Các bạn tôi ở trên ấy

    196
    Năm 2018, làng Cù Lần (Đà Lạt) nhờ tôi làm một tủ sách về Tây Nguyên. Tôi nói: “Tủ sách về Tây Nguyên, chắc chắn phải có tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc”. Ngay lập tức anh chủ làng hào hứng: “Đúng rồi, chính nhờ đọc tác phẩm Các bạn tôi ở trên ấy của nhà văn Nguyên Ngọc, mình mới hiểu về Tây Nguyên, con người và phong hóa của họ. Nếu không có cuốn sách này, mình không bao giờ biết được “Nước Mội” quý giá như thế nào. Vì sao gọi là “ăn rừng”, vì sao những cây đại thụ trong rừng là cây “Mẹ” rễ vững chãi không chỉ cản lũ mà còn giữ nước cho những tháng ngày khô hạn. Và tháng Ninh Nông là một lễ hội đẹp nhất mà mình từng biết đến của người Tây Nguyên qua trang sách của nhà văn Nguyên Ngọc”.
    Đúng vậy, xưa nay người ta hay nói, “toàn chuyện sách vở”, nhưng cũng ít ai biết rằng tất cả những gì mà các nhà văn viết thành “chuyện sách vở” đều từ đời sống thật. Với nhà văn Nguyên Ngọc, người đã gắn bó gần cả đời mình với Tây Nguyên, người đã từng ăn ngủ, sống chết với dân làng và người đã vinh danh một già làng nổi tiếng khiến cho cả nước biết đến Tây Nguyên bằng tác phẩm Đất nước đứng lên mà về sau được phong là “Anh hùng Núp”, thì những gì hiện ra trên từng trang sách ấy, chính là tái hiện lại đời sống của những tộc người trong số 54 dân tộc anh em của nước Việt.
    Có những chuyến đi mà bạn không bao giờ có thể quên được, với tôi, một trong những hành trình đó chính là hai ngày ở trong rừng với những người bạn của nhà văn Nguyên Ngọc, và Bok Tơ. Vậy Bok Tơ là ai?
    Đó là một “người nghệ sĩ của rừng”, tôi muốn mô tả về ông như vậy. Ông là “già làng” của một nhóm những người bản địa cuối cùng ở rừng già Kon Tum ẩn náu trong rừng, chưa muốn ra khỏi để biến rừng thành nơi trồng cao su khai thác làm giàu theo kiểu người Kinh. Ở ông vẫn còn mang gương mặt của người Ba Na Alakong mũi thẳng, mắt sáng, gò má cao nhô lên và miệng có khóe giờ đã trĩu xuống – một gương mặt được thiên nhiên và rừng chạm khắc, không có một nét nào dư, buồn và đẹp. Bok Tơ chỉ bộc lộ và điều khiển mọi thứ bằng ánh mắt, ông rất ít nói, nhưng thi thoảng khóe môi của ông nở nụ cười “hiền minh” của rừng như nhà văn Nguyên Ngọc mô tả.
    Sau hai ngày ở cùng ngôi làng nhỏ của Bok Tơ, trên đường về, nghe câu chuyện kể làng sắp phải dời ra ngoài và đi trồng cao su, tôi bật khóc. Hành trình này đã được nhà văn Nguyên Ngọc kể lại trong bài viết Canh rau tập tàng trong tập bút ký. Có lẽ vì quá xúc động, tôi không viết được điều gì hấp dẫn để cho các bạn phải tìm cuốn sách để đọc cả, nhưng tôi khẳng quyết một điều: Để hiểu về Tây Nguyên, không thể không đọc tập bút ký này.
    Vậy thì câu hỏi tiếp theo là “Tại sao tôi cần phải hiểu về Tây Nguyên?”
    – Vì các bạn không thể sống thiếu rừng được. Người Việt sẽ chẳng tồn tại thêm bao năm nữa nếu không còn có rừng. Và chính những dân tộc Tây Nguyên mới là những người giữ rừng thật sự.
    Bởi ngay cả những đứa trẻ lên 5, lên 3 cũng đã thuộc lòng những bài học từ rừng: “Trong rừng, hai đứa bé là những người thầy từng trải, dày dạn, thông minh. Hai nhà bác học của rừng. Cứ như chúng với rừng, với cây, với lá ấy là một, từ những bao giờ, bao giờ, không có khởi đầu, cũng sẽ chẳng có kết thúc. Chúng là con đẻ của rừng. Rừng tự nhiên. Vĩ đại. Đa tạp. Còn chúng tôi thì quả đúng là một lũ học trò vụng dại, ngớ ngẩn. Chúng tôi đang trở thành những đứa con hoang của một thứ mà chúng ta cũng gọi vống lên là rừng: rừng cao su. Cao su thì độc canh. Dưới tán cao su không còn bất cứ cây gì “sống được…”.
    Chúng ta ai cũng phải trả giá cho việc mình làm, cũng như người Kinh sau khi phá rừng, đuổi người dân tộc ra khỏi đời sống văn hóa của họ, thì bây giờ họ cũng đang phải trả giá về chính sự mất mát đời sống văn hóa khi mà con cháu họ không còn quan tâm đến những giá trị văn hóa của người Việt.
    Và còn một việc nữa, khi những người Kinh đi trồng rừng, một số rất ít người làm việc đó với sự lo lắng, thê thiết vì nghĩ đến tương lai nước Việt cằn cỗi và không còn mưa nên biến thành sa mạc, thì cũng có một ít người, tạ tội với Tây Nguyên.
    Như nhà văn Nguyên Ngọc đã viết cuốn bút ký này.
    Chúng ta đọc, biết để trân trọng và yêu thương những người anh em ấy, giờ đây đã cùng chung một nước Việt, thì hiểu biết để yêu thương nhau nhiều hơn không chỉ đơn thuần là niềm khao khát chinh phục những miền rẻo cao, mà còn là bổn phận để chung tay xây dựng nước non này hòa bình, thịnh vượng cho tất cả.   
    Bài: Ngân Hà / Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc (Theo TGHN)
    Bệnh bất đồng