Các hãng công nghệ Đông Nam Á đang đương đầu với áp lực lợi nhuận
Tiêu điểm:
Các hãng công nghệ Đông Nam Á đang đương đầu với áp lực lợi nhuận
Sea – hãng mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee – công bố khoản lỗ 422 triệu USD trong quý 1 vừa rồi, tăng 50% so với khoản lỗ 281 triệu USD của quý 1/2020. Hãng công nghệ có mức vốn hóa 100 tỷ USD cùng những startup công nghệ khác ở Đông Nam Á như Grab, Gojek hay Tokopedia đang đối mặt với mệnh lệnh “phải sớm có lợi nhuận” từ giới đầu tư cá mập.
Thông báo hôm 18/5 của Sea diễn ra một ngày sau khi Gojek và Tokopedia tuyên bố hợp nhất. Hãng gọi xe công nghệ và sàn thương mại điện tử lớn nhất của Indonesia sáp nhập để tạo một tổ hợp lớn hơn và niêm yết lần đầu (IPO) vào cuối năm nay. Tháng trước, Grab cũng tuyên bố IPO ở Mỹ vào khoảng tháng 9 năm nay, thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Vì thế, mức lời lỗ của Sea vào lúc này được săm soi cặn kẽ bởi những con số sẽ tiết lộ mức độ cạnh tranh của mảng công nghệ đang phát triển vũ bão ở Đông Nam Á.
Theo bản cáo bạch của Sea, doanh số của tập đoàn trong quý 1 đạt 1,76 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 714 triệu USD của quý cùng kỳ năm ngoái nhờ vào mảng kinh doanh cốt lõi là thương mại điện tử tăng mạnh. Doanh số của mảng này đã tăng 250% đạt 922 triệu USD, trong khi doanh thu mảng trò chơi điện tử tăng 111% đạt 781 triệu USD, và mảng tài chính số tăng 400% đạt 51 triệu USD.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử và dịch vụ tài chính số đồng nghĩa với sự phóng tay chi cho hoạt động tiếp thị của tập đoàn. Tổng chi phí điều hành đã tăng gấp đôi và đạt 993 triệu USD trong quý rồi, tức chiếm 56% tổng doanh số. Điều này chứng tỏ tập đoàn gặp sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nhà cung ứng dịch vụ tài chính số khác.
Các mảng kinh doanh của Sea hiện gồm: trò chơi điện tử, thương mại điện tử, giao nhận đồ ăn và dịch vụ thanh toán. Khi mở rộng hoạt động, Sea phải đương đầu với kỳ lân công nghệ khác ở Đông Nam Á. Tại Indonesia, Shopee phải đối đầu với Tokopedia trong mảng thương mại điện tử, quyết đấu với Grab và Gojek ở lĩnh vực giao nhận thức ăn. Tại Singapore, cả Sea và Grab được kỳ vọng sẽ khai trương ngân hàng số, sớm nhất là năm tới và sẽ là đối thủ của nhau trên lĩnh địa mới.
Các thương vụ IPO đang chờ đón Grab và GoTo – tập đoàn mới sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia đang chờ sự chuẩn thuận của nhà chức trách Indonesia. Các nhà đầu tư trên sàn New York sẽ được tiếp cận với nền kinh tế số khá non trẻ của Đông Nam Á có thể tăng trưởng 3 lần về quy mô trong vòng 5 năm tới. Dịch bệnh kéo dài còn có thể thúc đẩy quá trình số hóa của khu vực tăng tốc mau chóng.
Sự kỳ vọng của các nhà đầu tư với các hãng công nghệ ASEAN rất cao. Và lợi nhuận là yếu tố được chăm chú theo dõi khi cạnh tranh ngày càng tăng mạnh. Sea đã lỗ ròng 1,6 tỷ USD trong năm ngoái, trong khi con số đó của Grab là 2,7 tỷ USD. Cả hai hãng công nghệ Gojek và Tokopedia cũng chưa có được lợi nhuận. Các nhà đầu tư đang “đỏ con mắt” trông chờ đến ngày hái quả ngọt từ các hãng công nghệ ASEAN.
