Các công ty Trung Quốc giành “hạng nhất” trong cuộc đua tài trợ Euro 2020
Tiêu điểm:
Các công ty Trung Quốc giành “hạng nhất” trong cuộc đua tài trợ Euro 2020
Nhiều công ty Trung Quốc hơn bao giờ hết đã đăng ký tài trợ cho Giải vô địch bóng đá châu Âu UEFA (Euro 2020), trở thành nguồn tài trợ lớn nhất cho giải đấu.
Bốn công ty Trung Quốc gồm Hisense, Alipay, Vivo và TikTok, nằm trong số 12 nhà tài trợ cho Euro 2020, sự kiện thể thao cấp quốc gia đầu tiên được tổ chức kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, sau một năm trì hoãn. Các nhà tài trợ khác bao gồm các thương hiệu Mỹ gồm FedEx, Booking.com và Coca-Cola; Volkswagen của Đức; Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga; nhà sản xuất bia Heineken của Hà Lan và dịch vụ giao đồ ăn Takeaway.com; và Qatar Airways.
Các công ty Trung Quốc hiện đang ngày càng dựa vào các sự kiện thể thao có lượng theo dõi lớn để xây dựng thương hiệu toàn cầu. Năm 2016, nhà sản xuất thiết bị điện tử thuộc sở hữu nhà nước Hisense đã trở thành nhà tài trợ đầu tiên của Trung Quốc cho giải vô địch bóng đá của Liên minh các Hiệp hội bóng đá châu Âu (UEFA) Euro 2016. Theo công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Group, cấp độ nhận thức thương hiệu của Hisense đã tăng gần gấp đôi ở Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha sau Euro 2016. Hisense cũng là nhà tài trợ chính cho FIFA World Cup 2018 tại Nga.
Đơn vị thanh toán của Tập đoàn Alibaba, Alipay, cũng đã đạt được thỏa thuận hợp tác 8 năm với UEFA vào tháng 11/2018, bao gồm sự kiện Euro 2020 và 2024. Công ty cũng hiện là đối tác thanh toán toàn cầu chính thức của Euro 2020. Thỏa thuận này được cho là trị giá 200 triệu euro (230 triệu USD).
Euro 2020 là lần đầu tiên nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Vivo và nền tảng video ngắn TikTok của ByteDance tài trợ cho giải đấu khi cả hai công ty đều mong muốn mở rộng sự hiện diện của mình trên khắp châu lục. Vivo đã đồng ý với một thỏa thuận tài trợ có thời hạn dài hai giải đấu bao gồm Euro 2024 và cũng trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh chính thức cho giải. Vào tháng 2 vừa qua, Vivo đã chính thức bước chân vào thị trường Romania và Cộng hòa Séc, một phần trong kế hoạch đầy tham vọng được đưa ra vào tháng 10/2020 nhằm mở rộng sự hiện diện của mình ở châu Âu. Vivo cho biết họ đã có kế hoạch để bao phủ hơn 12 thị trường ở châu Âu vào cuối năm nay.
Ngoài ra, ByteDance cũng cho biết vào tháng 3 rằng ứng dụng chia sẻ video TikTok của họ đã trở thành nền tảng giải trí kỹ thuật số đầu tiên tài trợ cho giải đấu. Được biết, TikTok hiện đang tìm cách củng cố danh tiếng của mình là một nền tảng để người hâm mộ bóng đá có thể chia sẻ niềm đam mê của họ đối với các trận đấu cũng như nâng cao nhận thức thương hiệu thông qua nguồn khán giả mới.
Theo Caixin
Bản Tin Thị Trường
1/ Sáng ngày 17/6 giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện đang ở mức 56,45 – 57,05 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 50 ngàn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn đang ở mức 600 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.823,5 USD/ounce, giảm tới 35,2 USD, tương đương 1,89% so với chốt phiên trước. Vàng đã trải qua một đợt bán tháo mới sau khi Chủ tịch Fed nói về rủi ro lạm phát, kế hoạch thay đổi định hướng chính sách tiền tệ đồng thời nói rõ về định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ.
2/ Sau 2 tháng tăng liên tiếp, xuất khẩu gạo tháng 5 giảm 34,3% về lượng và giảm 31,2% về kim ngạch so với tháng 5/2020. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 2,6 triệu tấn gạo, tương đương 1,41 tỷ USD, giảm 16% về lượng và 6% về kim ngạch. Trong 5 tháng đầu năm tuy lượng gạo xuất khẩu sang Philippines giảm mạnh nhưng thị trường này vẫn duy trì vị trí hàng đầu của xuất khẩu gạo Việt Nam, kế đến là thị trường Trung Quốc. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm nay Trung Quốc vẫn duy trì vị trí thứ 2, chiếm trên 18% tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Được biết, trong bối cảnh xuất khẩu gạo của cả nước đang khá trầm lắng thì tình hình xuất khẩu gạo ST24 và ST25 khá tốt, nhờ thị trường Trung Quốc, Mỹ và EU tăng mua. Đặc biệt thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất tốt gạo ST24.
