Covid-19 xóa sổ doanh nghiệp nhỏ ở các nước châu Á nghèo

    112
    Ở các nước đang phát triển, sự phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng nạn dịch vẫn đang hoành hành ở khu vực. Wall Street Journal cho chúng ta thấy cái nhìn cận cảnh một số doanh nghiệp nhỏ ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á – Indonesia.
    Rizky Eka Valdano là một doanh nhân trẻ 32 tuổi. Anh đã dành gần một thập kỷ để gầy dựng hãng lữ hành của mình từ con số không. Đầu năm 2020, khi dịch mới bắt đầu, lúc đó công ty nhỏ của anh có 12 nhân viên, một chiếc ô tô và vài thẻ tín dụng. Đại dịch Covid-19 đã quét sạch tất cả trong 10 tháng. Việc kinh doanh của anh bị sụp đổ và anh còn mang nợ. Công ty đóng cửa. Đám cưới chuẩn bị với vị hôn thê cũng kết thúc. Bây giờ, anh sống nhờ trong một căn phòng bên cạnh xưởng của một người bạn làm thợ mộc, bạn cho ở miễn phí.
    Trong khi các công ty đang gặp khó khăn ở các nền kinh tế tiên tiến nhận được hỗ trợ của nhà nướcđể chống lại đại dịch, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở các nước nghèo chỉ nhận được sự hỗ trợ tối thiểu hoặc không có gì. Còn ngân hàng ngoảnh mặt làm ngơ.
    Ông Richard Bolwijn, người đứng đầu chi nhánh nghiên cứu đầu tư của Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTD), cho biết nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã “qua đời và không có dấu hiệu nào của sự phục hồi”.
    Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên Hiệp Quốc, các công ty có ít hơn 50 nhân viên hiện đang chiếm hơn 70% việc làm ở các nước đang phát triển.
    Tại Indonesia – nơi đang trải qua đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á gần 25 năm trước – một nghiên cứu của chính phủ vào tháng 12 cho thấy 98% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bị giảm doanh thu trong đại dịch và 45% nhân viên bị sa thải.
    Hai ngành thê thảm nhất là du lịch cùng các dịch vụ liên quan và bán lẻ.

    Trước đại dịch, cô Yuswati Kastulina đã bán áo sơ mi may thủ công từ hai cửa hàng ở thủ đô Jakarta. Khách tránh các trung tâm mua sắm vì sợ nhiễm virus, cô phải đóng cửa các cửa hàng này năm ngoái, sa thải nhân viên và chuyển hướng kinh doanh trực tuyến. Giống như nhiều doanh nhân ở các nước đang phát triển, cô ấy đã phải vật lộn để xây dựng cơ sở khách hàng trực tuyến. “Tôi đang phải tự may để giảm chi phí sản xuất vì không có quá nhiều đơn đặt hàng”, cô nói.
    Cha mẹ của ông Rizky ly thân khi ông còn là một cậu bé. Những người đòi nợ thường xuyên lui tới nhà của họ ở ngoại ô Jakarta sau khi doanh nghiệp gia đình chuyên cung cấp bánh kẹo cho các tiệm địa phương thất bại. Anh rời nhà năm 16 tuổi, ở chung giường ký túc xá của một người bạn để tiết kiệm tiền học đại học, nơi anh theo học ngành quan hệ quốc tế.
    Khi vẫn còn là sinh viên, năm 2011, anh ấy đã thành lập một công ty du lịch, Maritim Travel Indonesia, vì tin là tầng lớp trung lưu đang mở rộng của đất nước sẽ sẵn sàng trả tiền cho các kỳ nghỉ. Làm ăn khá, hai năm sau, anh bỏ đại học để tập trung phát triển công việc kinh doanh. Đến năm 2017, anh  đã tổ chức các tour du lịch đến tận Hàn Quốc.
    Để thu hút khách hàng trực tuyến, Rizky đã thiết lập sáu trang web có các điểm du lịch hấp dẫn và các hoạt động mạo hiểm. Vào năm 2018, anh đã thuê một văn phòng lớn hơn trong một tòa nhà thương mại hai tầng ở ngoại ô Jakarta. Hăng hái dồn toàn bộ thu nhập của mình vào công việc kinh doanh, anh đã chuyển đổi tầng hai của văn phòng thành không gian sống cho bản thân và ba nhân viên. Doanh thu của công ty đạt 1 triệu đô la vào năm 2019.
    Năm đó, Rizky đã “vung tay” mua sắm nhằm tăng khả năng cạnh tranh của công ty, đến 22.000 đô la cho thiết bị bao gồm sáu máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động mới cho nhân viên bán hàng, máy tính xách tay, hệ thống âm thanh cho các sự kiện và một chiếc ô tô Toyota. Anh dự định trả góp, phần lớn bằng thẻ tín dụng cá nhân của mình.
    Tuy nhiên, khi virus tràn sang Indonesia, anhsớm phát hiện ra là anh đã đầu tư đậm không đúng lúc. Khách hàng đã hủy bỏ các kỳ nghỉ và chuyến tham quan học tập, và Rizky không kiếm được tiền trong hai tháng liền. Với hợp đồng thuê văn phòng được thanh toán đến đầu năm 2021 và các nghĩa vụ hàng tháng ngày càng tăng, anh ấy đã tập hợp nhân viên của mình vào tháng 4.2020, thông báo, nghẹn ngào nước mắt, rằng họ đã hoàn thành công việc.
    Lasyarief Romario, kiếm được gấp đôi khi còn làm nhân viên thiết kế và tư vấn các tour du lịch tại công ty Maritim. Giờ với công việc thợ sửa xe và chạy xe ôm hiện tại, thu nhập của anh giảm 70%. Thay vì làm việc trong một văn phòng có máy lạnh, anh phải làm việc trong cái nắng thiêu đốt của Jakarta.
    Anh Rizky đã thử chuyển hướng sang một ngành kinh doanh mới: mua bán khẩu trang. Tuy nhiên, việc sản xuất mặt hàng này trên toàn cầu rộ lên mạnh và trước khi anh bán hết lô hàng đầu tiên thì giá đã giảm sâu, buộc anh phải bán lỗ.
    Rồi anh có một ý tưởng khác: cung cấp thực phẩm đông lạnh, bao gồm cả rau và xúc xích, cho các nhà hàng ở Jakarta. Một nhà cung cấp đã cho Rizky mượn một chiếc tủ đông. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được thấp và không đủ để trang trải chi phí hàng tháng 5.000 đô la bao gồm các khoản thanh toán cho xe hơi, điện cho tủ đông, máy ảnh và các khoản mua sắm khác trước đại dịch.
    Anh tìm đến các ngân hàng nhưng không gặp may. Còn chính phủ chỉ hỗ trợ anh… 160 đô la.
     “Tôi cảm thấy rất hoang mang”, anh nói. “Tôi có thể lấy tiền từ đâu?”
    Dịch nặng hơn vào tháng 9 và tháng 10.2020, nhu cầu thực phẩm giảm sâu hơn và nhân viên của anh đành rời đi. “Nhân viên của tôi cuối cùng đã thất vọng, bởi tôi đã thất bại. Thua lỗ trong kinh doanh đè nặng lên tôi”, anh nói.

