CEO hãng bay Lufthansa: Sa thải 26.000 nhân viên và cuộc tái cấu trúc trong đau đớn

    93
    Lufthansa: Tập đoàn hàng không lớn nhất châu Âu sẽ bán bớt 100 máy bay, sa thải 26.000 nhân viên trong kế hoạch tái cấu trúc.
    CEO Lufthansa, ông Carsten Spohr, cho rằng hãng hàng không lớn nhất châu Âu chưa thể nhanh chóng khôi phục tần suất bay đến châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc, như mức trước đại dịch Covid-19 được.
    “Giờ đây, chúng tôi nhận ra rằng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này chúng tôi phải chạy marathon, không thể chạy nước rút được”, vị CEO trả lời tờ Nikkei Asian Review.
    Hoạt động với công suất thấp
    Nhu cầu bay hiện vẫn thấp. Đến cuối tháng 8, số chuyến bay của hãng hàng không của Đức này chỉ bằng 1/3 mức trước đại dịch. Số lượt khách giảm 75% và hãng chỉ bay khoảng 50% số đường bay thường lệ. Trong đội bay 760 chiếc của Lufthansa, chỉ có 300 đang hoạt động.
    Lufthansa điều hành 45 chuyến bay mỗi tuần giữa Nhật Bản và châu Âu, nhưng cuối tháng 8 vừa rồi chỉ còn 5 chuyến. Hãng dự định tăng số chuyến bay lên 16 trong tháng 9 này, trong đó có 5 chuyến mỗi tuần nối Frankfurt và Tokyo. Nhưng lịch trình vẫn thấp hơn kế hoạch đã định trong tháng 7, bởi số chỗ đặt rất ít.
    “Chúng tôi phải cắt giảm chuyến bay bởi sự sụt giảm bất ngờ về nhu cầu. Sự tăng trưởng trở lại của hàng không quốc tế luôn tùy thuộc vào quy định nhập cảnh đang thực hiện ở nhiều nơi trên toàn cầu. Như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore hoặc bất kỳ nước nào khác chẳng hạn”, ông Spohr nhận định.
    Chính phủ Nhật Bản đã gỡ bỏ lệnh cấm công dân nước ngoài tái nhập cảnh nước này vào hôm 1-9. Điều này giúp nhu cầu bay tăng trở lại, Spohr hy vọng. Với tuyến Frankfurt – Nagoya với phần lớn là doanh nhân ngành công nghệ xe hơi, ông nói: “Nhu cầu hiện tại không cho phép chúng tôi mở các tuyến bay giữa hai thành phố. Kế hoạch mở lại tuyến bay sớm nhất là từ giữa mùa hè tới”.
    Trung Quốc đang hồi phục tốt so với các nước còn lại. Nhưng ông Spohr nhấn mạnh rằng các quy định đang làm giảm nhu cầu đi lại.
    Hành khách từ Trung Quốc bay đến Đức bị buộc cách ly ngay cả khi họ được xét nghiệm là âm tính tại các trung tâm xét nghiệm ở Đức. “Dĩ nhiên, chúng tôi cần khung quy định đúng đắn cho phép các hãng bay đáp ứng nhu cầu đi lại gia tăng”, ông nói. Vị CEO này cũng nói rằng ít nhất đến năm 2024, nhu cầu bay mới bật trở lại như thời điểm năm 2019, và nhấn mạnh việc tái cấu trúc để giảm chi phí.
    CEO Lufthansa: “Hồi phục hàng không là cuộc chạy đường trường, không phải nước rút”. Ảnh: Nikkei Asian Review
    Tái cấu trúc trong đau đớn
    Lufthansa dự định giảm 100 máy bay vào năm 2023 và sa thải 26.000 nhân viên. Nhưng thương lượng với các công đoàn đang bế tắc, đặc biệt là với công đoàn nhân viên dịch vụ mặt đất. “Hiện chúng tôi không thể ký thỏa thuận nào cả bởi đòi hỏi của họ quá xa thực tế, trong khi chúng tôi cần sự đóng góp của mọi người để cứu vãn tương lai của hãng hàng không. Do tình thế cực kỳ khó khăn, khó có khả năng chúng tôi có thể vượt qua cuộc khủng hoảng mà không cần sa thải lượng nhân viên dư thừa”, CEO Lufthansa nói. Hãng hàng không này cũng đóng băng các kế hoạch tuyển mới trong tương lai dài.
