ĐBSCL: Coi thách thức là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng

128
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Lần đầu tiên bản Quy hoạch vùng ĐBSCL được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch, tới thời điểm này cơ bản đã hoàn thành và đề xuất nhiều nội dung mới về quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển cho vùng. Theo Bộ KH-ĐT, khung định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 5 quan điểm phát triển:
1 – Phát triển bền vững: Duy trì vai trò là nguồn sống cho môi trường và con người sống ở đồng bằng và chú trọng phát triển văn hóa, xã hội để đảm bảo phát triển bền vững.
2 – Biến thách thức thành cơ hội: Coi các thách thức là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị đối với các hoạt động phát triển.
3 – Phát triển tập trung: Tập trung phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp và vùng đô thị hoá.
4 – Liên kết vùng: Xác định những định hướng và ưu tiên phát triển rõ ràng của toàn vùng và từng tiểu vùng, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng sẽ có phương hướng để nâng cao liên kết, cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung.
5 – Tập trung vào phát triển hạ tầng: Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng liên quan tổng hợp tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).
Quan điểm tổng thể về phát triển vùng ĐBSCL trong thời kỳ tiếp theo là ưu tiên cao nhất cho việc phát triển bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường.
Theo đề xuất này – Mạng lưới ABCD Mekong có chức năng, vai trò như sau:
Cần Thơ có chức năng chính: Tổng hợp quản lý hành chính, thương mại, đào tạo, R&D, chuyển giao công nghệ và các sản phẩm cao cấp. Vùng nguyên liệu của trung tâm đầu mối Cần Thơ sẽ bao trùm toàn vùng ĐBSCL. Khu vực xung quanh cảng Cái Cui, Tân Phú, Cần Thơ sẽ kết nối đường thủy nội địa, đường bộ và đường hàng không.
Bến Tre có chức năng chính: Các sản phẩm trái cây và rau màu. Vùng nguyên liệu chủ đạo là khu vực Long An, Tiền Giang và Bến Tre. Đề xuất vị trí: khu vực xung quanh KCN Giao Long, Châu Thành. Kết nối chính: đường thủy nội địa và đường bộ.
An Giang có chức năng chính: Sản phẩm lúa gạo và thủy sản. Vùng nguyên liệu: Tứ giác Long Xuyên, Nam Sông Hậu và Đồng Tháp Mười, thậm chí Campuchia và Thái Lan. Đề xuất vị trí: khu vực xung quanh KCN Mỹ Thới. Kết nối chính: đường thủy nội địa và đường bộ.
Đồng Tháp chức năng chính: Là trung tâm đầu mối trái cây, hoa, rau, cây cảnh và thủy sản nước ngọt, là vùng nguyên liệu ổn định tại chỗ. Vị trí được đề xuất là khu vực xung quanh KCN Trần Quốc Toản, Cao Lãnh. Giao thông kết nối chính là đường thủy nội địa và đường bộ.
Các trục liên kết mở rộng:
Kiên Giang có chức năng chính: Thủy hải sản. Nhu cầu phát triển cân bằng kinh tế vùng kết hợp du lịch và an ninh quốc phòng. Vùng nguyên liệu: bờ biển Kiên Giang, Rạch Giá và Hà Tiên. Đề xuất vị trí: xung quanh KCN Thạnh Lộc, Rạch Sỏi. Kết nối chính: đường thủy nội địa, đường bộ và đường hàng không.
Hậu Giang có chức năng chính: Thu gom sơ chế và hỗ trợ logistics. Vùng nguyên liệu: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang. Đề xuất vị trí: xung quanh TP Vị Thanh. Kết nối chính: đường thủy nội địa và đường bộ.
Cà Mau có chức năng chính: Kinh tế nông nghiệp và an ninh quốc phòng. Điểm chốt cực nam gắn chặt với sản phẩm bán đảo Cà Mau là thủy sản nước mặn. Vùng nguyên liệu: bán đảo Cà Mau. Đề xuất vị trí: xung quanh khu cảng Điện đạm Cà Mau, TP Cà Mau. Kết nối chính: đường thủy nội địa, đường bộ và đường hàng không.
Sóc Trăng có chức năng chính: Thu gom sản phẩm chủ yếu là từ đánh bắt, cảng tàu đánh cá. Phân loại và sơ chế hải sản. Vùng nguyên liệu: ngư trường bờ Đông. Đề xuất vị trí: khu vực cảng cá Trần Đề và KCN Trần Đề. Kết nối chính: đường thủy nội địa và đường bộ.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng: Xây dựng kịch bản để không phải đánh đổi

