Tiếp tục những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với với các đối tác từ Thái Lan trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Thaifex 2022, ngày 27/5, Hội DN HVNCLC đã dẫn đoàn gần 20 doanh nghiệp đến gặp gỡ, tìm hiểu về cách mà ngành nông nghiệp Thái Lan hiện nay đang áp dụng thành công.
Những nội dung trao đổi mà đoàn Việt Nam cùng Thái Lan đưa ra bàn thảo tập trung vào phát triển sản phẩm OTOP (mỗi làng một sản phẩm) và GI (chỉ dẫn địa lý), các chính sách hỗ trợ cho nông dân cho Thái Lan. Nhất là những khó khăn trong quá trình giúp ngưòi nông dân làm tiêu chuẩn. Đồng thời tìm hiểu về việc phát triển nông nghiệp bền vững của Thái Lan.
Theo lãnh đạo từ Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho biết, về mặt hàng đạt tiêu chuẩn OTOP 5 sao, Thái có khoảng hơn 30.000 sản phẩm.
Chia sẻ kinh nghiệm về việc đi cùng ngưòi nông dân làm tiêu chuẩn hay các bước làm OTOP, GI, theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Thái Lan, đầu tiên phải thay đổi tư duy của người nông dân. Làm sao để họ suy nghĩ khác với lối nghĩ tồn tại nhiều thế hệ xưa nay vẫn nghĩ. Nếu không thay đổi suy nghĩ của người nông dân, sản phẩm không bao giờ đáp ứng được những yêu cầu tiêu chuẩn của người mua hàng khu vực, châu lục và thế giới.
Trong đó, phía Bộ Nông nghiệp Thái Lan lưu ý rằng, tiêu chuẩn sản phẩm được quyết định không chỉ bởi công nghệ, máy móc mà yếu tố quan trọng phải là con người.
Việc xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm thì hỗ trợ nông dân bằng tiền, hay những quy định là không đủ. Mà phải trang bị cho nông dân kiến thức. Đưa cho nông dân sự hỗ trợ để họ phát triển cho chính bản thân họ, cộng đồng, đó mới là điều mà Thái Lan đang làm hiện nay. Nếu làm theo hướng bền vững mà lại chú trọng tới năng suất, chất lượng sẽ khó làm nông nghiêp.
Bàn về vấn đề phát triển bền vững, đại diện từ Thái Lan cho hay, cần đưa ra những chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng cho nông dân để họ hiểu, bền vững là tạo ra được những lợi nhuận cho người nông dân, và lợi nhuận không phải chỉ là tiền mà nó là những lợi ích khác đến từ cuộc sống, từ những giá trị về môi trường, con người…
Nhấn mạnh tại buổi làm việc, phía Bộ Nông nghiệp Thái lan cho rằng, hiện nay, các nước EU, Trung Đông có tiêu chuẩn khác nhau, do đó, các nước ASEAN nên đoàn kết, chia vùng từng phân khúc để làm thị trường.
Bên cạnh đó, sau dịch Covid -19, các quốc gia quan tâm về tiêu chuẩn chất lượng, ít chú trọng tới bao bì sản phẩm so với trước kia, sự tiếp xúc bề mặt với khách hàng phải đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Nên có thể sẽ hình thành các tiêu chuẩn mới cho sản xuất, hay nông dân. Và Bộ Nông nghiệp Thái Lan khẳng định, họ không muốn những tiêu chuẩn như thế thành những rào cảm kỹ thuật mới với nông nghiệp Thái Lan.
Bàn thêm về việc làm marketing cho sản phẩm nông nghiệp, hiện nay, người tiêu dùng ít đi mua hàng bên ngoài. Họ mua sắm online nhiều hơn. Do đó mua hàng online sẽ là xu hướng quan trọng. Quan trọng là phải tự tin vào khả năng giao hàng tận nơi của doanh nghiệp mình. Trong quá khứ marketing là bán hàng giảm giá, thu hút người tiêu dùng đến nơi bán. Nhưng bán online khômg cần điều đó, nó là kinh doanh không biên giới. Nếu không làm tốt, người tiêu dùng mua trên mạng thấy không như quảng cáo họ sẽ mất niềm tin với doanh nghiệp và chính quốc gia.
Để làm việc với nông dân hiệu quả, ngành nông nghiệp Thái Lan ban đầu đầu tư cho những người nông dân có nhận thức tốt để phát triển họ trước. Những ngưòi làm không tốt mà bán sản phẩm sẽ bị cơ quan chức năng xử lý.
Về sản xuất theo Organic, Thái Lan thường chọn ra những nông dân, dự án rất rõ ràng, có khả năng để thành công thì Chính phủ sẽ hỗ trợ. Những ngưòi này sẽ làm nòng cốt, ngưòi dẫn dắt cho thế hệ ngưòi làm sau.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Thái Lan cũng ngỏ ý muốn hợp tác trong việc đưa hàng từ Thái Lan qua Trung Quốc thông qua Việt Nam, vì Việt Nam giáp biên giới. Các lĩnh vực khác thì tập trung vào những thế mạnh của nhau, nhất là Việt Nam là một nước đông dân cũng như Thái Lan, và nguồn lực con người sẵn sàng. Trong đó Thái Lan còn có thế mạnh về công nghệ. Nhất là trong nông nghiệp có thể trao đổi nhân sự, trao đổi nguồn lực.
Một số hình ảnh từ cuộc gặp gỡ này:
Trần Quỳnh, ghi nhận từ Bankok, Thái Lan