Các chuỗi ăn uống và cửa hàng miễn thuế sân bay thua lỗ trong quý 1/2021

674
Tiêu điểm:
Các chuỗi ăn uống và cửa hàng miễn thuế sân bay thua lỗ trong quý 1/2021
Các chuỗi kinh doanh ăn uống và cửa hàng miễn thuế tại nhiều sân bay trên cả nước có kết quả kinh doanh không may mắn như công ty Sasco của ông trùm hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn trong quý 1 vừa rồi.
Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (Masco) đã quay đầu thua lỗ trong quý đầu tiên năm 2021 sau khi lãi gần 1 tỷ đồng trong quý trước đó.
Trong quý 1, Masco ghi nhận doanh thu thuần đạt khoảng 19,3 tỷ đồng, giảm 55,6% so với cùng kỳ 2020. Chi phí bán hàng tiết giảm không đáng kể, trong khi chi phí khác tăng cao gấp đôi quý 1/2020 khiến doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế ở mức 3,1 tỷ đồng.
Kể từ khi dịch bùng phát đầu năm 2020, Masco đã lỗ sau thuế trong 4 trên 5 quý gần đây – trừ quý 4/2020 có lãi. Doanh thu của Masco trong quý 1 vẫn chủ yếu đến từ cung cấp dịch vụ, chiếm 97% doanh thu thuần của doanh nghiệp, phần còn lại đến từ bán hàng hóa.
Trong khi đó, Taseco Air – chủ sở hữu chuỗi đồ ăn Lucky và hàng miễn thuế Jalux tại các sân bay – tiếp tục lỗ 31,8 tỷ đồng trong quý đầu 2021. Đây là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp này ghi nhận lỗ.
Ba tháng đầu năm 2021, Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Air) ghi nhận doanh thu thuần 58,3 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ 2020 và giảm 6,8% so với quý trước đó.
Taseco Air là một trong những doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực dịch vụ phi hàng không với chuỗi cửa hàng ăn, hàng miễn thuế tại 7 sân bay quốc tế lớn trên cả nước (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Phú Bài, Tân Sơn Nhất và Vân Đồn.
Quy mô cửa hàng miễn thuế Jalux do Taseco Airs quản lý hiện cũng tương đương Sasco của gia đình “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.
Hồi tháng 3/2021, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) công bố doanh thu sụt giảm mạnh. Nhưng “con cưng” của ông vua hàng hiệu vẫn đạt lợi nhuận 12,7 tỷ đông sau thuế – giảm gần 20% so với quý 1 năm ngoái. Báo cáo tài chính của Sasco nói chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 181 tỷ đồng xuống còn 36 tỷ đồng – giảm gần 80%.
Hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu của Sasco là kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ và dịch vụ tại thị trường mục tiêu là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Các nhà phân tích nói đây là yếu tố “rất khác biệt” của Sasco so với các đối thủ khác dù bối cảnh chung của ngành là “bi đát” do ảnh hưởng của Covid-19.
Trong khi đó, các hãng hàng không của Việt Nam cũng có bức tranh kinh doanh sáng tối khác nhau trong quý đầu năm. “Cánh chim đầu đàn” Vietnam Airlines và hãng non trẻ Vietravel Airlines đều lỗ nặng thì VietJet Air và Bamboo Airways lại tuyên bố có lợi nhuận trong quý đầu.
Tuy nhiên, vẫn cần phải có phân tích và đánh giá độc lập để xác thực chuyện lời lỗ ở những hãng bay này.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 55,47 – 55,82 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 30.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với trước kỳ nghỉ lễ. Chênh lệch giá mua vào – bán ra đang ở mức 350 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.790 USD/ounce, tăng 20,9 USD/ounce, tương đương 1,18% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong quý 1/2021, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhập khẩu 8.143 tấn hạt tiêu từ một số thị trường, trong đó, nhập khẩu 5.731 tấn tiêu đen, 2.412 tấn tiêu trắng. So với cùng kỳ năm 2020, lượng nhập khẩu tăng 5,8%. Mặc dù là quốc gia chiếm tới gần 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu (năm 2020), song hằng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng hạt tiêu nhất định. Indonesia và Brazil là 2 quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất vào Việt Nam, chiếm 81,8% tổng lượng nhập khẩu. Đáng chú ý là lượng nhập khẩu hồ tiêu chính ngạch từ Campuchia tăng tới 238,5%, đạt 606 tấn. Hiện, Indonesia đang là nhà cung cấp tiêu trắng lớn nhất cho Việt Nam với 2.403 tấn, chiếm 99,6% tổng lượng nhập khẩu tiêu trắng của Việt Nam.