Quan điểm tiếp cận với cách chia ba vùng ngọt, lợ, mặn so với cách chia trước đây chỉ vùng ngọt và mặn là điểm hoàn toàn mới và phản ánh đúng những diễn biến mới về môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Tuy nhiên, trong quá trình lập quy hoạch chúng ta cần đánh giá và xây dựng lộ trình chuyển đổi thích hợp, nhất là việc chuyển đổi giữa hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt và chuyển đổi sinh kế.
Đồng Tháp đã chuẩn bị và chuyển đổi bước đầu trong việc định hướng phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp (hạn chế cứng hóa ô bao ở những nơi không cần thiết, hạn chế canh tác lúa vụ ba, xả lũ vào đồng ruộng…) và chuyển đổi sinh kế cho người dân. Bản chất quy hoạch tích hợp là tập hợp nhiều nội dung, nhận diện mâu thuẫn để giải quyết các vấn đề đặt ra giữa các ngành, các địa phương.
Trong đó có nội dung quy hoạch (hạ tầng thủy lợi – giao thông thủy, sạt lở – khai thác vật liệu xây dựng – phát triển đô thị…). Do đó, nội dung của quy hoạch cần nhấn mạnh đến mục tiêu, lượng hóa các rủi ro và xây dựng kịch bản để không phải đánh đổi. Trong quy hoạch vùng, sự đánh đổi lợi ích giữa các địa phương trong quá trình phát triển cần được xem xét và có cơ chế phối hợp, điều phối vùng để giải quyết.

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước: Ưu tiên phát triển hạ tầng – đặc biệt là hạ tầng giao thông

Quy hoạch vùng được thực hiện nghiêm túc và hết sức công phu, phản ánh bức tranh tổng thể phát triển của vùng ĐBSCL thời gian qua và định hướng phát triển của vùng thời gian tới phù hợp với định hướng của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết 120. Về hiện trạng của vùng, dự thảo đã phân tích và đánh giá hiện trạng hết sức đầy đủ, chính xác và cụ thể về vùng ĐBSCL được thể hiện qua các điểm mạnh điểm yếu, thời cơ và thách thức.
Tuy nhiên, tỉnh An Giang bổ sung thêm một số nội dung. Điểm mạnh: nguồn lao động dồi dào (dân số đông), có vị trí thuận lợi để hợp tác kinh tế với các nước ASEAN. Điểm yếu: Cơ sở hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông yếu và thiếu (chất lượng đường bộ kém, không đồng bộ, hệ thống đường cao tốc chưa phát triển). Cho nên, vấn đề cần ưu tiên hiện nay đối với vùng ĐBSCL là tập trung vào phát triển hạ tầng – đặc biệt là hạ tầng giao thông. Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL đang diễn ra hết sức phức tạp với tần suất ngày càng tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đề cập trong dự thảo quy hoạch.
Ngoài ra, ĐBSCL có đường biên giới dài tiếp giáp với Campuchia thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biên mậu. Vì vậy, dự thảo Quy hoạch vùng cần quan tâm đến vấn đề kinh tế biên mậu là động lực để thúc đẩy kinh tế – xã hội của vùng. Xây dựng cực tăng trưởng chủ đạo của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, trong đó đô thị Cần Thơ là trung tâm và An Giang là trung tâm thứ hai cung cấp các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với thành phố Long Xuyên là đô thị phân phối gắn kết trung tâm vùng ĐBSCL, TP.HCM và thủ đô Phnom Penh.
Thành phố Châu Đốc là trung tâm dịch vụ của tuyến đường bộ hành lang kinh tế biên giới Tây Nam (sau Tây Ninh). Phát triển mạnh khu vực hạ lưu sông Mekong, trong đó có các đô thị ven sông Hậu và sông Tiền đi qua là vệ tinh. Việc xác định vùng đô thị tập trung cần chú trọng liên kết phát triển giữa đô thị và nông thôn trong đặc điểm vùng ĐBSCL với tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt khoảng 40% và năm 2030 đạt khoảng 45%.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn: Giao thông thủy và năng lượng sạch

