Đài Loan đang thảo luận với Việt Nam về “bong bóng du lịch”

578
Theo quy định mới của CECC, kể từ ngày 1/3, khách doanh nhân đến từ các quốc gia hoặc khu vực có nguy cơ thấp chỉ phải trải qua 5 ngày cách ly, trong khi khách doanh nhân từ các khu vực có nguy cơ trung bình cần phải cách ly 7 ngày. - Ảnh: Taiwan Today
Tiêu điểm:
Đài Loan đang thảo luận với Việt Nam về “bong bóng du lịch”
Trung tâm Chỉ huy Dịch tễ của Đài Loan (CECC) thông báo tối 25/3 rằng sẽ đưa Việt Nam và Singapore vào danh sách các nước có nguy cơ thấp – theo trang Taiwan News. Điều này có nghĩa rằng doanh nhân từ Việt Nam và Singapore sẽ chỉ phải cách ly trong 5 ngày thay vì 14 ngày, khi đến công tác tại Đài Loan.
Việc đưa Việt Nam và Singapore vào danh sách các nước có nguy cơ thấp cũng thúc đẩy nhanh việc hình thành bong bóng du lịch giữa Đài Loan với Việt Nam và Singapore.
Việt Nam và Singapore đã đáp ứng các tiêu chí của CECC để được hạ cấp độ rủi ro từ trung bình xuống mức độ rủi ro thấp trong hai tuần liên tiếp. Theo quy định của CECC, kể từ ngày 1/3, khách doanh nhân đến từ các quốc gia hoặc khu vực có nguy cơ thấp chỉ phải trải qua 5 ngày cách ly, trong khi khách doanh nhân từ các khu vực có nguy cơ trung bình cần phải cách ly 7 ngày. Khách đến từ các nước và các khu vực khác phải cách ly 14 ngày.
Theo bảng phân loại của CECC, Đài Loan xếp Việt Nam và các nước sau vào nhóm có nguy cơ thấp, bao gồm: New Zealand, Macau, Pulau, Fiji, Brunei, Lào, Nauru, quần đảo Marshall Islands, Bhutan, Úc và Singapore.
Trước đó, Taiwan News cũng nói rằng Đài Loan đang thảo luận việc hình thành bong bóng du lịch với 5 nước, bao gồm Việt Nam, Pulau, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tức là du khách từ Đài Loan đến 5 nước trên và ngược lại sẽ không phải bị cách ly sau khi nhập cảnh.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Lâm Giai Long (Lin Chia-lung) nói việc thảo luận với năm quốc gia trên được tiến hành vào cuối năm 2020. Bong bóng du lịch đầu tiên của Đài Loan sẽ được thiết lập với Pulau – quốc gia quần đảo ở Tây Thái Bình Dương – từ ngày 1/4 sắp tới với các chuyến bay đầu tiên do China Airlines thực hiện. Từ ngày 21/4, Eva Airways sẽ tham gia đường bay này.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, với hơn 920.000 lượt khách, Đài Loan đứng thứ tư trong bảng xếp hạng du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019, xếp sau Trung Quốc (hơn 5,8 triệu lượt), Hàn Quốc (gần 4,3 triệu lượt) và Nhật Bản (hơn 950.000 lượt).

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,1 – 55,5 triệu đồng/lượng, không đổi so với giá khảo sát hôm trước. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.733,7 USD/ounce, tăng 7,3 USD/ounce, tương đương 0,42% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, nhà đầu tư mua mạnh giá vàng trong vai trò công cụ trú ẩn của đồng tiền khi những diễn biến tại châu Âu phát đi thông điệp về khả năng các biện pháp phong tỏa sẽ được kéo dài do đại dịch Covid-19 lây lan mạnh.
2/ Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến nửa đầu tháng 2/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đạt 13,55 triệu USD, giảm 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, với việc ngay từ đầu năm 2020, việc các nhà máy chế biến thủy sản Trung Quốc trở lại muộn, gián đoạn giao thương đã khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đột ngột giảm sút. Tuy nhiên sau đó, chính sách kiểm soát dịch bệnh qua đường biên và tại các cảng, cửa khẩu đối với tất cả sản phẩm thực phẩm nhập khẩu của Trung Quốc đã khiến không chỉ cá tra Việt Nam mà nhiều sản phẩm thủy sản nhập khẩu khác của các nước bị ngưng trệ.
Năm 2020, có gần 145 doanh nghiệp, hợp tác xã xuất cá tra sang thị trường Trung Quốc, 40 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông.
3/ Theo báo cáo vừa công bố của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Mỹ là thị trường chủ lực đóng góp vào kỳ tích xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm của Việt Nam. VIFORES cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ năm 2020 đạt 7,166 tỷ USD, tăng 34,37% so với năm trước đó, ghi nhận mức tăng cao nhất trong số các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu chính Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và EU là 5 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kim ngạch từ 5 thị trường này đạt 10,78 tỷ USD, chiếm 89,7% về trị giá xuất khẩu G&SPG của Việt Nam trong năm.
