Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản (*): Chế biến nông sản – khâu đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

279
Chế biến ngày càng trở thành yếu tố quyết định cho việc nâng cao giá trị gia tăng (GTGT) nông sản và phát triển nông nghiệp bền vững, hạn chế tình trạng “được mùa rớt giá”, “giải cứu nông sản” như trước đây.
Đã hình thành hệ thống chế biến nông sản với quy mô hơn 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến, bảo quản quy mô nhỏ, hộ gia đình… duy trì tốc độ tăng trưởng 8 – 10%/năm đảm bảo công suất chế biến khoảng 120 triệu tấn nông, lâm, thuỷ sản (NLTS) các loại mỗi năm. Chế biến NLTS đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung, quy mô lớn…
Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách để định hướng và khuyến khích phát triển nhất là các chính sách phục vụ tái cơ cấu ngành và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến NLTS chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp, còn bộc lộ nhiều tồn tại, đó là:
(1) Đóng góp của công nghiệp chế biến nông sản để làm tăng GTGT của nông sản hàng hoá còn nhiều hạn chế, tác động đến việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa mạnh;
(2) Chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tổn thất sau thu hoạch còn cao khoảng 10 – 20% tùy theo ngành hàng;
(3) Công nghệ chế biến nông sản nhìn chung chưa cao chỉ đạt ở mức trung bình (ngoại trừ một số tổ hợp chế biến nông, lâm, thủy sản hiện đại được đầu tư trong 4 – 5 năm trở lại đây), sản phẩm chế biến sâu có GTGT cao tỷ lệ còn thấp (10 – 40% tùy ngành hàng), chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú;
(4) Tổ chức liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn;
(5) Việc sử dụng các phế phụ phẩm để sản xuất các sản phẩm phụ, nâng cao hiệu quả sản xuất còn hạn chế, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển;
(6) Công tác phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến còn hạn chế, cơ cấu thị trường có thay đổi, song vẫn còn lệ thuộc quá lớn vào một hoặc một số thị trường;
(7) Việc đầu tư vào chế biến nông sản còn khó khăn, nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp; những năm gần đây đã thu hút một số tập đoàn kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản nhưng số lượng còn hạn chế (Doveco, TH, Nafood, Masan, Dabaco, Minh Phú…).
Nguyên nhân chính của những tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Một nguyên nhân quan trọng đó là chưa có chính sách mang tính “đột phá” cho lĩnh vực này; triển khai thực hiện cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, thiếu các quy định chi tiết để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với từng ngành hàng; thu hút các doanh nghiệp lớn, đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng thị trường quốc tế chưa mạnh.
THÁCH THỨC
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, dịch bệnh đe dọa sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu phục vụ chế biến. Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn theo hướng hiện đại. Nguyên liệu phục vụ chế biến chất lượng chưa cao, vẫn còn tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm (nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong chăn nuôi), kiểm soát chất lượng nông sản đang là thách thức lớn.
Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp của thế giới, các nguồn lực (vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và hội nhập) còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư đổi mới công nghệ và thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Thị trường thế giới nhiều biến động, trong khi nông lâm thủy sản Việt Nam còn phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số thị trường (Trung Quốc, Mỹ, EU). Và ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Các chính sách bảo hộ, thuế nhập khẩu, các rào cản phi thuế quan của các nước nhập khẩu gây khó khăn cho xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt nam.
Mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế tạo ra sự cạnh tranh mạnh từ các nước có nền công nghiệp phát triển. Ngày càng nhiều các sản phẩm nông sản của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam với mẫu mã, chật lượng vượt trội cạnh tranh với các sản phẩm chế biến trong nước.
Về định hướng và giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản trong thời gian tới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành một số Đề án/chính sách có tính định hướng đối với lĩnh vực chế biến nông sản để các địa phương triển khai:
– Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng hàng NLTS trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch” (Quyết định số 1003/QĐ-BNN-CB ngày 13/5/2014), với mục tiêu: “Đến năm 2020, GTGT các ngành hàng nông lâm thủy sản tăng bình quân 20% so với hiện nay…, tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản giảm 50% so với hiện nay”;
– Kế  hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến  năm 2030 (Quyết định số 245/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 16/1/2019); với mục tiêu: Công nghiệp chế biến nông sản đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp hiện đại; Trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN; một số ngành hàng dẫn đầu thế giới.
Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết Chính phủ “đặt hàng”, trong thời gian từ nay đến 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp mang tính chiến lược chủ yếu sau:
Một là: Tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu nông sản cho khâu chế biến, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định.
Hai là: Đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường tiêu thụ và khả năng sản xuất nguyên liệu; khuyến khích phát triển chế biến phế phụ phẩm trong nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ phục vụ chế biến, bảo quản nông sản.
Ba là: Phát triển mạnh các cơ sở sơ chế, bảo quản NLTS tại các vùng sản xuất nguyên liệu nhằm giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến và bảo quản nông sản để tạo ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá thành hạ, GTGT cao (Thực phẩm làm sẵn, ăn liền, dược phẩm, mỹ phẩm…), đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bốn là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp chế biến nông sản theo hướng đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp và công nhân lành nghề có hiểu biết về khoa học công nghệ, kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Năm là: Nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp chế biến nông sản theo hướng tăng cường năng lực, nguồn lực, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Sáu là: Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách:
– Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chính sách khuyến khích phát triển đã ban hành (Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Nghị định 98/2018/NĐ-CP, Luật số 04 – Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…);
– Xây dựng chính sách phát triển có tính “đột phá”, sáng tạo, độc đáo; tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản và phế phụ phẩm sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp (theo hướng ưu đãi về thuế, cơ chế thuận lợi về đất đai để tạo vùng nguyên liệu; hỗ trợ đầu tư công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện môi trường,…).
Bảy là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống quản lý ngành:
– Tăng cường việc triển khai thực hiện các chính sách của TW xuống địa phương một cách thông suốt, hiệu quả, nhất là việc đầu tư phát triển chế biến NLTS tại địa phương được thẩm định phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành nông nghiệp, trong mối liên kết vùng miền, khu vực trong phạm vi cả nước.
– Xem xét việc chồng lấn trong quản lý nhà nước đối với chế biến một số ngành hàng (chế biến sữa, chế biến tinh bột sắn,…) giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo gắn kết chặt chẽ theo hệ thống chiều dọc được thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, có hiệu lực và hiệu quả.
– Nghiên cứu, xây dựng Nghị định về quản lý lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản, gắn bó chặt chẽ với sản xuất nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo phát triển biền vững ngành nông nghiệp và triển khai các Luật chuyên ngành trong ngành nông nghiệp.
(*) Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Nộ NN-PTNT)