CEO Saigon Books Nguyễn Tuấn Quỳnh: Làm sách để tìm tự do!

705
Nguyễn Tuấn Quỳnh: Có nhiều bạn tôi nói: “Sao làm chủ một công ty mới lại đang khó khăn như vậy mà thấy anh vẫn thong dong ?” – A, là vì tôi làm chủ đời mình!

(Vietnamtimes) – Nguyễn Tuấn Quỳnh là cái tên quen thuộc trong giới kinh doanh. Với một lý lịch ấn tượng về thành tích quản trị, anh có thể sống thoải mái ở mức lương “khủng”.

Nhưng “Vì giai đoạn cuối đời rồi nên tôi yêu tự do của mình hơn”, anh nói. Để có thể coi tuổi 40 là giai đoạn cuối đời tìm tự do, anh đã trả giá rất nhiều cho thành công. Và giờ để trả giá cho tự do, anh lại bước vào “cuộc chiến” mới: làm sách.

Chắc hẳn anh phải có cái duyên nợ nào đó với chữ nghĩa?

– Khởi đầu, tôi là người mê viết báo. Tôi làm cộng tác viên (CTV) ban Thanh niên của báo Tuổi Trẻ từ năm 1994 và viết thường xuyên, chủ yếu là đề tài về thanh niên và sinh viên, người hướng dẫn là anh Lưu Đình Triều (trưởng ban Thanh niên báo Tuổi Trẻ).

Khi tôi vừa tốt nghiệp ĐH Kinh tế, anh Triều nói về báo Tuổi Trẻ làm đi. Thẳng thắn mà nói, lúc đó về Tuổi Trẻ là cả một sự vinh dự. Nhưng thời đó, nhìn thấy tấm gương của anh chị đi trước mà không dám làm.

Chị Hoa Tuyết, viết mảng Thanh niên, tới một lúc không viết được nữa, như con tằm nhả tơ, hết sức rồi, hết vốn rồi thì không còn gì. Chị kể rằng, chị bị stress đến mức phân công đi công tác mà mẩu tin cũng không viết được.

Rồi anh Liêm, hay anh Cù Mai Công cũng rơi vào trạng thái đó. Cái khắc nghiệt của người làm báo là vốn sống và sáng tạo, và hai cái đó đều có khả năng cạn. Mà tôi thấy mình như lúc nào cũng thiếu, thế nên tôi đã đi làm kinh doanh.

Tôi quay lại trở thành người cộng tác với báo, viết tự do. Đối với bản thân, tôi thấy đó là sự lựa chọn đúng đắn và khôn ngoan..

Với sách vở cũng vậy. Tuổi thơ của tôi, giai đoạn đất nước nghèo, vớ được cái gì thì đọc cái đấy. May mắn là mẹ tôi làm thư viện của trường đại học nên tôi cũng đọc khá nhiều sách của Liên Xô xuất bản, và tủ sách ở nhà cũng còn ít sách trước 1975. Bản thân là người thích đọc sách, và thời điểm này, đó cũng là kênh duy nhất để giải trí ngoài đá banh.

Tuy nhiên, dù không làm nghề báo, tôi vẫn có cái duyên và sau lại gắn bó với Sài Gòn Tiếp Thị (bộ cũ). Tham gia tổ chức nhóm chuyên gia kinh tế cho báo, viết gần trăm bài và mở mục “Vòng quanh thế giới trên tàu Hoà Bình” đến nước nào thì viết rồi fax bài về.

Ra thành lập công ty sách, anh có… sợ không?

Nguyễn Tuấn Quỳnh: Trước khi bước vào thị trường sách, tôi có hỏi ý kiến một người anh, người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Anh nói: “Mày khùng!”

– Từ tháng 6/2016 tôi lập ra Saigon Books, đã một năm bốn tháng rồi. Còn quá mới và quá bé nhỏ. Ngoài ra, từ năm 2012 đã là phó chủ tịch HĐQT của công ty cổ phần văn hoá Phương Nam. Hiện nay, ngoài đầu tư vào Saigon Books và Phương Nam, tôi có đầu tư vào hai công ty sách khác, gần như các hoạt động đầu tư nói chung và tâm huyết nói riêng là đầu tư vào mảng sách.

