Các nhà bán lẻ nước ngoài tăng tốc mở rộng ở Indonesia

Tập đoàn Aeon của Nhật Bản và các tập đoàn bán lẻ châu Á nhận ra triển vọng của thị trường bán lẻ Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia

Các gã khổng lồ bán lẻ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đang đẩy mạnh mở rộng kinh doanh tại thị trường Indonesia, cạnh tranh mạnh với các nhà bán lẻ nội địa. Tỷ lệ lấp đầy các trung tâm mua sắm cũng gia tăng hơn năm trước giữa bối cảnh thị trường bán lẻ trong khu vực đang thu hẹp.

Gã khổng lồ bán lẻ Aeon của Nhật Bản có kế hoạch mở thêm trung tâm mua sắm mới ở Deltamas, một thành phố nằm ở phía đông Jakarta. Đây sẽ là cơ sở thứ năm của Aeon tại Indonesia sau khi mở trung tâm đầu tiên vào năm 2015.

Takashi Okada, Chủ tịch Aeon Mall Indonesia, nói rằng trung tâm Deltamas sẽ là trung tâm hàng đầu (flagship store) đại diện cho thương hiệu Aeon tại xứ vạn đảo.

Ông Okada không cung cấp thông tin chi tiết về các kế hoạch mở rộng trong tương lai ở nước này, nhưng nói rằng Aeon đang “tìm kiếm các địa điểm tiềm năng để mở các trung tâm thương mại mới”. Ông cũng cho biết trọng tâm ban đầu của Aeon là mở thêm cửa hàng ở khu vực Jakarta, nhưng công ty hy vọng sẽ mở rộng ra ngoài khu vực thủ đô.

Các trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm phổ biến ở Indonesia không chỉ để mua sắm mà còn là nơi tụ tập và giải trí. Những nơi này cũng phục vụ đa dạng cho các tệp khách hàng có mức thu nhập khác nhau.

Ở phân khúc cao cấp có các nhà khai thác nội địa như Agung Sedayu Group – một hãng bất động sản hàng đầu có trụ sở ở Jakarta, và Matahari Department Store. Ngoài ra, còn có các trung tâm mua sắm do nước ngoài điều hành như Aeon, GS Retail, Central Retail…

Tổng Giám đốc Takayuki Akaho của Aeon Mall Deltamas nói rằng thị trường Indonesia hấp dẫn vì dân số ngày càng gia tăng và số lượng thành phố ở Indonesia. Nhưng Akaho thừa nhận rằng Aeon đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn. “Ở Việt Nam và Campuchia, chúng tôi có ít đối thủ hơn và kiểm soát thị trường. Nhưng khi chúng tôi vào Indonesia, thị trường đã chín muồi”, ông nói.

Các đối thủ trong khu vực cũng đã nhắm đến Indonesia.

Tập đoàn GS Retail của Hàn Quốc đã khai trương siêu thị GS The Fresh thứ bảy tại Bogor, phía nam Jakarta vào tháng 12-2021. Ảnh: GS Retai

GS Retail của Hàn Quốc đã mở cửa hàng đầu tiên tại Bogor, phía nam Jakarta, vào năm 2016 và hiện đang điều hành tám siêu thị dưới thương hiệu GS The Fresh tại Indonesia. Công ty có kế hoạch tăng số lượng cửa hàng lên 20 vào năm 2025 nhờ quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia. Hiện dân số Indonesia vượt 280 triệu người, đứng thứ tư trên thế giới.

Đại diện GS Retail nói với Nikkei Asia: “Dựa trên nghiên cứu của chúng tôi về thị trường Indonesia, chúng tôi nghĩ rằng các siêu thị sẽ tốt hơn cho người tiêu dùng địa phương. Chúng tôi cũng đã xem xét Đạo luật kinh doanh bán lẻ ở Indonesia, vốn hạn chế sự tham gia của các công ty nước ngoài đối với mảng cửa hàng bán lẻ nhỏ”.

Gã khổng lồ bán lẻ Central Retail của Thái Lan đã gia nhập Indonesia vào năm 2012. Công ty này đã mở trung tâm mua sắm Central Department Store ở Jakarta vào năm 2014 và dự định mở rộng, lên kế hoạch lên tới năm trung tâm nữa trong vài năm tới ở Jakarta và Surabaya, một thành phố lớn khác. Hai thành phố này đều nằm trên đảo Java.

Các nhà điều hành trung tâm mua sắm nước ngoài ở Indonesia phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt. Chẳng hạn, năm 2021, Bộ Thương mại quy định 30% diện tích sàn bán hàng phải dành cho sản phẩm sản xuất trong nước.

Bất chấp rào cản pháp lý, thị trường bán lẻ Indonesia vẫn là mảnh đất đầy hứa hẹn.

Syarifah Syaukat, cố vấn nghiên cứu cấp cao của hãng tư vấn bất động sản Knight Frank, cho biết khoảng sáu trung tâm thương mại nữa sẽ mở cửa vào năm 2025 tại Indonesia. “Nguồn cung mới về cơ bản phản ánh sự tăng trưởng và phục hồi kinh tế của Indonesia, gửi tín hiệu tích cực cho các nhà phát triển bán lẻ”. Bà cho biết rằng tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại hiện tại tăng lên 78,81%, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu tích cực của thị trường bán lẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Trung tâm mua sắm Indonesia Budihardjo Iduansjah nói với Nikkei Asia rằng: “Triển vọng mở rộng các trung tâm là rất tích cực vì luôn đáp ứng yếu tố giải trí trong mua sắm. Mua sắm trực tuyến không thể thay thế mua sắm trực tiếp. Sau khi đại dịch kết thúc, khách hàng khao khát trải nghiệm trực tiếp trong cửa hàng, chạm và thử trước những gì họ sắp mua”.

Ricky Hồ / BSA