4/ Bộ Công Thương vừa công bố danh sách các thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo của Việt Nam, trong danh sách này, cả nước có 207 doanh nghiệp được cấp phép, tăng 15 doanh nghiệp so với thời điểm hồi tháng 7/2020. Cần Thơ là địa phương tập trung nhiều thương nhân xuất khẩu gạo nhất cả nước với 44 đơn vị được cấp phép, tiếp theo đó là TPHCM với 38 doanh nghiệp, Long An có 25 doanh nghiệp, An Giang có 21 doanh nghiệp và Long An có 19 doanh nghiệp. Lũy kế xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15/3 đạt 858.605 tấn, trị giá khoảng 470,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu gạo đã giảm hơn 33,7% về lượng nhưng tăng gần 21,8% về giá trị. Hiện tại, các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Ghana…
5/ Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả nửa đầu tháng 3/2021 đạt 182.323.160 USD, so với nửa đầu tháng 3/2020 tăng 19,54%. Cộng dồn từ ngày 1/1/- 15/3/2021 xuất khẩu rau quả đạt 745,864 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 9,40%. Thị trường Trung Quốc hhiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Tuy nhiên, các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc … vốn chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng đều tăng trưởng khá trong năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKFTA) đã hứa hẹn tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế – thương mại trong thời gian tới. Khi Hiệp định có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%.
6/ H&M cùng một loạt thương hiệu thời trang và trang phục thể thao khác đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc. Theo đó, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cùng nhiều cơ quan truyền thông nước này đã đăng tải bài viết phản đối và kêu gọi tẩy chay hãng thời trang H&M sau khi thương hiệu này tuyên bố sẽ không làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương và không mua bông sản xuất ở Tân Cương. Sự phẫn nộ này bắt đầu nổi lên từ những bình luận trên mạng xã hội Sina weibo kèm theo đó là các hashtag kêu gọi gỡ bỏ sản phẩm của H&M.
Nike, Adidas,  New Balance, Zara, Uniqlo và nhiều thương hiệu khác có thể bị người tiêu dùng Trung Quốc trong thời gian tới.
7/ Theo Tesla cho biết vào hôm nay, họ sẽ bắt đầu chấp nhận khách thanh toán bằng Bitcoin, với khẳng định sẽ giữ số Bitcoin này chứ không chuyển thành tiền tệ khác. CEO Tesla Elon Musk cho biết thêm rằng Tesla sẽ giữ số Bitcoin khách hàng thanh toán và không chuyển đổi sang thành loại tiền tệ khác. Trước Tesla, HGreg Group cũng chấp nhận cho khách hàng mua xe trả bằng Bitcoin tại Mỹ và Canada từ đầu tháng này. Hồi tháng 2, Tesla công bố đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin và cũng tiết lộ ý định chấp nhận tiền điện tử này như một hình thức thanh toán. Động thái này của Tesla đã đẩy giá Bitcoin lên kỷ lục. Hiện tại, mỗi Bitcoin đã có giá hơn 56.600 USD.
8/ Theo Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz, tổng số nợ quốc gia của nước này hiện ở mức 879,6 tỷ RM (khoảng 213,8 tỷ USD), tương đương 62% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bao gồm các khoản vay nước ngoài và các khoản vay khác. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ tự áp đặt áp dụng giới hạn trần nợ ở mức 55% GDP cho cả nợ trong nước và nợ nước ngoài. Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát, Malaysia cần linh hoạt hơn về tài chính để đảm bảo sức khỏe của cộng đồng cũng như sinh kế của người dân. Theo quy định của Đạo luật các biện pháp tạm thời đối phó với dịch Covid-19, mức trần nợ của Chính phủ Malaysia được tăng lên mức 60% GDP. Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục tuân thủ các giới hạn của từng loại nợ theo quy chế quản lý tương ứng để đảm bảo kỷ luật tài khóa.
9/ Facebook đã đề xuất Quốc hội Mỹ cân nhắc quy định buộc các nền tảng kỹ thuật số phải đáp ứng yêu cầu sàng lọc thông tin độc hại mới được hưởng quyền miễn trừ pháp lý khi lưu trữ và đăng tải các nội dung của người dùng từ thứ ba. Đây là một đề xuất thay đổi pháp lý có thể ảnh hưởng tới hàng loạt các công ty công nghệ trực tuyến. Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cho rằng thay vì đương nhiên được hưởng quyền miễn trừ pháp lý, các nền tảng này phải đảm bảo có đủ năng lực công nghệ sẵn sàng phát hiện các nội dung bất hợp pháp và gỡ bỏ những nội dung đó. Từ nhiều tháng nay, Facebook đã công khai ủng hộ phải có quy định quản lý không gian mạng. Trong khi đó, Twitter và Google đều tỏ rõ họ sẵn sàng thảo luận về những đề xuất thay đổi pháp lý với Quốc hội nhưng không nêu cụ thể họ muốn thay đổi Mục 230 như thế nào.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Vietnam Airlines tiếp tục khai thác thị trường bay hồi hương từ Mỹ