Trước khi bước vào thị trường sách, tôi có hỏi ý kiến một người anh, người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Anh nói: “Mày khùng!”. Anh giải thích: giả sử tôi kiếm được khoảng 10% thị phần – hai trăm mấy chục tỷ, thì cũng quá bé so với đầu tư và công sức bỏ ra, chưa kể là nhiều đối thủ cạnh tranh, thêm nữa là hiệu quả kinh doanh rất thấp, v.v.

Nhưng tôi đâu cần doanh số cao, miễn là có lời và tôi đã thấy chỗ lời: một sản phẩm sách – làm sao để nó thành sách “hot”, best seller, để tái bản – khi tái bản thì lời nằm ở sách tái bản, do chỉ mất chi phí đầu tư ban đầu thôi.

Nhưng bài toán tưởng đơn giản, vậy mà éo le là chỗ, giả sử tôi in 100 cuốn bán được 80 cuốn, còn 20 cuốn là lỗ. Đó là lý do tại sao các công ty không trả nhuận bút cao cho tác giả là vì… không có lời. Nếu công ty nào có mạng lưới bán mạnh sẽ tiết kiệm được 50% chiết khấu, thì sẽ đỡ hơn. Chưa kể các công ty sách hiện nay, các nhà phát hành đều được phép đổi trả – bản chất là hàng ký gởi.

Xét về mặt dòng tiền: tiền bản quyền, tiền in, dịch giả, chi phí lương đều phải trả trước khi sách phát hành, mà 3 – 6 tháng sau mới nhận lại tiền. In càng nhiều đầu sách vốn càng lớn. Tỷ lệ lợi nhuận thấp, đầu tư cao… Cuối cùng, xét về mặt kinh doanh, phải có máu liều lắm.

Tôi biết hết! Nhưng tôi vẫn làm vì một số lý do sau đây: thứ nhất tôi vẫn tin vào xu hướng phát triển của thị trường sách, tốc độ ngày càng nhanh hơn, doanh số thị trường sách ngày càng lớn, vì sách là một công cụ để có thể hoàn thiện bản thân. Đặc biệt là bạn trẻ đọc sách ngày càng tăng.

Thứ hai, một cuốn sách, mà nếu như trong sáu tháng bán được 5.000 bản là coi như hoà vốn; và tôi tin quan hệ mình có và với lựa chọn đầu sách của mình thì có thể đạt đến mức đó.

Thứ ba là đội ngũ cộng sự ban đầu, họ đều là những người chủ chốt gắn bó nhiều năm trong nghề, có kinh nghiệm và yêu sách. Họ sẽ chọn và xuất bản cho mình nhiều đầu sách có giá trị.

Thứ tư, tôi có niềm tin, dù sao đi nữa tôi cũng là dân học kinh tế ra và luôn có bài toán để cho đồng tiền xoay vòng. Thực chất là hiện tại tôi đã thế chấp nhà đang ở để vay vốn, và vay trong khoảng sáu tháng – đủ chu kỳ xuất bản và phát hành cuốn sách đến thu lãi… cuối cùng, mình có niềm tin là đẩy mạnh được kênh bán trực tiếp qua website và đến tận nơi bạn đọc cần mình, như: các trường đại học, các cư dân của các cộng đồng dân cư mới, v.v.

Ngoài ra, công ty đang có dự án kết hợp với các nhà sách từ Nam ra Bắc. Hiện tại thì chưa, vì mình chỉ mới có khoảng 50 đầu sách. Trong khi đó bản thảo của Saigon Books vừa dịch vừa người Việt viết khoảng 200 đầu. Khi có lượng sách tương đối – sản phẩm tốt thì mới bõ công đi suốt miền Nam Bắc… Trong năm nay và nửa đầu năm sau, công ty có 50 đầu sách đang chờ xuất bản.

“Đối với tôi, giá trị của tự do lớn hơn cả tiền. Tôi quay trở về để yêu tự do bản thân và yêu sự làm chủ thời gian”.

