Các nhà đầu tư rời bỏ Myanmar, chuyển hướng đến Việt Nam và Campuchia?

935
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chậm dứt mối quan hệ đối tác với những công ty có liên quan đến quân đội Myanmar. Chẳng hạn, Công ty bia Kirin Holdings (Nhật Bản) đã dừng hợp tác với Công ty Myanmar Economic Holdings (MEHL) của quân đội Myanmar. - Ảnh: Sky News
Tiêu điểm:
Các nhà đầu tư rời bỏ Myanmar, chuyển hướng đến Việt Nam và Campuchia?
Giới đầu tư nước ngoài đang cân nhắc và có thể lựa chọn Việt Nam và Campuchia làm nơi trú ẩn an toàn khi những lo ngại về bất ổn chính trị và xung đột quân sự tại Myanmar ngày càng lớn dần và máu đã đổ.
“Một khi biên giới mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư châu Á sẽ quay lại Việt Nam. Bạn sẽ chứng kiến các thương vụ đầu tư bùng nổ, đưa Việt Nam dẫn đầu danh sách các thị trường mới nổi thu hút đầu tư nước ngoài”, theo lời Field Pickering, Giám đốc đầu tư mạo hiểm của Quỹ Vulpes Investment Management. Năm 2016, quỹ này cũng mở công ty đầu tư mạo hiểm Seed Myanmar ở Yangon.
Cuộc đảo chính của phe quân đội Myanmar hồi đầu tháng 2 giống như một con đập chặn đứng dòng vốn nước ngoài đang chảy vào Myanmar. “Đầu tư nước ngoài có thể đã đổ vào Myanmar nhưng giờ đây, sẽ không đến đó nữa. Các nước khác trong khu vực sẽ được hưởng lợi”, Dave Richards, đối tác quản lý ở Capria Ventures, nói.
Năm ngoái, DealStreetAsia cho hay Capria Ventures sẽ đầu tư 8 triệu đô la vào một số nước chọn lọc, với trọng tâm là Myanmar và Nepal. Capria Ventures dự định hỗ trợ một số quỹ đầu tư ở Myanmar nhưng phần lớn kế hoạch này giờ đây tạm dừng. Dave Richards nói Capria Ventures sẽ thực hiện thương vụ đầu tư đầu tiên ở Việt Nam trong năm nay, đồng thời tìm các cơ hội ở Campuchia, Bangladesh và Nepal.
Chỉ một hôm sau khi đảo chính diễn ra, các tập đoàn nước ngoài đã tuyên bố đình hoãn các dự án đầu tư tại Myanmar. Tập đoàn Amata của Thái Lan ngừng dự án xây dựng khu công nghiệp trị giá 1 tỷ USD ở ngoại ô Yangon. Hãng xe Suzuki của Nhật Bản cũng tạm dừng nhà máy lắp ráp xe mới dự kiến khởi công vào tháng 9 tới ở Đặc khu kinh tế Thilawa. Suzuki vốn chiếm đến 60% thị trường xe hơi ở Myanmar và đóng vai trò “cột cái” của ngành công nghệ lắp ráp xe ở Myanmar với hai nhà máy ở Yangon và Thilawa…
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn nấn ná ở Myanmar vì tiếc bao công sức đổ vào đây mà chưa được hưởng quả ngọt. Nhưng giờ đây khi họng súng của quân đội Tatmadaw đã chĩa vào người dân và nhiều người đã gục xuống, các nhà đầu tư nhận thức rằng Myanmar đã không còn là bến đỗ hứa hẹn nữa.
Các tuyên bố và đe dọa trừng phạt từ Mỹ và phương Tây đã khiến giới đầu tư nước ngoài lo ngại. Và họ đã cắt đứt mối quan hệ đối tác với những công ty có liên quan đến quân đội Myanmar.
Như hãng bia Kirin Holdings của Nhật Bản đã dừng hợp tác với Công ty Myanmar Economic Holdings (MEHL) của quân đội Myanmar.
Lim Kaling, người đồng sáng lập Công ty game Razer ở Singapore, thông báo ông sẽ bán cổ phần ở một công ty đang gián tiếp sở hữu cổ phần ở Virginia Tobacco Company, một liên doanh thuốc lá mà MEHL đang nắm cổ phần chi phối.
Nhiều quỹ đầu tư vốn tập trung tìm kiếm cơ hội ở Myanmar nay có thể mở rộng phạm vi hoạt động của họ ra khu vực Đông Nam Á. “Tôi dự báo rất nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển từ chiến lược chỉ tập trung vào Myanmar sang chiến lược khu vực”, Andrew Durke, Giám đốc hoạt động của Quỹ Obor Capital tại Campuchia, nói.
