Ca Huế: Nhịp đời trên sông Hương

(Vietnamtimes)- Thú nghe ca Huế tao nhã, đầy sức quyến rũ. Kỹ thuật đàn và hát, ca Huế đặc biệt tinh tế . Ca Huế mang đậm sắc thái địa phương, phát sinh từ tiếng nói, giọng nói của người Huế nên gần gũi với Hò Huế, Lý Huế; là chiếc cầu nối giữa nhạc cung đình và âm nhạc dân gian.

Phóng sự ảnh của Đoàn Nhân:

Hệ thống bài bản phong phú của ca Huế gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc, điệu Nam và một hệ thống “hơi” diễn tả nhiều sắc thái tình cảm đặc trưng.
Điệu Bắc gồm những bài ca mang âm điệu tươi tắn, trang trọng. Điệu Nam là những bài âm điệu buồn, nỉ non, ai oán.
Bài bản Ca Huế có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt, trải qua quá trình phát triển lâu dài đã trở thành nhạc cổ điển hoàn chỉnh, mang nhiều yếu tố “chuyên nghiệp” bác học về cấu trúc, ca từ và phong cách biểu diễn.
Đi liền với ca Huế là dàn nhạc Huế với bộ ngũ tuyệt Tranh, Tỳ, Nhị, Nguyệt, Tam, xen với Bầu, Sáo và bộ gõ trống Huế, sanh loan, sanh tiền.
Ca Huế hình thành từ dòng ca nhạc dân gian và dòng ca nhạc cung đình, nhã nhạc trang trọng uy nghi nên có thần thái của ca nhạc thính phòng, thể hiện theo hai dòng lớn điệu Bắc và điệu Nam, với trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc.
Ca Huế là một loại hình nghệ thuật âm nhạc bác học truyền thống đặc sắc vừa gắn liền với đời sống và nhu cầu thẩm mỹ cao của giới phong lưu quý tộc, vừa hòa quyện, gắn liền với đời sống cộng đồng, góp phần bồi đắp và làm phong phú thêm các giá trị nghệ thuật truyền thống của vùng đất sông Hương, núi Ngự
Đến Cố đô Huế, buổi tối đi thuyền trên sông Hương nghe câu hát, điệu hò làm say lòng du khách. Một nét mới trong việc tổ chức ca Huế trên sông Hương đó là ngoài sử dụng nhạc cụ dân tộc để chơi âm nhạc truyền thống, các nhạc công còn có thể chơi được những bản nhạc nước ngoài quen thuộc để phục vụ các du khách đến từ các quốc gia khác nhau.
Muốn nghe và hiểu sâu về ca Huế đòi hỏi phải có nghệ thuật thưởng thức: đó là sự hiểu biết về nguồn gốc, môi trường diễn xướng, một ít kỹ thuật ca và đàn Huế, cảm nhận được màu sắc, sắc thái trong điệu và “hơi” của ca Huế…
Dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền Ngồi nghe ca Huế mà lòng bâng khuâng! Tương tư với nguyệt cùng mây Hỏi non nước ấy đắm say bao tình? (ST)
Giữa một trời mây nước bồng bềnh, chơi vơi một giọng hò ai ngân, ai hát khiến lòng du khách giữa đêm thanh tịnh càng cảm thấy mình được siêu thoát, được thăng hoa, được chắp cánh bay tới vầng trăng kia…
Nhiều người đến Huế đã có chung một nhận xét rằng hầu hết những thú vui của người Huế đều gắn bó với dòng Hương Giang, nơi cội nguồn nảy sinh và hội tụ của bao trò vui nơi đất cố đô này.
Ca Huế không phải lối giải trí xô bồ mà nó thường kén người nghe.
Ca Huế bao gồm cả hai yếu tố ca Huế và đàn Huế, được dựa trên một hệ thống các thể điệu của trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc nằm trên hai dòng lớn là điệu Bắc và điệu Nam.
Biết đâu là cầu Ô Thước? Mênh mông nguyện ước, dưới nước trên trời. Đêm khuya ngớt tạnh mù khơi, Khúc sông quạnh vắng có người sầu riêng.
Nước non ngàn dặm ra đi, Cái tình chi? Mượn màu son phấn Đền nợ Ô Ly, Đắng cay vì, Đương độ xuân thì,
Núi Ngự Bình mơ màng trăng gió Niềm tâm sự ai thấu rõ cho mình; Đoái nhìn sông Hương nước chảy thanh thanh, Sông bao nhiêu nước dạ em si tình bấy nhiêu.
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo, Sông An Cựu nắng đục mưa trong, Mặc ai một dạ hai lòng, Em ôm duyên thủ tiết loan phòng đợi anh.
Sông Hương lai láng, đêm này, Nước vơi đầy, quạnh quẽ… Nghe văng vẳng, chốn Tràng An, Những tiếng trong sương….

Đoàn Nhân