Đà Lạt giữa mùa vắng du khách

    541
    Tự dưng thanh yên. Tự dưng “Đà Lạt”… trở về. “Đà Lạt” đã đi đâu mất tiêu hai mươi lăm năm qua, để bây giờ ló dạng thế này.
    “Mùi Đà Lạt” chợt bay qua
    Tôi nhận ra mọi người, trời ơi. Lạ lắm, mọi người nhận ra nhau. Cả cái phố núi bé nhỏ này người ta có thể vốn thuộc làu nhau mà. Chúng ta đã bị “loãng” ra bởi du lịch, nhòe đi, lạc lẩn mất nhau, bởi du khách, mà ở trung tâm phố du khách lắm, đông hơn thường trú nhân. Bấy nay nhiều khi có cảm giác nó như một cái “quận” ký gửi trên núi xa của người Sài Gòn, cho nhu cầu nghỉ, xả của họ. Những đoàn xe ùn ùn ấy bỗng chợt tắt. Những dòng người ngoại xứ lô nhô rợp phố chợt vắng tạnh. Giờ chỉ thấy người Đà Lạt.
    Và nỗi hoang sơ phố trở về. Thanh tĩnh là đặc sản và bản sắc của phố núi mà, thứ quạnh quẽ hoang vắng thanh cao, không phải chỉ trong thi phẩm Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử, nhạc phẩm Thương về miền đất lạnh của Minh Kỳ, Đồi thông của Y Vân, Chuyện tình hồ Than thở của Anh Bằng, Thành phố buồn của Lam Phương, hay sinh mầm cho triết phẩm Sự im lặng của hố thẳm của Phạm Công Thiện. Sự sang cả tự dưng ghé qua. Là khi đất trời cao nguyên hiện ra hình hồn vía, cho dù ai đó thời gian qua đương tay làm ê ẩm thân thể nó. Quanh hồ Xuân Hương thi thoảng mới thấy dăm ba người rảo bước thể dục. Dĩ nhiên họ đúng người gốc “ngo” (thông).
    Những cỗ xe ngựa cũng ngồi yên, hoặc về ngủ nơi các xóm ấp ngoại ô. Hàng rong, xe bán gỏi xắp xắp, sữa đậu nành, bắp nướng, khoai lang, bánh mì xíu mại, đồ len vỉa hè… cũng biến mất. Đường vào chợ Đà Lạt vốn ngợp người giờ thênh thang mặt đường lẫn vỉa hè. Dãy cà phê đường Nguyễn Chí Thanh kia chỉ người Đà Lạt ngồi với nhau, thì nói chi quán nhậu, hay khách sạn mà cũng chẳng bao người muốn ra ngồi.
    Tôi nhìn rõ cây nơi hàng phố. Tôi nhìn thấy chim chóc nhảy đùa; chúng líu lo trên những cây mai anh đào giữa phố, và chỗ cây phượng tím cổ thụ kia. Ai đó yêu đời hơn, cận cảnh sẽ quan sát được từng viên gạch lề đường, mọi ô cửa phố phường, hay cả những mái ngói cổ âm dương cuối cùng ở khu Hòa Bình xanh rì địa y bởi mùa mưa. Ai đó muốn vẽ tranh sẽ đủ hình hài Đà Lạt mà cọ cảm.

    Khi người Đà Lạt đơn sơ, lững thững
    Đà Lạt bỗng nhiên chậm lại.
    Kìa những “con đường tình” cong cong lưng chừng dốc hiện ra chờ người tình. Có gì đó rất “lữ thứ”. Những mảng rừng còn lại đây đó len lỏi giai điệu lá kim theo gió. Âm thanh xa hoa mang sắc xứ nồng nàn ký ức cũ. Cũng cảm xa hơn sự se sắt của cái lạnh. Cái lạnh bên ngoài của trống vắng. Cái lạnh ở bên trong cơ thể đô thị. Mùi hương lạnh, à, cái mùi hương lạnh thân quen. Thành phố chợt cô liêu, mà cô liêu là “vị” của Đà Lạt. “Lạnh” và “vắng” là chất liệu chính của hình cốt Đà Lạt. Không gian đủ đầy để những bóng hình cần nhớ lên dây và những cơn thèm mơ tưởng nhảy múa.
    Hình như thành phố đang rất nhớ những “sinh hoạt” của nhiều tháng trước đó. Mấy chục năm phố núi tập ồn ào để kiếm tiền, thì làm sao nó không quen nhịp, khi lúc này chỉ là tạm vắng. Có gì đó rất xung đột giữa dư vang quá vãng vàng son và sinh khí đương thời. Rất thênh thang, khoáng đạt, tự do. Tất cả rất lang thang. Sắc thái của thanh bình. Và cũng là màu của dè dặt, e ngại cùng sợ sệt dịch bệnh, dù cả thành phố này không có khu nào phải phong tỏa hay cách ly như đô thị nào đó ngoài Bắc trong Nam.
    Thành phố cứ vậy hiền khô. In khuôn bóng thơ mộng. Phố núi cứ như đang miễn cưỡng rực rỡ, rực rỡ đặc trưng của mình. Lang thang phố cho thỏa cơn thèm “Đà Lạt” buổi hào hoa “tiểu Paris” nào cũ, lúc mà du lịch chưa thành nền “công nghiệp không khói” ở đây, và miền đất còn là du lịch tài tử, còn ở trạng thái khái niệm “tiềm năng”. Vậy mà những tuần qua, mặt người ai cũng hoàn nét đơn sơ, bặt thiệp, chơn chất, đi không nhanh- ăn không vội- nói không ồn. Khi người Đà Lạt đơn sơ, lững thững là lúc người Đà Lạt “đẹp” nhất. Chao ôi, một Đà Lạt không son phấn, khoe khoang, diêm dúa, hãnh tiến, nôn nao, đợi khách. Là thứ gì ở đây cũng ngời ngời. Một Đà Lạt không bị lấn lướt. Đà Lạt thật, Đà Lạt phong lưu, thâm trầm, xa xỉ thế đó. Một “Đà Lạt” thuộc về mình, là mình. An nhiên, tĩnh tại.
    Nhưng mà Đà Lạt cần phải sống, và sống đúng theo thời, cơ hội, cùng nỗi xót tiếc. Đà Lạt phải mở toang cửa mình cho người mười phương “relax” thôi. “Đi du lịch” là quyền của mọi người. Du lịch là lời nguyền của Đà Lạt, cho sinh tồn, về một trang xu thế mới. Khắp trái đất này giờ cũng thế. Bán thơ mộng để kiếm tiến. Đổi thơ mộng, lấy vật chất. Dù biết, ai nuôi dưỡng được tài nguyên thì “bán” được lâu dài, và còn thấy bản sắc quê xứ.