“Các dự án hạ tầng ở những nước như Campuchia và Lào đang tạo ra cơ hội cho các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân. Nhưng Việt Nam nổi bật hơn nhờ có sẵn lực lượng nhân tài và hệ sinh thái mà các quỹ đầu tư cần để hỗ trợ sáng tạo ở quy mô lớn”, Dave Richards, đối tác quản lý ở quỹ đầu tư Capria Venture, nhận định.
Ngân hàng phát triển FMO (Hà Lan) cho rằng Việt Nam đã xây dựng được một hệ sinh thái tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các công ty đang chuyển bớt chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.
Môi trường đầu tư ở Việt Nam cạnh tranh hơn và có quy mô lớn hơn so với Myanmar. Điều này sẽ giúp các quỹ đầu tư dễ dàng tìm kiếm các thương vụ và thoái vốn khi cần – Andrew Durke của Obor Capital nhận định.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang ở mức 55,47 – 55,87 triệu đồng/lượng, giảm 280.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch hai đầu là 400.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.711 USD/ounce, giảm 27,3 USD/ounce, tương đương 1,57% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, yếu tố tác động chính tới giá vàng là lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng trở lại. Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu và đồng USD tăng cũng là yếu tố làm giảm sức hấp dẫn của kênh đầu tư kim loại quý.
2/ Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential Việt Nam), trực thuộc Prudential plc và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã chính thức gia hạn mối quan hệ hợp tác chiến lược phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng trong vòng 15 năm. Thỏa thuận mới này mở rộng phạm vi phân phối bảo hiểm ra khu vực miền Bắc, nơi MSB đặt trụ sở; đồng thời, đưa Prudential Việt Nam trở thành đối tác duy nhất của MSB trên toàn quốc. Theo như thoả thuận hợp tác mới, Prudential Việt Nam và MSB sẽ mở rộng thêm các phân khúc trên nền tảng kỹ thuật số, để cung cấp các giải pháp bảo vệ toàn diện cho khách hàng. Việc mở rộng và gia hạn thỏa thuận hợp tác chiến lược này củng cố vị thế của Prudential Việt Nam trên thị trường bancassurance.
Bắt đầu hợp tác từ năm 2013, Prudential và MSB đã xây dựng thành công chiến lược kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng, góp phần giúp doanh thu phí bảo hiểm quy năm đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 34% tính từ năm 2014 đến 2020.
3/ Giá các loại phân bón tại đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2021, đặc biệt phân Ure tăng đến 37%. Hiện nay giá phân Ure nhập khẩu về tới cảng Việt Nam khoảng 9.300 đồng/kg, cộng với thuế, phí lên khoảng 10.000 đồng/kg, nguyên nhân giá phân bón tăng là do nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón mà cụ thể là Ure phụ thuộc nhiều vào giá khí. Bên cạnh đó, trên thế giới hiện nay nhu cầu về lương thực nhất là Trung Quốc trong thời Covid-19 đang rất cao. Trong khi, nguồn cung không đáp ứng kịp thời tạo ra khan hiếm lương thực, đẩy giá lương thực tăng cao. Dẫn đến nhu cầu phân bón tăng mạnh để thúc đẩy sản xuất lương thực trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà máy phân bón trong nước vẫn đảm bảo nguồn cung và giá bán ra đang thấp hơn giá thế giới.
5/ Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), ngành sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ của tỉnh đang chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ cả nước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh trong năm 2020 ước đạt khoảng 5,6 tỷ USD, chiếm trên 47,3% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ. Thị trường xuất khẩu của ngành gỗ Bình Dương chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản; Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)… Đặc biệt, từ ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, ngành gỗ đã mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ tại các nước trong khối EU. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tỉnh Bình Dương cũng còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành và sản xuất sản chưa phát triển.
6/ Gojek đã công bố hoàn thành việc triển khai ứng dụng GoBiz, nền tảng quản lý đơn hàng dành cho các đối tác nhà hàng. Theo đó, ứng dụng GoBiz với nhiều tính năng giúp tối ưu hoá quy trình giao đồ ăn trực tuyến, từ đó giúp các đối tác tăng trưởng kinh doanh hiệu quả, và nâng cao trải nghiệm người dùng. Hơn 80% các nhà hàng, quán ăn trên Gojek đang sử dụng GoBiz hàng ngày, giúp rút ngắn thời gian “từ nhà hàng tới khách hàng” lên tới 50% và lượng đơn hàng hoàn thành có thể tăng tới 300%. Với hơn 80 ngàn nhà hàng đang hoạt động trên ứng dụng, cung cấp hàng triệu lựa chọn các món ăn, thức uống, việc Gojek triển khai GoBiz là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà hàng chủ động quản lý các đơn hàng GoFood.
