Chuỗi cung ứng của Apple và Google tại Việt Nam bị đình trệ bởi đợt dịch mới

382
Dịch bệnh khiến nhiều đối tác của Apple chưa thể mở rộng sản xuất, đáp ứng các sản phẩm mới. Ảnh: Internet
Tiêu điểm:

Chuỗi cung ứng của Apple và Google tại Việt Nam bị đình trệ bởi đợt dịch mới

Đợt dịch thứ tư tại Việt Nam đang làm đình trệ kế hoạch chuyển bớt hãng xưởng và sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của Apple, Google và các nhà thầu chủ lực của họ.
Ví dụ như smartphone Pixel 6 của Google sẽ được sản xuất tại Trung Quốc, dù công ty này đã lên kế hoạch sản xuất thiết bị này tại nhà máy ở Vĩnh Phúc từ cuối năm ngoái – theo Nikkei Asia. Tương tự, mẫu Pixel 5 sắp ra mắt của Google sẽ được lắp ráp tại Thâm Quyến do hạn chế về kỹ thuật viên và các hạn chế về đi lại để kiểm soát dịch.
Các nguồn tin cũng nói với Nikkei Asia rằng Apple sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt tai nghe AirPods mới nhất ở Trung Quốc thay vì ở Việt Nam như kế hoạch trước đó. Dù vậy, Apple vẫn hy vọng sau này sẽ chuyển khoảng 20% sản lượng AirPods mới sang Việt Nam.
Apple cũng có kế hoạch mang dây chuyền sản xuất MacBook, iPad sang Việt Nam Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị hoãn lại do thiếu nguồn lực kỹ thuật, chuỗi cung ứng máy tính xách tay chưa hoàn thiện và tình hình dịch bệnh phức tạp.
Việc sản xuất chuông cửa thông minh, camera an ninh và loa thông minh cho Amazon cũng phải bị chậm trễ kể từ tháng 5 khi dịch bùng phát ở các khu công nghiệp tập trung ở Bắc Ninh và Bắc Giang.
Nhờ lực lượng lao động trẻ và vị trí gần Trung Quốc, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà sản xuất công nghệ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ hai năm trước. Các nhà thầu phụ của Apple, Google, Amazon, Microsoft và Dell đã thiết lập hoặc mở rộng nhà máy tại Việt Nam trong vài năm qua để chuyến bớt năng lực sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi cung ứng đòi hỏi đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm và đào tạo mới công nhân. Một giám đốc chuỗi cung ứng của Apple và Google nói rằng cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều kiểm soát chặt biên giới hơn trong năm nay. Mọi kế hoạch chuyển dịch sản xuất bị trì hoãn.
Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất mới, có thể thay thế phần nào vai trò của Trung Quốc. Những đứt gãy trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam hiện nay chỉ là tạm thời – theo lời nhà phân tích Annabelle Hsu của hãng nghiên cứu IDC. 
“Chúng tôi nhận thấy có một số tác động đến dây chuyền sản xuất và sự chậm lại trong chuyển dịch năng lực sản xuất do dịch bùng phát trở lại và các biện pháp của chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như vậy trong thời gian dài, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và năng lực sản xuất đang trỗi dậy của Việt Nam”, Hsu nói.
Khảo sát danh sách 22 nhà thầu Apple tại Việt Nam do BSA thực hiện cho thấy sự phân bố rải rác từ Bắc vào Nam: Cụm công nghiệp Bắc Ninh – Bắc Giang tập trung nhiều nhất với 9 công ty, gồm 5 Bắc Ninh và 4 ở Bắc Giang. Còn lại rải ra ở vùng phụ cận như Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc mỗi nơi 1. TP.HCM, Đồng Nai và Tiền Giang mỗi nơi có một nhà thầu. Riêng Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Dương có 2 nhà máy mỗi địa phương. Có tới 20 nhà thầu có duy nhất một nhà máy, trong đó có hai nhà thầu phụ có hai nhà máy tại hai địa phương. Đó là Foster Electric Company Ltd với nhà máy tại Đà Nẵng và Bình Dương và Murata Manufacturing Company Ltd có xưởng tại Đà Nẵng và Tiền Giang.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,65 – 57,35 triệu đồng/lượng, không đổi so với hôm trước. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.790,4 USD/ounce, tăng 3,5 USD, tương đương 0,2% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, một số nhà đầu tư lựa chọn đồng bạc xanh thay cho vàng khi số liệu doanh số bán lẻ của Mỹ không tốt, số ca mắc Covid-19 gia tăng trên toàn cầu và khủng hoảng tại Afghanistan làm giảm khẩu vị đối với tài sản rủi ro như chứng khoán.
