Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm

    103
    Hơn một năm mệt mỏi với Covid-19 tưởng như tuyệt vọng, cuối cùng nhân loại cũng đã thấy ánh sáng cuối đường hầm từ vaccine. Nhưng để có thể thực sự vượt qua được đại dịch, nhân loại còn nhiều việc phải làm.
    “Kẻ ăn không hết người lần không ra”
    Cuối tuần, ngồi chat với một người bạn ở quận Cam, tôi hỏi tình hình chích ngừa Covid-19 bên đó thế nào, bạn trả lời: “Ở đây vaccine thừa mứa, nhưng người dân không buồn chích. Tội cho nhiều nước nghèo, muốn chích lại không có vaccine”. Cuộc đời quá trớ trêu, trong khi các nước nghèo chật vật đủ cách tìm vaccine để chích cho dân, thì ở một số nước giàu vaccine lại… ế ẩm. Thật vậy, vào giữa tháng 5 tại Mỹ một số bang xảy ra tình trạng thừa vaccine đến nỗi chính quyền phải tìm cách giải quyết số liều dư, đồng thời yêu cầu chính quyền liên bang ngưng gửi thêm vaccine. Dư thừa vaccine có nhiều nguyên nhân. Có thể trước đây do lo xa, nên các nước giàu tung tiền mua vaccine thủ sẵn, nay thì cung nhiều hơn cầu thành ra thừa. Nhưng cũng có thể do người dân không mặn mà chích ngừa.
    Thật vậy, giữa tháng qua nhận thấy tình hình chích ngừa chậm lại, vài bang của Mỹ phải “dụ” dân chích bằng cách tặng tiền, bia hay vé xem sự kiện thể thao, thậm chí tại bang Ohio chính quyền còn tổ chức xổ số với giải thưởng lên đến… 1 triệu USD! Thật tréo ngoe, trong khi đó ở các nước nghèo người dân phải giành nhau từng mũi chích. Đúng là “kẻ ăn không hết người lần không ra”.
    Nhưng đáng nói là thái độ thờ ơ với vaccine không chỉ ở người thường mà cả ở nhân viên y tế. Thống kê tại Anh công bố hồi tháng 4 cho thấy có đến 1/4 nhân viên y tế nước này không muốn chích vaccine ngừa Covid-19.
    Không chịu chích vì họ cho rằng mình đã nhiễm bệnh trong 12 tháng qua nên chích cũng bằng thừa, rồi nào là sợ phản ứng bất lợi của vaccine, nghi ngờ vaccine chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đúng là hiểu biết nhiều đôi khi… lại khổ!
    Vì mình và cũng vì người
    Đâu chỉ nước ngoài, ở nước ta không ít nhân viên y tế cũng dửng dưng với vaccine ngừa Covid-19.
    Tháng qua, trong lần uống cà phê sáng với vài bác sĩ làm việc ở một bệnh viện của TP.HCM sắp được chích ngừa Covid-19, tôi hỏi: “Các bạn có chích không?”. Bác sĩ A. nói: “Em thường xuyên làm trong phòng mổ, tiếp xúc bệnh nhân ít nên không cần”. Bác sĩ T., ngồi cùng bàn lại nêu lý do khác: “Việt Nam kiểm soát dịch tốt rồi, tôi cũng không chích”.
    Thời điểm đó dịch Covid ở nước ta đúng là yên ắng, nhưng tôi bất ngờ với sự thờ ơ trên, bởi trong 11 nhóm người được chính phủ ưu tiên chích ngừa, nhân viên y tế được xếp đầu tiên. Họ không chích thì làm gương cho ai? Họ không chích, nếu không may mắc bệnh lấy ai canh giữ bệnh viện, thành trì chống dịch cuối cùng?
    Có lẽ ai cũng biết kiến thức sơ đẳng của chích ngừa, không chỉ bảo vệ mình mà còn người khác (người chích ngừa sẽ không mắc bệnh nên không lây cho người khác). Nhưng quan trọng hơn, nếu nhiều người cùng chích và đạt đến một tỷ lệ đủ lớn (gọi là “miễn dịch cộng đồng”) thì dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi.  Đầu năm 2019, tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp chần chừ chích vaccine là 1 trong 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Đó là thời điểm trước đại dịch, chứ hiện nay cấp bách hơn. Chậm chích ngừa sẽ làm đại dịch kéo dài, gia tăng tổn thất và khiến virus biến đổi nguy hiểm hơn.
    Chích ngừa: Lợi ích rất nhiều
    Thật tình lý do phổ biến khiến nhiều người do dự chích ngừa là sợ các phản ứng bất lợi của vaccine. Đầu tháng 5, một nhân viên y tế ở An Giang tử vong vì sốc phản vệ sau chích ngừa Covid-19 khiến không ít người lo lắng. Tương tự, việc phát hiện mối liên hệ giữa chứng đông máu trong mạch và vaccine ngừa Covid-19 của Astra-Zeneca cũng gây hoang mang.
    Thế nhưng, đến nay y học khẳng định lợi ích do vaccine mang lại vượt xa rất nhiều so với bất lợi. Trên Facebook cá nhân, GS – BS Trần Tịnh Hiền, từng làm việc tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford (OUCRU) TP.HCM, đề nghị gọi đây là “biến cố bất lợi” thay vì “phản ứng phụ”. 
    Trong thực tế, cách gọi “biến cố bất lợi” liên quan đến tiêm chủng này đã được các tổ chức uy tín như WHO, CDC Hoa Kỳ sử dụng vì nêu đúng bản chất sự việc và không làm dân chúng lo sợ.
    Có người sẽ nói: “Rắc rối chi vậy, gọi sao cũng được mà!”. Không đơn giản như thế, vì nếu gọi không đúng, theo GS Hiền, công chúng sẽ nghĩ là “do vaccine gây ra”. Đổ tội cho vaccine, người dân lo sợ tiêm chủng thì khi nào mới kết thúc đại dịch? GS Hiền nói: “Nếu giải thích rõ thì đâu có sao, sai một ly sẽ đi một dặm”.
    Sau nhiều tháng thiệt hại nặng nề do đại dịch, nhờ triển khai chích ngừa kịp thời và rộng rãi mà cuộc sống đã dần trở lại bình thường ở nhiều quốc gia. Đó là bài học sinh động nhất của việc chích vaccine.
    An Nhiên (Theo TGHN)
    Doanh nghiệp HVNCLC tiếp tục đồng hành cùng đội ngũ y bác sĩ chống dịch Covid-19