Cồn Sơn lo đón trại ‘Aventure d’experience’

    570
    Qua cầu khỉ ở Cồn Sơn. Ảnh: H.L

    Khoảng 100 sinh viên thuộc cộng đồng Pháp ngữ khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Francophonie) đến từ: Nhật, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Bờ biển Ngà, Mali, Nigeria và Việt Nam lần đầu tiên đến Cồn Sơn tổ chức trại hè.

    Khoảng 100 sinh viên thuộc cộng đồng Pháp ngữ  khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Francophonie) đến từ: Nhật, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Bờ biển Ngà, Mali, Nigeria và Việt Nam sẽ tham gia chương trình “Ilot de Son-Aventure d’experience” (Cồn Sơn – Hành trình trải nghiệm”, cùng tìm hiểu giá trị sống gắn với mô hình du lịch cộng đồng tại hòn đảo nhỏ giữa sông Hậu, nơi lưu giữ sinh cảnh và cách sống hồn hậu, chan hoà… với thiên nhiên.

    “Các đội sẽ lần lượt vượt qua những “thử thách” do các nhà vườn đặt ra, cùng tham gia những hoạt động đậm chất miệt vườn Nam bộ như hái trái cây, trang trí rồi thuyết minh để hộ dân chấm điểm, tìm công thức làm bánh, học thuộc, trả bài cho gia chủ nghe, đúng công thức mới được học làm bánh; rồi tát mương bắt cá, gom củi nướng cá theo cách từ thời khẩn hoang, thưởng thức tại chỗ kiểu điền dã…”, Nguyễn Thị Ngọc Sương, giám đốc Hải Âu Tourist Cần Thơ, trưởng nhóm thiết kế chương trình này, nói.

    Đại học Pháp ngữ (AUF), trường ĐH Cần Thơ phối hợp Hải Âu Tourist tổ chức trại hè lần đầu tiên tại Cần Thơ từ ngày 13 – 19/8 (những lần trước trại hè được tổ chức ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế…), xem chuỗi hoạt động trải nghiệm ở đây trong mùa nước nổi là một trong những hoạt động giao lưu thực tế, không đề cao dàn dựng hoành tráng, không xếp đặt màu mè, tốn kém… mà tập trung thúc đẩy giao lưu văn hoá và ngôn ngữ giữa sinh viên Pháp ngữ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

    Cồn Sơn từng có một tổ hợp tác du lịch cộng đồng. Là một trong 14 hộ tham gia tổ hợp tác này ngay từ đầu, chị Bảy Muôn, đang lưu giữ nghề làm bánh dân gian và ủ nước mắm đồng truyền thống, nói: “Mỗi nhà một vài sản phẩm khác biệt, cùng góp thành bàn tiệc theo yêu cầu của du khách, dù ở nhà này vẫn có thể gọi món từ nhà kia”.

    Công bằng mà nói con đường đi tới của các hộ làm du lịch ở Cồn Sơn là hành trình nhiều thử thách, chặng đường đầu được nhiều tổ chức của Nhà nước hỗ trợ, nhưng khi “tàu chạy êm” thì bên cạnh lời khen không khí trong lành, món ngon tự nhiên, dân tình chia sẻ chan hoà, rau lành trái ngọt… thêm trại cá lóc bay (điểm nhấn khác biệt) thì lợi ích và chuyện can thiệp vào tổ hợp tác, giải thể tổ chức tự nguyện của dân trở thành vấn đề “quắn não”.

    Chỉ trong tháng 6 đã có 245 đoàn, 2.388 lượt khách và doanh thu tám hộ làm du lịch ở cồn Sơn là 374 triệu đồng. Nghe qua con số doanh thu quá hấp dẫn nhưng cả tám hộ đều không tính được chính xác lợi nhuận, thậm chí không thể tự định giá trị công lao động của chính mình. Thôi thì khách tới là vui, có mua – có bán, không chê món nào là được, có chút đỉnh tiền thì lo vét mương, thả gà, nuôi vịt, mua thêm bàn ghế, chén bát, nồi niêu… Mỗi người một cách làm, không bắt chước, không rập khuôn để du khách tới chỗ này một chút, chỗ kia một chút không thấy chán; ở đâu cũng thân thiện để du khách đến – đi, mang dấu ấn thiện cảm về nhà, rảnh rỗi sẽ rủ rê bè bạn, người thân tới chơi mà không cần biến mình thành quán nhậu sân vườn.