Một trong những thế mạnh của Sea so với các đối thủ khác trong khu vực là mảng trò chơi điện tử – mang lại cho Sea 431 triệu USD tiền lãi kinh doanh trong quý 1 vừa rồi. Sea cũng là tập đoàn công nghệ vươn ra khỏi tầm khu vực với việc mở các sàn thương mại điện tử ở Brazil và Mexico.
Sau đợt IPO trị giá gần 900 triệu USD trên thị trường New York cuối năm 2017, Sea đã vươn vai biến thành khổng lồ khi mức vốn hóa được định giá là 100 tỷ USD trong năm vừa rồi. Tầm vóc của Sea và khả năng sớm có lợi nhuận của tập đoàn đặt tại Singapore luôn là cột mốc và tiêu chuẩn đối với các hãng công nghệ khác ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó là tái cấu trúc vốn đầu tư để tăng khả năng sinh lợi. Đó là lý do tại sao đã từng có tin Grab và Gojek hợp nhất, rồi sau đó là vụ Gojek và Tokopedia về một nhà, rồi Grab IPO…
Nhưng giá trị vốn hóa vài chục tỷ đô là cái đích mà nhà đầu tư nhắm đến. Và khả năng sớm sinh lợi nhuận luôn là áp lực đè vai đội ngũ CEO các hãng công nghệ ASEAN.
Bản Tin Thị Trường
1/Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,08 – 56,43 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.866,4 USD/ounce, không đổi so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, đà tăng của giá vàng đã bị kìm hãm phần nào khi lợi suất trái phiếu tăng nhẹ. Lợi suất cao làm tăng chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.
2/ Nhà bán lẻ điều hành siêu thị E-mart và tập đoàn THACO của Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận mua bán. Theo đó, E-mart sẽ bán mảng kinh doanh cửa hàng bán lẻ của mình tại Việt Nam sau khi gặp nhiều trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại đây dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu. Thương vụ khẳng định sự rút khỏi thị trường Việt Nam của nhà đầu tư Hàn Quốc sau nhiều lần gặp trở ngại trong việc mở rộng. Được biết, E-mart đã quyết định bán 100% cổ phần tại Công ty E-mart Việt Nam cho Tập đoàn Trường Hải (Thaco), một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn của Việt Nam và đang có nhiều bất động sản bán lẻ. Nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc sẽ nhận tiền bản quyền từ người mua Việt Nam. Điều này có nghĩa là thương hiệu E-mart vẫn hiện diện ở Việt Nam nhưng sẽ do doanh nghiệp Việt Nam điều hành.
3/ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu tôm trong quí 1 vừa qua tăng trưởng ấn tượng ở một số thị trường, trong đó có thị trường Úc. Theo đó, tính đến nửa đầu tháng 4/2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Úc đạt 47,4 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Là thị trường xuất khẩu tôm tiềm năng trong khối thị trường CPTPP, trong hai năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu tôm (nhất là tôm chân trắng) sang thị trường Úc luôn đạt kết quả khả quan. Được biết, trong quí 1, đã có hơn 20 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tôm sang thị trường này. Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Brunei là 5 thị trường cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Úc, trong đó Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất, chiếm đến 65% tổng giá trị tôm nhập khẩu của thị trường này.
4/ Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang trụ vững và tăng trong khi giá gạo Thái Lan liên tục giảm đã khiến cho giá gạo Việt hiện đang cao hơn nhiều so với gạo Thái. Theo đó, thông tin từ Oryza cho thấy, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 493 USD/tấn. Mức giá này đã được giữ vững trong nhiều ngày qua. Trong khi đó, gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan giảm USD/tấn so với ngày trước đó, xuống còn 453 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam hiện đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan tới 40 USD/tấn và cao hơn rất nhiều so với gạo Pakistan (438 USD/tấn) và Ấn Độ (388 USD/tấn). Giá gạo Ấn Độ vốn đã thấp so với các nước xuất khẩu lớn, lại đang có xu hướng giảm xuống do nguồn cung tăng lên khi Chính phủ nước này giải phóng kho dự trữ để giúp người nghèo vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
5/ Bộ Công Thương cho biết đã nhận được thông tin việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraina và Việt Nam. Hàng hóa bị điều tra là mật ong thô được phân loại theo mã của Mỹ và có nguồn gốc từ các quốc gia trên. Dự kiến, thời gian điều tra là 12 tháng (có thể gia hạn thêm 6 tháng theo quy định của Mỹ). Được biết, biên độ bán phá giá do DOC ước tính với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nằm trong khoảng 47,56% – 138,23%. Hơn thế nữa, Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ từ các doanh nghiệp có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Hoa Kỳ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất.