Lượng nhập khẩu hồ tiêu chính ngạch từ Campuchia tăng tới 238,5%, đạt 606 tấn.
3/ Kết quả từ cuộc khảo sát do Qima, một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng, thực hiện với hơn 700 doanh nghiệp trên toàn cầu trong tháng 3 vừa qua cho thấy Việt Nam tiếp tục là quốc gia được nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu lựa chọn trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong 12 tháng tới. Là một trong những thị trường cung ứng thay thế Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam đã duy trì được vị thế của mình trong suốt năm 2020 đầy biến động và đầu năm 2021. Theo cuộc khảo sát, 25% doanh nghiệp được hỏi trên toàn cầu đã coi Việt Nam là một trong 3 thị trường cung ứng hàng đầu. Trước khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra, một số doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành dệt may, đã chuyển nhà máy đến các nước Đông Nam Á như Việt Nam. Nhiều nhà sản xuất khác cũng đã chuyển đến Việt Nam kể từ thương chiến bắt đầu.
4/ Cơ quan nghiên cứu và dự báo kinh tế Oxford Economics đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,4% trong các năm 2021 và 2022. Cơ quan này nhận định rằng, trong khi trao đổi thương mại thế giới giảm 7,8% trong năm 2020, thì việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 6,9% là một con số lạc quan. Điểm đáng chú ý khác là tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) tăng 0,5%, góp phần làm tăng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất và chế tạo toàn cầu. Oxford Economics trông đợi Việt Nam tiếp tục duy trì là điểm đến hấp dẫn cho FDI toàn cầu về trung hạn. Được biết, gói kích cầu kinh tế 1.900 tỷ USD của Mỹ nhiều khả năng làm tăng nhu cầu của nước này nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.
5/ Panasonic sẽ ngừng sản xuất TV trong năm tài chính 2021 tại các nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam. Những dòng TV giá rẻ, tỷ suất lợi nhuận thấp của hãng sẽ do đối tác sản xuất nhằm cắt giảm chi phí. Panasonic hiện đã có kế hoạch hợp tác với hãng TCL của Trung Quốc để sản xuất một số dòng sản phẩm. Đây là động thái nhằm cắt giảm chi phí cho mảng TV, thị trường mà Panasonic đã đánh mất vị thế. Không chỉ TV, những bộ phận kém tiềm năng khác của Panasonic cũng đã bị cắt giảm hoặc rao bán. Công ty này đã bán mảng bán dẫn cho Nuvoton của Đài Loan, ngừng sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) và pin Mặt Trời. Trước Panasonic, hãng Hitachi của Nhật cũng không còn tự sản xuất TV vào năm 2012, trước khi ngừng bán hoàn toàn TV sau 6 năm.
6/ Tập đoàn viễn thông Verizon đã thông báo sẽ bán công ty Verizon Media, gồm các nền tảng công nghệ tiên phong và các thương hiệu nổi tiếng một thời như Yahoo và AOL, cho công ty cổ phần tư nhân Apollo Global Management. Theo thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD này, công ty mới được thành lập sẽ có tên là Yahoo và vẫn do CEO Guru Gowrappan dẫn dắt. Được biết, Verizon sẽ giữ 10% cổ phần trong công ty mới. Verizon Media đã đạt doanh thu 7 tỷ USD vào năm 2020, giảm 5,6% so với năm 2019 do những tháng đầu bùng nổ đại dịch. Mảng truyền thông của Verizon hiện vẫn chưa đạt được mục tiêu 10 tỷ USD doanh thu hằng năm như kế hoạch.
7/ Hiệp hội Nông dân nuôi dê và cừu Indonesia đã và đang phát triển các cụm trang trại để mở rộng đàn nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu. Chủ tịch của Hiệp hội Nông dân nuôi dê và cừu Indonesia ước tính rằng mỗi năm cần giết mổ ít nhất 10 triệu con cừu và dê để đáp ứng nhu cầu địa phương. Một nửa trong số đó phục vụ lễ Aqiqah. ngày lễ chào mừng một em bé ra đời. Nửa còn lại dành cho dịch vụ ăn uống. Giá cả có thể là lý do đầu tiên để người tiêu dùng bắt đầu chọn cừu và dê để thay thế một phần thịt bò. Tại Indonesia, giá thịt cừu là 5,4 USD/kg (thân thịt), rẻ hơn giá thịt bò là 6,1 USD/kg. Trong khi đó, giá thịt cừu không xương chỉ ở mức 7,4 USD/kg, cũng thấp hơn nhiều so với giá thịt bò không xương – khoảng 8,4 USD/kg. Được biết, Malaysia và Singapore hiện là những thị trường xuất khẩu tiềm năng cho cừu và dê sống của Indonesia.
8/ Sau một năm làm việc tại nhà, thì người dân Mỹ đã tiết kiệm được khoản lớn nhờ cắt giảm nhiều chi tiêu hàng ngày như tiền cà phê, ăn trưa, xăng xe. Theo khảo sát của Credit Ninja, những người lao động Mỹ đã tiết kiệm được trung bình 329 USD/tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3/2020. Được biết, đứng đầu danh sách tiết kiệm này là người dân bang Alaska (654 USD/tháng). Còn người dân bang Louisiana tiết kiệm được ít nhất với 149 USD/tháng. Giao tiếp qua mạng viễn thông và đặt hàng online đã giúp họ cắt giảm được một số chi tiêu hàng ngày. Khảo sát cũng cho biết trung bình mỗi người dân New York (Mỹ) tiết kiệm tới 5.700 USD trong năm qua, tức khoảng 475 USD/tháng.
Ngoài việc buộc phải cắt giảm chi phí đi lại, ăn uống cùng một số hoạt động xã hội khác như xem biểu diễn ở Broadway, dự buổi hòa nhạc, nhiều người dân New York quyết định thắt lưng buộc bụng như một “biện pháp phòng ngừa” trước tình hình kinh tế tồi tệ. – Ảnh: ABC News.
9/ Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ bắt đầu đàm phán trong tuần này với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạt động, các chính trị gia tiến bộ và các lãnh đạo nước ngoài đang tạo áp lực lên Nhà Trắng để dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19, giúp các nước nghèo hơn có thể tự bắt đầu sản xuất các loại vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng của mình. Mỹ hiện đang bị chỉ trích vì quá tập trung vào việc tiêm chủng cho công dân nước này, đặc biệt là khi nguồn cung vaccine của Mỹ bắt đầu vượt quá nhu cầu. Được biết, với tốc độ tiêm chủng hiện tại ở các quốc gia nghèo hơn, thì nhiều người sẽ phải đợi đến năm 2024 để được tiêm phòng.
10/ Hãng thời trang thể thao Under Armour của Mỹ đã chấp nhận mức phạt 9 triệu USD để thi hành phán quyết của Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ về sự mập mờ về tăng trưởng doanh thu. Theo đó, Under Armour đã không thông báo cho nhà đầu tư về việc hãng thời trang thể thao này thực hiện chiến thuật kích thích bán hàng để đẩy giá trị các đơn hàng trong nữa cuối năm 2015 lên 408 triệu USD, trong bối hoạt động kinh doanh các mặt hàng thời trang cao cấp cho thời tiết lạnh giá bị suy giảm do tiết trờ mùa đông năm đó khá ấm. Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ cho biết Under Armour đã nhất trí ngừng sử dụng chiêu thức đẩy doanh số tăng cao để đạt được mục tiêu, một hành vi vi phạm quy định chống gian lận tại Mỹ.
11/ Chính phủ Australia sẽ chi 1,7 tỷ AUD (1,3 tỷ USD) để tăng trợ cấp chăm sóc trẻ em nhằm khuyến khích lao động nữ trở lại làm việc. Kế hoạch chi ngân sách này được đưa ra trong một thông báo trước khi Ngân sách hàng năm được công bố vào ngày 11/5 tới. Khoản chi ngân sách này nhắm tới việc trợ cấp cho những gia đình có nhiều hơn một con ở độ tuổi đi học mẫu giáo, qua đó tăng trợ cấp cho những gia đình có từ hai con trở lên ở độ tuổi tới 5 tuổi lên mức tối đa 95% trợ cấp cho con thứ hai và các con tiếp theo. Bộ Ngân khố Australia ước tính khoản chi ngân sách bổ sung này sẽ giúp tạo thêm 300.000 giờ làm việc thêm mỗi tuần, tương đương với 40.000 người làm thêm một ngày mỗi tuần. Động thái này được cho là sẽ thúc đẩy sản lượng kinh tế Australia tạo thêm khoảng 1,5 tỷ AUD/năm.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Hành trang đưa 6 Ri, Hai Lý bước ra thế giới