Chính sách friend-shoring của Mỹ đã không còn hiệu quả

AsiaVitalComponents: Công nhân kiểm tra bộ tản nhiệt buồng hơi 3D cho máy chủ tại nhà máy của hãng Asia Vital Components Co. ở tỉnh Hà Nam, Việt Nam. Ảnh: Getty Images

Việc chính phủ Mỹ đột ngột áp đặt và tạm hoãn thuế đối với Mexico và Canada khiến các nhà thầu lo ngại rằng friend-shoring (chuyển sản xuất sang các nước bạn bè, đồng minh với Mỹ) đã không còn hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro địa chính trị nữa.

CEO một hãng cung ứng cho Apple và Tesla có cơ sở sản xuất tại Mexico nói rằng công ty của ông hiện không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào. “Ai biết điều gì sẽ xảy ra sau cuộc gọi của ông Trump với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Sáng nay, tôi thức dậy và nhận ra rằng mức thuế mới đối với hàng hóa Mexico đã bị hoãn lại trong 30 ngày. “.

Cuộc điện đàm cấp cao Mỹ – Trung diễn ra hôm 17-1. Sau đó, ông Trump đã hạ thấp kỳ vọng rằng cuộc họp có thể giải quyết các bất đồng, căng thẳng của hai bên trong thời gian qua.

Việc sử dụng thuế quan như công cụ giảm tình trạng mất cân đối trong thương mại của ông Trump đang là nguyên nhân chính gây lo ngại với chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Khi Covid-19 khởi phát, Washington đã khuyến khích các công ty đang hoạt động tại Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại đại lục. Nước Mỹ đã nhận ra rằng chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất về xứ cờ huê sẽ không khả thi, nên đã đưa ra khái niệm friend-shoring, tức chuyển bớt năng lực sản xuất sang các nước có mối quan hệ thân thiện hơn với Mỹ.

Ví dụ, một phần lớn sản phẩm của Apple hiện được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. Các số liệu mới nhất cho thấy “nhà táo” có đến 35 cơ sở vệ tinh tại đây. Apple cũng xây dựng chuỗi cung ứng linh kiện và lắp ráp iPhone tại Ấn Độ. HP và Dell đều đã yêu cầu các nhà cung cấp chuyển càng nhiều hoạt động càng tốt từ Trung Quốc sang Thái Lan và Việt Nam.

Mexico từ lâu đã là nơi sản xuất tivi và đồ gia dụng lớn cho thị trường Bắc Mỹ và Mỹ Latinh. Foxconn, Wistron, Inventec và Pegatron – các nhà cung cấp chính cho Nvidia, Intel, AMD và các nhà cung cấp máy chủ của Microsoft – đã xây dựng các cơ sở tại đất nước này trong hai năm qua.

Tuy nhiên, friend-shoring lại làm tăng mạnh thâm hụt thương mại của Mỹ với các quốc gia này. Theo dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (USBEA), xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam, Thái Lan và Mexico đã tăng gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2023. Trong khi đó, thâm hụt với các nền kinh tế công nghệ quan trọng, và cũng là đồng minh chiến lược của Mỹ ở châu Á là Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, cũng đã tăng đáng kể. 

Báo cáo Reshoring Index năm 2022 của hãng tư vấn Kearney của Mỹ nói một số công ty – đặc biệt là những công ty đang tìm cách tiết kiệm chi phí hậu cần và vận chuyển cho các sản phẩm tiêu dùng lớn hơn, cồng kềnh hơn, có mật độ giá trị tương đối thấp – đang đa dạng hóa hoàn toàn khỏi châu Á và chuyển sang Mexico và Mỹ. Chẳng hạn, Kearney nói lắp ráp đồ nội thất ngày càng thực hiện nhiều hơn ở Mexico. Xu hướng này được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động trong các khu công nghiệp – có đa phần là công ty Trung Quốc – mọc lên gần thành phố Monterrey của Mexico và các thành phố khác gần biên giới với Mỹ.

Báo cáo cho biết việc đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ ngày càng trở nên quan trọng đối với các công ty. Hơn 80% công ty được khảo sát trong hầu hết các ngành công nghiệp cho biết họ có kế hoạch chuyển ít nhất một phần hoạt động sản xuất của mình trở lại Mỹ trong ba năm tới. Một số trong số này hoạt động trong các ngành đang được Đạo luật giảm lạm phát và Đạo luật CHIPS của chính phủ Mỹ thu hút, với mục tiêu chính là ngành xe điện và ngành bán dẫn.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết các công ty hóa chất, đặc biệt là những công ty liên quan đến hóa chất cơ bản, có thể gặp khó khăn khi đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ do những lo ngại về môi trường và chi phí. Ngành công nghiệp hóa chất cơ bản, vốn chứng kiến sự dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông trong đại dịch Covid-19, có thể ngày càng trở nên phụ thuộc vào đất nước khổng lồ này một lần nữa.

Theo Nikkei Asia. Kearney

Ricky Hồ / BSA Media

Busy For You – hiện tượng mới của bán lẻ Trung Quốc