Các công ty Trung Quốc làm ăn ở Nga dùng dằng “nửa ở nửa đi”

131
ChinaShipping: Xe tải vận chuyển các container của hãng tàu biển China Shipping Group ở cảng Baltiysk ở thành phố Kaliningrad của Nga. Ảnh: Reuters

Dự kiến trong ngày hôm nay 14-3, đại diện của hãng viễn thông ZTE sẽ ra hầu tòa tại Texas về bản án tuyên năm 2017 khi ZTE vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Các lệnh cấm với ZTE và Huawei trong quá khứ sẽ khiến các công ty Trung Quốc đang làm ăn tại Nga phải phân vân chuyện ở lại hay rời bỏ thị trường này.

Cú quay xe “rời Nga nhưng cuối cùng là ở lại” của hãng gọi xe công nghệ Didi Global phản ánh sự cân bằng tinh tế mà các công ty Trung Quốc đang phải “đi dây” khi làm ăn ở Nga. Sự đồng nhất trong các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp với các tín hiệu từ Bắc Kinh luôn gây khó cho các công ty Trung Quốc.

Ai đi, ai ở?

Hôm 21-2, Didi Global thông báo sẽ rời Nga vào ngày 4-3 do doanh thu thấp và thua lỗ. Năm ngày sau, Didi rất nhanh chóng và dứt khoát đảo ngược quyết định này và “sẽ tiếp tục thực hiện cam kết với tài xế và hành khách ở thị trường Nga”.

Didi bước vào Nga vào tháng 8-2020 – thị trường châu Âu đầu tiên của hãng. Nhưng hãng gọi xe Trung Quốc đã không thể thắng thế trước sự thống lĩnh thị trường của nền tảng Yandex của Nga. Đầu tháng 3-2022, Yandex nói rằng mảng gọi xe của hãng sẽ tạo ra doanh số khoảng 8,58 tỉ đô la trong năm nay.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Didi hoàn toàn không mấy sáng sủa khi lỗ đến 7,63 tỉ đô la trong chín tháng đầu năm 2021. Quyết định rời khỏi hai thị trường Nga và Kazakhstan là nhằm cắt lỗ. Nhưng trước cáo buộc “hèn nhát và ăn theo phương Tây” của dư luận Trung Quốc và không đồng nhất với chính sách từ Bắc Kinh, Didi đã quyết định sẽ tiếp tục ở lại Nga, nhưng rời bỏ thị trường Kazakhstan.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã mở rộng hoạt động và ảnh hưởng tại Nga trong những năm gần đây. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vẫn chưa đề cập đến bất kỳ thay đổi nào đối với các dự án đầu tư tại Nga.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) và quỹ đầu tư của chính phủ Trung Quốc chiếm 30% số vốn đầu tư của một dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại cảng Sabetta ở phía bắc nước Nga, khai thác từ năm 2017.

CNPC và CNOOC (Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc) cùng đầu tư vào một siêu dự án LNG khác ở bờ tây bán đảo Gydan của Nga mà việc khai thác sẽ bắt đầu vào năm 2023 tới. Tháng 2 vừa rồi, CNPC đã nhập khí đốt từ đảo Sakhalin ở Viễn Đông của Nga thông qua một đường ống mới.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân lại dứt khoát ra đi hoặc có các tính toán khác.

Ứng dụng TikTok thuộc tập đoàn công nghệ ByteDance tuyên bố sẽ tạm ngừng dịch vụ tại Nga. Còn hãng Volvo Cars thuộc sở hữu của Geely đã ngừng giao xe ở thị trường Nga.

Nhà sản xuất kính xe hơi Fuyao Glass Industry Group xuất khẩu 40% sản phẩm nhà máy tại Nga sang thị trường khác. Nhưng hiện Fuyao đã quyết định xuất các sản phẩm từ các nhà máy nội địa ở Trung Quốc. Các nhà quan sát cho rằng Fuyao đã chuyển địa điểm sản xuất để giảm thiểu nguy cơ gián đoạn trong các khu giải quyết hậu cần và thanh toán quốc tế.

Hãng sản xuất men bánh mì Angel Yeast đã nhanh chóng tìm cách giảm thiểu tác động đến nhà máy của họ tại Nga. Truyền thông Trung Quốc đã tiết lộ chi tiết trong là hãng này đang xem xét việc chuyển tiền thông qua một quốc gia thứ ba.

Hơn nữa, các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc tại Ukraine đã buộc phải thích ứng với các diễn biến của chiến tranh.

