Công ty nhỏ của Hàn Quốc đã chứng minh rằng vẫn có thể khai mở và thống lĩnh thị trường ngách, dù rằng các chaebol thống trị hầu hết không gian phát triển của nền kinh tế.
Đặt trụ sở chính tại Incheon, DAC (viết tắt từ Dongah Aluminum Corp) chuyên cung cấp cột dựng lều cho các thương hiệu thiết bị ngoài trời nổi danh toàn cầu như The North Face và Coleman. Thị trường nước ngoài chiếm 90% doanh thu của DAC.
“Chúng tôi nắm giữ 90% thị phần toàn cầu về cột nhôm cho lều cao cấp”, theo Jake Lah, CEO của DAC.
DAC là minh chứng về loại hình doanh nghiệp mà Seoul đang cố gắng hỗ trợ phát triển trong một nền kinh tế bị các tập đoàn lớn chi phối, thiếu hệ sinh thái thông thoáng hay dễ thở cho các nhà cung cấp nhỏ.
Thành lập công ty năm 1988, ông chủ Lah khởi nghiệp bằng việc phát triển các cột lều có thể chịu được trọng lượng gấp đôi so với các cột khác có cùng khối lượng. Sau đó, ông đã thiết kế các cột lều chỉ nặng bằng 1/3 thông thường, nhưng có độ bền tương đương.
Điều này đã giúp DAC trở thành nhà cung cấp hàng đầu về cột lều nhôm cho các thương hiệu cao cấp vào những năm 2000.
DAC đã tiếp tục đổi mới, giảm dần độ dày của ống nhôm từ 0,7 mm xuống còn 0,3 mm trong 30 năm qua.
“Ngay cả khi chúng tôi nghĩ rằng đây là giới hạn, chúng tôi vẫn đạt được những đột phá thông qua thử nghiệm và sai sót. Các công ty cạnh tranh không thể theo kịp”.
Vượt trội về mặt kỹ thuật nên DAC không cần phải đi tìm khách hàng. Thay vào đó, “khách hàng đến với chúng tôi”, ông Lah nói.
Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6-2023, DAC đạt doanh thu kỷ lục 61,1 tỉ won (44,3 triệu đô la), gấp ba lần doanh số bán hàng của một thập niên trước do sự bùng nổ của hoạt động cắm trại ngoài trời sau Covid-19.
Nhưng trong năm tài chính tiếp theo, doanh thu của DAC giảm xuống còn 29,8 tỉ won khi các hoạt động cắm trại lắng xuống và các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc giành bớt thị phần.
“Nếu bạn không thể cạnh tranh với tư cách là thương hiệu riêng mà chỉ là một nhà thầu phụ, thì bạn không thực sự được xem là một công ty hàng đầu”, Lah nói. Công ty có kế hoạch quay trở lại với thương hiệu lều JakeLah ra mắt vào khoảng năm 2020.
“Chúng tôi sẽ nâng cấp sản phẩm và hướng đến vị trí hàng đầu thực sự”, Lah nói.
Năm ngoái, DAC đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy đầu tiên ở nước ngoài tại Việt Nam, với mục tiêu cắt giảm chi phí và cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc.
“Chúng tôi phát triển sản phẩm mới bằng cách đến các cửa hàng bán lẻ, quan sát người tiêu dùng và suy nghĩ về cách thế giới sẽ thay đổi tiếp theo”, Lah cho biết.
Có khoảng 8 triệu công ty vừa và nhỏ ở Hàn Quốc, nhiều hơn 3,3 triệu doanh nghiệp có cùng quy mô của Nhật Bản. 80% công nhân Hàn Quốc làm việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, so với 70% ở Nhật Bản.
Trong nhiều năm, Hàn Quốc đã vật lộn để nâng cao sức mạnh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), giúp họ trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn hơn. Dù Hàn Quốc là đất nước của những chaebol tầm vóc toàn cầu như Samsung Electronics và SK Hynix, nhưng các linh kiện và thiết bị sản xuất cho các sản phẩm cuối cùng thường được mua từ nước ngoài.
Nền kinh tế Hàn Quốc do bốn tập đoàn chaebol lớn thống trị, gồm Samsung, SK, Hyundai và LG. Theo Viện CXO chuyên theo dõi doanh nghiệp của Korea CXO Institute, riêng bộ tứ này đã chiếm tới 40% lợi nhuận ròng của tất cả doanh nghiệp ở xứ sở kim chi trong giai đoạn 2011-2020.
Các nhà phân tích cho rằng sở thích mạnh mẽ của những người mới tốt nghiệp muốn làm việc tại một chaebol đã ngăn cản sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ.
Hàn Quốc đã tìm cách phát triển các doanh nghiệp nhỏ qua nhiều chính quyền liên tiếp. Dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol, chính phủ đã đặt mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ có mức tăng trưởng doanh thu 20% trong ba năm liên tiếp lên 100.000 vào năm 2027.
Theo Nikkei Asia
Ricky Hồ / BSA Media