2/ Theo báo cáo cập nhật ngành dệt may Việt Nam nửa cuối năm của VNDirect, ngành dệt may tuy sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới từ đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4, nhưng cũng có cơ hội để tăng thị phần xuất khẩu. Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) dự báo, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 8, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 cũng chỉ có thể đạt 33 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ. VITAS nhận định giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may khi khoảng 50% nhà máy đặt tại khu vực miền Nam. Tuy nhiên, Theo thống kê của VNDirect, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn tăng 24,6% trong quý II và thậm chí cao hơn 7,4% so với mức trước đại dịch, nhờ nhu cầu gia tăng từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU.
3/ Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2021 số lượng xe hơi nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu vào Việt Nam đạt 14.407 xe, trị giá 290 triệu USD. Luỹ kế đến hết tháng 7, lượng xe nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt 95.525 xe, trị giá 2,12 tỷ USD, tăng 111,2% về số lượng và tăng 107,1% về giá trị. Nga bất ngờ là quốc gia đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng các quốc gia cung cấp xe hơi giá rẻ vào Việt Nam với mức giá 381 triệu đồng, xếp sau Indonesia có giá trung bình 284 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên mức giá trung bình của xe nhập khẩu từ Nga thấp hơn cả Thái Lan ở mức 18,9 ngàn USD (tương đương 431 triệu đồng). Ở chiều ngược lại, Canada là quốc gia cung cấp xe hơi nhập khẩu đắt đỏ nhất vào Việt Nam với mức giá trung bình lên tới 191,1 ngàn USD (4,36 tỷ đồng).
Lượng xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc từ các thị trường trong tháng 7/2021. Ảnh: BizLive
4/ Theo trang thông tin công nghệ Digitimes, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc trong 5 năm tới. Theo đó, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn không ngừng thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện tử. Hiện tại, các khu công nghiệp của Việt Nam vẫn thu hút đáng kể vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong ngành điện tử, trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại. Khoảng 65% công ty điện tử nước ngoài chọn đặt trụ sở tại miền Bắc, trong khi 30% chọn các khu công nghiệp ở miền Nam. Số còn lại chọn miền Trung. Theo công ty khảo sát và tư vấn về công nghệ Technavio, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 19%, tương đương khoảng 6,16 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2024. Lĩnh vực bán dẫn được coi là động lực cho nhiều ngành công nghiệp và là một trong chín sản phẩm công nghệ giá trị cao tại Việt Nam.
5/ Theo hãng nghiên cứu tài chính FactSet, do nhu cầu tăng vọt trong dịch Covid-19, mọi người đã chi hơn 610 tỷ USD trên Amazon trong 12 tháng qua (tính đến tháng 6). Trong khi đó, trong 12 tháng (tính đến tháng 7), doanh số của Walmart là 566 tỷ USD. Với thành tích này, Amazon đã soán ngôi một trong những công ty thành công nhất và quyền lực nhất lịch sử. Mô hình bán lẻ của Walmart hạn chế tối đa chi phí, dẫn đến giá giảm và triệt tiêu mọi đối thủ cạnh tranh. Thực tế, dịch vụ giao hàng nhanh và mặt hàng phong phú đã thu hút khách hàng và khiến họ mua sắm nhiều chưa từng có. Theo Walmart, doanh số năm 2020 của họ tăng 24 tỷ USD. Trong khi đó, cùng kỳ, tổng giá trị hàng hóa mọi người mua trên Amazon ước tính tăng gần 200 tỷ USD.