    Chi phí cơ hội và thực tế cho thấy một vài hộ không tạo được dấu ấn trên bàn ăn và điểm đến thưa thớt đã trở thành đố kỵ, ngờ vực – lỗ nhỏ đắm thuyền. Mối nghi ngờ xuất hiện và những cuộc làm việc để chấn chỉnh bằng cách cử cán bộ phường quản lý hoạt động “tài chính” của tổ hợp tác, trích 2% “doanh thu của tổ hợp tác cho người của phường, thay vì cho cộng tác viên (ngoại ngữ) và cuối cùng là kết luận đơn giản, lạnh lùng: “cứ mạnh ai nấy làm”, giải thể tổ hợp tác là xong.

    Du khách tự làm bánh kẹp. Ảnh: H.L

    Tổ hợp tác là tổ chức tự nguyện của dân, sao lại có sự can thiệp thô bạo này? Và, dù hội họp rất khó khăn, vì bị xem là tụ họp bất hợp pháp, nhưng kết luận này gây phản cảm tới mức… các thành viên tổ hợp tác bị giải thể phải họp lại để viết tường trình gởi tới UBND quận Bình Thuỷ và thành phố.

    Mấy hôm trước, chị Bảy Muôn cùng chòm xóm “nín thở” dự cuộc họp và thở phào khi nghe kết luận cuối cùng của ông Lê Văn Tâm, phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, chấn chỉnh cách can thiệp quá sâu vào hoạt động của cộng đồng này. Cả chị Năm Phước, anh Thành Tâm, chị Bảy Muôn… đều nói rằng những hộ có ít đất, lao động gia đình đơn chiếc phải hợp tác với nhau, từ xưa nay đã vậy, nay mạnh ai nấy làm, lộn xộn quá thì ai tìm đến đây làm gì?

    Rất may, cuộc họp của lãnh đạo thành phố khẳng định hợp tác là đúng hướng và chuyện của dân để dân bàn… ý kiến kịp thời này đã giúp các nhà vườn lấy lại tinh thần để chào đón sự kiện trại hè Pháp ngữ.

    Tuy vậy, 12 thành viên sáng lập CLB Du lịch cộng đồng ở cồn Sơn vẫn chưa nhận được giấy phép thừa nhận hoạt động của CLB. Liên kết hợp tác danh chính ngôn thuận hoá ra lại quá khó!


    Kế hoạch 5 bước của câu lạc bộ

    1. Phân tích các giá trị khác biệt ở từng điểm đến, “đánh bóng” thương hiệu món ngon trên thực đơn, tổng hợp nguồn lực liên kết trong, liên kết ngoài và xây dựng phương thức tích hợp thông tin, làm nhà chung, điều phối lưu lượng, phát triển chuỗi cung ứng (qua fanpage/website…)

    2. Học hỏi kỹ năng điều hành, quản lý và lên lịch tổ chức sự kiện thu hút du khách gắn với tập tục, làng nghề, tín ngưỡng, văn hoá truyền thống và biết cách đánh bóng thương hiệu bằng những câu chuyện, các hình thức sáng tạo.

    3. Chia sẻ kiến thức văn hoá bản địa, thực hành tại chỗ, lưu kỷ niệm vào ký ức mang về và tạo cơ hội để du khách tự nguyện quảng bá trên mạng xã hội.

    4. Mở rộng diện sản xuất rau lành, trái sạch, tăng thêm nguồn lực thông qua những bữa ăn, điểm đến, rau trái đa dạng, đáng tin ở cồn Sơn mang về nhà.

    5. Phát triển cơ chế đặt hàng từ cư dân đất liền và du khách, tạo lực hút các nguồn lực khác về cồn Sơn, kể cả món ngon vùng miền, quà lưu niệm.

    Hoàng Anh – Nam Việt – Hà My (Theo TGTT)