Chàng trai 8X khởi nghiệp nông nghiệp thuận tự nhiên

249
Chủ nhân của vườn "ổi sạch" giới thiệu với khách tham quan mô hình canh tác mới. - Ảnh: Anh Tuấn
Từ Lào trở về quê Quảng Bình lập nghiệp, Nguyễn Ngọc Cương dốc hết vốn liếng để xây nhà cho vợ con có chỗ ở. Năm 2017, từ khoản tiền vay 30 triệu đồng, anh Cương quyết định khởi nghiệp, trồng cây ăn trái và chăn nuôi theo hướng thuận tự nhiên trên mảnh đất 1,5ha đất cát pha bạc màu. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận anh thu được trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Biến đất cằn thành vàng
Quảng Bình là một trong những địa phương ở miền Trung chịu sự khắc nghiệt từ đất cằn sỏi đá đến bão lũ, gió Lào. Xã Lý Trạch ở huyện Bố Trạch của Cương đất bạc màu, nhiều người rời bỏ quê đi làm xa. Cuối tháng 3.2020, thời tiết ở Quảng Bình bắt đầu nắng nóng. Cơn gió nam (gió Lào) đầu mùa đã phả hơi nóng, khiến con người có cảm giác rát da thịt. Gió Lào thổi đến đâu là cây cối chết trơ trụi, tưới nước đến đâu, khô đến đó. Chỉ vào những cây ổi đang nghiêng ngã, lắc lư vì gió quật, Cương mỉm cười khoe rằng hai năm nay, vườn ổi của anh vẫn hiên ngang, xanh tốt mặc sức nóng và gió quật. Điều đặc biệt là mùa hè nhưng vườn ổi không cần tưới nước nhiều do đã có thảm thực vật giữ ẩm.
Cương cho biết, tiền dồn hết vào làm nhà nên rất khó khăn. Ở quê, kiếm việc làm không dễ nên anh tìm hiểu nhiều nguồn thông tin làm sao để phát triển kinh tế, lo cho gia đình bốn miệng ăn. Có được mảnh đất mua sẵn trước đó, anh bắt tay vào cải tạo đất, lặn lội đến nhiều tỉnh, thành để tìm kiếm các giống ổi cho năng suất cao. Vừa trồng ổi, vừa thí điểm, đến nay, anh đã có vườn ổi gần 1.000 gốc, chủ yếu là các giống như ổi nữ hoàng và ổi rubi (ổi ruột đỏ). Cương chọn cây ổi thay vì các loại cây khác bởi đây là loại cây trồng chịu được áp lực của thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhanh cho thu hoạch, sau trồng một năm bắt đầu thu hái, lứa tiếp theo thu hoạch khoảng sáu tháng sau, giá bán ổn định nên hiệu quả gấp 3 – 4 lần các loại cây ăn trái khác.
Canh tác theo thuận tự nhiên
Ổi tại vườn nhà anh chủ yếu được bón bằng phân trấu và phân chuồng ủ hoai mục hay tưới nước đậu nành thay thế cho việc bón đạm, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân hoá học. Dễ nhận thấy trong vườn ổi của chàng nông dân sinh năm 1981 này là nhiều loại cỏ, thảm thực vật dày đặc. Thảm thực vật này không chỉ là nơi trú ẩn của nhiều loại côn trùng, vi sinh vật, giun, dế… mà còn giúp giữ ẩm cho đất khi mùa hè, gió Lào khắc nghiệt. Giữa năm 2018, cơ sở ổi Tâm An của anh đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, trở thành mô hình trồng ổi VietGAP đầu tiên tại tỉnh Quảng Bình.
Để tăng giá trị, anh Cương tỉ mỉ dùng bao nylon để bọc từng trái. Điều này mang mục đích tránh bị côn trùng chích hoặc nấm, ghẻ làm thối bên trong trái. Đặc biệt, trái ổi được bọc cũng có màu xanh đặc trưng đẹp mắt, thu hút người tiêu dùng.
Hiện vườn ổi của anh Cương cho sản lượng đạt gần 30 tấn/năm. Với giá bán tại vườn dao động từ 30 – 35.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, anh thu về khoản lợi nhuận từ 150 – 200 triệu đồng/năm. Sản phẩm ổi sạch của anh được bày bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở Đồng Hới và nhiều huyện của tỉnh Quảng Bình với thương hiệu Tâm An. Tuy nhiên sản lượng hiện không đủ cung cấp.
Anh tiếp tục cải tạo đất, trồng thêm na (mãng cầu) với hi vọng đa dạng nguồn thu. Không chỉ ổi, Cương còn thả nuôi gà ta với mỗi lứa khoảng 3.000 con. Gà thả trong vườn ổi sẽ tự kiếm ăn các loại lá rau, côn trùng… Ngoài ra, anh còn bổ sung thêm chất dinh dưỡng từ hạt bắp nảy mầm, qua đó tạo chất lượng thịt ngon hơn. Với 3 – 4 lứa gà, anh có thêm được nguồn thu nhập đáng kể từ gà thịt, trứng.
Anh Tuấn
Giành lại thị trường cho tỏi Lý Sơn