Đi chợ cá Stung Treng

1123

Vào một ngày giữa tháng Sáu oi bức, nghe theo lời rủ rê của một anh bạn người Việt có nhiều năm kiếm sống bằng nghề thu mua thủy sản ở chợ Stung Treng, từ Phnom Penh, tôi thuê xe máy tìm đến để thưởng lãm khu chợ cá này.

Do nằm cách các thủ phủ du lịch như thủ đô Phnôm Pênh hay Siem Reap khá xa (mỗi nơi khoảng 300km) thế nên Stung Treng rất ít khi đón tiếp du khách nước ngoài ghé qua, vì thế các dịch vụ cần thiết phục vục cho du khách còn khá ít.

Toàn Stung Treng chỉ có khoảng 5-6 khách sạn đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế, còn lại là các nhà nghỉ bình dân.

Anh chủ nhà nghỉ mà tôi lưu trú cho biết, khách đến Stung Treng phần lớn là những người buôn bán thủy sản, nông sản và số ít còn lại là những người du lịch bụi. Thế nên các chủ nhà nghỉ bình dân như anh “dễ sống” hơn là các khách sạn cao to, hoành tráng vì nó phù hợp với túi tiền của đại đa số những lữ khách qua đây. “Giá một đêm ở những nhà nghỉ như của tôi trung bình từ 6-8 đô la cho một phòng một giường mà thôi”, người chủ nhà nghỉ cho biết thêm.

Theo lời hẹn trước, 6 giờ sáng ngày hôm sau, anh bạn tôi gọi điện đánh thức, đưa tôi ra ngôi chợ có tên là Samaki. Nằm ở vi5 trí giao nhau giữa 2 con sông chính ở Campuchia là sông Sekong và sông Mekong chảy từ Lào sang, cách biên giới Cam-Lào khoảng 40km.

Theo người dân địa phương thì trước đây ngôi chợ này khá chật hẹp và hàng hóa trao đổi ở đây chủ yếu là cá và các loại thủy sản đặc trưng do hai con sông này mang đến. Thế nhưng, trong vòng hơn chục năm trở lại đây, ngôi chợ này ngày càng được mở rộng và hàng hóa theo đó cũng trở nên đa dạng hơn.

Mặc dù có sự đa dạng, song các loại đặc sản đến từ dòng Mekong vẫn là hàng hóa chủ lực ở ngôi chợ này. Và có lẽ đó cũng chính là lý do mà Ban quản lý chợ ưu tiên để loại mặt hàng này ở vị trí “mặt tiền”. Trên một đoạn đường dài hơn 100 mét từ cổng chợ trở vào có hàng trăm sạp cá lớn nhỏ chen chúc nhau với nhiều chủng loại cá đặc trưng của Mekong như, cá lăng, cá ngát, cá mè…

Ngoài một lượng nhỏ tiêu thụ ở địa phương, số còn lại được các thương lái thu mua đưa về Seam Reap, Phnôm Pênh và thậm chí là Việt Nam để tiêu thụ.

So với những cá ở những ngôi chợ mà chúng tôi có dịp đi qua, cá ở ngôi chợ này rất tươi. Lý giải về điều này, chị Oun Chey, một người bán cá cho biết do các loại cá được bắt cách đây vài tiếng. Hỏi lý do vì sao nhanh, chị Oun Chey chỉ tay hướng ngư trường cách đó vài trăm mét.

Do nằm ở ngã ba sông, điểm cuối cùng của dòng Sekong trước khi hòa mình vào dòng Mekong hùng vĩ, thế nên lượng cá ở đây khá dồi dào. Người đánh cá ở đây được xem là “nhàn hạ” nhất so với những người làm cùng nghề trên sông Mekong do ngư trường gần, muốn buông lưới lúc nào tùy thích!

Mặc dù thường trực ở ngã ba sông này lúc nào cũng hàng trăm chiếc ghe, thế nhưng không hề có sự tranh đua, giành giật. “Ngoài ra ở đây còn có một quy ước bất thành văn là ngoài các công cụ đánh bắt truyền thống ra như câu, chài, lưới…thì tất cả các kiểu đánh bắt khác, đặc biệt là xung điện đều được các ngư dân tự nguyện không sử dụng”, anh bạn đi cùng cho biết thêm.

Và có lẽ, chính những quy ước xuất phát từ sự tự nguyện đó mà trải qua nhiều thế hệ, thủy sản ở ngư trường ngã ba sông này vẫn đủ dồi dào để tạo nên danh tiếng cho chợ cá Stung Treng.

Mặc dù có sự đa dạng, song các loại đặc sản đến từ dòng Mekong vẫn là hàng hóa chủ lực ở ngôi chợ này.
Mặc dù thường trực ở ngã ba sông này lúc nào cũng hàng trăm chiếc ghe, thế nhưng không hề có sự tranh đua, giành giật.
Trên một đoạn đường dài hơn 100 mét từ cổng chợ trở vào có hàng trăm sạp cá lớn nhỏ chen chúc nhau với nhiều chủng loại cá đặc trưng của Mekong
Theo người dân địa phương thì trước đây ngôi chợ này khá chật hẹp và hàng hóa trao đổi ở đây chủ yếu là cá và các loại thủy sản

Nguyễn Minh