    Khi du lịch thăng hoa thì những tuyệt phẩm âm nhạc hay thi ca, văn chương về thành phố này lặng bóng, dù người viết chắc có thể nhiều hơn và tác phẩm có thể bao la hơn. Điều này chỉ có hồn vía và thiên nhiên Đà Lạt mới trả lời được. Nghĩa rằng bóng dáng của Đà Lạt xưa, “mùi” của Đà Lạt buổi ban đầu quá vãng nó quan trọng nhường nào đối với sự sống của xứ sở này. Nó đã không còn xác, nhưng dưỡng khí, dưỡng chất đó cứ vang vang ngấm vào trời đất, mà Đà Lạt nay vẫn “hô hấp”.
    Cái “con” coronavirus tận đâu đâu, đẩy Đà Lạt vào sự bất bình thường của hiện thời nhưng bình thường của buổi nào, dù tôi cũng oán ghét tính chết chóc của nó. Đà Lạt bất bình thường kể từ khi nền du lịch cao sang nhẩn nha – phiêu lãng – lượn lờ thành nền “công nghiệp” du lịch. Nhưng “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” như nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã viết.
    Đà Lạt hấp dẫn là khi không có không khí du lịch. Nhưng không có người Sài Gòn thì Đà Lạt sẽ tồn tại sao đây? Khách sạn sẽ “đói”. Nhìn nhà xe nổi tiếng Thành Bưởi chuyên chạy tuyến Sài Gòn xếp lớp xe ở bãi để nín thở “nghe” Covid-19 mà thương. Giữa bối cảnh dịch bệnh làm địa phương nào cũng ái ngại người từ Sài Gòn. “Đà Lạt” là dưỡng khí nào đó cho tâm hồn người Sài Gòn. Nhưng Sài Gòn là dưỡng khí cho đời sống kinh tế phố núi này. Như ba cây sú lơ anh mua chỉ giá mười ngàn đồng ở góc một ngã ba của phố núi mà chị bán còn tặng thêm cho cây nữa bảo “ăn giùm”, dù giá thành mỗi cây từ khi trồng đến lúc thu đã mười lăm ngàn đồng, khi nông phẩm ứ ự vì dịch coronavirus kia trên người.
    “Bình thường” nơi lớp vỏ. Một bình thường giả tạm.
    Cõi đời này, cái đẹp và cái bao tử nhiều khi không cùng nhịp, kháng cự nhau. Khi mà mọi nền tảng ban đầu đã trượt đi quá xa, trật cả đường ray, cho tinh thần dưỡng chất bền vững của một thành phố thanh cảnh an lành. Dù mong Đà Lạt đẹp, nhưng cũng không mong từ tình huống đang như, Covid -19, vì nó giống quà tặng ngoại ý nham hiểm của quỷ dữ.

    Tôi mong người ta có triết lý về phát triển Đà Lạt và đưa thành phố vô cùng thương quý này đi kiên định bất biến trên cái nền đặc sắc riêng có đó, là phát triển bất cứ thứ gì trên đó cũng không làm tổn hại đến hồn cốt bản sắc của mình. Bởi Việt Nam chỉ có một nơi như Đà Lạt thôi, vì không ai có thể “nhân bản” một cao nguyên Langbian và sinh ra một thành phố tích hợp nhiều giá trị đến thế. Chân dung “thiên đường du lịch” khi nhiễu xạ từ xa dư chấn coronavirus quét qua nó thế đó, khi mà ở dưới kia đang bị phong tỏa giãn cách xã hội vì nó chứ không như phố núi cao này trời thương, vẫn tự tại an yên.
    Cũng nhờ cái khoảnh khắc hiếm hoi nghiệt ngã này mà sau mớ hỗn độn mê man viết ở trên, giờ tôi tận dụng để ngồi nhớ em cho “đã” đời. Tôi sẽ nhớ Đà Lạt thật “chín”, cảm nhận tới tế bào, bởi thành phố đặc biệt này sinh ra cho thứ trên hết là Tình yêu chứ không phải để nhắm vào tiền, vì “nhiệm vụ” kiếm tiền chỉ nên là của những thành phố bình thường khác. Nếu ích kỷ, thì đâu chỉ mình tôi và em thương và ích kỷ vì Đà Lạt, là khi ta hát lên: “Còn đâu đẹp hơn, quyện dưới chân đồi / Cả rừng thông hát lên cung đàn u hoài” – lời nhạc Y Vân.
    Nguyễn Hàng Tình (Theo TGHN)
    Điệu đà cho nàng thêm rạng rỡ với NTJ