Tuần rồi, công ty khai thác tài nguyên hợp đồng Xinjiang Beiken Energy Engineering thông báo dừng một dự án khí đốt tự nhiên sử dụng khoảng 100 công dân Trung Quốc. Mỏ khí đốt này chiếm khoảng 30% doanh số của công ty.

Cẩn trọng khi quyết định

Dù có sự thay đổi giọng điệu khi gọi xung đột đang diễn ra bằng từ “chiến tranh”, Bắc Kinh chính thức tuyên bố chống lại các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt lên Nga. Điều này khiến các công ty Trung Quốc không dễ dàng khi đưa ra các quyết định kinh doanh ở xứ sở bạch dương.

Theo truyền thống, các công ty Trung Quốc sẽ không bày tỏ quan điểm mâu thuẫn với chính phủ Trung Quốc. Họ cũng muốn tránh đưa ra các tuyên bố thân thiện với Nga để có thể châm ngòi cho các cuộc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc ở các thị trường phương Tây.

Một danh sách dài các giám đốc điều hành hiện tại và cựu giám đốc điều hành của các công ty nổi tiếng sẽ tham gia Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc – tức Quốc vụ viện Trung Quốc – khai mạc hôm 26-2. Trong số này, bao gồm nhà lãnh đạo từng một thời đứng đầu CNPC cùng với các nhà quản lý từ hãng smartphone Xiaomi, hai hãng xeGreat Wall Motor và Geely.

Các công ty của Trung Quốc vẫn giữ im lặng về tác động của các lệnh trừng phạt đối với các hoạt động của Trung Quốc tại Nga. Nikkei Asia đã gửi bảng câu hỏi tới nhiều doanh nghiệp và nhà quản lý doanh nghiệp có mối quan hệ với Nga. Chỉ có nhà sản xuất đồ điện tử gia dụng Haier phản hồi: “Không có tác động nào”.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến trong tuần rồi với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phản đối các biện pháp trừng phạt đối với Nga, thay vào đó ủng hộ “kiềm chế tối đa” và đối thoại.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, và Nga là một trong những nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu tài nguyên dầu mỏ từ Nga, các công ty Trung Quốc lại xuất khẩu hàng hóa sang nước láng giềng phía bắc. Xiaomi bán điện thoại thông minh của mình ở Nga, trong khi các nhà sản xuất xe hơi Great Wall và Geely có nhà phân phối tại thị trường này.

Toan tính lâu dài

Khi các tập đoàn phương Tây rút đi, các hãng đối thủ của Nga và những hãng cạnh tranh châu Á, nhất là Trung Quốc sẽ chiếm lấy thị phần bỏ trống. Tuy nhiên, Reuters nhận định rằng tác động của các lệnh cấm vận sẽ làm nền kinh tế Nga yếu đi, sức mua của người dân kém hẳn.

Doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng tốc mở rộng hoạt động trên toàn cầu dưới sự bảo trợ của chính phủ. Họ đã xây dựng được nền tảng kinh doanh khá vững tại Nga và không dễ dàng từ bỏ. Bloomberg đưa tin Bắc Kinh đang trao đổi với các doanh nghiệp khổng lồ của nhà nước, bao gồm CNPC, Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec), Tập đoàn nhôm Trung Quốc, Tập đoàn khai khoáng Trung Quốc về bất kỳ cơ hội đầu tư tiềm năng nào vào các công ty hoặc tài sản của Nga.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đang ở vị thế bất lợi khi đứng về phía Nga. Đầu tiên, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với mức tăng trưởng 30% trong năm 2021 – mức cao nhất từ trước đến nay. Trung Quốc phụ thuộc vào các công ty Mỹ về chất bán dẫn và công nghệ tiên tiến hàng đầu khác. Hơn nữa, Bắc Kinh đang muốn tránh va chạm trực tiếp với Washington.

Các lệnh cấm chuyển giao công nghệ đã khiến Huawei bị Samsung và Apple “cướp” đi thị phần smartphone thế giới, để rồi phải lui về thị trường nội địa và gặp sự cạnh tranh gay gắt của các hãng đồng hương.

Khi các lệnh cấm ZTE hay Huawei trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn được duy trì, nếu tòa Texas hôm nay đưa ra bản án bất lợi với ZTE như năm 2017 thì thông điệp cứng rắn từ Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn ở Nga suy xét hơn nữa.

Ricky Hồ / BSA 

Ngân hàng Nhật và Grab đàm phán mua lại mảng kinh doanh châu Á của Home Credit