6/ Bộ Công Thương cho biết Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ vừa thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm pin năng lượng Mặt Trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất pin năng lượng Mặt Trời Ấn Độ, đại diện cho công ty Mundra Solar PV Limited, công ty Jupiter Solar Power Limited và công ty Jupiter International Limited. Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho rằng sản phẩm pin năng lượng Mặt Trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam có biên độ bán phá giá cao, vượt ngưỡng tối thiểu (tức trên 2%). Được biết, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ sẽ gửi Bản câu hỏi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
7/ Theo dữ liệu của Coin Desk, hôm nay 19/5 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin lần đầu tiên rơi xuống dưới 40.000 USD/đồng sau 14 tuần. Đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới hiện được giao dịch quanh ngưỡng 39.500 USD/đồng, giảm gần 13% so với một ngày trước đó. Như vậy, tính từ mức đỉnh gần 65.000 USD/đồng thiết lập hôm 14/4, Bitcoin đã giảm giá 39%. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 742 tỷ USD. Đà giảm giá của Bitcoin được kích hoạt sau khi tỷ phú Elon Musk tuyên bố Tesla tạm dừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vì vấn đề môi trường. Như vậy, Áp lực bán tháo khiến giá Bitcoin lao dốc không phanh và cũng là lần đầu tiên sau 14 tuần, giá Bitcoin mất mốc 40.000 USD/đồng. Các rủi ro pháp lý cũng đè nặng lên giá Bitcoin.
8/ Theo Reuters, Trung Quốc sẽ cấm các thể chế tài chính và các công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến các giao dịch tiền kỹ thuật số, cảnh báo giới đầu tư với hoạt động giao dịch tiền ảo mang tính đầu cơ. Đây cũng được coi là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm hạ nhiệt thị trường giao dịch kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng. Được biết, trong thời gian gần đây, giá các đồng tiền kỹ thuật số đã dao động mạnh, và hoạt động giao dịch đầu cơ tiền số đã quay trở lại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn trong tài sản của người dân và gây mất trật tự tài chính và kinh tế bình thường. Chính phủ Trung Quốc cũng đã cấm giao dịch tiền kỹ thuật số và hoạt động phát hành tiến số ra công chúng lần đầu (ICO) nhưng vẫn chưa cấm cá nhân nắm giữ tiền số.
9/ Theo Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết, giá cả buôn bán trên thị trường của Nhật Bản trong tháng 4/2021 đã tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong hơn 6 năm qua do giá dầu và hàng hóa tăng cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới. Được biết, giá hàng hóa mua bán giữa các công ty đã tăng tháng thứ hai liên tiếp và đạt mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2014. Giá dầu và các sản phẩm than đá đã tăng 39,3% trong thời gian này do giá dầu thô tăng, cho thấy sự phục hồi so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá điện, khi đốt và nước giảm 8,1% so với một năm trước đó. Giá nhập khẩu tăng 15,1% so với năm trước trong khi giá xuất khẩu tăng 8,2%.
10/ Theo The Australian, chính phủ Anh đang ủng hộ việc cho phép Australia nhập khẩu thực phẩm vào nước này mà không cần phải đánh thuế. Theo đó, mức thuế 20% đang được áp dụng đối với thịt bò Australia nhập khẩu vào Anh sẽ được giảm xuống bằng không sau 15 năm nữa. Việc gỡ bỏ thuế đối với thực phẩm nhập khẩu từ Australia sẽ khiến những người nông dân người Anh không hài lòng khi buộc họ phải cạnh tranh nhiều hơn trên chính sân nhà của mình. Tuy nhiên, trong cuộc đàm phán này Anh cũng sẽ không bị thiệt. Anh hy vọng Australia sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng của Anh như xe cộ đồng thời mở cửa thị trường đối với các nhà đầu tư của nước này. Chính phủ Anh hy vọng cả hai bên có thể kết thúc cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do song phương vào tháng tới và đây sẽ là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên mà Anh đạt được với các nước kể từ khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu.