Chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Sáng tạo Thanh niên nông thôn 2010 – Hồi hộp chờ dự án đăng quang

535
Trong 2 ngày 13 và 14/11/2020, tại TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, Vòng chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn – năm 2020 diễn ra với 30 dự án xuất sắc nhất được chọn từ các vòng bán kết. Sự kiện do Hội DN HVNCLC, Trung tâm BSA kết hợp với Ban Thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn tổ chức với sự đồng hành của nhiều DN HVNCLC.
Trong 30 dự án dự thi chung kết, TP.HCM là địa phương dẫn đầu với 3 dự án. Tất cả các dự án này đều có ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Theo đánh giá của BGK tại bán kết, Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn có bề dày nhiều năm và thực sự đã trở thành sân chơi dành cho thanh niên nông thôn có ý tưởng sáng tạo. Các dự án vào chung kết đều có chất lượng tốt, đa dạng và đáp ứng được các tiêu chí của cuộc thi. Điều này chứng tỏ các chủ dự án đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho bài thi cũng như cách phát triển dự án. Có nhiều chủ dự án còn rất trẻ, họ đang ở lứa tuổi học sinh nhưng đã rất nhạy bén, như dự án đưa công nghệ nano carbon vào tơ tằm để tăng tính khả dụng của sản phẩm ở Lâm Đồng, dự án Thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu ProSafe ở Nghệ An. Hoặc như dự án Bún gấc ở Đắk Nông đã tận dụng được tài nguyên bản địa để đưa vào sản phẩm, được đánh giá là khá thời thượng và thực tế.
Nhóm của Nguyễn Hồng Đăng (TP.HCM) thuyết trình dự án sản xuất đất trồng và phân Compost từ phế phẩm nông nghiệp
Dự án nào sẽ giữ ngôi vương!
Từ các đánh giá, phân tích của hội đồng giám khảo ở 3 vòng bán kết tại Thái Nguyên, Nghệ An và TP.HCM, cho thấy các dự án góp mặt tại Vòng chung kết năm nay mang đậm đặc trưng vùng miền. Từ nội dung (chất lượng) đến hình thức là bao bì, các yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hay những phương pháp kinh doanh đều có sự khác biệt. Nếu như khu vực miền Bắc, các dự án khai thác, xây dựng quy trình sản xuất gắn liền với tài nguyên bản địa, nhất là các yếu tố liên quan đến đặc sản, dược liệu từ núi, rừng thì miền Trung – Tây Nguyên, các dự án nghiêng về sinh kế cộng đồng, tìm hướng phát triển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt quanh năm. Trong khi đó, khu vực miền Nam, phần lớn các dự án ứng dụng các công nghệ mới, có những nghiên cứu chuyên sâu, hướng đến xu thế sản xuất sạch, an toàn và hiện đại.
Khu vực miền Bắc, dự án “Sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho thú cưng CUNCUN” của nhóm Lương Mạnh Quyết (Lào Cai) là một trong những dự án hứa hẹn ở chung kết kỳ này. Nhận thấy nhu cầu thị trường về thức ăn cho thú cưng, Lương Mạnh Quyết cùng cộng sự đã nghiên cứu, sản xuất thành công các sản phẩm như thức ăn cho chó mini (chó cảnh), thức ăn cho chó phổ thông và thức ăn khô cho mèo. Sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu như ngô, thịt gà, thịt bò, phụ gia, hương liệu… Nguyên liệu được ưu tiên chọn lựa tại địa phương, giúp người nông dân tiêu thụ nông sản.
Khu vực miền Trung nổi lên dự án “Xây dựng nông trại dứa sạch gắn với phát triển du lịch tạo sinh kế cho thanh niên nông thôn vùng núi Quỳnh Lưu” của Nguyễn Văn Hạnh (Nghệ An). Dự án hướng đến nền nông nghiệp sạch, giúp giữ chân nông dân ở lại với ruộng đồng, tạo nguồn thu nhập tốn cho người dân Quỳnh Lưu. Tây Nguyên có “Pơ Lang – Sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ tươi và thảo dược” của Nguyễn Thị Thu Hằng (Đắk Lắk). Các dự án ứng dụng công nghệ tập trung nhiều ở khu vực Nam Bộ, nhất là TP.HCM. Các  dự án nổi bật gồm “Biostarch – Bao bì bảo quản thực phẩm từ màng sinh học”, được làm từ sắn (mỳ) của Trần Thị Diễm My, “Sản xuất đất trồng và phân Compost từ phế phẩm nông nghiệp” của Nguyễn Hồng Đăng. Hay “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp” của Phạm Thanh Toàn. ĐBSCL có dự án “Bánh phồng tôm khoai lang” của Nguyễn Thanh Việt (Vĩnh Long), Mắm tôm chà Gò Công và giá trị thực phẩm lên men tự nhiên hiệu Khổng Tước Nguyên” của Lê Ngọc Thảo (Tiền Giang). Tất cả đều là những ẩn số khá thú vị, có thể tạo nên bất ngờ trong cuộc thi năm nay.

Ban giám khảo vòng Chung kết gồm những người uy tín trong nhiều lĩnh vực gồm:

  1.  Bà  Nguyễn Thị Thu Vân – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Thanh niên nông thôn TW Đoàn, Trưởng Ban Giám khảo.
  2. Tiến sỹ Nguyễn Đức Tùng – Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân; Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (DAA).  Giám đôc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (SYS) của TW Đoàn
  3. Ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, Chủ tịch CLB doanh  nghiệp dẫn đầu LBC.
  4. Thạc sĩ QTKD Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc Trung tâm BSA
  5. Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, Phó Chủ tịch Hội DN HVNCLC
  6. Tiến sĩ  Hà Việt Quân – Tổ trưởng Tổ công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc.
  7. Thạc sĩ QTKD Nguyễn Phi Vân – Giám đốc cấp cao về phát triển thương hiệu, nhượng quyền thương mại Quốc tế, Chủ tịch Mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam
  8. Chuyên gia Đại diện Văn phòng Nông thôn mới
  9. PGS.TS Đàm Sao Mai – Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế, Giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM
  10. Thạc sĩ khoa học Trần Anh Tuấn – Giám đốc Công ty tư vấn Người mở đường (The Pathfinder), Công ty tư vấn FT Consulting.
  11. Ông Phan Bửu Toàn – Phó hiệu trường Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn, Chủ tịch hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch TP.HCM

Lịch thi Chung kết:

