lý quan trọng của đối tác, đặc biệt là phải luôn đảm bảo đủ nguồn lực để có đủ hàng khi đối tác yêu cầu.

Anh Tuấn/BSA