    Các đơn vị catering và dịch vụ tài chính có thể bị chuyển nhượng, thậm chí cả cơ sở bảo dưỡng máy bay. Ông Spohr nhấn mạnh: “Cốt lõi vẫn là hoạt động bay. Các khu vực xa cốt lõi như catering và tái chính, hoặc bảo dưỡng. Chúng tôi nhận được hỗ trợ 9 tỉ euro từ các chính phủ châu Âu, trong đó phần lớn đến từ Đức. Chúng tôi muốn trả dứt số nợ này trong ba năm tới. Điều này có nghĩa chúng tôi phải quyết đoán đối với một số danh mục đầu tư”.
    Vị CEO Lufthansa từng mô tả đại dịch là một cơ hội hiếm có để hãm lại ý đồ “phát triển bằng mọi giá” của nhiều nhà đầu tư hàng không. Nhu cầu đi lại trong giai đoạn 2009 – 2019 tăng gấp đôi, trong bối cảnh cạnh tranh mạnh của các hãng đối thủ Trung Đông và các hãng bay giá rẻ.
    “Một phần của sự tăng trưởng nóng được tiếp sức bằng việc hạ giá vé xuống mức cực thấp. Chẳng hạn, có hãng bán vé đi Tây Ban Nha chỉ 9 euro (gần 250.000 đồng). Tôi gọi đây là tăng trưởng nhân tạo, không bền vững và không có trách nhiệm, đối với môi trường và đối với cả nhân viên của hãng bay bán vé quá rẻ đó. Do dịch bệnh, nhu cầu thấp hơn, toàn cầu hóa giảm đi và sức khỏe của các nền kinh tế lớn của  thế giới cũng giảm đi. Tôi tin rằng ngành hàng không phải tồn tại với một thực tế là sức tăng trưởng trong tương lai sẽ giảm”.
    Trước dịch bệnh, Lufthansa từng có kế hoạch thu mua và sáp nhập các đối thủ, bao gồm hãng TAP Air Portugal của Bồ Đào Nha. “Trong một vài năm tới, sáp nhập sẽ quay lại với ngành hàng không, nhưng hiện giờ mọi chuyện đều hoãn lại. Trước tiên, với một hệ sinh thái lớn của Lufthansa Group, chúng tôi hiện đang bận rộn với đối phó với khủng hoảng. Thứ hai, các hãng bay nhỏ sắp được đem bán hay sáp nhập đã được chính phủ nước họ cứu trợ. Hiện giờ, họ không nhất thiết phải bán mình”, ông Spohr nhấn mạnh.
    Dịch Covid-19 khiến Lufthansa giảm số chuyến bay khoảng 95% và hiện hãng đang gặp khó khăn tài chính. “Khi dịch bệnh nổ ra, ban đầu chúng tôi chỉ xem đó là cuộc khủng hoảng điều hành. Có nhiều điều cấp thiết phải làm: đưa các máy bay về lại Đức và cho nằm đất hết, cũng như đưa toàn bộ các phi hành đoàn về lại Đức và EU. Và rồi đó là các cuộc thương lượng khó khăn với chính phủ các nước EU về ổn định và bảo đảm tương lai của tập đoàn bay lớn nhất toàn cầu”, ông Spohr nói.
    Có thời điểm Lufthansa nghĩ đến việc nộp đơn phá sản. Nhưng chính phủ Đức, Ủy ban châu Âu (EC) và các cổ đông của hãng đã thông qua gói cứu trợ 9 tỉ euro, khoảng 10,7 tỉ đô la, vào tháng 6 vừa rồi.
    Thời gian sắp tới vẫn đầy thách thức với Lufthansa. Các nhà phân tích nói tập đoàn hàng không này dự báo sẽ có mức lỗ EBIT (thu nhập trước khi trừ thuế và lãi suất) cho đến năm 2021. Với nhu cầu bất định và các hạn chế đi lại hiện nay, hãng muốn hoàn thành tái cấu trước và có thể kiếm lại lợi nhuận.
    Đa số các hãng hàng không lớn trên thế giới đều nhận hỗ trợ của chính phủ để vượt qua cơn khủng hoảng. “Bất cứ hãng nào hoạt động trên quy mô toàn cầu đều được chính phủ hỗ trợ. Vì thế, sự cạnh tranh trên toàn cầu vẫn rất khốc liệt. Và chúng tôi muốn giành được vị trí cao nhất”, vị CEO của một trong 5 hãng hàng không lớn nhất thế giới nhận định.

    Ricky Hồ (Kinh tế Sài Gòn Online)