  • Ngày 13/11: 07h30 Khai mạc, các dự án trình bày bài thuyết trình
  • Ngày 14/11: Tiếp tục phần trình bày của các dự án. 14h00, công bố kết quả , trao thưởng cho các dự án đoạt giải.
  • Địa điểm: Hội trường Khách sạn Sammy Đà Lạt, Số 1 Lê Hồng Phong, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng.
Các dự án khu vực miền Bắc tham gia vòng chung kết
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo Thanh niên nông thôn 2020 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Ban thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn tổ chức. Chương trình có sự đồng hành của Đề án 844 của Chính Phủ, Ủy ban dân tộc, HVNCLC – Chuẩn hội nhập cùng các doanh nghiệp như: Vinamit, Trung Nguyên, Tân Hoàn Cầu, An Phước, Minh Long, Tâm Lan, Qùa Việt… Cuộc thi mang mục đích cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên nông thôn nói riêng trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển tài nguyên bản địa, hình thành các sản phẩm đặc trưng, tham gia hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Cuộc thi thu hút được đông đảo thanh niên Việt Nam hưởng ứng.  Sau hơn 2 tháng  triển khai, có hơn 345 dự án đại diện cho 56 tỉnh thành gửi các ý tưởng dự án về tham gia. Sau vòng chấm sơ khảo, Ban giám khảo đã chọn ra được 112 dự án đại diện cho 48 tỉnh thành vào tham gia vòng bán kết.
Danh sách 30 dự án tranh tài tại Chung kết
STT
Tỉnh, thành
Tên thí sinh
Tên dự án
1
Hà Nội
Nhóm Nguyễn Đình Tuấn
Mô hình nuôi tôm áp sát thành phố ứng dụng công nghệ Bio – Floc
2
Thái Bình
Nhóm Bùi Thị Duyên
Phát triển cây gia vị Bạc hà & các sản phẩm chế biến từ Bạc hà
3
Lào Cai
Nhóm Giàng Seo Châu
Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ cây Tam thất trồng ở Simacai – Lào Cai
4
Lào Cai
Nhóm Lương Mạnh Quyết
Dự án sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho chó mèo CUNCUN
5
Hà Giang
Sùng Mí Phìn
Dịch vụ du lịch bền vững tại Hà Giang
6
Bắc Kạn
Nhóm Lý Thị Quyên
Gối thảo dược người Dao
7
Bắc Kạn
Nhóm Ngô Thị Thanh Tâm
Dự án chăn nuôi và chế biến gà vi sinh
8
Quảng Ninh
Lê Thị Hải
Ý tưởng xây dựng trên tình hình chung của ngành nuôi nhuyễn thể tại tỉnh Quảng Ninh
9
Quảng Ninh
Nguyễn Thị Thu Hiền
Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng chuồng lạnh trong nuôi gà sinh sản và liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi gà bản Đầm Hà
10
Hòa Bình
Trần Trung Đức
HTX chuối Viba
11
Đăk Nông
Trần Đình Lượng
Sản xuất bún gấc
12
Kon Tum
Lê Thị Thanh Lịch
Dự án trà sâm dây Ngọc Linh
13
Lâm Đồng
Huỳnh Thị Minh Anh
Mô hình kinh doanh sản phẩm lụa tơ tằm được bổ sung nano carbon
14
Lâm Đồng
Nguyễn Ngọc Hoàng Anh
Dự án HANA DALAT – sản phẩm nông nghiệp và du lịch canh nông
15
Nghệ An
Nguyễn Văn Hạnh
Xây dựng nông trại dứa sạch gắn với phát triển du lịch tạo sinh kế cho thanh niên nông thôn vùng núi Quỳnh Lưu
16
Quảng Nam
Trần Thị Thủy Tiên
Dược mỹ phẩm hữu cơ Hena Lab – Viên xông thảo dược
17
Thanh Hóa
Lê Minh Cương
Tương ớt thủ công Thanh Hóa
18
Thanh Hóa
Nguyễn Lê Ngọc Linh
Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tạo kế sinh nhai cho đồng  bào dân tộc Thổ tại Hóa Quỳ, Như Xuân
19
An Giang
Châu Ngọc Dịu
Mật thốt nốt Palmania
20
Bến Tre
Nguyễn Ngọc Trân
Khảo sát ứng dụng tảo Spirulina Platensis làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng
21
Đắk Lắk
Phạm Thị Thu Hằng
Pơ Lang – Sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ tươi và thảo dược Đắk Lắk
22
Đồng Tháp
Dương Thị Hồng Chuyên
Sản phẩm tiện lợi từ “Khô cá”
23
Đồng Tháp
Hồ Ngọc Trâm
Nông trại nghỉ dưỡng Thuận Thiên Việt – Mekong Farmstay
24
TP.HCM
Trần Thị Diễm My
Biostarch – Bao bì bảo quản thực phẩm từ màng sinh học
25
TP.HCM
Nguyễn Hồng Đăng
Sản xuất đất trồng và phân Compost từ phế phẩm nông nghiệp
26
TP.HCM
Phạm Thanh Toàn
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp
27
Tiền Giang
Lê Ngọc Thảo
Mắm Gò Công và giá trị thực phẩm lên men tự nhiên
28
Tiền Giang
Nguyễn Sơn Thanh
Thiết kế mô hình hệ thống giàn phơi đồ Arudnio điều khiển bằng điện thoại
29
Trà Vinh
Phạm Đình Ngãi
Mật hoa dừa Sokfarm
30
Vĩnh Long
Nguyễn Thanh Việt
Bánh phồng khoai lang
 Một số hình ảnh các dự án dự thi ở vòng chung kết
Lương Mạnh Quyết (Lào Cai), Chủ dự án sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho chó mèo CUNCUN
Sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho chó mèo CUNCUN
Nhóm của Lương Mạnh Quyết (Lào Cai)- Dự án sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho chó mèo CUNCUN
Sùng Mí Phìn (Hà Giang) trình bày dự án Dịch vụ du lịch bền vững tại Hà Giang
Nguyễn Văn Hạnh (Nghệ An) trình bày dự án Xây dựng nông trại dứa sạch gắn với phát triển du lịch tạo sinh kế cho thanh niên nông thôn vùng núi Quỳnh Lưu
Nhóm của Nguyễn Văn Hạnh (Nghệ An) – Dự án xây dựng nông trại dứa sạch gắn với phát triển du lịch tạo sinh kế cho thanh niên nông thôn vùng núi Quỳnh Lưu
Nhóm của Huỳnh Thị Minh Anh (Lâm Đồng) dự thi Mô hình kinh doanh sản phẩm lụa tơ tằm được bổ sung nano carbon
Sản phẩm lụa tơ tằm được bổ sung nano carbon của nhóm Huỳnh Thị Minh Anh (Lâm Đồng)
Nguyễn Lê Ngọc Linh (Thanh Hoá) trình bày dự án Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc Thổ tại Hóa Quỳ, Như Xuân
Nhóm dự án khu vực miền Trung – Tây Nguyên được chọn vào chung kết
Nhóm dự án khu vực miền Trung – Tây Nguyên được chọn vào chung kết
Dương Thị Hồng Chuyên (Đồng Tháp) dự thi dự án Sản phẩm tiện lợi từ “Khô cá”
Nhóm của Nguyễn Hồng Đăng (TP.HCM) với dự án “Sản xuất đất trồng và phân Compost từ phế phẩm nông nghiệp”
Lê Ngọc Thảo (Tiền Giang) trình bày dự án “Mắm Gò Công và giá trị thực phẩm lên men tự nhiên”
Lê Ngọc Thảo (Tiền Giang) trưng bày sản phẩm của dự án “Mắm Gò Công và giá trị thực phẩm lên men tự nhiên”
Bao bì bảo quản thực phẩm từ màng sinh họcBiostarch của Trần Thị Diễm My (TP.HCM)

Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo Thanh niên nông thôn 2020 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Ban thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn tổ chức. Chương trình có sự phối hợp của Đề án 844 của Chính Phủ, Ủy ban dân tộc, HVNCLC – Chuẩn hội nhập, công ty Cổ phần Vinamit, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên. Cùng các doanh nghiệp đồng hành như: Công ty TNHH SXTM Dịch vụ Qui Phúc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long, Công ty Cổ phần Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Công ty TNHH May thêu giày An Phước, Công ty TNHH Minh Long I, Công ty TNHH Lợi Lợi Dân, Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan, Công ty TNHH SXTM Qùa Việt

Anh Tuấn