Thời gian qua, vùng ĐBSCL tập trung phát triển giao thông đường bộ, ít quan tâm phát triển vận tải thủy, vốn có lợi thế rất lớn của vùng với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt. Để góp phần khai thác lợi thế rất lớn của vùng, đề nghị Bộ KH-ĐT và đơn vị tư vấn xem xét Quy hoạch hạ tầng giao thông đường thủy cho cả vùng – đồng bộ và hiệu quả hơn. Đối với tỉnh Bến Tre, đề nghị được bổ sung phương án xây dựng một cảng nước sâu ngoài khơi và cảng chuyên dùng phục vụ Trung tâm điện khí LNG Bến Tre.
Về định hướng phát triển năng lượng, công nghiệp: Hiện nay, Bến Tre có 19 dự án điện gió đã được Trung ương phê duyệt quy hoạch với công suất 1.007,7 MW, trong đó có 6 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Đang trình bổ sung quy hoạch 7 dự án điện mặt trời với công suất 336,98MW và 2 Nhà máy điện khí (LNG) với công suất 7.050MW. Bến Tre có tiềm năng và đủ điều kiện để phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch, truyền tải điện thuận lợi vì ưu thế gần TP. HCM và các tỉnh động lực kinh tế phía nam. Vì vậy, đề nghị Bộ KH-ĐT, đơn vị tư vấn xem xét cho bổ sung vào Quy hoạch vùng ĐBSCL một số dự án điện gió, điện khí, trạm 220 kv và đường dây truyền tải 500 kv của tỉnh.
Về thích ứng với biến đổi khí hậu, cấp nước và môi trường: Để chủ động ứng phó trong điều kiện hạn mặn và an ninh nguồn nước, Bến Tre đã phối hợp tỉnh Tiền Giang, Long An đề xuất dự án: Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống truyền tải với công suất giai đoạn 1 khoảng 300.000m3/ngày đêm. Song song đó, tỉnh đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) với quy mô 121 ha (khoảng 2 triệu m3). Vì vậy, đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, đơn vị tư vấn xem xét bổ sung các dự án nêu trên vào Khung định hướng quy hoạch cấp nước nhằm bổ sung nguồn nước ngọt (nước thô) liên vùng và của tỉnh.

PGS TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – trường ĐH Cần Thơ: Quy hoạch để không tạo ra xung đột

Đây là lần đầu tiên ĐBSCL có quy hoạch đa ngành ở cấp khu vực. Quy hoạch lần này thực hiện theo các định hướng chiến lược của Nghị quyết 120 nên sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề nội tại của ĐBSCL. Các tỉnh sẽ căn cứ vào Quy hoạch tích hợp để làm quy hoạch cho địa phương mình. Đây là nền tảng cho các địa phương phát triển kế hoạch của mình mà không phải tạo ra xung đột liên quan tới ngành, liên ngành hay giữa các địa phương với nhau. Quy hoạch tích hợp sẽ rà soát lại toàn bộ thử thách và nguy cơ của ĐBSCL hiện nay và trong tương lai.

Ths Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL: Không hối tiếc trong quy hoạch

Áp dụng nguyên tắc “Không hối tiếc trong quy hoạch ĐBSCL” vì bối cảnh không chắc chắn về tình hình BĐKH và nước biển dâng. Hơn nữa, hành động thích ứng có thể đúng, có thể sai, có thể lợi về trước mắt mà hại về lâu dài. Lợi dễ nhận thấy nhưng hại khó nhận ra, lợi hẹp mà hại rộng. Hơn nữa, nguồn lực bao giờ cũng hạn chế nên cần phải ưu tiên hóa. Trong đó ưu tiên giải quyết vấn đề sụt lún, nước biển dâng, cũng như vấn đề về nguồn nước. ĐBSCL là nơi sinh sống, nét văn hóa sông nước chứ không chỉ là nơi sản xuất.
Những việc cần ưu tiên cho ĐBSCL là chuyển hóa nền nông nghiệp theo hướng giảm lượng, tăng chất, tăng chế biến, tăng chuỗi giá trị. Vùng ĐBSCL cần có hệ thống logistics tốt hơn, giao thông kết nối và thị trường tốt hơn. Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt sẽ là cơ sở cho việc điều phối liên kết phát triển vùng và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Để đảm bảo thực hiện quy hoạch, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương – cụ thể hóa quy hoạch vùng trong quá trình lập quy hoạch – cũng như trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư và xúc tiến đầu tư ở từng địa phương.
Ngọc Bích ghi (Theo Kỷ yếu Mekong Connect 2020)