6/ Theo Tech Asia, giãn cách xã hội do Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á đã giúp tập đoàn Sea, doanh nghiệp công nghệ niêm yết có giá trị nhất khu vực Đông Nam Á, đạt doanh thu kỷ lục trong quý 2/2021, tăng 160% trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở nhiều quốc gia ASEAN. Sea có hoạt động kinh doanh cốt lõi gồm trò chơi trực tuyến, thanh toán kỹ thuật số, thương mại điện tử. Mới đây, công ty có trụ sở ở Singapore này đã báo cáo doanh thu 2,28 tỷ USD trong quý 2/2021, tăng 158% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, Sea vẫn lỗ ròng 433 triệu USD, so với khoản lỗ 393 triệu USD trong quý 2/2020. Lý do là công ty theo đuổi các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ để cạnh tranh giành khách hàng với các đối thủ trong khu vực bao gồm Grab của Singapore và GoTo Group của Indonesia. Chi phí bán hàng và tiếp thị của Sea trong quý tăng 138% lên 921 triệu USD.
7/ Theo Bloomberg, chính phủ Mỹ đã đóng băng 9,5 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan và ngừng mọi giao dịch chuyển tiền đến nước này trong nỗ lực ngăn chặn chính quyền mới do Taliban dẫn dắt tiếp cận với số tiền này. Hơn thế nữa, bất kỳ tài sản nào của ngân hàng trung ương mà chính phủ Afghanistan có tại Mỹ sẽ không được chuyển giao cho Taliban. Tài sản này sẽ bị đóng băng theo danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ. Afghanistan có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, tuy nhiên tình hình chính trị rối ren khiến cho  tình trạng khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên ngày một tồi tệ hơn. Afghanistan hiện giờ vẫn đang phụ thuộc nhiều vào viện trợ từ nước ngoài. Vào năm 2019, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng viện trợ nước ngoài vào Afghanistan hiện tương đương 22% GNP của nước này.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Da Afghanistan (DAB) tại Kabul, Afghanistan. Ảnh: Bloomberg
8/ Nitricity, công ty khởi nghiệp Mỹ vừa chính thức gọi vốn đầu tư vào công nghệ độc đáo sản xuất phân bón nitơ tại chỗ từ sét, đi đầu nền tảng chuyển đổi bền vững. Theo đó, ngay tại vòng gọi vốn Hạt Giống đầu tiên, thì Nitricity đã huy động được 5 triệu USD từ Energy Impact Partners, một tổ chức toàn cầu dẫn đầu, nhằm giúp nông dân có thể tự sản xuất phân bón nitơ (phân đạm). Khoản đầu tư đầu tiên sẽ cho phép công ty đẩy nhanh các khâu và tuyển dụng thêm nhân sự hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ khí hậu. Các chuyên gia cho biết, công nghệ sản xuất phân bón “điện tử” tại chỗ độc đáo, tạo ra từ sấm sét sẽ được tùy chỉnh cho đồng ruộng và trong tương lai nông dân thay vì phải chờ đợi nhà máy sản xuất hay vận chuyển hàng hóa có thể tự chủ. Và quan trong hơn nó còn loại bỏ được chuỗi cung ứng tốn kém, nguy hiểm và gây ra lượng phát thải khí nhà kính lớn.
9/ Hãng gia công điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc Wingtech Technology thông báo đã hoàn tất việc mua lại nhà máy chip lớn nhất của Vương quốc Anh, nhằm đảm bảo nguồn cung mới trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung chip toàn cầu. Theo đó, nhà máy Newport Wafer Fab có trụ sở tại Wales đã được chuyển cho công ty con Nexperia của Wingtech Technology. Được biết, việc chuyển giao quyền sở hữu đã hoàn tất và Wintech Technology hiện gián tiếp sở hữu 100% Newport Wafer Fab, chủ yếu sản xuất chip liên quan đến xe hơi. Đáng chú ý, thương vụ mua lại của Wingtech Technology đã hoàn tất một cách nhanh chóng, trái ngược với nhiều thoả thuận mua bán khác vẫn đang chờ cơ quan quản lý của Trung Quốc và Vương quốc Anh phê duyệt trong thời gian qua.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
An toàn mùa dịch với các sản phẩm từ Thuận Nam