Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang “thèm khát” trái cây Đông Nam Á

865
Vào tháng 7 vừa qua, Pinduoduo đã cho biết rằng họ sẽ khởi động dự án National Pavilion - Ảnh: Nikkei
Nhà vườn trái cây ở Đông Nam Á đang được các hãng thương mại điện tử Trung Quốc chú ý, như nền tảng trực tuyến nông sản Pinduoduo,  Alibaba và JD.com. Thị trường nông sản trong khu vực đang trở thành “đấu trường” cạnh tranh giữa các hãng công nghệ Trung Quốc khi họ tăng cường đầu tư và trợ cấp cho nông dân.
Nhu cầu khổng lồ
Lượng trái cây nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng hơn 23% trong năm 2019, giúp nước này trở thành một trong những nhà nhập khẩu trái cây lớn nhất thế giới trong những năm gần đây. Bên cạnh mức độ thu nhập tăng cao, nhu cầu tăng mạnh còn do sự phát triển mạnh mẽ của các sàn mua bán sản phẩm tươi sống và nông nghiệp trong nước.
Pinduoduo hiện là sàn phân phối các sản phẩm nông nghiệp trực tuyến lớn nhất. Trong năm 2019, công ty đã nhân đôi doanh thu lên khoảng 20 tỷ USD, chiếm hơn 13% tổng giá trị hàng hóa (GMV) của công ty. Cũng không dừng lại ở đó, Pinduoduo gần đây đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là nâng GMV, từ các sản phẩm nông nghiệp, lên hơn gấp 7 lần, hơn 145 tỷ USD hàng năm, vào năm 2025.
Pinduoduo cho biết, sầu riêng, thanh long và dừa là những mặt hàng bán chạy nhất, với hàng trăm triệu người dùng đã mua trên nền tảng của họ. Gạo thơm cũng là một mặt hàng được người tiêu dùng yêu thích. Trước đây, người tiêu dùng giàu có chọn mua trái cây nhập khẩu từ siêu thị thì nay họ chuyển sang mua trên sàn điện tử. Bởi họ có thể mua những mặt hàng tương tự có chất lượng cao hơn nhưng với giá thành thấp hơn.
Vào tháng 7 vừa qua, Pinduoduo đã cho biết rằng họ sẽ khởi động dự án National Pavilion, bao gồm việc cung cấp 1 tỷ nhân dân tệ vào việc đầu tư và trợ cấp để khuyến khích các thương gia bên ngoài Trung Quốc thiết lập các cửa hàng nhỏ (micro-shop) trên nền tảng của mình. Công ty cũng đã cho phép các nhà trồng nông nghiệp ở nước ngoài live stream và tương tác với người tiêu dùng Trung Quốc. Vào tháng 6, công ty đã tổ chức một buổi truyền hình trực tuyến với tổng lãnh sự quán Thái Lan tại Thượng Hải để quảng bá nông sản.
Mô hình từ trang trại đến tay người tiêu dùng
Khi chuỗi phân phối được cải thiện, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ hơn và các khu vực nông thôn của Trung Quốc, thì việc các công ty kinh doanh sản phẩm nông nghiệp thông qua mô hình trực tuyến đã trở nên đơn giản và kinh tế hơn.
Tuy nhiên, với khả năng hậu cần chuỗi cung ứng tiên tiến hơn, các công ty công nghệ như Pinduoduo, Alibaba và JD.com có ​​thể sẽ hiệu quả hơn trong việc nắm bắt những cơ hội này so với các nhà bán lẻ truyền thống. Tương tự như mô hình từ người tiêu dùng đến nhà sản xuất mà Pinduoduo đã giúp phổ biến ở Trung Quốc, mô hình “từ trang trại đến người tiêu dùng” cắt bỏ các trung gian và kết nối trực tiếp người trồng với người tiêu dùng. Pinduoduo đã tuyên bố rằng mô hình này đã giúp giảm tải thời gian và chi phí vận chuyển của nông sản tươi sống.
Pinduoduo hiện đang nhắm tới Đông Nam Á để tìm kiếm công nghệ, nhằm cải thiện toàn bộ chuỗi cung ứng của mình. Vào tháng 8 này, công ty đã hợp tác với ASTAR, cơ quan nghiên cứu của chính phủ Singapore, để phát triển các phương pháp kiểm tra thuốc trừ sâu trong các thực phẩm tươi sống.
Kiếm lời từ “cơn sốt” sầu riêng
Tổng giá trị xuất khẩu trái cây của Thái Lan sang Trung Quốc đã đạt 3,2 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2019, đánh dấu mức nhảy vọt 41% so với năm 2018. Việt Nam, Philippines và Indonesia hiện cũng nằm trong số các nhà xuất khẩu hàng đầu.
Xếp hạng các nhà xuất khẩu trái cây hàng đầu sang Trung Quốc
Mặc dù nhập khẩu nói chung đã bị ảnh hưởng trong năm nay do đại dịch Covid-19, nhưng sầu riêng vẫn là một sản phẩm được săn lùng nhiều. Theo số liệu chính thức, thì Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng, trị giá 600 triệu USD từ Thái Lan trong 4 tháng đầu năm nay, đánh dấu mức tăng hơn 78% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, nhu cầu tăng trưởng ổn định của mặt hàng này cũng đang đẩy giá sầu riêng ở Trung Quốc tăng cao.
Top 10 các loại trái cây tươi được nhập khẩu vào Trung Quốc
Hiện tại, Thái Lan là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á được phép xuất khẩu sầu riêng tươi nguyên trái, có thể bán với giá cao hơn đáng kể, sang Trung Quốc. Malaysia, quốc gia chỉ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, hiện đang làm việc với Trung Quốc để xuất khẩu trái cây tươi sang quốc gia này.
Nhu cầu tăng đột biến đối với mặt hàng trái cây này đã đẩy giá thành tăng cao hơn so với năm trước. Điều này có thể bắt nguồn từ Khu vực Thương mại Tự do Asean – Trung Quốc (ACFTA) vốn xóa các loại thuế với trái cây và rau quả giữa Asean và Trung Quốc. Tuy nhiên, thì điều này cũng có thể gây ra những hệ quả không mong muốn như nguồn cung không đủ thì giá sầu riêng tươi lại gia tăng.
Hiện tại, nông dân ở Đông Nam Á có thể được hưởng lợi từ việc doanh số bán hàng tăng cao. Pinduoduo đã giúp cho những trang trại nhỏ hơn trong khu vực tiếp cận một kênh bán hàng mới vào thị trường Trung Quốc.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Phiên chợ Xanh – Tử tế lần thứ 200 tặng hơn 3.600 phần quà tri ân khách hàng