Nghe thì có vẻ thuận lợi, nhưng sách lại là sản phẩm rất… khó chịu vì đòi hỏi chất lượng ngôn ngữ phong phú. Trong tình hình thiếu biên tập giỏi hiện nay, anh làm sao để “giải bài toán” này?

– Tôi đã thấm thía điều này. Ngoài việc xây dựng đề tài và mua bản quyền sách, khâu đó đã khó, nhưng không khó bằng kiếm người dịch tốt và biên tập tốt để ra sách. Đội ngũ dịch giả, bản thân công ty phải xây dựng từ số không. Chúng tôi mời hợp tác một phần mà còn phát triển đội ngũ dịch giả riêng, muốn vậy rất cần thời gian thêm nữa.

Công ty ngày đầu tiên có hai biên tập viên (BTV), hôm nay đã 16 BTV. Cơ chế quản trị đã thống nhất trong công ty: không nhất thiết các BTV mua cổ phần công ty, mà một cuốn sách bán được bao nhiêu, các BTV cũng sẽ được 5 hay 7%… doanh thu cuốn sách đó. Và họ yên tâm làm tốt cuốn sách để có thu nhập dài lâu.

Chúng tôi tạo không gian thoáng hơn là để họ ở nhà làm việc, một tuần có hai hoặc ba buổi đến công ty để họp hoặc trao đổi… tránh một thực trạng lâu nay của BTV, hầu hết là không có gia đình vì ở nhiệm sở từ sáng đến tối như trong… tù, tôi thấy đó là điều thiệt thòi quá lớn cho các BTV.

Phần lớn những người làm công việc chữ nghĩa đều cần khoảng trời tự do cho bản thân?

– Tự do, bản thân tôi cũng mê thích. Ngay sau khi rời bỏ FFC, có rất nhiều lời mời với mức lương cao, nhưng tôi đều từ chối. Tôi nói với các anh: “Vì giai đoạn cuối đời rồi nên tôi yêu tự do của mình hơn”. Tôi tự nhủ khi nhìn tới viễn cảnh tự do của mình: không phải làm báo cáo cho ai nữa, không phải chờ ý kiến xét duyệt của ai…

Đối với tôi, giá trị của tự do lớn hơn cả tiền. Tôi quay trở về để yêu tự do bản thân và yêu sự làm chủ thời gian. Có nhiều bạn tôi nói: “Sao làm chủ một công ty mới lại đang khó khăn như vậy mà thấy anh vẫn thong dong ?” – A, là vì tôi làm chủ đời mình.

Nghe nói, sắp tới anh còn chuẩn bị đi học nữa. Làm sao anh có thể rời bỏ công ty mới thành lập, chưa có lời để đi học?

– Tôi đặt ra kế hoạch một năm mình phải đi học một lần để cập nhật và làm mới mình. Lần này từ 30/10 – 6/11, tôi học một khoá về NLP ở trường Úc (NLPCoaching.com) – ngôn ngữ lập trình não trái.

Mỗi năm tôi đã bỏ thời gian quay cuồng với công ty, với chiến lược, với công việc hàng ngày… vì thế có lúc tôi phải… dừng, tách công việc đó ra. Đi học, để có không gian mới, cập nhật và trong quá trình học như vậy mình sẽ có thêm nhiều ý tưởng cho công ty của mình. Như vậy, có bận bịu đến đâu, tôi vẫn dành thời gian đi học để làm mới mình.

Khi tôi nhận lời đi nói chuyện với các bạn trẻ, chia sẻ và đào tạo họ về khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp, v.v. tôi thấy họ rất thiếu nền tảng. Mà sách vở bây giờ thì không thiếu.

Vì thế, chiến lược sắp tới là xuất bản những cuốn sách có giá trị nền tảng với giá rẻ cho sinh viên, học sinh và những người bắt đầu khởi nghiệp.

Tôi tin rằng đó là một giá trị mà hiện tại, tôi phải làm, như một sứ mệnh cho chính đời tôi.

Ngân Hà thực hiện
(Theo TGTT)