Có một Ba Đình thứ hai bên sông Đà

Con đường yên tĩnh bên khu căn cứ di tích Đá Chông-K9

Đúng 60 năm trước, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà, buổi trưa, Bác Hồ nghỉ ăn cơm tại đồi Đá Chông. Với những diễn biến sau đó, khu di tích Đá Chông-K9 giờ được ví như một Ba Đình thứ hai.

1. Nằm cách Trung tâm Hà Nội chừng 60km, Khu căn cứ di tích Đá Chông-K9 thuộc địa phận xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Là một điểm tham quan, du lịch nhưng K9 từ bao năm nay vẫn mang trong mình vẻ bình yên, trang nghiêm vốn có.

Khu căn cứ, di tích Đá Chông-K9 nhuốm mầu sắc truyền thuyết lẫn với lịch sử đương đại. Đứng ở đây, chúng ta có thể nhìn thấy đỉnh núi Ba Vì (nơi có đền thờ Bác Hồ và Đền Thượng thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn Tinh) rất rõ vào ngày trong trời. Ngay sát khu di tích là dòng sông Đà hiền hòa chảy.

 

Cúi đầu làm lễ trước bàn thờ ở bãi Đá Chông
Cửa vào một khu hầm trú ẩn

Theo truyền thuyết khu vực này xưa kia diễn ra cuộc đọ sức ác liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Dòng sông Đà bắt nguồn từ Lai Châu chảy về đây, rồi bất ngờ đổi hướng chảy ngược lên phía Bắc. Khi sông Đà tới đoạn Bạch Hạc đã hợp lưu với sông Hồng, sông Thao tạo thành thủy lưu mênh mông về chầu Đất Tổ Vua Hùng.

2. Còn căn cứ Đá Chông của thời đại này gắn với một người con vĩ đại của dân tộc Việt, đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 5/1957( Đinh Dậu), trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà, buổi trưa, Hồ chủ tịch nghỉ ăn cơm tại một khu đồi ở Đá Chông. Thấy nơi đây phong cảnh khí hậu mát mẻ, thuận lợi về nhiều mặt, Người trao đổi với các đồng chí trong đoàn muốn chọn nơi này làm khu căn cứ của Trung ương.

Khi khu căn cứ Đá Chông bắt đầu hình thành, Cục Doanh trại (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) xây dựng ngôi nhà này cùng hệ thống hầm hào, công sự xung quanh từ những năm 1960 và gọi tên là công trường K9. Ngôi nhà 2 tầng được thiết kế theo kiểu nhà sàn, ngôi nhà quen thuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Vì vậy ngôi nhà còn được gọi với cái tên thân mật là “Nhà sàn”. Nhà được gắn biển “Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1960 đến 1969”. Nơi đây có đủ các khu nhà làm việc của Chủ tịch nước, Bộ chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ.

Cũng vào năm Dậu, đó là năm Kỷ Dậu (1969), sau khi Bác mất, khu căn cứ Đá Chông-K9 lại trở thành nơi cất giữ bí mật thi hài Người. Trong suốt 6 năm (1969-1975) đợi xây dựng lăng Chủ tịch ở Ba Đình và phải trải qua nhiều cuộc đánh phá ác liệt của Đế quốc Mỹ, thi hài của Người vẫn được bảo vệ an toàn, bí mật tại Đá Chông-K9.

Đây là những chiếc xe đặc chủng đã từng làm nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác

 

3. Về Đá Chông-K9 vào bất kỳ ngày nào, mùa nào, bạn cũng sẽ có được cảm giác bình yên, thiêng liêng, tĩnh tâm và vững tin vào cuộc sống. Có rất nhiều bạn trẻ đã chọn K9 làm địa điểm cho những chuyến hành trình về nguồn tìm hiểu, hun đúc kiến thức lịch sử, văn hóa đầy ý nghĩa của mình.

Đến với Đá Chông-K9 sẽ cho chúng ta cái cảm giác rất giống khi vào tham quan Lăng Bác, Phủ Chủ Tịch và Ao Cá ở Ba Đình.

Có một điều rất đặc biệt là những con đường, nền sân đều rải đá cuội. Đây là loại đá có nhiều mầu sắc vàng, trắng, xám khác nhau. Mọi người đều rất tò mò không hiểu vì sao lại rải đá này.

Với chất giọng của người con gái gốc Hà Tây quê lụa, chị hướng dẫn viên đã nhẹ nhàng giải thích: “Khi xưa Bộ Chính Trị và Bác Hồ đã rải khắp lối đi, sân vườn đá cuội không chỉ bởi tính trang trí của nó, mà nhiệm vụ quan trọng nhất là báo động khi có quân địch. Mọi người cứ thử xem, dù đi bằng bất cứ loại giầy, dép và có cố nhẹ nhàng đến mấy thì khi bước trên đá cuội cũng phát ra âm thanh…”

Còn với hình ảnh 3 hòn đá xếp gần nhau chĩa mũi nhọn lên không trung được Bác gọi là Đá Chông. Đây chính là nơi Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo hay ra ngồi hóng mát và ăn cơm trong suốt 9 năm làm việc tại đây.

Ở Đá Chông-K9 còn lưu giữ hiện vật vô giá của Việt Nam, đặc biệt là những chiếc xe đặc chủng đã từng nhiều lần đưa thi hài Bác.

Trong một thời gian dài được bảo mật nghiêm ngặt và chỉ vài năm gần đây, K9 mới mở cửa cho khách trong nước về dâng hương và ngắm cảnh. Đá Chông-K9 là khu di tích, du lịch duy nhất ở Việt Nam hiện chưa mở cửa cho người nước ngoài tham quan.

Vườn cây trái chín xum xuê

Bài và ảnh: Hải Dương (theo Thời Đại)