6/ Tàu biển xin treo cờ Việt Nam sẽ được hưởng một số lợi thế về giá dịch vụ và thị phần vận tải nội địa. Theo đó, tàu treo cờ Việt Nam sẽ được hưởng giá dịch vụ tại cảng biển thấp hơn khi treo cờ nước ngoài. Ví dụ, đối với tàu dầu trọng tải hơn 100.000 DWT treo cờ nước ngoài, hiện tại, chi phí đại lý, tàu lai, phí cảng khoảng hơn 130.000 – 140.000 USD thì tổng chi phí này đối với tàu khi treo cờ Việt Nam chỉ 40.000 – 45.000 USD. Trước đó, cuối tháng 1/2021, Công ty TNHH Vận tải Dầu khí Sao Việt và Công ty TNHH Khí đốt Thăng Long đã đồng loạt gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép 4 tàu biển được treo cờ Việt Nam. Đề xuất này dựa trên phân tích nhu cầu thị trường vận chuyển dầu thô bằng đường biển tại Việt Nam trong thời gian tới.
7/ Theo công ty nghiên cứu thị trường SNE Research, hãng sản xuất pin LG Energy Solution Ltd. (Hàn Quốc) là nhà cung cấp pin xe điện (EV) số 2 trên thế giới trong tháng 1/2021 sau hãng sản xuất pin Trung Quốc CATL.  LG Energy Solution, công ty con của LG Chem Ltd. được thành lập vào tháng 12/2020, đã xuất xưởng 2,5 GWh pin EV trong tháng Một, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2020. Song, thị phần trên toàn cầu của hãng đã giảm xuống 18,5% so với mức 23,9% cùng kỳ năm ngoái. CATL của Trung Quốc vẫn giữ vị trí đầu bảng với việc cung ứng 4,3 GWh, tăng 166,2% so với một năm trước và chiếm 31,2% thị phần toàn cầu. Trong khi đó, nguồn cung pin EV toàn cầu đạt 13,7 GWh trong tháng Một, gần gấp đôi so với lượng đăng ký cùng kỳ năm trước.
8/ Facebook cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh cấm quảng cáo về các vấn đề chính trị, bầu cử và xã hội ở Mỹ kể từ hôm nay. Lệnh cấm tạm thời này vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng hoặc gây rối trật tự sau ngày bầu cử 3/11/2020 tại Mỹ. Facebook cũng lưu ý rằng các quảng cáo chính trị và vấn đề xã hội sẽ đòi hỏi việc xác minh, cũng như đi kèm các tuyên bố từ chối trách nhiệm giải thích các thông điệp quảng cáo “được trả tiền” bởi một cá nhân hoặc tổ chức cụ thể. Gần đây nhất, Facebook đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm, khi cho phép các quảng cáo liên quan đến cuộc bầu cử bổ sung ghế Thượng viện Mỹ ở bang Georgia hồi tháng 1 vừa qua.
9/ Tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện nổi tiếng thể giới Walt Disney thông báo sẽ đóng cửa ít nhất 60 cửa hàng ở khu vực Bắc Mỹ trong năm 2021 để tập trung phát triển mô hình kinh doanh trực tuyến. Người đứng đầu bộ phận sản phẩm tiêu dùng, trò chơi và xuất bản của Disney, bà Stephanie Young, cho biết việc đóng cửa một số cửa hàng chỉ là bước đầu khi mà Disney dự định giảm đáng kể các hoạt động kinh doanh truyền thống và chuyển sang hoạt động thương mại điện tử. Disney kỳ vọng năm 2022 sẽ phát triển nền tảng bán hàng “shopDisney” và mở rộng việc tích hợp với các ứng dụng di động dành riêng tại các công viên giải trí Disneyland và mạng xã hội của hàng này.
10/ Singapore sẽ nâng tuổi nghỉ hưu theo luật định lên 63 và tuổi tái tuyển dụng lên 68 bắt đầu từ ngày 1/7/2022. Đến năm 2030, tuổi nghỉ hưu theo luật định được nâng lên 65 và tuổi tái tuyển dụng là 70. Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore cũng sẽ tăng tỷ lệ đóng góp quỹ dự phòng cho nhân viên lớn tuổi và chịu 1/2 mức tăng trong năm đầu tiên. Đồng thời họ cũng bơm thêm 230 triệu đô la Singapore (tương đương 172,6 triệu USD) để trợ cấp cho các chi phí phúc lợi mà doanh nghiệp phải chi trả cho việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, tuổi tái tuyển dụng và việc làm bán thời gian. Để giải quyết vấn đề thiếu lao động và tăng chi phí xã hội cho người cao tuổi do già hóa dân số gây ra, đồng thời tận dụng nguồn nhân lực, tăng tiết kiệm hưu trí, chính phủ Singapore tuyên bố hoàn thành việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong vòng 10 năm tới.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Đài Loan “thần tốc” hóa giải cú bùm hàng triệu đô của Trung Quốc