    Anh Rizky  bắt đầu bán phần lớn thiết bị kinh doanh từ tháng 12 và thế chấp xe hơi cho tiệm cầm đồ, nhưng những chủ nợ vẫn đeo bám.
    Cha của Rizky phải đến tìm gặp anh trong cơn tuyệt vọng và đã đề nghị bán ngôi nhà của gia đình để giải quyết các khoản nợ của Rizky, bao gồm thẻ tín dụng và thuế doanh nghiệp chưa thanh toán, hiện ở mức 25.000 đô la.
    “Tôi hoàn toàn phá sản”, anh nói.
    Doanh nghiệp Việt Nam có khá hơn không?
    Gói trợ giúp Covid năm 2020 của chính phủ cho doanh nghiệp tới 62.000 tỷ đồng, chỉ giải ngân được 53% – theo các báo cáo.
    Theo thông tin từ Bộ Lao động – thương binh & xã hội: Tính đến ngày 27.5.2021, Chính phủ Việt Nam thực hiện hỗ trợ bằng tiền mặt cho hơn 14,4 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí trên 32.694 tỷ đồng. Như vậy, kết quả thực hiện hỗ trợ chỉ đạt hơn 53% so với kế hoạch trong gói hỗ trợ 61.580 tỷ đồng
    Trong khi đó, ngành du lịch đang bị tê liệt gần như hoàn toàn, thậm chí một số doanh nghiệp đã phá sản.
    Ngày 15.6, Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan kiến nghị mở rộng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19.
    Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, việc cơ cấu lại thời hạn trả, miễn, giảm lãi, phí… và quy định các doanh nghiệp được ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ thêm 12 tháng thì thực tế các doanh nghiệp du lịch rất khó khăn trong thanh toán các khoản nợ. Báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM cho thấy đến nay chỉ còn khoảng 50% doanh nghiệp lữ hành hoạt động.
    Trong 5 tháng đầu năm, tổng cộng 171 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Các doanh nghiệp đều cắt giảm từ 50 – 80% lao động để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.
    Hãng lữ hành đóng cửa, hướng dẫn viên bỏ về quê, bán hàng online.
    Vũ Khánh (Theo TGHN)
    Giữ gậy golf khô ráo với Sơn Thủy