3/ Khi đại dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều địa phương, việc tiêu thụ nhiều loại nông sản gặp khó khăn khi hệ thống bảo quản yếu càng gây áp lực lên thị trường. Theo đó, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên 40 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, nhưng hệ thống kho lạnh lại chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nên mặt hàng này xuất khẩu vẫn dưới dạng thô, tươi sống là chính. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng ngàn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định mà chủ yếu là xuất khẩu. Được biết, số lượng kho lạnh này hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản cho nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
4/ Đợt nắng nóng vừa qua ở miền Bắc dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao khiến hệ thống điện lập kỷ lục mới trong tiêu thụ. Số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, công suất tiêu thụ điện toàn quốc vọt lên đỉnh mới 41.558 MW vào ngày 2/6/2021, cao hơn 3.200 MW so với mức đỉnh của năm 2020. Tuy nhiên với công suất dự phòng hiện nay, nhiều khả năng đến năm 2025, Việt Nam có thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu điện. Bộ Công Thương cũng cho rằng, nếu xét luôn nguồn năng lượng tái tạo thì tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc và các miền tương đối ổn; trong đó miền Bắc là 13%, miền Trung 291% và miền Nam là 36%. Tuy nhiên, nếu không xét các nguồn năng lượng tái tạo thì hệ thống điện miền Bắc và miền Nam sẽ thiếu công suất dự phòng.
5/ Vừa qua, EU và Mỹ đồng ý tạm ngừng áp dụng thuế quan trả đũa, động thái xuất phát từ phán quyết của WTO về trợ cấp của chính phủ đối với các nhà sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Các mức thuế trừng phạt đã ảnh hưởng đến cả hai bên với tổng giá trị thương mại là 11,5 tỷ USD, khiến các doanh nghiệp EU và Mỹ phải trả hơn 3,3 tỷ USD tiền thuế. Quyết định này được đưa ra sau khi thỏa thuận đình chỉ 4 tháng đầu tiên vào tháng 3, được coi là bước đầu tiên trong việc giải quyết cuộc chiến thương mại với Mỹ vốn đã làm rạn nứt quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong những năm gần đây. Ngoài ra, các bên cũng vui mừng thực hiện những giải pháp chấm dứt tranh chấp máy bay dân dụng – điều ảnh hưởng không tương xứng đến lĩnh vực tiêu thụ nông sản.
6/ Theo Xinhua, dữ liệu công nghiệp cho thấy ngành logistics Trung Quốc sau thời gian dài bị ảnh hưởng do Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay đã ghi nhận tăng trở lại, đạt mức cao nhất trong bốn tháng đầu năm 2021. Theo đó, lĩnh vực logistics của Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng ngang bằng năm 2019, trước khi Covid-19 xuất hiện, nhờ phát triển ổn định từ đầu năm. Theo Liên đoàn Giao nhận và Mua hàng Trung Quốc (CFLP – China Federation of Logistics and Purchasing), chỉ trong bốn tháng đầu năm 2021, giá trị dịch vụ hậu cần xã hội của nước này đạt khoảng 15.250 tỷ USD (tương đương 97.400 tỷ nhân dân tệ), tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tổng doanh thu từ logistics của nước này trong bốn tháng qua cũng lên tới 562 tỷ USD (tương đương 3.600 tỷ nhân dân tệ), tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
7/ Các nghị sĩ và quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bày tỏ sự lo ngại khi giá trị vốn hóa của stablecoin vượt 100 tỷ USD vào cuối tháng 5. Theo Bloomberg, thậm chí các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng cảnh báo về những rủi ro stablecoin có thể gây ra với thị trường tài chính. Họ cho rằng việc một số lượng khổng tiền mã hóa gắn với đồng USD được giao dịch không qua hệ thống ngân hàng Mỹ có thể dẫn tới nguy cơ tội phạm. Stablecoin là loại tiền mã hóa có giá trị gắn chặt với giá của một tài sản cố định như đồng USD. Hiện nay, Mỹ và nhiều quốc gia khác đang xem xét phát hành tiền mã hóa chính thức. Loại tiền mã hóa này sẽ là đối thủ trực tiếp của stablecoin.
8/ Thông tin trên từ số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Italy cho thấy vào năm 2020, hơn 5,6 triệu người và hơn 2 triệu gia đình rơi vào tình trạng nghèo đói ở Italy. Hơn 2,6 triệu gia đình sống trong tình trạng nghèo (ít hơn 1001,86 euro cho một gia đình 2 người). Ngoài ra, có 767 nghìn gia đình có con chưa thành niên cũng sống trong tình trạng nghèo đói. Theo Bloomberg, nợ quốc gia của Italy vào năm 2021 sẽ là mức cao nhất trong một thế kỷ và lên tới gần 160% GDP. Thậm chí, nước này sẽ vượt quá chỉ số của năm đầu tiên sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, khi tỷ lệ nợ công và GDP là 159,5%. Thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng lên 11,8% trong năm nay khi nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Âu tìm kiếm các khoản vay bổ sung hàng tỉ euro để giúp bảo vệ công dân và doanh nghiệp khỏi tác động của đại dịch Covid-19.
9/ Với những cải thiện đáng kể nhất trong 2020 về ổn định kinh tế, Nga đã đạt thứ hạng cao nhất từ trước tới nay của nước này trong bảng kết quả Chỉ số Phát triển kinh tế bền vững toàn cầu khi xếp hạng 53. Theo tập đoàn tư vấn The Boston Consulting Group (BCG), kết quả phân tích của công cụ Đánh giá Phát triển kinh tế bền vững (SEDA) do BCG thực hiện cho thấy số điểm tổng thể mà Nga đạt được là 56,4. Đây là số điểm cao nhất của Nga từng được thống kê. So với năm 2016, Nga đã tăng thêm 3,49 điểm tổng thể, trong khi đó Trung Quốc tăng 3,15 điểm trong giai đoạn này (đạt thứ hạng 58). Theo kết quả phân tích của SEDA, Thụy Sĩ dẫn đầu bảng xếp hạng, Na Uy ở vị trí thứ hai và Phần Lan ở vị trí thứ ba.